“Tam dạ Đế Vương”

Minh hoạ: National Cancer Institute/Unsplash

Việt kiều về nước hay dân ăn chơi ở Việt Nam thường rủ nhau tìm một đêm xả láng đủ mọi lạc thú trên đời như bài bạc, ăn nhậu, gái gú họ gọi là “nhất dạ đế vương.” Vâng, chỉ cần làm vua trong khách sạn năm sao với các tiên nữ mỹ miều phục dịch, muốn gì được nấy một đêm là mãn nguyện rồi. Thu không từng mơ ước như thế nhưng lại vừa được trải qua “tam dạ đế vương” trong nhà thương ở Mỹ.  

Thu vô cấp cứu nhà thương UCI Nam California. Vừa làm hồ sơ xong Thu được thử Covid ngay.  Sau đó được ngồi vào xe đẩy đi vòng vòng làm các thủ tục cân, đo huyết áp, lấy máu, đo đường trong máu… nói chung thứ gì cần cho một bệnh nhân thì họ đưa Thu đến làm hết.  

Kể từ lúc đó Thu trở thành vua. 

Thu bị đau bụng vùng dưới trên háng bên trái hôm Thứ Sáu, cứ nghĩ mình ăn không tiêu nên uống thuốc tiêu thuốc xổ, cho đến ngày Chúa Nhật, Thu đi tiêu thấy phân màu đen cứ nghĩ do ăn chè đậu đen. Đến rạng sáng Thứ Hai đau bụng hơi nhiều hơn và đi tiêu phân càng đen hơn giống như nhựa trải đường, tất cả những gì cần khai là vậy. 

Sau một lúc đợi chờ Thu được đẩy vào phòng khám của khu cấp cứu chính. Bác sĩ thực tập, sinh viên thực tập và hai bác sĩ chính một về đường ruột, một về nội tổng quát cùng các y tá vây quanh Thu ai cũng vội vàng khẩn cấp.

Có những người bệnh nhân nặng hơn Thu được đưa đến bằng xe cấp cứu, y tá chạy rầm rập phụ đẩy vào thẳng phòng cấp cứu; nói theo từ bình dân là họ “chạy vắt giò lên cổ” như ông cố nội sắp chết. Thật cảm động.

Thu quá đau bụng nhưng vẫn còn đủ tỉnh để trả lời mình là người Mỹ gốc Việt, để cho bác sĩ lấy thông dịch tiếng Việt. Dầu mình có người nhà đi theo giỏi Anh ngữ có thể thông dịch được nhưng theo luật họ vẫn gọi thông dịch của họ vì có lẽ họ sợ dịch sai là “toi” một mạng người. Từ ngữ chuyên môn đâu phải ai cũng biết nên ông xã dầu giỏi Anh văn đi theo cũng là kẻ thừa, chỉ đứng nhìn thôi.

Buổi khám bệnh nhanh chóng xong, họ chuyển Thu qua phòng chờ để đưa về khoa điều trị. Trong thời gian này Thu được cho đi chụp CT vùng bụng, chụp X quang lưng; nước biển và thuốc được truyền trực tiếp vào ngay sau đó, Thu giảm đau dần.

Hai tiếng sau họ đẩy Thu về khoa điều trị. Vào phòng và xuống giường an vị xong, y tá chính tên Anna chăm sóc ca đó và hai y tá phụ cùng đến giới thiệu tên, chức vụ, họ ân cần chào thăm, một nam một nữ người chịu trách nhiệm lo ăn uống, người lo về quần áo chăn giường, nói chung từ A đến Z cần gì cứ bấm chuông gọi họ. Nhưng Thu đâu được ăn trong lúc này vì bác sĩ đang theo dõi.

Thu cảm động cám ơn liên tục, họ thì liên tục nói “Không có chi.” 

Thu lại được đo huyết áp, đo thân nhiệt, đo đường trong máu lần nữa, được kết nối với máy đo tim qua một đường dây có cục gắn ở đầu ngón tay; họ nhắc nhở cần gì xin bấm nút gọi ngay đầu giường.  

Phòng Thu nằm có hai giường được ngăn cách bởi tấm màn dày từ trên cao buông xuống, Thu quan sát trước mặt, trên tường cao mỗi giường đều có một tivi màu khoảng ba mươi inch, đồng hồ, một bảng nhỏ hướng dẫn cách nằm bao lâu trở mình qua hướng nào cho máu huyết lưu thông tốt, một bảng ghi chi tiết tên bệnh nhân, tên bác sĩ điều trị, tên y tá chính và y tá phụ hàng ngày.  Hai giường dùng chung toilet, mỗi giường đều có bàn ăn riêng cho bệnh nhân, tủ đựng đồ có hai ngăn ghi theo số giường để bệnh nhân cất vật dụng riêng tư, nhưng có gì đâu chỉ có bộ quần áo mặc khi nhập viện, đôi giày. Vì bắt buộc phải mặc đồ bệnh viện và mang giày vớ của bệnh viện cho thoải mái và đi lại dễ dàng không bị té. Hôm nay y tá chính của Thu là Anna.

Trong phòng nhà thương. Ảnh tác giả gửi

Giường bên cạnh một bà Mỹ trắng chuẩn bị xuất viện cũng bệnh đường ruột. Hôm nay là ngày sinh nhật của bà, con cháu mang hoa vào tận giường bệnh, họ cẩn thận xin phép Thu cho được hát mừng sinh nhật bà. Họ cùng hát khe khẽ Happy Birthday. Thu cũng thầm hát theo và thấy niềm ấm áp len vào phòng, tưởng chừng đang trong buổi tiệc vui khiến chị quên đi cơn đau bụng vẫn âm ỉ. 

Nửa tiếng sau một đoàn bác sĩ thực tập, sinh viên và ba bác sĩ chính đến thăm khám. Một bác sĩ đường ruột Thu đã gặp lúc mới vô, một bác sĩ về thuốc và bác sĩ nội thần kinh vì Thu khai bị nhức đầu liên tục.

Họ thăm hỏi, phỏng đoán bệnh và khuyên yên tâm điều trị họ sẽ làm hết sức để Thu chóng lành bệnh xin hãy tin tưởng họ.

“Tôi có phải bị mổ không bác sĩ?” Thu thều thào. 

 “Bà yên tâm nhé, bệnh bà nhập viện không trễ nên chúng tôi hy vọng không phải mổ. Vô thuốc và theo dõi bệnh hôm nay có gì chúng tôi sẽ có hướng giải quyết ngay. Xin hãy tin vào sự điều trị của chúng tôi,” bác sĩ đường ruột nắm tay Thu ân cần trả lời với ánh mắt vui vẻ đầy tự tin.

Thu cảm ơn tất cả, mắt chớp chớp, sóng mũi cay cay. Đúng là “lương y như từ mẫu.”

Hai tiếng sau, y tá chích thuốc trực tiếp vào mạch máu lần nữa. Như vậy là trong năm tiếng họ đã truyền nước biển và vô hai lần thuốc. 

Thu yên tâm nhắm mắt cố ngủ chút cho khoẻ nhưng lại muốn đi toilet nên bấm chuông. Y tá chính vào mở đường truyền nước biển và dìu Thu vô cầu. 

“Nếu bà đi tiêu thì khoan dội cầu, tôi cần xem phân của bà,” Anna căn dặn.

Thu chưng hửng nhìn cô khó hiểu.

“Bác sĩ dặn và đó là bổn phận của tôi phải viết báo cáo cho bác sĩ, bà đừng ngại,” Anna cười.

Thế là khi Thu đi tiêu xong, Anna vào ngay để quan sát mấy cục phân đen xì của Thu.   

“Trời đất, đen dữ vậy. May là bà vào kịp đó, nếu không thì nguy,” Anna nhấn nút dội cầu vừa nói vừa dìu Thu ra giường.

Thu đi một mình cũng được vì đã bớt đau nhiều nhưng Anna vẫn sợ trách nhiệm nên nhất định dìu Thu.

Minh hoạ: Martha Dominguez de Gouveia/Unsplash

Mỹ hiện đại vô cùng, mỗi bệnh nhân đều có hồ sơ trong computer, y tá chính chăm sóc ngày nào sẽ báo cáo vào hồ sơ tình trạng bệnh nhân cho bác sĩ theo dõi, do đó cứ mỗi hai tiếng y tá chính và phụ vào đo đạt các thứ cần thiết, hoặc có diễn biến đột xuất tất cả đều được cập nhật vào hồ sơ. Bác sĩ ngồi trong phòng làm việc với computer theo dõi từng bệnh nhân qua hồ sơ của họ cho thuốc và xử lý mọi việc qua màn hình computer. Khu vực quanh khoa yên ả để bệnh nhân nghỉ ngơi, y tá đi tới đi lui chuyện vãn nhẹ nhàng không ồn ào. 

Chỉ duy khu cấp cứu là ồn ào náo nhiệt vì “cứu người như cứu hỏa.”

Sáu giờ chiều giao ca, cả ba y tá đều thay ba người mới. Họ làm việc ngày mười hai tiếng. Ca này y tá chính của Thu là cô người Mỹ gốc Mễ tên Karina. Karina giới thiệu hai nam y tá phụ, họ cũng luôn vui vẻ nhiệt tình với Thu.

Trong đêm muốn đi tiểu thì y tá phụ mang bô vào tận giường cho Thu vì anh ta không được phép mở ống truyền nước biển. Anh không có chuyên môn này, sau đó anh đem đổ bô. 

Nay Thu hiểu thêm ở Mỹ có nhiều loại y tá: Y tá phụ tá bác sĩ có thể ra toa nhưng phải qua sự đồng thuận của bác sĩ, y tá chính theo dõi tình trạng bệnh nhân để cập nhật hồ sơ, y tá lo về ăn uống, y tá lo về quần áo chăn mền… Mỗi loại, thời gian học ít nhiều khác nhau, lương hưởng theo bằng cấp xứng đáng với trình độ của họ. Tại nhà thương, y tá chính theo dõi sẽ chuyền nước biển, vô thuốc vào mạch máu, đưa thuốc cần uống trực tiếp tận tay bệnh nhân, nhìn uống xong mới đi.    

Nhất dạ đế vương” trôi qua êm đềm với hai hầu nam và một cung nữ dễ thương Karina.

Ngày thứ nhì bắt đầu từ năm giờ sáng, Karina vào lấy một ống máu đi thử và đo đường trong máu, y tá phụ kiểm tra thân nhiệt, đo huyết áp cùng lau mình cho Thu bằng khăn nóng và thay áo, vớ mới. Sáu giờ sáng họ giao ca, Anna trở lại ca hôm nay, cô hỏi han ân cần và nói lên niềm mơ ước là mong cho Thu không phải mổ.

Bảy giờ sáng, nhóm y tá, bác sĩ và sinh viên hôm qua lại đến, bác sĩ đường ruột cho biết không phải mổ nhưng vẫn chưa ổn vì vẫn còn những bong bóng mưng mủ trong ấy. Phải truyền thêm thuốc trực tiếp vào. Thu thở phào với tin không mổ nhưng lại lo với những bong bóng mủ, đem bày tỏ với Anna.

“Bà đừng lo lắng vì điều gì bác sĩ thông báo đều nguy hiểm rất thấp, nếu nguy cơ cao ông ta đã không nói,” Anna cười mỉm xác định.

Hôm nay Anna cũng tiếp tục theo dõi Thu đi tiêu nhưng không có gì để quan sát vì hôm qua có ăn gì đâu mà có thứ cho ra. Chẳng biết Anna báo cáo thế nào, mà chín giờ anh y tá phụ mang vào mâm thức ăn toàn thức ăn nhẹ có màu trong như yaourt, thức ăn của bé bi, fruity jelly và nước táo. Bàn ăn được đưa vào tận giường, vì Thu đủ sức nên không cần đút vào tận miệng, nước uống rót tận tay; nói chung tất cả đều phục vụ đúng với hai chữ “hầu hạ.”

Khoảng hơn tiếng sau Thu đi tiêu được, Anna lại vào xem màu sắc của cái ấy trong bồn cầu.

“Vẫn còn đen nhưng đã nhạt hơn, tốt, cám ơn” Anna xả bồn cầu nói.

Thu cám ơn lại rối rít, Anna luôn miệng nói không có chi .

Một giờ trưa lại được dâng cơm, lần này ăn khoai tây nghiền với thịt gà xay, thịt ba rọi hong khói cùng hộp nước cam, hộp sữa và trái lê ngâm đường. 

Ăn uống, thuốc men, đo khám suốt ngày khiến Thu quên hẳn mình đang nằm viện, vì ai vào cũng cười nói gây không khí vui vẻ cho bệnh nhân. Thật lạ, đúng là “nhà thương” chứ không là bệnh viện.  

Thu nhớ lại thời Việt Nam Cộng Hòa không gọi bệnh viện mà là nhà thương: Nhà thương tư, nhà thương công và nhà thương thí.

Đến thời XHCN đổi thành bệnh viện vì phải đóng viện phí mới được vào trị bệnh.   

Hai ngày trôi qua, đêm nay là “nhị dạ đế vương,” đêm nay lại gặp Karina. Cô ấy cũng phải theo dõi Thu đi tiêu ra màu gì, lỏng hay đặc để cập nhật hồ sơ. Cả ngày hôm nay ăn nhiều nên đi ra cũng nhiều, phân đã chuyển sang màu nâu đỏ rồi xanh lá đậm. Karina vui vẻ chúc mừng Thu. 

Thu không thể tưởng tượng được họ phải chui vô restroom để nhìn phân của mình mà họ không hề phàn nàn hay khó chịu hoặc tỏ vẻ ghê tởm. Tự dưng Thu nhói lòng vì thấy thương họ quá.

Ngày thứ ba, đã được bác sĩ duyệt cho ăn ba cữ bình thường nhưng thức ăn mềm, không màu và uống nước trái cây cùng sữa. Màu phân hôm nay xanh nhạt đến gần chiều thì chuyển sang màu vàng nhạt.  

“Chúc mừng bà, tốt rồi nhe.  Mong bà sớm phục hồi,” Anna reo lên khi thấy màu phân vàng vào lúc năm giờ chiều. Cô vội vàng cập nhật hồ sơ ngay.  

Thu mừng quá, chị nhớ đến câu chuyện Trạng Quỳnh chữa bệnh đường ruột cho vua. Vậy là đúng với câu nói lưu truyền của Trạng Quỳnh khi khám chữa bệnh cho vua. Ông nhìn chậu đựng phân của vua rồi bẩm:  “Tâu Hoàng thượng, ‘cục nhẹ thêm râu sắc vàng’ của Hoàng thượng sắc kim, vậy thánh thể an toàn. Thần hạ xin chúc mừng Hoàng thượng.”  Ý ông nói đến cục phân của vua màu vàng, vua khoẻ rồi. 

Thu phì cười một mình vì nghĩ đến sự hài hước duyên dáng của Trạng Quỳnh. Khi đọc câu chuyện ấy, Thu chưa hiểu về câu nói của Trạng Quỳnh nên phải đọc chú thích của tác giả:  

“Cục” nhẹ là bỏ đi dấu nặng: Cuc; thêm “râu”: Cưc; “Sắc” vàng: thêm dấu sắc thành Cức. Vậy Trạng Quỳnh không nói thẳng mà chơi chữ thật tài tình, lại có tính hài hước, dí dỏm. Điều này cũng chứng minh ông là bậc lương y đại tài chỉ cần nhìn cục nhẹ của vua là biết vua hết bệnh. Bao nhiêu ngàn năm trôi qua y học thay đổi, tiến bộ vô cùng nhưng vẫn phải nhìn “cục nhẹ…” mà biết bệnh tình ra sao.  

“Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý ấy không bao giờ thay đổi,” vô cùng chính xác cho sự việc này. Bái phục Trạng Quỳnh.

Lẽ ra Thu được rời nhà thương hôm nay, nhưng vì liên tục nhức đầu từ lúc vào cấp cứu nên sáng nay bác sĩ quyết định cho Thu chụp MRI não và chụp CT đầu.

Do đó mới có “tam dạ đế vương” để chờ kết quả từ não.

Đêm thứ ba thật vui vì Karina nhận được kết quả tốt nghiệp P.A là y tá phụ tá bác sĩ. Cô ấy thật có chí: vừa học, vừa làm, vừa nuôi dạy đứa con chín tuổi một mình. Mỹ gọi là mẹ đơn thân. Các bạn tặng hoa và chụp hình. Thu muốn được chia vui cùng cô, nên Karina đến tận giường bệnh chụp hình với Thu. Đáng yêu làm sao, Thu ôm choàng cô trong vòng tay áo thùng thình của nhà thương, mi ứa hai dòng lệ. 

Lệ yêu thương, lệ vui mừng, lệ sung sướng, lệ hạnh phúc vì được trải qua “tam dạ đế vương” nơi nhà thương với các bạn y tá, nhất là với Karina đáng yêu này.   

Garden Grove, CA. 

Mùa lễ Tạ ơn 2021

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: