Tất Niên

Ảnh: Tri Minh/Pixabay
Share:

Năm nào cũng vậy, cứ đúng Ngày Tất Niên là lòng tôi lại chộn rộn, ký ức ùa về những ngày xa xưa, rồi ngồi chờ cho đến thời khắc mà hai kim đồng hồ chỉ đúng số 12, bước sang năm mới.

Ngày Tất Niên có thể là ngày 30 tháng Chạp (nếu là năm đủ) hoặc 29 tháng Chạp (nếu là năm thiếu). Đây là ngày gia đình sum họp lại với nhau. Hồi còn nhỏ, vào ngày tất niên, tôi lại thấy mẹ dậy sớm hơn thường nhật. Sửa soạn xong, mẹ đội cái nón lá, tay xách giỏ ny-lông, không quên dặn: “Mẹ đi chợ Tất Niên, nên đi sớm về nấu mâm cơm rước Ông Bà.” Dù rất muốn đi theo mẹ xem chợ Tất Niên nó như thế nào, nhưng tôi chỉ dạ rõ to, rồi tiếp tục ngủ nướng. Nằm lim dim, tôi nghĩ bụng, rước Ông Bà về nhà, rồi Ông Bà ở đâu?

“Hôm nay Ông Bà về, sẽ ở đâu ạ?” Vừa phụ mẹ cầm đầu con gà cho mẹ cắt tiết, tôi vừa hỏi. Mẹ cười, nói: “Ông Bà về chỉ đi loanh quanh trong nhà thôi, rồi Mùng Ba mình lại đưa Ông Bà đi rồi.” Đi loanh quanh là thế nào? Rồi Ông Bà ngủ ở đâu? Ăn uống thế nào? Lớn lên một tí, khi hiểu ra, năm nào tôi cũng chỉ mong tới ngày Tất Niên để được “rước Ông Bà”. Còn qua ngày Mùng Ba, khi đưa Ông Bà đi, với tôi, cũng là ‘hết Tết”.

Ảnh: HyggeLab Concept/Unsplash

Mẹ tôi thích mua gà cúng Tất Niên. Gà sống. Nhưng sau này tôi nói mẹ mua gà đã làm rồi, để không mang tội “sát sinh”. Chuyện mẹ tôi mua gà sống cũng là có lý do. Vì mẹ cắt tiết gà để làm món tiết canh cho ba tôi nhậu. Tiết canh là món cả nhà tôi thích, trừ tôi.

Mẹ nấu xong, bày biện lên bàn. Tôi đảm trách phần cắm bông và nhang đèn. Nhà tôi đạo Công giáo nên không có sẵn bát nhang. Tôi lấy lon sữa bò dùng đong gạo nấu cơm, đổ gạo vào để cắm nhang cho dễ. Tôi cũng lo chuyện cắt bánh chưng. Bánh chưng thì có sẵn rồi, vì ba mẹ tôi thường nấu bánh từ ngày 28, 29 Tết.

Xong xuôi, cũng là lúc các anh chị tôi về. Tôi thích nhất lúc này. Cả nhà đông đủ, vừa ăn uống, vừa bàn xem Mùng Một làm gì? Mùng Hai đi đâu? Mùng Ba “đốt Tết” thế nào.

Thường, ngày Tất Niên, nhà tôi chỉ bận rộn từ sáng tới trưa. Cúng Tất Niên xong là ba tôi quy tụ cả nhà lại để chơi bài bất. Bài bất giống y như bài tổ tôm nhưng nhỏ hơn, và mỗi loại chỉ có một quân bài. Cỗ bất được úp trên một đĩa nhỏ để mọi người rút theo lượt, mỗi lần một lá bài, theo vòng tròn. Ai muốn rút bao nhiêu lá cũng được, nhưng nếu cộng các quân bài mà trên 10 thì thua, gọi là “tướt”.

Bài bất có các lá bài từ một đến chín, theo hàng sừng (hoặc sò), vạn, sách, văn. Quân sừng cao nhất. Rút được quân chín sừng là “chín cửu sò” thì sướng như điên, vì chỉ thua 10 mà thôi. Nhà cái gọi là trương, chọi với từng nhà con. Khi mọi người đã rút đủ bài, trương được quyền xét bài, nếu trương thắng thì “vơ” tiền, còn thua thì phải “chung” tiền. Ba tôi hay làm trương. Có khi “vơ cả làng”, có khi “chung cả làng” nhưng gì thì gì, ông vẫn tỉnh bơ. Ông không có “máu me cờ bạc” mà chỉ ham vui với con cháu thôi!

Bài bất.

Chơi được vài tiếng thì mẹ tôi bắt ngưng, để dọn dẹp nhà cửa. Lúc này, mấy chị tôi đi mua thêm hoa. Mua hoa chiều 30, rẻ lắm. Vì người ta lo bán cho nhanh, còn kịp về đón Giao thừa. Ngày thường, mẹ tôi hay tắm giấc trưa, nhưng vào ngày Tất Niên, mẹ tắm chiều, mà tắm kỹ lắm. Mẹ bảo: Tắm Tất Niên, gội rửa hết mấy cái xui xẻo của năm cũ, để sang năm mới mọi chuyện thuận lợi, may mắn.

Ít khi tôi thức được đến Giao thừa. Nhưng không bao giờ ngủ lúc Giao thừa, vì thời khắc này quan trọng lắm. Theo “Hán Việt từ điển giản yếu”, Giao Thừa (chữ Hán: 交承) có nghĩa là “Cũ giao lại, mới tiếp lấy – Lúc năm cũ qua, năm mới đến”. Tôi có thói quen chuẩn bị sẵn quyển sổ, để cứ bước sang năm mới, là tôi phải viết xuống tất cả những ước nguyện của mình cầu cho mọi người và cho mình. Làm xong chuyện này, tôi mới… đi ngủ, để còn dưỡng sức cho… ba ngày Tết.

Ảnh: HyggeLab Concept/Unsplash

Vì không muốn cập rập trong ngày cuối năm nên có khi Tất Niên, ở nhà tôi sẽ là 29 Tết, thậm chí 28 Tết là mẹ tôi đã lo rước Ông Bà về. Vì Tất Niên sớm, nên ăn uống xong thì gia đình các anh chị tôi, ai về nhà nấy, hẹn rút bất vào ngày 30 Tết, hoặc trưa Mùng Một. Chuyện “tắm Tất Niên” tôi vẫn thực hiện vào chiều 30 Tết. Tắm thật kỹ. Khi có con, tôi cũng hay kể chuyện xưa, chuyện nhà ông bà ngoại chuẩn bị Tết nhất thế nào, chuyện cúng Tất Niên đón Ông Bà ra sao, và cả chuyện “tắm Tất Niên”.

Từ ngày không được “ăn Tết” ở nhà, cứ tưởng con sẽ quên nhiều thứ. Nhưng không, năm nào, trước Giao thừa, thằng con cũng nhắc “Mẹ tắm Tất Niên” chưa? Con tắm rồi.” Nghe nó nhắc mà nhớ Tết nhà kinh khủng.

“Tết về nhé!” Câu mẹ dặn từ hồi Hè năm ngoái. Chợt nghe tiếng pháo nổ. Tết đến rồi…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: