Tết Thầy ở một làng quê lục tỉnh

Minh họa: Unsplash
Share:

Tôi là người của đồng quê nên có nhiều kỷ niệm vui buồn nơi thôn ấp và nhiều liên hệ mật thiết với đồng quê miền Nam. Mở mắt chào đời trong một gia đình nông nghiệp ở một tỉnh lẻ vùng sông Hậu, tôi lớn lên bên cạnh ruộng lúa, vườn cam, hít thở không khí trong lành nơi thôn dã, tắm gội trong sông nước ngọt ngào dưới mưa chiều nắng sớm.

Minh họa: Pexels

Trong thời thơ ấu, vô tình năm ba câu hát đưa em mộc mạc cùng những điệu hát dân gian tình nghĩa đã ăn sâu vào tiềm thức trẻ thơ qua tiếng ru dịu dàng, trầm ấm của bà mẹ quê theo nhịp võng đưa. Cũng trong thời thơ ấu này, ba tôi đã dạy cho tôi những bài học vỡ lòng về các chữ cái, cách ráp vần quốc ngữ và bảng cửu chương hóc búa. Trong thời gian tôi theo học lớp Đồng ấu cho tới lớp Ba trường làng, sự ân cần dạy dỗ của thầy cùng những kỷ niệm buồn vui tuổi học trò đã làm phong phú đầu óc non nớt và làm nẩy nở biết bao tình cảm trong sáng nơi tôi.

Ngần ấy thứ là những sợi dây vô hình ràng buộc tôi với quê hương. Tôi yêu quê hương tôi lắm! Tôi nhớ quê hương tôi lắm! Tôi nhớ lời ru ngọt ngào như dòng sữa mẹ mà má tôi đã rót vào tai tôi những vần ca dao đầu tiên. Tôi cũng yêu những bài học vỡ lòng mà ba tôi và thầy tôi đã tận tình hướng dẫn. Ngần ấy thứ là những kỷ niệm không thể nào quên. Một trong những kỷ niệm để lại trong tâm trí tôi nhiều dấu ấn nhứt: Tết Thầy ở quê tôi.

Ca dao Việt Nam có câu:

Mùng một là Tết ông bà

Mùng hai Tết (bên) vợ, mùng ba Tết thầy.

Đối với quê tôi, câu ca dao trên chưa hoàn toàn đúng hẳn vì nhiều lẽ. Trước hết, dân làng tôi vừa mới hồi cư phải tất bật chạy lo cơm áo nên việc học hành, Tết nhứt cũng có phần khinh giản. Phải đợi đến năm sau, khi cuộc sống người dân tạm thời ổn định, việc học mới được coi trọng. Một lý do khác, người dân làng tôi có thói quen khuyến khích con cháu đi chúc Tết thầy vào ngày Nguyên đán còn nóng hổi không khí Tết hơn là phải đợi đến mùng Ba, mùng Bốn. Hơn nữa, miền Nam với hệ thống sông ngòi, kinh rạch chằng chịt như mạng nhện nên việc đi lại tương đối khó khăn.

Phương tiện phổ biến nhứt là ghe xuồng, chèo chống hơn là tàu bè, xe cộ. Đó là chưa kể việc đi lại, thăm viếng bằng ghe xuồng thường tùy thuộc vào con nước. Từ hăm mốt tới hăm lăm tháng Chạp: nước kém, thuận lợi cho việc tát mương, tát đìa, bắt cá tôm rọng để dành ăn Tết hoặc biếu xén.

Từ hăm chín, ba mươi tháng Chạp tới mùng Bốn Tết: nước rông, thuận lợi cho việc bơi chèo. Còn một yếu tố khác không kém quan trọng: nước rông trong những ngày Tết thường chảy rất xiết. Vì vậy, việc bơi chèo phải hết sức chú ý đến con nước: nước lớn, nước ròng, nước ương, nước đứng, nước giựt, nước xoáy… nếu không muốn phí sức để vượt khoảng trời rộng sông dài.

Sau hết, do cá tánh cố hữu của người miền Nam: Thật thà, chất phác, ngang tàng, nghĩa khí và điệu nghệ phóng khoáng nên ít bị câu thúc bởi những thiên kiến nặng nề của hệ tư tưởng phong kiến. Một nhà văn miền Bắc, Nguyễn Văn Bổng đã có nhận xét sắc sảo:

Đất nước ta càng về phương Nam càng là đất mới, đất lưu đày, đất của những người không có quyền sống trên những mảnh đất đã được khai phá, vì vậy càng là đất của những người nổi dậy! Miền Tây Nam Bộ là mảnh đất lưu đày và nổi dậy cuối cùng của tổ quốc. Đến đây là sơn cùng thủy tận rồi. Đến đây là đến trên bờ Thái Bình Dương, vịnh Xiêm La mịt mù rồi. Đến đây chỉ còn có hai con đường: một là không đủ nghị lực sống nữa thì đâm đầu xuống biển mà chết; hai là cố bám lại đấu tranh để sống. Con người đến đây là con người liều, con người ngang tàng, nghĩa khí, tính mạng coi nhẹ tựa lông hồng, tiền tài coi khinh như rơm rác. Đối với họ nghĩa khí là trọng” (1).

Do vậy về trật tự, lễ nghi phong kiến “quân, sư, phụ” cũng có phần tiểu dị so với cái đại đồng. Người dân miền Nam cũng trung quân nhưng là thứ trung quân có điều kiện (minh quân). Họ cũng yêu kính thầy nhưng là kính yêu những ông thầy mẫu mực, coi học trò như con cháu trong nhà, dạy học trò bằng cả khối óc và con tim (tôn sư).

Còn chữ hiếu là đạo lý ngàn đời của dân tộc, ai cũng thấm nhuần bài học về “Công Cha Nghĩa Mẹ” nên “Thờ cha mẹ, ở hết lòng. Ấy là chữ hiếu dạy trong luân thường” và thể hiện sự báo hiếu tùy hoàn cảnh, khả năng của mình. Trật tự “sư” và “phụ” ở đây nhiều khi được hoán chuyển vị trí, thậm chí “sư” và “phụ” hòa quyện với nhau khiến tình nghĩa thầy trò khắng khít như tình cha con, sự thâm giao giữa ông thầy và cha mẹ học trò ngày càng thân ái, mật thiết.

Thiệp Tết xưa (file photo)

Trở lại vấn đề Tết nhứt. Nếu các tao nhân mặc khách có nhiều thú chơi như thú uống trà, thú thưởng nguyệt, thú xem truyện Tàu, thú chơi câu đối… thì lũ con nít chúng tôi cũng có thú vui chúc Tết. Còn gì vui thú cho bằng ngày Tết súng sính trong bộ quần áo mới may, đi mừng tuổi ông bà, cha mẹ, cô bác, láng giềng cũng như thầy cô giáo, được tha hồ ăn uống và nhận được những bao lì xì đỏ thắm. Còn gì khoái chí hơn khi bọn trẻ chúng tôi được tham dự thỏa thích các trò chơi Xuân: Nào múa lân, đốt pháo, đua ghe, đấu vật, coi hát (hát bội, hát cải lương), lắc bầu cua cá cọp, đá gà, leo cột chuối v.v…

Tôi còn nhớ cái Tết con Mèo năm ấy đám học trò chúng tôi đi chúc Tết thầy Nguyễn Văn Ái (Năm Ái), thầy giáo làng Thuận Thới, quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ (2). Thật ra, trong điều kiện tự nhiên và sinh hoạt kinh tế hết sức đặc biệt, cộng với bản chất thật thà, phóng khoáng của người dân miền Nam, cha mẹ chúng tôi đã đi lễ Tết thầy từ trước ngày Nguyên đán. Họ chúc thật tình chớ không xởi lởi, môi mép. Họ biếu những sản vật đầu mùa mới ra lò, còn nóng hổi. Họ chủ trương “có gì trong tay ta chúc nấy” với phương châm “của ít lòng nhiều” và bất cứ lúc nào khi có dịp, chớ không phải đợi đến Tết nhứt.

Họ không biết hoặc chưa biết những “tư tưởng cao xa” về sự nghiệp “trồng cây”, “trồng người”. Đối với họ chỉ có một chân lý đơn giản: “Không thầy đố mày làm nên” và “Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Và thầy Năm Ái làng tôi rất xứng đáng để họ yêu kính. Thầy mở lớp dạy học trong hoàn cảnh gieo neo, đơn chiếc.

Mặc dầu bị thương tật ở chân trái, thầy vẫn chống nạng để dạy học. Thầy không được hưởng lương của chánh phủ hay bất cứ khoản trợ cấp nào. Học trò chỉ đóng một khoản học phí tượng trưng. Đôi khi chỉ vài ba lít gạo, nếp, con cá, con gà hoặc bất cứ sản phẩm cây nhà lá vườn nào. Học trò nghèo thường được miễn phí.

Thầy coi học trò như con cháu ruột thịt và dạy chúng tôi với tất cả tâm hồn, nhiệt huyết. Thầy thể hiện rõ nét “tình nghĩa giáo khoa thư” vì cuộc đời thầy có thể nói là cả một quyển Quốc Văn Giáo Khoa Thư thu gọn. Chưa hết, thầy còn là soạn giả kiêm đạo diễn các tuồng hát của đoàn cải lương tài tử xã nhà do ông bầu Chín Luộc lèo lái. Giọng ca tuy không muồi như đệ nhứt danh ca miền Nam Út Trà Ôn hoặc hai anh em kép muồi Hai Việt, Năm Khương của xã nhà, thỉnh thoảng thầy vẫn đánh liều diễn thế các vai chánh diện.

Minh họa: Pexels

Thầy diễn khá thành công vai Trần Quang Nhị, cha của Đường tăng Trần Huyền Trang (tức Đường Tam Tạng) trong tuồng Tẩy Hận (tức Tam Tạng Xuất Thế) do thầy soạn (ký tên Việt Ái). Với vở tuồng cải lương Tẩy Hận và vai diễn để đời, thầy giáo Năm Ái, soạn giả kiêm diễn viên “bất đắc dĩ” Việt Ái, đã để lại trong lòng bà con cô bác biết bao mối cảm tình nồng hậu…

Chính vì những nguyên do vừa kể mà cha mẹ học trò trường làng tôi đã đi lễ Tết thầy với tất cả sự kính yêu, trân trọng. Bà nội thằng Tám Ti đi lễ Tết thầy bằng cặp cá lóc vừa mới tát đìa hôm hăm lăm tháng Chạp. Ba má thằng Bảy Dương mang cặp bánh tét nhưn đậu xanh còn nóng hổi. Ba thằng Phê mang mấy chục bánh phồng vừa mới quết và phơi khô hai nắng. Má tôi biếu gói mứt chuối ngào với gừng xắt nhuyễn vừa mới bắc xuống bếp. Thím Hai Hinh xách con gà giò mập ú. Chú Mười Xương ôm cặp dưa hấu tuy “xanh vỏ” nhưng chắc chắn “đỏ lòng”. Thật là “cao lễ dễ thương” làm sao!

Bọn trẻ chúng tôi chưa có ý niệm gì về dĩa ngũ quả (năm thứ trái cây) nói lên ước mơ thầm kín của chủ nhà trong những ngày Tết. Chúng tôi chỉ có TẤM LÒNG và những sản phẩm CÂY NHÀ LÁ VƯỜN để đi Tết thầy. Thằng Minh mang trái mãng cầu Xiêm da căng bóng. Thằng Chánh khiêng cặp dừa Tân Quan mới tráng cháo. Thằng Tư Ngọng ôm trái đu đủ còn mỏ vịt (tức đu đủ vừa chín hườm hườm). Con Bé Ba đem mấy trái xoài thanh ca đầu mùa. Còn tôi ôm chùm sung nhung nhúc những quả tròn lẳn ngộ nghĩnh.

Thế là vô tình chúng tôi mang đủ bộ ngũ quả để chúc thầy “CẦU VỪA ĐỦ XÀI”, nếu trời cho “SUNG TÚC” thì thật là hạnh phúc!  Như kế hoạch đã định, sáng mùng Một Tết, sau khi mừng tuổi ông bà, cha mẹ, cô bác, láng giềng, lũ trẻ chúng tôi “người nào vật nấy” trong tay, lần lượt xuống ghe do chị tôi chèo lái xuôi theo con nước lớn, rẽ đám lục bình, thẳng tới nhà thầy Năm Ái. Vì phải theo con nước nên sau khi chúc Tết thầy, ăn chút bánh mứt, uống ngụm trà sen ngày Tết, sẵn dịp nước dưới sông lững đứng sắp ròng, chúng tôi từ giã thầy rồi nhổ sào, lui ghe.

Lúc về, chúng tôi còn ghé chúc Tết ở một số nhà bà con, cô bác và cha mẹ một số bạn cùng lớp. Đây là dịp chúng tôi “ăn Tết” thật sự no nê: Nào bánh tét, bánh ít, bánh phồng, bánh tráng, mứt bí, mứt gừng; đôi khi có cả cá lóc nướng trui với lửa rơm gói bánh tráng; có khi được ăn cơm gạo mới thơm phức với tôm kho tàu hoặc thịt kho nước dừa, dưa cải, dưa giá v.v…

Lúc ấy, nước cũng vừa ròng chảy mạnh, bọn chúng tôi xin “kiếu” bà con, cô bác rồi lui ghe, xuôi theo con nước “lướt” một mạch về tới nhà thì trời cũng vừa xế bóng. Sau khi tiếp tục “hưởng lộc Tết”, bọn trẻ chúng tôi tham dự một số trò chơi ngày Tết thật lý thú, hào hứng! Đến tối mịt, ai về nhà nấy ngủ lấy sức hầu tha hồ ăn Tết, chơi Xuân thỏa thích.

Minh họa: Pexels

Giờ đây, cứ mỗi độ Đông về, Tết đến, khi ngoài trời “Tuyết rơi rơi chập chồng. Trên cành cây trụi lá. Trút giọt sầu mênh mông” khiến cho bao kẻ tha hương “rưng rưng sầu viễn xứ” (3) là lòng chúng tôi nao nao nhớ lại những kỷ niệm đẹp lúc đi lễ Tết thầy ở quê nhà. Vật chúng tôi mang biếu thầy là “của tuy tơ tóc” nhưng mà “nghĩa so ngàn trùng”, xuất phát tự đáy lòng chúng tôi. Vật đem CHO cũng quá khiêm tốn, nhưng bù lại, chúng tôi NHẬN ở thầy rất nhiều điều: Từ sự niềm nở đón tiếp đến sự ân cần khuyên dạy chúng tôi về những điều hay lẽ phải, về đạo đức nhân nghĩa ở đời!

Để bày tỏ lòng biết ơn thầy, ngoài việc thắp nén hương lòng gởi đến vị ân sư đã về miền tiên cảnh, tôi xin ghi lại mấy câu thơ Người đã dạy tôi học thuộc lòng cách đây hơn năm mươi năm, không biết rút ra từ sách nào hay từ một bài ca dao cổ:

Cây tươi nhờ nước nhờ phân

Nhờ người nhổ cỏ, vun phân bấy chầy

Trẻ khôn nhờ bởi có thầy

Không thầy dạy dỗ đố mày làm nên

GHI LÒNG TẠC DẠ CHỚ QUÊN…

________________

Chú thích:

1/ Nguyễn Văn Bổng: Sau Một Cuốn Sách

2/ Trà Ôn thuộc tỉnh Vĩnh Long (Nam Kỳ Lục Tỉnh) từ ngày 30/04/1872. Đến 23/02/1876 Trà Ôn thuộc tỉnh Cần Thơ. Từ ấy biết bao thay đổi, Trà Ôn khi thì thuộc tỉnh Tam Cần mới thành lập (Sắc Lịnh số 16-NV ngày 09/02/1956), khi thì thuộc tỉnh Vĩnh Bình, rồi trở lại thuộc tỉnh Vĩnh Long (Sắc Lịnh số 06-SL/DUHC ngày 14/01/1967). Sau tháng Tư 1975, Trà Ôn thuộc tỉnh Cửu Long và ngày nay thuộc tỉnh Vĩnh Long.

3/ Tết Về Giữa Mùa Đông, thơ Trúc Lan, do Hoàng Anh Lương phổ nhạc. Thời Báo Canada số 683 Xuân Quý Mùi ngày 31/01/2003.

____________

Bài đã đăng trong Giai phẩm Xuân 2023 của Saigon Nhỏ phát hành ngày 19 Tháng Mười Hai 2022

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: