Vợ thằng Được

Vợ chồng thằng Được. Anh minh họa. MXH

Vài năm gần đây câu chuyện “Tệ như vợ thằng Đậu” được giới showbiz khai thác tối đa qua cái nhìn hết sức khôi hài về một người đàn bà hội đủ những thói hư tật xấu xảy ra tại miền quê, trong đó thằng Đậu luôn đóng vai ngu ngơ trước sự khờ dại của vợ mình. Những câu chuyện gây cười kéo dài trên sân khấu gần như bất tận, nhiều dị bản ra đời sau câu chuyện đầu tiên.

Khó mà thống kê được có bao nhiêu tiểu phẩm hài viết về vợ chồng thằng Đậu. Tất cả đều có điểm chung là phê phán sự hậu đậu, khùng khùng điên điên của vợ thằng Đậu, thường được đặt tên là Đen, và đều thu hút một lượng lớn khán giả đủ mọi lứa tuổi, kể cả ở hải ngoại.

Những nghệ sĩ có tên tuổi gắn liền với nhân vật vợ thằng Đậu mà khán giả rất quen thuộc là: Hồng Vân, Phi Nhung, Cát Phượng. Các kịch bản hài thường có cả ba nhân vật chính là bác Ba Phi, thằng Đậu, vợ thằng Đậu và thường không bao giờ cũ đối với khán giả. Những câu chuyện gây cười thể hiện qua những tiểu phẩm hài đôi khi đi quá đà, làm người xem khó chịu và vợ thằng Đậu trở nên ngu xuẩn, khùng điên, không thể hiện được nét dí dỏm đáng ra phải có trong các kịch bản.

Hồng Vân-Minh Nhí trong “Vợ thằng Đậu” MXH

Vợ thằng Đậu không những nổi tiếng trên hệ thống sân khấu hay TV, nó lan ra xã hội một cách vô tư. Tại Cà Mau đã có ba quán ăn mang tên Vợ thằng Đậu, cái thương hiệu Vợ thằng Đậu đàng hoàng chiếm lĩnh một lượng khách rất lớn, những người mê kịch bản của nhân vật này.

Tôi có một đứa cháu dâu nhiều lúc mang dáng dấp khôi hài mà vợ thằng Đậu bày ra, nhưng may hơn, chồng nó tên Được, và vì vậy nó đương nhiên mang cái tính hài hước khi ai cũng gọi nó là “Vợ thằng Được”!

Cái may thứ hai là dù ai có nhìn nó với ánh mắt ra sao nó vẫn tảng lờ như không biết, không nghe, không thấy! Bởi mặc dù nhiều người nhìn nó liền liên tưởng đến con Đen, vợ thằng Đậu, vì đôi khi nó có những biểu hiện rất… lạ. Có dịp về Vũng Liêm chơi với bà chị vài ngày, tôi hào hứng theo dõi những gì mà vợ thằng Được bày binh bố trận trước cặp mắt tròn quay của cả nhà. Quan sát nó là một sự thích thú không thể phủ nhận. Cách nó nhìn con gà, vỗ về con heo hay tung tăng khi đi chợ khiến người ta vui lây mặc dù cũng có đôi người nhìn nó như nhìn vợ thằng Đậu.

Nhớ hôm đầu tiên khi về tới Vũng Liêm, ra sau nhà tìm cái lu nước sạch rửa chân, thấy nó lui cui bên thau cám heo vừa trộn cám vừa cằn nhằn: Bây kén ăn quá tau không chịu nổi nghen. Lần này mà ăn không sạch tao không rửa máng mà để cho tụi bây liếm bằng hết… Mới nghe nếu không chú ý sẽ tưởng nó nói mấy đứa nhỏ, cách lầm bầm của nó với heo khiến ai nghe cũng cười, rồi sau đó chưng hửng, ủa nó nói với heo mà?

Nói chuyện với bầy vịt xiêm cũng vậy, nó vừa vẩy lúa vừa cằn nhằn: Ăn thì nhiều mà đẻ thì ít, tao nói cho tụi mày biết chiều nay mà tao khám ổ không thấy trứng thì đừng hòng ăn lúa, tao cho tụi bây ăn chuối cây hết nghe chưa? Rồi nó ngồi xuống ôm một con vịt đứng ké né không nhào vô tranh ăn, nó vuốt ve con vịt như người ta vuốt ve một đứa bé, thậm chí nó còn kê mũi lên đầu con vịt hôn phớt nữa chớ! Tôi bất ngờ về điều này, hành xử của nó chỉ thấy ở những đứa bé hải ngoại còn người lớn thì chưa chắc làm được!

Và người hàng xóm của vợ thằng Được chỉ thấy nó tàng tàng, không thấy cái nét đẹp tiềm ẩn đàng sau những cằn nhằn của nó đối với đàn gia súc trong nhà.

Vợ thằng Được không biết lễ phép theo kiểu Việt Nam là gì. Hôm đầu tiên tôi biết nó, không hề gật đầu chào hay thưa gửi gì cả, nó coi ông cậu chồng như ông gặt mướn tới nhà chơi vài ngày rồi đi, vậy thôi. Tôi biết nó “khác người” nên không để ý cho tới một hôm tôi nhận ra nó thương chồng nó lắm vì nó âm thầm săn sóc tôi một cách kín đáo. Hôm đó nhà dột vì một cơn mưa lớn. Nó chạy xuống bếp mang lên chỗ tôi nằm một cái thau thật lớn, tưởng nó hứng nước mưa ai dè nó biểu tôi: Cậu lấy cái này che đầu khéo cảm đó! Trời đất, làm sao cầm cái thau cả đêm cho được? Nó đứng nhìn hồi lâu rồi nói: Hay để tui che cho cậu? Tôi cười, mày che cả đêm à? Nó cười lại: Tui mệt thì kêu thằng Được nó thay!

Nó có tài trèo dừa. Ảnh minh họa. MXH

Nó có tài trèo dừa. Tôi chứng kiến hai vợ chồng nó hái dừa mà cười đứt ruột, thằng chồng đứng phía dưới gom dừa mặc con vợ thoăn thoắt đánh đu giữa những cây dừa chót vót. Nó lận lưng con dao phay leo dừa như khỉ, chặt dừa nhanh và nhát nào dừa cũng rời ra. Thấy nó leo mà mình bắt sợ, sợ nó tuột tay, sợ nó lỡ tay không nắm kịp tàu dừa khi chuyền qua cây khác… nhưng hình như được đu bay trong vườn dừa là thú vui của vợ thằng Được, nó hào hứng quẹt mồ hôi và tiện tay chặt một trái dừa cho hai vợ chồng nó chia nhau còn tôi đứng sớ rớ kế bên nó không cần nhìn thấy.

Thấy nó kho nồi cá mới biết thế nào là vợ thằng Được! Ai đời nó kho cá mà cử chỉ không khác một nhà hiền triết. Bắt đầu làm cá thì không nói, nó làm cũng giống người khác cũng cẩn thận lắm, cho tới khi bắt nồi cá lên bếp mới thấy tính cách của nó.

Đầu tiên là bỏ vài cây củi vào nhúm lên cho cháy. Khi đã có than nó rút củi ra bắt đầu dùng lá dừa khô để nấu. Rất… từ tốn, nó châm từng chiếc lá dừa cho phừng lên rồi từ từ đút vào lò, nó cứ từ từ làm như trời đất này không còn gì đáng làm nữa, chắc cũng hơn tiếng đồng hồ cho việc chụm lá vào bếp, có ai hỏi sao không bỏ vào một lần, nó nhìn người ta khinh khỉnh: Kho cá thì phải từ từ chớ!

Cái từ từ của vợ thằng Được bị nhìn trại ra thành tào lao!

Ảnh minh họa Vợ thằng Được kho cá. MXH

Nhưng khi nhìn nó lặt rau nấu canh thì tôi phát hiện ra nó là đầu bếp nổi tiếng thế giới chứ không chơi! Nó làm cá đã sạch mà còn lấy vải lau cho khô, một công việc mà dân miền Tây không hề làm bao giờ, nó khẳng định cá không lau khô sẽ tanh và thịt sẽ mau ươn! Tôi tìm trên mấy trang dạy nấu ăn ở hải ngoại thì thấy đúng là như vậy, nhưng lạ một điều nhà không có computer, nó cũng chẳng có iPhone làm sao nó biết? Tôi lân la hỏi nó nói ngay, thịt cá ướt sẽ làm vi trùng sinh sôi và làm cá tanh, hơn nữa con cá khô giống như được phơi nắng sẽ se mình và không bị ươn!

Mặc dù nó lộn vi trùng với vi khuẩn nhưng trong cách quan sát thực tế nó đã thấy những điều mà nhiều người khác không thấy. Ít nói, nó dành thời gian để quan sát và suy nghĩ mặc dù những suy nghĩ của nó rất bình dân, rất thấp trong cái mặt bằng chữ nghĩa của đất nước thừa mứa giáo sư tiến sĩ. Có lúc ngồi nói chuyện với hai vợ chồng nó mới phát hiện ra chính nó mở mang đầu óc cho thằng chồng.

Nó hỏi thằng Được: Mày ăn cơm chưa, tao nấu? Sao không nấu sẵn đi chờ tao đói mới nấu? Tao ở không nên nấu lúc nào hỏng được, nấu trước cơm hết ngon. Chờ lâu quá ăn cũng hết ngon. Bậy không, chờ cho thiệt đói mới ngon chớ. Thằng Được cãi, mày làm biếng thì có! Vợ thằng Được le te chạy xuống bếp rồi chạy lên với một chén cơm trên tay, cơm nguội rồi cơm nóng, mày chọn cơm nào?

Đôi lúc ngạc nhiên vì chuyện mày tao với chồng nó, tôi nói thẳng vợ chồng phải anh em mới đúng chớ, nó ngạc nhiên nhìn tôi vừa nhìn vừa nói, tui với thằng Được chơi với nhau từ hồi còn ở truồng, mày tao quen rồi không đổi được. Sao không được, chỉ cố gắng một chút thôi mà. Cố làm chi, kêu nó bằng anh thì không đúng vì nó bằng tuổi tui, kêu nó bằng chồng thì kỳ vì có ai gọi chồng là chồng đâu? Kêu mày tao là còn thương nó chứ kêu anh là xạo sự rồi làm sao sống lâu với nhau cho được?

Và tôi chịu thua cái tánh kỳ cục của nó.

Mà cũng phải, sống trong một xã hội mà người đàn bà được xem là công dân hạng hai trong gia đình nhưng vợ thằng Được nghiễm nhiên làm mọi người nhìn nó với ánh mắt khác lạ, vừa khen vừa chê vừa thích vừa ghét, những cặp phạm trù ấy làm nên tính cách vợ thằng Được, và tôi, tôi hãnh diện có một đứa cháu dâu như thế.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: