Sài Gòn hẻm…

Hẻm SaiGon. (Hình minh họa: “Facebook Viet’s Herald”)

Lần đầu lên Sài Gòn thăm nhà nội ở bên kia Cầu Chữ Y, tôi đã thích hẻm.

Nhà bên nội tôi ở góc cuối cùng một con hẻm ngoằn ngoèo, nếu không cẩn thận thì sẽ đi lạc mất vào con hẻm khác. Vừa xuống dốc cao, đi thẳng một đoạn là quẹo phải liền, sau đó quẹo trái ngay, không được đi thẳng. Vừa đi qua chút xíu thì bẻ cua quẹo phải tiếp, nhưng vừa qua một căn nhà thì quẹo trái, tưởng là vào nhà rồi, ai dè phải quẹo phải, sau đó đi thẳng một đoạn quẹo phải sẽ vào nhà, không nên đi thẳng luôn vì sẽ đi ra bờ sông.

Tôi vốn thích hẻm vì thích cong người đạp xe, bóp thắng qua những cua chữ “u” chữ “y” ngoằn ngoèo y như trong rạp xiếc. Có vài người dừng xe đạp, lội bộ dắt xe qua hẻm nhưng tôi cố tình đạp xe để thể hiện tài năng lái xe của mình.

Nhưng lý do thực sự tôi thích con hẻm dưới cầu chữ Y vì trong hẻm có món bún xào rất ngon. Mà hình như trong hẻm này có đủ hết mọi thứ. Đầu hẻm có tiệm tạp hóa nho nhỏ, giữa hẻm có mấy tiệm bán bún, cơm, và cuối hẻm có sạp bán bún xào.

Lúc đó tôi ở Bạc Liêu lên chơi mùa hè, chưa biết món bún xào thịt heo với rau cải. Cọng bún nhỏ, dai và trong suốt, xào chung với thịt ba rọi thái mỏng, kèm theo giá trộn, cải rổ, thêm mấy miếng tàu hủ chiên xát mỏng. Buổi chiều, gió mát thổi từ Kênh Đôi dưới cầu chữ Y, tôi đang ngồi chồm hổm với tụi trẻ hàng xóm ăn bún xào, rôm rả cười đùa, chan nước mắm ăn bún xào mà nghe sống mũi cay cay vì nhiều ớt, cộng thêm mùi nước sông thổi vào.

Sau này lên Sài Gòn học đại học Kiến Trúc, tôi ở trọ trong một con hẻm khác ở quận 10. Hẻm này có đến mấy cái xẹt/xẹt từ bên ngoài. Nghĩa là từ ngoài vào trong phải quẹo 4-5 lần mới đến nhà trọ. Hẻm của nhà trọ tôi ở rộng hơn hẻm nhà bên nội một chút. Xe máy có thể chạy vào thoải mái, đôi khi 2 chiếc xe máy có thể chạy ngược nhau. Hẻm của tôi ở cũng có cái chợ nho nhỏ đầu hẻm, có tạp hóa giữa hẻm bán đủ thứ món từ mì gói, trứng hột vịt lộn, và đặc biệt là quán mì ông Hai gõ cuối hẻm.

Thường thường ở Sài Gòn, các con hẻm đều thông nhau. Nghĩa là đi hết hẻm này thì sẽ sang hẻm khác, rồi đi vòng vòng, cuối cùng sẽ ra lại đường lớn. Ít khi có con hẻm nào cụt, nghĩa là đi vào trong chỉ có nước quay đầu là bờ để kiếm đường ra ngoài.

Con hẻm chỗ tôi có chỗ cụt, và chỗ đó nhanh chóng trở thành nơi kinh doanh đắc địa của ông Hai mì gõ. Nghe nói ông Hai người miền Trung vì giọng ông nghe hơi khó. Tôi thì không quan tâm đến giọng nói, chỉ quan tâm đến tô mì gõ ăn khuya mỗi lúc lên đồ án.

Lúc cả đám thức đêm chổng mông lên vẽ cực nhọc, đang mỏi lưng thì có tô mì nóng thơm phức kèm vài miếng mỡ hành, thêm 3 miếng thịt luộc mỏng tanh phủ trên, thêm vài lát hành hẹ, vài cọng hủ tiếu đã là món ăn thượng hạng của dân kiến trúc.

Chẳng những tôi có quán mì gõ ngay tận kế bên phòng trọ, tôi còn có thể ăn thiếu chú Hai vì tôi hay la cà hỏi chuyện chú.

“Nhà chú ở đây hả?” Có lần tôi hỏi, vừa nói vừa chỉ vào căn nhà phía sau cái xe hủ tiếu gõ.

“Đâu có, tui làm gì có nhà? Nhà này của người ta, tôi trả chút tiền mặt bằng thôi.”

“Nhà chú ở đâu?”

“Nhà chú ở ngoài Quảng Nam.”

Tôi gật gù hỏi chuyện khác, rồi bưng tô mì gõ vô phòng vẽ bài tiếp. Tôi thò tay móc túi định trả tiền nhưng mới nhớ là mình không mang theo bóp. Tôi lóng ngóng chưa biết nói gì thì chú Hai đã nhẹ nhàng:

“Thôi con để lần sau trả cũng được, con ở nhà trọ bên kia đúng không?” Chú cười khoe hàm răng vàng cháy.

“Dạ, cảm ơn chú,” tôi nhanh nhảu

Tối hôm trước khi nộp bài cuối khóa họa thất, tôi đói bụng, chạy vội ra định mua thêm tô mì gõ. Lần này, tôi thủ thêm tiền gấp đôi trong túi, vừa định bụng sẽ trả thêm tiền tô mì còn thiếu lần trước.

Tôi chạy ra hẻm cụt, vẫn mấy cái bàn cóc và ghế nhựa, nhưng không thấy chiếc xe đẩy mì gõ của chú Hai.

Tôi nhìn lại trước sau, đi bộ ra tận đầu hẻm xem nhưng vẫn không thấy đâu. Thấy lo lo, tôi tạt vào tiệm tạp hóa hỏi thăm.

“Cô Tư ơi, bữa nay chú Hai không bán mì gõ hả cô?”

“Ủa, con không biết hả?”

“Dạ.”

“Ông Hai bị xe đụng chết rồi, gia đình mới đưa xác ổng về quê sáng nay.”

Tôi nghe mà thấy rụng rời, chợt nhớ đến cái dáng lưng cong, đẩy chiếc xe mì gõ lóc cóc sáng sớm. Có lúc khi đạp xe chạy qua, nhìn từ xa đã thấy lưng chú Hai ướt đẫm mồ hôi.

Tôi về phòng trọ, run run báo tin xấu cho cả đám.

“Tao quên chưa trả tiền tô mì,” Tôi buồn rầu nói.

“Tao cũng quên nè, ổng nói khi nào nhớ thì trả,” thằng bạn cùng phòng học bên Bách Khoa nói.

Chiều đó, cả đám gom được chút tiền gửi về quê cho chú Hai. Hóa ra, cả xóm sinh viên tụi tôi, dường như ai cũng có lần ăn thiếu mì gõ, mà chú không hề đòi tiền bao giờ.

Nhiều năm sau này, tôi vẫn nhớ hoài cái hào sảng của chú, của người Sài Gòn. Ở những con hẻm ngoằn ngoèo, thậm chí ở tận cùng ngõ cụt, vẫn có người luôn giúp đỡ, cho ăn mì gõ thiếu để những bản vẽ thiết kế bóng bẩy đẹp đẽ hoàn thành, chắp cánh ước mơ cho những sinh viên kiến trúc nghèo như chúng tôi thời đó.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Tuổi 70 hẹn hò
Qua ngưỡng cửa của tuổi 50, 60 để bước vào thế giới chậm rãi hơn, chúng ta đứng trước tuổi 70 như chuẩn bị bước vào một cánh đồng cỏ…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: