Tết, nét đẹp ngàn xưa…

Ảnh: Unsplash
Share:

Ngày Tết là dịp tưởng nhớ ông bà tổ tiên một cách triệt để. Cung cách thờ cúng được giữ gìn từ ngàn xưa đã kéo dài tới ngày nay, bất kể chiến tranh, giàu nghèo sang hèn hoặc thậm chí sống trong chính thể nào…

Từ nhiều thế kỷ trước khi Nho giáo chiếm địa vị ưu thế trong xã hội, nhà Lê đã thể chế hóa việc thờ cúng tổ tiên. Bộ luật Hồng Đức quy định rõ, việc con cháu phải thờ cúng tổ tiên năm đời (đời mình là con, tính ngược lên bốn đời là: Cha, mẹ, ông bà, cụ, kỵ); ruộng hương hỏa, ruộng đèn nhang, cơ sở kinh tế để duy trì thờ cúng tổ tiên dù nghèo cũng không được cầm bán… Đến thời Nguyễn, nghi lễ thờ cúng tổ tiên được ghi rõ trong sách Thọ mai gia lễ.

Theo Phan Kế Bính trong Việt Nam Phong Tục thì: “Nửa đêm hôm ba mươi rạng ngày mồng một, ở thành phố nhà nào cũng bày hương án ra giữa sân để cúng giao thừa. Ở thôn quê thì các xóm tế giao thừa tại nơi điếm sở, trống đánh, pháo đốt ầm ầm. Tục ta tin rằng mỗi năm có một ông Hành-khiển, coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cúng tế để tiễn đưa ông cũ mà đón ông mới”.

Mâm cúng Giao thừa ở miền Bắc lúc nào cũng trang trọng hơn các vùng khác gồm: Ngũ quả, đèn nến, trầu cau, trà, rượu, quần áo, thủ lợn luộc, gà trống luộc, xôi, bánh chưng…, khác với miền Trung và miền Nam chỉ bày biện đơn giản là một con gà luộc cùng với nhang đèn, hoa quả. Trước đó vào ngày 23 Tháng Chạp, có tục cúng ông Công, ông Táo về trời để tâu báo lại mọi việc của gia đình trong năm qua với Ngọc Hoàng Thượng đế. Vào ngày này, mọi người thường dọn dẹp nhà cửa, bếp núc sạch sẽ và làm một mâm cơm để tiễn các ông bà Táo về chầu trời. Ngoài lễ vật người ta còn cúng một con cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời. Con cá chép này sẽ được “phóng sinh” sau khi cúng.

Người ta tin rằng việc cúng 23 Tháng Chạp tiễn ông Công ông Táo chính là hình ảnh tượng trưng cho sự êm ấm, hạnh phúc của gia đình. Tục lệ này dính liền với hình ảnh một vợ hai chồng của ông bà Táo mà người dân Việt tin rằng chuyện tình cảm động của ba người sẽ giúp cho căn bếp người Việt ấm áp quanh năm, nếu biết ơn và tưởng nhớ tới họ.

Bên cạnh cúng ông Công ông Táo và Giao thừa, người Việt còn cúng Gia tiên vào sáng Mùng Một Tết. Các mâm cúng trang trọng không thể thiếu bất kể giàu nghèo. Người ta gọi bữa cơm cúng sáng Mùng Một Tết là cúng Nguyên đán, tức là cúng buổi sáng sớm của một ngày đầu năm. Trong ngày đặc biệt này, người ta thường cúng tổ tiên và thần linh. Chiều Mùng Một Tết, gia đình làm cơm cúng Tịch điện, tức là cúng cơm chiều. Trong cả ba ngày Tết từ mùng Một tới mùng Ba, việc làm lễ cúng được thực hiện giống nhau.

Dịp Tết Nguyên đán không thể thiếu mâm ngũ quả cúng Gia tiên. Đối với người Bắc, mâm ngũ quả trước hết là phải đẹp. Thường trên mâm ngũ quả có năm loại trái cây chính, thường là chuối, bưởi, đào, hồng, quýt – tất cả phải tươi và màu sắc trong sáng. Tránh chưng những loại còn xanh hay chưa chín tới. So với trong Nam thì mâm ngũ quả ở ngoài Bắc nhỏ hơn. Người Bắc chuộng sĩ diện và coi trọng hình thức vì thế họ luôn thể hiện khả năng kinh tế của mình cho khách khứa biết thông qua các loại hàng hóa bày trên tủ thờ. Nhiều quan chức lợi dụng ngày Tết để thông báo quyền lực và sự giàu có; do đó, việc thờ cúng Gia tiên ngày một lệch lạc và bị lợi dụng để khoe khoang là chính.

Ảnh: Pixabay

Đối với người miền Trung, mâm ngũ quả cúng Gia tiên không cầu kỳ như miền Bắc hay có ý nghĩa đặc biệt như miền Nam. Mâm ngũ quả của người miền Trung thường là có gì cúng nấy, chủ yếu là thành tâm dâng kính tổ tiên. Tuy nhiên, họ cũng tránh dùng chuối xanh vì có vị đắng, chát, mà thường lựa những loại quả ngọt để cầu mong một năm mới an vui, thuận lợi. Đối với dân miền Nam thì mâm ngũ quả chứng minh cá tính đơn giản và thật thà của hầu hết người sông nước. Với bốn thứ trái cây chính là mãng cầu, dừa, đu đủ, và xoài, người dân gửi một thứ “tin nhắn” rất thú vị: Cầu vừa đủ xài!

Tính chất miền Nam lộ rõ trong nhân sinh quan đầy thô mộc nhưng bản lĩnh. Mâm cơm Tết của người miền Nam cũng đơn giản như mâm ngũ quả nhưng vẫn không kém phần ngon miệng. Không thể thiếu nồi thịt kho tàu, dưa giá, bánh tét và khổ qua dồn thịt. Người Nam Bộ không quá đặt nặng sự cầu kỳ và mực thước trong nghi lễ. Các món ăn được dâng cúng trong ngày Tết vẫn thể hiện quan điểm của người cúng là “có gì cúng nấy” hay “mình ăn gì ông bà ăn nấy”, miễn là có lòng thành. Khác thật xa với người miền Bắc: Mọi lễ vật dâng cúng ngày Tết phải nằm trong các món không thể thiếu, như bánh chưng, thịt lợn, dưa hành và cơm tẻ. Bánh chưng tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở của muôn loài. Thịt lợn thuộc về âm; dưa hành thuộc về dương – âm dương hài hòa tượng trưng cho sự phát triển. Cơm tẻ là lương thực hàng ngày, nên trong mâm cỗ có nếp, có tẻ; cũng như có âm có dương đầy đủ lẽ sinh sôi.

Ảnh: Unsplash

Trong khi đó người miền Trung chú ý đến món ăn cho người trong nhà hơn là cúng ông bà một cách cầu kỳ. Thịt ba rọi kho măng, củ cải mặn ăn kèm bánh tét, củ kiệu chua ngâm với tai heo cuộn bánh tráng là những món thân quen của nhiều tỉnh. Với Huế, truyền thống cầu kỳ trên từng món ăn không đợi đến Tết mới chứng tỏ nhưng vẫn có những món ngon dành cho ngày Tết. Ngoài bánh chưng, bánh tét như mọi vùng khác, Huế có món nem, dưa món,  nem lụi và đặc biệt là các loại mứt. Mứt Huế nổi tiếng trên cả nước và cũng là nét đẹp văn hóa ẩm thực của vùng đất Thần kinh.

Ngày Tết ngoài các món ăn, cúng tế của người Việt còn nổi tiếng ở khoảng kiêng cữ mà khi nghĩ kỹ lại thì không có mục nào thực tế ảnh hưởng trực tiếp tới gia đình. Nhưng, như một truyền thống, ai cũng kiêng kỵ nên người lạc quan cách mấy cũng chột dạ và tự động kiêng kỵ theo. Người miền Bắc có khá nhiều kiêng kỵ trong ngày Tết, khác với người miền Trung và miền Nam. Người miền Bắc quan niệm rằng quét nhà trong ngày Tết là quét cả may mắn mà trời đất trao cho ngày đầu năm, trong đó có vận đỏ và sức khỏe. Người Bắc quét nhà thật sạch vào trước Giao thừa và trong ba ngày Tết, cây chổi được “nghỉ ngơi” không ai được đụng đến.

Tục này theo Phan Kế Bính viết trong Việt Nam Phong Tục thì:

Quét tước trong nhà phải kiêng không dám hốt rác đổ đi, chỉ vun vào một xó, đợi ba hôm động thổ rồi mới đem đổ. Tục này do ở trong Sưu thần ký có chuyện người lái buôn tên là Âu-Minh đi qua hồ Thanh-Thảo. Thủy thần cho một con hầu tên là Như-Nguyện, đem về nhà được vài năm thì giàu to. Đến sau, một hôm nhân ngày mồng một Tết, đánh nó, nó chui vào đống rác mà biến mất, từ đấy nhà chàng kia lại nghèo đi. Bởi thế ta theo tục Tàu, kiêng không dám hốt rác”.

Người Bắc cũng không treo những tranh ảnh mà họ cho là xui xẻo như: Đánh ghen, kiện tụng… Họ treo tranh mang ý tài lộc như lợn, gà… Tranh Đông Hồ thường được chọn nhưng bức “Đánh ghen” nổi tiếng thì kể như không bán được, dù bức này được dân chúng miền Trung thích thú và luôn được tiêu thụ với số lượng lớn… Nước và lửa là hai vật quan trọng mà người Bắc không chia sớt cho bất cứ ai vào ngày Tết. Họ quan niệm rằng đây là hai nguồn năng lượng của thiên nhiên mà Thượng đế ban phát. Nước là nguồn tài lộc và lửa là sự may mắn, vì thế không được cho đi trong những ngày Tết.

Ảnh: Pixabay

Mặc dù “xông nhà” vào lúc bước sang ngày đầu năm là tập tục chung của cả ba miền nhưng người Bắc lại giữ kỹ hơn hai vùng còn lại. Những người không hợp tuổi với gia chủ được xem là “nặng vía”, hay người đang có tang, không nên đến xông nhà ngày đầu năm. Nói bậy hay “nói giông” cũng được người Bắc xem là quan trọng trong ngày đầu năm. Những từ có điềm gở như “chết rồi”, “tiêu tùng”, hay “bỏ mẹ” được xem là dấu hiệu mang đến tang chế. Những câu nói chơi không cố ý cũng bị xem xét như là hành động khiến mang tới điềm gở.

Trong ba ngày Tết phải tránh tối đa việc làm vỡ bát đĩa, ấm chén, hay cãi nhau, chửi nhau. Người Bắc cũng kiêng kỵ mai táng vì quan niệm rằng Tết Nguyên đán là ngày vui, ngày mở đầu của cả một năm. Rủi ro nhà nào có đại tang thì người trong nhà không được đi chúc Tết, mừng tuổi bà con, xóm giềng; nhưng ngược lại hàng xóm vẫn đến chúc Tết và an ủi gia đình bất hạnh mà không kiêng kỵ.

Ảnh: Pixabay

Với người miền Trung, người ta có vẻ thoải mái hơn trong những ngày Tết. Không kiêng cữ nhiều như người Bắc nhưng họ vẫn có những kiêng kỵ nhất định. Việc kiêng cữ tập trung vào vấn đề ăn uống, đặc biệt là con tôm hay các món chế biến từ tôm. Một số vùng không ăn tôm vì sợ… đi giật lùi như tôm. Nếu ăn trong ngày Tết, công việc sang năm sẽ lùi chứ không thể tiến tới. Bên cạnh tôm, những thứ như trứng vịt lộn, thịt vịt cũng cùng chung số phận bị “kỳ thị”. Người miền Trung cho rằng ăn thịt vịt sẽ gặp xui xẻo. Ngoài ra, một số nơi ở miền Trung, người ta thường kiêng mặc đồ màu trắng trong suốt tháng Giêng đầu năm mới.

Người miền Nam tuy được tiếng là “chín bỏ làm mười” nhưng trong những ngày đầu năm mới cũng có một số điều phải tránh. Người phương Nam đa số làm ăn xa nhà vì vậy khi Tết đến dù ở phương nào họ cũng cố về trước Giao thừa, dù có khó khăn, nghèo nàn cách mấy. Người ta quan niệm rằng nếu không về kịp thì đồng nghĩa cả năm mới sẽ phải bôn ba khắp nơi làm ăn vất vả. Nếu người miền Bắc không quét nhà vào những ngày đầu năm thì người miền Nam cất hẳn chổi sau khi quét dọn, vì họ cho rằng nếu trong ngày Tết mà để mất chổi thì có nghĩa cả năm đó gia đình sẽ bị trộm cắp viếng thăm vơ vét của cải. Cuộc sống sông nước dính liền với các loại bột và do vậy người miền Nam kiêng để cối xay gạo trống vào ngày đầu năm, vì họ cho rằng cái cối trống rỗng tượng trưng cho việc thất bát, mất mùa trong năm tới. Người ta thường đổ một ít lúa vào cối xay, ngụ ý cầu mong năm mới lúa gạo đầy tràn.

Ngày Tết nhìn lại các tập quán tốt đẹp của dân mình để thấy rằng văn minh lúa nước có cái hay của nó mà các nền văn minh khác không có: Văn hóa lễ Tết giúp gia đình sum họp, tưởng nhớ tổ tiên ông bà, làng xóm kết nối và khắp nơi như mang một manh áo mới với kỳ vọng tương lai dân tộc tốt đẹp hơn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: