Thái Âm Phù

Minh họa : Unsplash

Một truyện ngắn của MacDung

Huy Khiêm đang cắm cúi đào cái ao cá sau vườn. Từ ngày mẹ mất, anh sống trơ trọi với căn nhà nhỏ tồi tàn nằm khuất sâu trong thôn vắng. Nhiều người trong làng lúc ngang qua nhà, thường trêu anh mau mau tìm cho mình một cô vợ để bầu bạn, bớt phần hiu quạnh. Những lúc như vậy anh thanh niên chỉ cười không nói lời nào trước những kẻ rỗi việc. Thật ra anh để ý cô gái ở làng bên, nhưng ngặt nỗi nơi ấy thuộc dòng dõi nhà giàu không mong với tới…

Sống một mình cũng có cái thú của nó. Huy Khiêm thường hay đi đây đi đó thăm bè bạn mà không phải băn khoăn về căn nhà trống trơ trống trọi. Ăn uống đã có rau, cá ngoài đồng. Mấy sào đất cha mẹ để lại cũng thừa sức nuôi thân. Vậy việc còn lại chỉ lo cưới vợ cho bản thân, nhằm kiếm một núm ruột nối dõi tông đường. Nhưng nói nghe dễ, chứ chắc gì mình cưới được cô vợ đúng như mong đợi. Mình thương người là một việc. Còn được người thương lại hay không lại là việc khác. Đó là nỗi bâng khuâng Huy Khiêm thường hay trằn trọc trong những đêm không ngủ…

Minh họa : Unsplash

Người đẹp thường hay bắt mắt, chứ như con bé Thanh nhà bên thì nói làm gì. Cái con nhỏ thật quá quắt khi hay chen vào việc của người. Việc nhà mình không lo, cứ hay chạy sang đây líu lo lắm chuyện. Đã vậy nó còn hay giành phần nấu cơm cho anh ăn mới lạ! Nhưng nói thì nói vậy, chứ con bé qua chơi đôi lúc cũng hay hay. Huy Khiêm có thể kể tâm sự mình với một con bé hay tò mò, và thường trợn tròn hai con mắt đen nhánh khi anh nói về “người ấy”. Nói chung Huy Khiêm đang si tình trong vô vọng và những lúc buồn cần một người lắng nghe tâm sự gió mây. Vậy không ai khác tốt hơn ngoài con bé hay hóng việc người lớn, vẫn lăng xăng, lích xích quanh đây…

Đang xắn cái len, Huy Khiêm phát hiện có điều khác lạ. Lưỡi len như chạm vào vật rất cứng, phát ra tiếng va chạm với kim loại nghe khô khốc. Ngạc nhiên anh khom người xuống bới đất lôi lên cái thùng sắt, loại lính Mỹ thời chiến thường dùng đựng đạn. Suy nghĩ thoáng qua trong đầu anh thanh niên: Có khi nào mình đào được vàng như trong chuyện cổ tích. Lúc ấy nói chuyện với gia đình “người ấy” được rồi…

Nhưng những gì bày ra trước mắt làm Huy Khiêm thất vọng. Trong cái thùng chỉ vài thứ linh tinh như: sổ sách, một mớ cỏ khô, mấy cây dao bằng thủy tinh và mớ mùn mục nát không biết là gì… Lật thoáng qua vài trang quyển sổ, Huy Khiêm chợt chú ý đến đoạn nét chữ khá rõ, được ghi rất trang trọng phía sau với nhiều chú thích rất lạ kỳ:

Thái âm phù là loài bùa chú trong dân gian rất khó luyện được. Loại bùa này có tác dụng khiển được suy nghĩ kẻ khác theo ý mình, đôi lúc giúp người luyện hoàn thành tâm nguyện như mong muốn. Tuy nhiên việc luyện Thái âm đòi hỏi rất nhiều yếu tố bất chợt ngẫu nhiên như “duyên” quyết định thành công hay không. Từ yêu cầu đã được quy định, lẫn sự may mắn trong quá trình tìm vật liệu, nhiều người đã bỏ dở công trình lúc gần chạm đích. Chính vì điều này Thái âm phù ít được người biết đến, và hiếm ai kiên nhẫn để hoàn thành…

Đọc đến đây Huy Khiêm hơi do dự. “Khiển được suy nghĩ kẻ khác theo ý mình…”. Nghĩa là gì cơ chứ? “Hoàn thành tâm nguyện như mong muốn…”. Cái này xem ra cũng hay hay đây. Lật qua vài trang với đoạn chú thích cho Thái âm phù, tim Huy Khiêm bỗng đập nhanh khi biết ai đã luyện thành công bùa Thái âm có thể khiển người khác tình nguyện dâng trái tim cho mình. Ôi! Điều này thật bất ngờ. Như vậy không phải anh đã có cách làm cho “người ấy” yêu mình hay sao! Mà một khi yêu nhau thì đâu ai phân biệt ngôi thứ, sang hèn làm gì cơ chứ…

Minh họa : Unsplash

Bàn tay Huy Khiêm run lên khi lật qua trang khác.

Tìm năm loại cỏ thơm vào giờ mở đầu Hoa giáp. Trong phạm vi giờ Tý phải tìm hái cùng lúc năm loại ấy nhưng không được chuẩn bị trước. Lúc tìm được phải phơi 64 nguyệt sương, chôn dưới đất 128 ngày đêm. Màu cỏ phải giữ sao cho như lúc ban đầu, không được vàng úa mới đạt thành tựu. Sau khi được cỏ này giã nhuyễn pha với nước sương đêm, dùng nó thoa lên tóc ai thì trở thành “bùa yêu” không hề sai trật…

Đến đây Huy Khiêm chợt nghĩ: Năm loại cỏ thơm là những thứ nào nhỉ? Hồi nhỏ tới lớn anh chỉ nghe nói đến duy nhất món rau thơm thôi! Lấy đâu ra năm thứ cho đủ với yêu cầu luyện Thái âm bây giờ? Thế là từ hôm tìm được quyển sổ quái lạ, Huy Khiêm cứ đi ra đi vào đăm chiêu về năm loại cỏ quái ác đó. Nhất định anh phải tìm cho ra chúng để luyện Thái âm phù, nếu không đành phải… ở giá suốt đời. Qua tuần sau, anh vẫn không nghĩ ra năm loại cỏ thơm trong sách đã ghi nên đâm ra cáu bẳn với cả bé Thanh.

– Anh Khiêm mấy nay lạ ghê! Bỗng nhiên lại quạu quọ như bị ai lấy của không bằng. Thôi không chơi với anh nữa, đi tìm rau thơm bỏ nồi canh chua để ăn còn hay hơn…

Lời nói con bé khiến anh chú ý, không dám tiếp tục chọc cho nó giận.

– Thanh nè! Rau thơm em nói là gì vậy?

Con nhỏ ngoe nguẩy hồi lâu mới chịu bung ra:

– Là rau cần dày lá chứ còn chi phải hỏi. Anh này hôm nay mới thật kỳ, hỏi gì những đâu đâu…

Huy Khiêm gãi gãi cái đầu bù.

– Nhưng… rau cần có mùi ngây ngấy. Sao gọi là… thơm?

– Thì ai thích cứ nói là thơm. Còn không thích, nói hôi cũng được…

Câu nói con bé khiến anh thanh niên tỉnh người ra. “Như vậy đâu cần… thơm mới được. Cứ mùi nặng là đúng rồi!”.

Việc này về sau cứ mỗi lúc nghĩ đến anh lại cười bò. Chẳng phải khi mua nước mắm người ta hay ngửi mùi đó sao? Mùi càng nồng đậm lại cho rằng ngon, nhưng đến lúc dính chút xíu vào người ai cũng la oai oái “Sao hôi quá!”.

Minh họa : Unsplash

Rồi bắt đầu từ hôm đó, Huy Khiếm ra sức đi tìm năm loại cỏ thơm. Nhưng qua mấy tháng trầy trật anh vẫn không sao tìm đủ. Cứ đến giờ Tý xuất hành, chỉ mày mò được hai ba loại đã quá canh. Sau đó tìm đủ, lại không sao giữ cho chúng xanh màu được. Lật tìm đọc kỹ quyển sổ mới té ngửa ra: “Giờ mở đầu trong Hoa giáp là giờ nào mới đúng?”. Hỏi thăm đây đó, mất cả tháng anh mới biết là giờ Giáp Tý. Như vậy, nếu không tìm đủ năm loại cỏ phải mất năm ngày sau mới xuất hiện lại giờ Giáp Tý…

Loay hoay mất mấy năm Huy Khiêm vẫn chưa luyện xong Thái âm phù, đành phải sống trơ trọi một mình. Cũng may, bé Thanh thỉnh thoảng vẫn hay sang bầu bạn với anh nên khuây khỏa đôi phần. Thấy nôn nóng chẳng xong nên anh bắt đầu nghiên cứu kỹ quyển sổ nhặt được ngày ấy. Một hôm buồn tình, anh đem hết mọi thứ ra quan sát, chợt thắc mắc với hai con dao thủy tinh lâu nay quên khuấy. Huy Khiêm tự hỏi trong lòng: “Không biết hai cây dao để làm gì cơ chứ?”.

Anh bắt đầu cùng bé Thanh suy luận: Nhất định chủ nhân nó đã chủ ý khi bỏ con dao vào cái thùng. Những thứ này nếu không việc dùng cứ vứt đi, ai hơi đâu đem chôn giấu cho mệt xác…

Quá bực mình vì tính khật khưởng của anh nên con nhỏ quát luôn:

– Dao thì dùng để… cắt. Có gì đâu anh cứ xem như của báu vậy!

Một lần nữa bé Thanh làm Huy Khiêm kinh ngạc. Bấy lâu nay anh cứ dùng tay hái năm loại cỏ, nó cứ mãi biến màu. Lời nói bé Thanh khiến anh nghĩ ra việc dùng dao thủy tinh để cắt, họa may mới linh nghiệm…

Thế là tối hôm đó anh thực hiện ý định không chút đắn đo. Năm loại cỏ khi được cắt xong anh lại dọ hỏi ý con bé:

– Em làm cách nào giữ cho rau không bị vàng úa vậy?

– Trời ơi! Vậy mà cũng hỏi. Cứ giữ ẩm, tránh nắng, màu của nó tất xanh lâu.

Huy Khiêm nhìn con bé ra vẻ nể phục:

– Không ngờ em lắm tài quá! Sau này đại sự thành anh sẽ đích thân sang nhà hậu tạ…

Bé Thanh nguýt cái rõ dài về phía anh như bất cần:

– Ai mà thèm! Anh lo thân còn chẳng xong, mong gì chuyện khác. Lo cưới vợ đi. Già chát rồi đó…

– Thì anh đang lo đấy thôi! Nếu Thái âm phù luyện thành, cưới vợ chỉ là chuyện… nhỏ.

Cuối năm đó Huy Khiêm hoàn tất việc luyện Thái âm phù. Trong xóm nhiều thanh niên bắt đầu tìm đến “anh Khiêm” để nhờ vả. Anh nghĩ thầm: “Chuyện này chắc lại do con bé gây ra. Cái miệng nó lúc nào cũng bép xép, chỉ tổ hỏng việc lớn”. Rồi anh lại nghĩ, mình cũng nên mang bùa Thái âm ra thử thách xem độ ứng nghiệm ra sao, trước khi hoàn thành tâm nguyện bản thân.

Từ hôm ấy, người trong thôn bắt đầu thấy lạ khi con em cứ hay sang nhà Huy Khiêm thì thầm gì… gì đó. Qua mấy tháng sau trong xóm nổ ra lễ cưới, anh Khiêm lại được mời làm thượng khách mới hách cơ chứ! Mà sao chú rể tỏ vẻ nể mặt Huy Khiêm ra phết. Ngay các chàng trai cũng tỏ ra rất tôn sùng và ca ngợi “anh Khiêm” hết lời…

Mấy năm nữa trôi mau. Bây giờ tên tuổi Huy Khiêm trong giới thanh niên nổi cộm. Anh vang tiếng với cái nghề giúp các chàng trai toại nguyện khi cưới được cô gái “mình yêu”.

Chỉ có bé Thanh là nghĩ khác đi.

– Tài gì mà tài! Giúp người thì giỏi, sao không giỏi tìm cho mình một cô vợ mới hay…

Lời nói con bé khiến Huy Khiêm buồn hết mấy hôm. Anh nghĩ cũng lạ, sao bùa Thái âm đem cho ai sử dụng đều linh ứng, riêng anh lại không. Đã bao nhiêu cái đám cưới do anh chủ xướng đã thành toàn nhưng riêng mình vẫn “phòng không gối chiếc”. Như vậy giúp người hóa ra lại lỗ to. Tụi nó cưới vợ xum xoe, mời mình hết lượt này đến lượt khác… Còn mình chẳng làm nổi một cái đám cưới. Bé Thanh cười là đúng quá rồi…!

Tuy nhiên bé Thanh bề mặt cười cợt nhưng trong lòng nể “anh Khiêm” lắm lắm. Nói gì thì nói, Thái âm phù của anh rất ứng nghiệm khi giúp biết bao nhiêu người thành cặp thành đôi. Từ đó, tuy vẫn hay nhạo báng “anh Khiêm”, nhưng nó siêng cùng anh đi tìm cỏ thơm về ủ làm bùa Thái âm.

Một hôm con bé nhất nhất xin anh Khiêm chút xíu cỏ Thái âm để sử dụng cho việc riêng. Mặc dù Huy Khiêm gạn hỏi nhiều lần con nhỏ vẫn không chịu nói “làm gì!”.

– Anh hỏi để chi? Em giúp mấy đứa bạn trai không được hay sao. Anh giúp người khác được thì… em giúp người quen cũng được chứ có sao đâu…

Chuyện bé Thanh xin cỏ Thái âm, Huy Khiêm không để trong đầu. Chỉ qua mấy hôm là anh quên bẵng và từ đó về sau chẳng nghe con bé nhắc đến nữa.

Rồi Huy Khiêm nhận được tin buồn. Người anh ngày đêm thương nhớ đã lấy chồng, mặc cho anh đã luyện thành Thái âm phù, vẫn sử dụng nhưng không ứng nghiệm đối với riêng mình…

Thấy Huy Khiêm buồn, bé Thanh vẫn nhỏng nha nhỏng nhảnh như ngày nào, nói tỉnh queo:

– Hơi đâu mà buồn anh Khiêm. Con gái vẫn còn đầy ra kia! Mai mốt biết đâu anh cưới được cô khác hơn gấp trăm lần…

Nghe con bé nói anh được an ủi đôi phần, nhưng nghĩ lại vẫn thấy tức anh ách. Tại sao ai anh giúp cũng thành công, còn riêng mình xôi bỏng hỏng không. Thái âm phù ơi là Thái âm phù! Bụt thiên bỏ nhà đi đâu mất? Khiến gia chủ rơi vào cảnh dở khóc dở cười…

“Người ấy” đã lấy chồng, coi như bao công sức trở thành công cốc, với ngót nghét bảy năm trời nuôi trồng hy vọng. Rồi Huy Khiêm nổi giận đem các thứ ném ra ngoài sân. Hai con dao bị đập vỡ nát với lời nguyền rủa không thương tiếc.

Thấy anh nổi giận, bé Thanh bỗng sợ hãi. Nó không nói không rằng đi nhặt các thứ cất riêng một chỗ.

Huy Khiêm trông thấy giận dữ:

– Tiếc gì cái thứ ấy… Đồ… dại nhà khôn… chợ…

Bé Thanh tiu nghỉu:

– Nó không giúp được anh cũng giúp được người khác chứ bộ. Khi không đem ném đi, hủy hoại công sức trong chốc lát chẳng thấy tiếc sao?

– Không tiếc gì cả! Ném hết, bỏ hết… Chẳng còn Thái âm, thái giám gì nữa…

Cơn giận dữ của Huy Khiêm kéo dài được mấy hôm thì lắng xuống. Nó dịu xuống bởi lẽ tiếng tăm của anh bây giờ đã có nhiều người biết đến. Quá nhiều người nài nỉ anh đừng giận cá chém thớt, cố giúp cho họ đạt được tâm nguyện cũng là tích đức về sau vậy. Rồi họ đem quà cáp đến đầy nhà với lời nói dứt khoát như không: “Ông chủ mà chẳng giúp thì… giăng mùng ngủ lại luôn…”.

Cảm động vì tấm chân tình mọi người ngưỡng mộ, Huy Khiêm đành gạt nỗi phiền muộn, cùng bé Thanh đêm hôm lại đi săn lùng cỏ thơm…

Rồi vào mùa trăng sáng, thoang thoảng hương đưa từ những nụ hoa khoe sắc trong đêm. Huy Khiêm chợt nhận ra điều kỳ diệu mà lâu nay bản thân không thấy. Trong ánh trăng mờ ảo bởi sương đêm, ánh mắt bé Thanh nhìn anh đầy trìu mến pha chút bâng khuâng. Huy Khiêm thấy mình thật vô tâm khi lâu nay cứ kêu con nhỏ bằng “cô bé”. Thật ra Thanh đã lớn từ lúc anh luyện xong Thái âm phù. Con bé ngày nào mới mười lăm, mười sáu, cộng với bảy năm luyện bùa Thái âm không phải đã ngoài hai mươi rồi sao? Mà đâu riêng gì chuyện Thanh đã lớn, anh cũng đang già ra đấy thôi…!

Phát hiện này khiến Khiêm tỏ ra lúng túng khi đối diện với đôi mắt to tròn sâu hun hút. Từ trong sâu thẳm cõi lòng anh biết Thanh đang đẹp ra không thua kém bất cứ ai. Thế mà “con bé” vẫn theo anh suốt bảy năm trời ngửi hương ngũ thảo. Anh tự tát vào má mình với điều ngu ngốc không sao tha thứ được. “Chỉ có tình yêu mới khiến cô gái như thế không rời xa anh. Chỉ sự thủy chung sẵn sàng hiến tặng tất cả cho người yêu mới thúc đẩy cô gái kiên nhẫn giúp anh luyện xong Thái âm phù với bảy năm dài đăng đẳng…”.

Huy Khiêm ngồi nhớ lại từng động thái và cử chỉ của Thanh ngày ấy với sự xốn xang dằn vặt cõi lòng. Anh mải đi tìm kho báu ở tận đâu đâu lại quên phứt bóng hồng bên cạnh. Và cô gái ấy vẫn ngày đêm bên anh, lo lắng những việc như: nấu cơm, may vá, quét dọn nhà… một cách âm thầm, với tình cảm được giấu kín qua dáng dấp thơ ngây hồn nhiên như thuở nào. Bất giác từ những điều vừa phát hiện, Huy Khiêm chợt thấy trong tim thoát thai một tình cảm cháy bỏng mặn nồng, sâu sắc đến không ngờ. Bởi anh biết rằng, kể từ bây giờ nếu để mất Thanh sẽ mất tất cả. Và cuộc đời anh sẽ không còn ý nghĩa khi các cô gái mình yêu lần lượt bỏ ra đi…

Trong đêm sương huyền ảo, với hương đồng cỏ lạ vây quanh, bất giác anh nắm lấy tay nàng bằng sự cảm kích không sao thể hiện được. Mà tình yêu thì thể hiện bằng cách nào đây? Bàn tay cô gái nóng lên trong tay anh. Ánh sáng nhạt nhòa, huyền ảo như đồng tình với tất cả mọi chuyện. Và cái đêm bất chợt đó trở thành ký ức sâu đậm giữa hai vợ chồng phải mất bảy năm họ mới phát hiện ra mình… yêu nhau…

Đám cưới “anh Khiêm” và Thanh diễn ra rất nhanh trong sự bỡ ngỡ cả hai. Nhưng… hàng xóm lại nghĩ khác: “Tụi nó cưới nhau là phải rồi! Tội nghiệp con nhỏ lâu nay cứ ôm sầu… mà thằng kia lại vô tình. Phải chi cưới nhau sớm, bây giờ đã tay bế tay bồng”. Như vậy đối với người làng việc anh cưới Thanh đâu có gì bất ngờ. Bất ngờ nhất trong chuyện này lại là người trong cuộc: kẻ đó là anh!…

Một năm sau, căn nhà nhỏ cuối thôn đã có tiếng khóc trẻ con. Cô gái ngày xưa vẫn bận bịu trăm công ngàn việc cho ông chồng vốn vô tâm như thuở nào, nhưng nàng không giận. Vì từ khi quyết định yêu Khiêm, nàng đã chấp nhận nhiều thứ, ngay cả việc có thể mất anh cho người khác… Như thế cần chi phải oán giận khi Huy Khiêm vẫn mải say sưa với “năm loại cỏ thơm” mà quên mất cô vợ đẹp cùng chú nhóc đáng yêu đang khóc la đòi sữa mẹ…

Huy Khiêm vẫn mò mẫm cùng Thái âm phù, với nỗi bực tức lâu nay chôn để trong lòng. Tại sao Thái âm linh ứng với nhiều người, riêng anh lại không tác dụng? Như thế thật bất công đối với anh, một người đã bỏ ra rất nhiều tâm huyết rồi chẳng nhận được sự bù đắp nào! Lần tìm trong mớ hỗn độn từ quá khứ, bất chợt Huy Khiêm nhớ đến việc cả anh và vợ đều quên khuấy đã lâu. Đã không nhớ thì thôi, khi đã nhớ phải hỏi ra cho rõ ràng…

– Thanh nè! Anh nhớ có lần em xin ít cỏ Thái âm là để cho ai vậy?

Thanh vừa nghe chồng hỏi liền đỏ mặt:

– Anh hỏi làm gì? Em giúp mấy đứa bạn trai không được hay sao. Anh giúp người khác được thì… em giúp người quen cũng được chứ có sao đâu.

– Nhưng… em đã cho ai mớ cỏ đó…

Nét mặt cô gái đỏ lên như ngày nào, rồi ranh mãnh nói:

– Thì em dùng cho chính mình… cũng được vậy!

Huy Khiêm thảng thốt nhìn vợ:

– Không lẽ người đó… là… là…

– Là anh chứ ai nữa. Cứ ở đó thì với là… Thôi đưa hộ cái tã cho em. Thằng nhóc lại tè nữa rồi kìa!

Đến đây Huy Khiêm nhỡ lẽ ra. Không ai khác mà chính anh lại là nạn nhân cho phù chú Thái âm bởi cô bé láu lỉnh ngày nào. Rồi khi nhìn vợ tất bật với việc chăm nom con trẻ. Nhìn đứa bé kháu khỉnh tròn xoe hai con mắt ngó anh… Huy Khiêm chợt cười với chính mình. Anh nghĩ: “Có được cô vợ xinh xắn giỏi giang như thế và đứa bé trai bụ bẫm đáng yêu đến vậy, cho dù mắc phải “bùa yêu” một lần nữa anh cũng cam lòng. Không phải Thái âm phù đã ghi rõ: Tính bất chợt ngẫu nhiên sẽ quyết định thành công cho phù chú Thái âm, và hiệu quả của nó không hề sai trật. Như vậy là đúng quá rồi còn gì…!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: