Vô thường

Tưởng nhớ Đại Huynh Trần Ngọc Tôn
(Hình: Trần Bạch Thu cung cấp)

Kể từ sau ngày anh đi giải phẫu tĩnh mạch ở chân, tôi thường hay vấn an và nói chuyện hầu như hàng ngày với anh, đây là chuyện rất bình thường đối với một người cao tuổi như anh trong số anh em thân tình, còn mặn mà họp mặt nhau mỗi khi có dịp, nhưng phần nữa là vì tôi đang phụ trách về một tiết mục do anh em đề nghị là nói về con người anh trong buổi tiệc mừng thượng thọ 94 tuổi của anh sẽ được tổ chức tại nhà hàng Hoàng Sa ở Phố Little Saigon vào ngày 11 Tháng Tám năm 2024.

Cho đến trung tuần Tháng Bảy đã có hơn 200 người hồi báo là sẽ tham dự. Mọi người đang háo hức chuẩn bị đi đủ cả hai vợ chồng như anh đã khẩn thiết ghi trong thiệp mời. Đặc biệt là không mang hoa hay bất cứ quà chúc mừng nào cả.

Anh còn minh mẫn với giọng Huế đặc sệt nhưng dễ nghe vì từ tốn và muốn cho người nghe lãnh nhận được hết những điều mình muốn nói, khác với một số người cao tuổi mà tôi có dịp quen biết chỉ nói dài lê thê và đôi khi không đầu không đuôi như “lẫn”, như “liệu.”

Thế rồi, đùng một cái, tôi nhận được tin anh bị té ngã trên salon xuống sàn nhà, chở đến bệnh viện thì trên đường đi anh đã trút hơi thở cuối cùng. Chỉ còn hai tuần lễ nữa thôi là đến ngày mở tiệc mừng thượng thọ. Tôi lịm người trong buổi sáng hôm ấy 29 Tháng Bảy khi nghe tin anh vừa qua đời vào tối hôm qua. Thật đời vô thường đến thế sao. Chị nhà mới vừa mất năm rồi, anh vội theo chi cho sớm vậy.

Tôi thật muốn khóc khi nghĩ về anh, người đi xiêu vẹo một tay chống gậy mà chỗ nào có anh em tụ tập là anh thuê xe Uber đến ngay, không kể trời mưa gió hay nóng lạnh.

Anh trường chay mấy mươi năm mà tiệc họp mặt nào cũng có anh tham dự, chỉ một dĩa mì xào với rau cải xanh là đủ cho anh trong suốt buổi họp mặt ngày Tết cũng như những ngày lễ kỷ niệm hàng năm của các hội đoàn. Anh luôn là người trong nhóm tổ chức ra về sau cùng.

Là người sinh trưởng ở làng Nước Ngọt, Phú Lộc, Thừa Thiên, mất Mẹ khi mới lên 5; Ba tục huyền và có thêm nhiều em nữa nhưng hết thảy anh chị em đều sống thuận hòa với nhau trong cùng một mái ấm gia đình.

Anh học Tiểu học ở trường làng do các Soeur thành lập ở quê, qua bậc Trung học anh theo học ở trường Pellerin, Huế. Gần cuối năm 1948 anh trải qua một cơn bệnh nặng nên đã lỡ dịp “Ra Bưng” tham gia kháng chiến cùng với các anh em họ trong gia đình (sau này trở thành Tướng Trần Chí Cường hay Nhà văn Trần Thanh Đạm ngoài miền Bắc).

Anh ở lại tham gia hoạt động kháng chiến chống Pháp tại địa phương và bị Tây bắt, nhưng nhờ nói được tiếng Pháp một cách lưu loát và còn quá trẻ nên họ đã tha cho anh về và khuyên nên trở lại trường đi học.

Đến khi Quốc Gia Việt Nam được thành lập (1949) anh cũng vừa thi đỗ Tú Tài Toàn Phần và không có dự định theo học Đại học nên anh xin vào làm Giáo sư dạy Pháp văn ở một trường Tư thục tại Huế. Khi có lệnh tổng động viên, anh tình nguyện nhập ngũ theo học khóa 1 Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định (1951). Ra trường phục vụ trong quân đội được hai năm thì anh bị thương nặng nên sau đó được giải ngũ trở về đời sống dân sự.

Vừa lúc bấy giờ trường Quốc Gia Hành Chánh mới thành lập được một năm, có mở một kỳ thi tuyển, anh ghi danh và thi đậu ngay vào trường, học khóa 2 QGHC năm 1953.

Ra trường năm 1956, anh chọn nhiệm sở Phủ Tổng Thống từng làm việc dưới quyền Đổng Lý Văn Phòng Đoàn Thêm; Luật sư Lê Văn Đức (người soạn diễn văn cho TT. Diệm); Phạm Thu Đường (Bí Thư Ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu); Tôn Thất Thiện (Thông dịch viên của TT. Diệm.) Theo anh những người kể trên thật là tài giỏi, hầu hết đều thông thạo Pháp Văn, họ làm việc rất siêng năng, chăm chỉ và đặc biệt luôn luôn có sổ tay ghi chú những công việc làm hàng ngày rất cẩn thận rồi sau đó cho đánh máy lại để lưu giữ làm tài liệu theo dõi, rất tiện lợi để tra cứu về sau.

Khi cuộc chính biến ngày 1 Tháng Mười Một năm 1963 xảy ra, anh vẫn tiếp tục làm công việc ở văn phòng cũ cho đến hai năm sau, khi tình hình đất nước đi vào ổn định, anh xin thuyên chuyển qua Bộ Kinh Tế và được cử làm Chánh Sự Vụ Nha Kinh Tế Miền Trung.

Xin nói thêm, trong suốt cả cuộc đời công bộc của mình, anh chưa bao giờ hay chưa hề tham gia chính trị đảng phái, ngay cả thời kỳ khó khăn nhất khi anh là một nhân viên được cấp trên tiến cử thăng quan tiến chức, nếu tham gia vào đảng Cần Lao. Chính đích thân ông Cố vấn đề bạt. Nhưng anh đã không.

Trong lúc làm Chánh Sự Vụ Nha Kinh Tế Miền Trung anh đã đề nghị và được chấp thuận để trở thành Thừa Ủy Nhiệm (TUN) Tổng trưởng Kinh Tế, Âu Trường Thanh được phép nhập cảng hàng hóa trực tiếp về Đà Nẵng, hóa giá và phân phối hàng tiêu dùng tại miền Trung không qua trung gian tại Sài Gòn nên được giá rẻ phục vụ đồng bào. Anh rất tự hào về vai trò này trong suốt quãng đời công vụ của mình.

Năm 1966 Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (Thủ Tướng) Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, bạn cùng khóa 1 Sĩ Quan Nam Định, dự định cử anh làm Giám đốc Nha Tiếp Vận Trung Ương, nhưng không thành nên sau đó anh được cử đi tu nghiệp tại Hoa Kỳ.

Năm 1967 về nước anh được cử làm Giám đốc Nha Mãi Hóa, Bộ Kinh Tế, thường xuyên xuất ngoại kiểm tra hàng hóa nhập cảng, đồng thời kiêm nhiệm Đặc Phái Viên của Tổng Trưởng Tài Chánh, Châu Kim Nhân, hợp tác với Nha Hối Đoái để hoạch định các chính sách giá cả trong nước.

Năm 1972 anh được cử làm Giám đốc Nha Mãi Vận Trung Ương trực thuộc Phủ Thủ Tướng. Trong thời gian này chính sách viện trợ Mỹ đã thay đổi và khó khăn nhất của anh là làm sao có đủ tài liệu và dữ kiện để có thể định giá các lô hàng quân sự (như máy bay, xe tăng, súng đạn …) một cách hợp lý hầu khấu trừ vào khoản viện trợ tổng quát hàng năm trong đó bao gồm cả viện trợ về kinh tế và hàng hóa tiêu dùng.

Chính sách “Việt Nam Hóa” chiến tranh làm sụt giảm dần khoản viện trợ. Do đó anh phải quan hệ với các đối tác tại Hoa Kỳ để đạt được giá thỏa thuận sao cho có lợi nhất cho phần viện trợ kinh tế. Anh cho biết các tập đoàn công nghệ ở Mỹ lúc bấy giờ đưa ra nhiều điều kiện rất vô lý, thường làm chậm trễ hàng viện trợ nhất là khoản viện trợ về kinh tế.

Anh tâm sự, nền kinh tế Việt Nam lúc bấy giờ hoàn toàn lệ thuộc vào viện trợ nên khi Mỹ giảm hay cúp viện trợ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh tế, thực tế như lạm phát tăng dần, giá cả hàng hóa gia tăng gấp đôi. Lúc bấy giờ, anh nghĩ có thể khủng hoảng kinh tế sẽ xảy ra trong một tương lai rất gần, khi khoản viện trợ Mỹ không còn nữa.

Tháng 4 năm 1975 anh đã cùng cả gia đình di tản sang Hoa Kỳ cùng với cố vấn Mỹ ở Bộ Kinh Tế.

Sau khi đến định cư ở Hoa Kỳ anh được giới thiệu vào làm việc ngay ở các cơ quan thiện nguyện trợ giúp người tỵ nạn Á Châu, sau đó được tuyển vào làm viên chức ở sở Xã Hội quận hạt Orange County (1978) cho đến ngày về hưu.

Năm ngoái, khi người bạn đời của anh là Chị Nguyễn thị Hoàng Oanh (Cựu Giáo Sư Anh Văn, trường Trung học Trưng Vương, Sài Gòn) qua đời, anh ra ở riêng một mình trong khu hưu dưỡng dành cho người cao niên, có người trợ giúp 24 giờ do chính phủ tài trợ. Các con anh đều thành đạt, có gia đình riêng, thỉnh thoảng ghé thăm hoặc chăm sóc từ xa, lo toan mọi việc cho Ba khi cần.

(Hình: Trần Bạch Thu cung cấp)

Có hôm nhận được tin anh vừa chuyển vào khu chăm sóc y tế dành cho người cao niên ở địa phương (Nursing Home), anh em khắp nơi gọi sốt vó hỏi thăm tình hình sức khỏe của anh ra sao. Nhưng sau khi kiểm chứng với gia đình thì được biết như thế này “Lâu lâu Ba thường hay yêu cầu tụi con chuyển Ba vào trong đó tịnh dưỡng vài ngày và đồng thời “thăm bạn” ở đó, chứ Ba không có bệnh gì cần cấp cứu cả.” Mọi người thở phào, tình thân đến thế là cùng, vẫn thăm bạn dù là đang ở trong chỗ bi quan nhất của đời người.

Sinh hoạt tại Hải ngoại, ngoài công việc hàng ngày ở sở, anh còn thường xuyên tham gia vào các hội đồng hương, hội ái hữu các trường Trung học thời Việt Nam Cộng Hòa. Đặc biệt anh còn là sáng lập viên Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh, tiền thân của Tổng Hội QGHC sau này từ năm 1978.

Trong suốt 46 năm kể từ ngày thành lập Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh cho đến nay, anh luôn luôn là một thành viên tích cực hoạt động của Hội. Chưa bao giờ anh vắng mặt trong bất cứ một cuộc họp nào của anh em mà có thư mời, từ Ban Chấp Hành cho đến các kỳ Đại Hội thường niên có bầu bán rất phức tạp.

Một kỷ niệm đáng nhớ Tết năm 2023, khi được giới thiệu là người lớn tuổi nhất trong buổi Hội Ngộ, 93 tuổi, anh một tay chống gậy đứng lên đáp từ rất ngắn gọn “Sự có mặt cũng là một đóng góp rất quan trọng rồi, khỏi nói chi nhiều.”

Và bây giờ có nói gì, thêm nhiều chăng nữa thì anh cũng đã giã từ trần thế, ngay cả ý muốn sau cùng là được chung vui với mọi người một lần, tưởng chừng như trong gang tấc mà cũng không thành, dù chỉ chờ trong vòng mươi ngày… Đành vậy thôi, thay vì nói về anh trong tiệc mừng thượng thọ thì mai đây tôi sẽ đọc tiểu sử của anh trong lễ tang.

Anh đã lìa bỏ anh em, đi xa… thật xa rồi, nhưng anh sẽ còn sống mãi trong tâm khảm mọi người quen biết với nụ cười vui vẻ thật hiền từ. Anh trường chay, thường hay viếng chùa và thiền định mỗi ngày nên anh có thể sớm được tiêu dao nơi cõi Niết Bàn. Mong lắm thay.

Nhớ anh vô vàn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: