Rau tên lửa, hành lá, và trang giấy trắng khởi đầu

Ảnh: Sander Weeteling/Unsplash
Share:
Văn Hóa - Văn Nghệ
Văn Hóa – Văn Nghệ
Rau tên lửa, hành lá, và trang giấy trắng khởi đầu
/

Đầu năm học này, thầy giáo lớp Bốn của con gái tôi cho cả lớp một câu hỏi: Em đã làm được điều đặc biệt gì trong thời gian ở nhà vì đại dịch? Con bé nhà tôi trả lời: Trồng được Arugula cho món xà-lách trộn!

Arugula (tên tiếng Việt là rau tên lửa) là loại rau dễ trồng và mau thu hoạch nhất trong các loại xà-lách: chỉ khoảng ba tuần là có thể ăn. Tôi biết được điều đơn giản đó là “nhờ” đại dịch. Con gái tôi biết rải hạt, tưới nước và cắt rau tên lửa trong vườn nhà, cũng nhờ vậy. Chúng tôi đã phóng được mấy lứa rau tên lửa vào “vũ trụ mâm cơm” của gia đình. Điều mà mới hai năm trước thôi, chúng tôi không hề nghĩ tới, khi hàng tuần vào siêu thị bốc một hộp “tên lửa” giá vài đôla cho vào giỏ đi chợ.

Cũng như nhiều bạn bè, người thân của tôi ở Sài Gòn trong mấy tháng lockdown ngặt nghèo vừa qua bỗng… cặm cụi trồng hành. Những bụi hành mọc lên ở ban công, trên sân thượng, của người thành phố. Cái loại rau rẻ bèo ấy, giữa những tháng ngày tê liệt lưu thông vì giãn cách bỗng thành “thiết yếu” với không ít người. Đến độ một chị bạn nhà báo của tôi đã viết vui trên Facebook rằng “Chuẩn giàu, nhà có điều kiện hiện nay không phải villa, xe hơi, du thuyền, máy bay, mà chính là… nhà có nhiều hành”.

Rau tên lửa (Arugula) thu hoạch chỉ sau hơn ba tuần gieo trồng (ảnh: Thúy Hà)
Con gái 9 tuổi của tôi thu hoạch rau trong vườn nhà thời COVID (ảnh: Thúy Hà)

Không chỉ hành lá hay rau tên lửa, trong năm COVID thứ nhất rồi thứ hai, việc trồng tỉa tại nhà đã trở thành một xu hướng thu hút. Nó không chỉ để tự đáp ứng nhu cầu “thiết yếu”, hay tạo niềm vui trong thời gian buồn chán vì dịch, mà còn là khám phá ra việc mình có thể tự làm mọi thứ từ con số không, và nhận ra điều đó có thể khiến mình cảm thấy mãn nguyện ra sao, giữa đời sống phải dán chặt vào ngôi nhà với thời gian vô hạn định.

Báo cáo “Xu hướng ngành hàng nhà cửa và làm vườn” vào Tháng Chín của Alibaba.com, nền tảng thương mại điện tử lớn của thế giới, đã cho thấy tổng số sản phẩm hai ngành hàng này tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự với Home Depot và Lowe’s, hai nhà cung cấp dụng cụ nhà cửa và làm vườn lớn nhất ở Mỹ – doanh số bán hàng cũng tăng vọt từ đầu đại dịch đến nay và giá cổ phiếu của họ đã ở mức cao nhất và vượt ngoài dự đoán.

Dán chặt vào ngôi nhà, nhiều thời gian cho bếp núc, sự khan hiếm các mặt hàng phổ biến, sự khó khăn trong việc đến tiệm mua hàng hoặc đặt được dịch vụ giao hàng… đã khiến con người phải thay đổi và thích ứng. Cô em dâu tôi, một tiếp viên hàng không, khi đại dịch các chuyến bay giảm hẳn, rồi “thất nghiệp” ở nhà suốt thời gian Sài Gòn lockdown, cô đã mày mò làm được gần như tất cả các món ăn và các loại bánh mà trước đây phải mua ở tiệm. Đặc biệt là bánh mì.

Cô làm ra những ổ “bánh mì Sài Gòn đặc biệt thơm bơ” trong những ngày không thể mua được bánh mì, rồi cô làm luôn loại bánh mì men chua tự nhiên đang phổ biến trên mạng. Đó là loại bánh mì làm theo phương pháp ủ men ngũ cốc tự nhiên (dựa vào các loại nấm men và vi khuẩn axit lactic có sẵn trong bột mì để làm bột nở) xuất phát từ Ai Cập khoảng 1.500 năm trước Công nguyên và duy trì cho đến khi được thay thế bằng men làm bánh cách nay vài thế kỷ. Với cô, mỗi lần nhìn ổ bánh mì “ngon và rất tốt cho sức khỏe” ấy nở bung trong cái lò nướng nhỏ ở nhà, là “như thấy một điều kỳ diệu”.

*****

“Coronavirus tặng chúng ta ‘trang giấy trắng cho một khởi đầu mới'”, Li Edelkoort – một trong những chuyên gia dự đoán xu hướng (trend forecaster) có tầm ảnh hưởng nhất thế giới đã nói như thế ngay từ đầu đại dịch COVID-19, trong cuộc phỏng vấn trên tạp chí Dezeen Tháng Ba năm 2020. Bà tiên đoán: “Virus sẽ mang tính quyết định trong việc xây dựng một thế giới mới hoàn toàn khác biệt… Chúng ta sẽ bắt đầu lại từ đầu với các luật lệ mới, cho phép các quốc gia trở lại với những giá trị và kỹ năng riêng của mình, mang đến nền công-nghiệp-tại-nhà (cottage industries) sẽ có thể phát triển và nở rộ thành một thế kỷ của nghệ-thuật-và-thủ-công, nơi mà lao động thủ công được tôn vinh hơn tất cả những điều khác”.

Dự báo đó đã thể hiện qua hệ thống bán lẻ DIY đang phát triển mang tính tiên phong ở Đan Mạch. DIY- Do It Yourself, nghĩa là tự bạn làm ra hoặc tự sửa chữa một sản phẩm bằng sự sáng tạo của riêng mình. DIY đã xuất hiện khá lâu trên thế giới nhưng trở thành xu hướng được nhiều người biết đến và yêu thích từ khi đại dịch bùng phát. Ở Mỹ, sản phẩm thủ công handmade bán trực tuyến đã chiếm một vị trí quan trọng trên thị trường và được xem là một cơ hội kinh doanh khi người tiêu dùng đang phải thích nghi với cuộc sống với COVID.

Hạt giống và những mầm rau tên lửa (Arugula) trong vườn nhà tôi (ảnh: Thúy Hà)

Các sản phẩm tự làm kết hợp với các phương tiện truyền thông xã hội như Instagram và TikTok đã giúp niềm đam mê và kỹ năng sáng tạo của nhiều người trở thành thương vụ phát đạt trên các trang web bán hàng như Etsy. Giám đốc điều hành của Etsy, Josh Silverman, từng nói: “Bất kỳ ai có khả năng sáng tạo và 20 xu đều có thể mở một gian hàng trên Etsy”. Việc kinh doanh hàng DIY cũng đã có mặt ở Hà Nội, Sài Gòn với những cửa hàng DIY đã được xếp hạng và nhiều trang web mua bán DIY hoặc chia sẻ ý tưởng tạo ra những mặt hàng DIY độc đáo…

Đại dịch mang đến cội tang thương lẫn mầm hy vọng. Người Sài Gòn cũng như dân ở nhiều thành phố trên thế giới trong những ngày khiếp hãi với số nhiễm và số tử vong vì COVID vẫn kịp nhận ra môi trường đang sống đã được cải thiện ngay khi những đợt phong tỏa bắt đầu. Tháng Tư 2020, lần đầu tiên người dân ở phía Bắc Ấn Độ đã thấy lại được dãy Himalayas thiêng liêng sau hơn 30 năm ô nhiễm che phủ.

Cũng như bầu trời xanh trở lại ở Bắc Kinh là một cảnh tượng hiếm thấy trước khi phong tỏa. Không khí sạch hơn, đường phố an toàn, tĩnh lặng hơn, động vật hoang dã tự do hơn… đã đem đến cái nhìn tức thì về thế giới xanh sạch hơn sẽ như thế nào. Việc phong tỏa bên cạnh giúp giảm lây lan virus còn là dịp giảm thiểu ô nhiễm không khí công nghiệp mà bản thân nó đã có thể cứu mạng hàng trăm ngàn người.

Minh họa: Francesco Gallarotti/Unsplash

Kỷ niệm 50 năm Ngày Trái Đất vào tháng Tư năm ngoái, hai nhà bảo tồn và làm phim Derek và Beverly Joubert đã có bộ phim về tình hình muôn loài trong tự nhiên và khả năng sống còn của chúng, cho thấy việc phong tỏa trên toàn cầu đã là một cơ hội cho con người hình dung một tương lai khác biệt, khuyến khích cộng đồng rút ra bài học từ dịp “sống chậm” này: “Đại dịch Covid-19 là một điều đau thương cho thế giới, mạnh đến mức nếu sau lần này mà chúng ta không thay đổi hay tốt đẹp hơn thì quả là một sự lãng phí cơ hội vô cùng to lớn mà chúng ta phải tự khiển trách mình”.

Nhà dự báo xu hướng Li Edelkoort cũng từng nói với tạp chí Quartz rằng: “Ở một góc độ nào đó, tôi nghĩ chúng ta nên biết ơn con virus này vì nó có thể giúp chúng ta sống sót với tư cách một loài. Để tồn tại với tư cách một loài và để cho hành tinh này tiếp tục vận hành chúng ta phải liên tục tạo ra các thay đổi khốc liệt trong cách mà chúng ta sống, di chuyển, tiêu thụ và giải trí”.

Sống sót với tư cách là một loài – khi COVID-19 đã chứng minh cho loài người thấy mình không phải là “bất khả xâm phạm”. Coronavirus đã tấn công vào những xã hội phát triển nhất, thậm chí vào lãnh đạo những quốc gia hùng mạnh nhất và những biến thể hung hãn của nó vẫn đang tiếp tục đe dọa và thách thức, không trừ một ai. Nó cho thấy sự phát triển của văn minh nhân loại vẫn không thể tách biệt con người khỏi Trái đất hay môi trường xung quanh. Khi tôi viết những dòng này, ngày cuối Tháng Chín năm 2021, California đã mở cửa toàn phần được hơn ba tháng, còn Sài Gòn thì chuẩn bị mở cửa trở lại vào ngày 1 Tháng Mười. Trong nhóm chat với mấy đứa bạn thân ở Sài Gòn hôm nay, có đứa bỗng bật ra câu hỏi: Mai được ra đường rồi, tụi bây có muốn ra không?

Câu hỏi nghe buồn cười. Vừa cười. Vừa buồn. Áp lực phải mở cửa để phục hồi kinh tế, phục hồi cuộc sống bình thường là tất yếu, nhưng, ngày mai chắc chắn đã là một bình-thường-khác, và chúng ta mỗi ngày mỗi ý thức được điều đó, rõ ràng. Đó là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, cuộc khủng hoảng lớn nhất với thế hệ chúng ta. Cách nay hơn hai năm, những người Mỹ sải bước trên đường phố Los Angeles không thể nào hình dung ra có ngày họ phải sống cùng với chiếc khẩu trang trên mặt như hôm nay. Cũng như chúng tôi chưa bao giờ nghĩ có lúc mình cần trồng xà lách tên lửa làm rau, trồng tía tô và xả, không chỉ để ăn mà còn dự phòng cho nồi xông cảm cúm như trong những ngày lockdown đầy hoang mang và ám ảnh mà nước Mỹ từng trải qua.

Trong những ngày lockdown ấy, không chỉ biết gieo hạt, tưới nước và hái rau tên lửa, con gái của tôi còn biết hai tháng sau khi cây ra hoa kết trái, chúng tôi sẽ tuốt quả khô lấy hạt để tiếp tục gieo những đợt tiếp theo. Nó còn biết rau trồng không phân bón, không thuốc trừ sâu (chỉ thỉnh thoảng con mèo lẻn ra tè bậy) là rau sạch, biết rau tên lửa có thể lớn lên cùng cỏ dại, chúng có thể sống cùng nhau theo kiểu “Cuộc cách mạng một cọng rơm” của ông Fukuoka trên mảnh vườn nhỏ nhà mình.

Minh họa: Zwaddi/Unsplash

Bây giờ, tôi không chắc về tương lai thế hệ con gái tôi sẽ như thế nào vài mươi năm nữa, khi có ngày vừa thức dậy nghe tin một thị trấn 150 năm tuổi ở Bắc Cali đã biến mất hoàn toàn sau một đêm trận cháy rừng Dixie quét qua. Hoặc như những ngày giữa Tháng Chín 2021, cùng lúc xem hình Khải Hoàn Môn ở Paris được “mặc áo” mới bằng vải nhựa tái chế trong một dự án nghệ thuật, đồng thời xem tin cây cổ thụ nổi tiếng General Sherman lớn nhất và lâu đời nhất Trái đất 2,700 năm tuổi ở Sequoia National Park được cứu sống nhờ lính cứu hỏa cho “mặc quần” bằng vải nhôm chống cháy (aluminum foil blankets).

Tôi không biết, với con gái chín tuổi của tôi, hình ảnh nào ấn tượng hơn, cây Sequoia cổ thụ “mặc quần” chống cháy hay Khải Hoàn Môn Paris “mặc áo” choàng mới? Nhưng tôi biết chắc thế hệ con tôi đã sống cùng COVID năm thứ Nhất, năm thứ Hai và những năm sau của cuộc đời… nên chúng phải tìm ra lời giải cho những vấn đề đời sống như thế ngay từ bây giờ, như khi phải trả lời câu hỏi của thầy giáo lớp Bốn đầu năm học: “Em đã làm được gì trong thời gian ở nhà tránh dịch?”.

Và hôm nay COVID vừa nhắc nhở chúng ta về sự khiêm nhường trước thiên nhiên và cái chết, đồng thời lại làm cho con người quyết liệt bảo vệ sự sống của mình hơn bao giờ hết, như nhận định của Yuval Noah Hararis, nhà sử học, triết gia người Israel, tác giả cuốn Lược Sử Loài Người, trong một bài viết về đại dịch trên The Guardian:

“Cuộc khủng hoảng hiện nay có thể làm nhiều người nhận thức rõ hơn về bản chất vô thường của cuộc sống con người và thành tựu của con người. Tuy nhiên, nền văn minh hiện đại của chúng ta rất có thể sẽ đi theo hướng ngược lại. Biết được về sự mong manh của mình, chúng ta sẽ phản ứng bằng cách xây dựng hệ thống phòng thủ mạnh mẽ hơn nữa. Khi cuộc khủng hoảng hiện tại kết thúc, tôi không hy vọng chúng ta sẽ thấy ngân sách của các khoa triết học được ưu ái đầu tư đáng kể. Nhưng tôi cá là chúng ta sẽ thấy sự gia tăng lớn trong ngân sách đầu tư vào các trường y và hệ thống chăm sóc sức khỏe. Các bác sĩ không thể giải câu đố về sự tồn tại của chúng ta. Nhưng họ có thể cho chúng ta thêm thời gian để vật lộn với nó. Chúng ta sẽ dành thời gian đó làm gì là tùy thuộc vào chúng ta”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: