Tháng Tư của tôi

Cứ đến tháng Tư là tôi nhớ đến kỷ niệm sâu sắc của gia đình mình và nghĩ ngợi mông lung về cái quá khứ ấy. Tôi vốn là thế hệ 8x cuối cùng, một thế hệ sinh ra khi chiến tranh đã gần như kết thúc trên mọi mặt trận, Liên Xô gần sụp đổ, Bức tường Berlin đổ sụp vào hai tháng sau khi tôi ra đời. Do vậy những trải nghiệm của gia đình tôi mặc dù rất đặc biệt nhưng chưa bao giờ tôi thấy tận mắt, sờ tận tay cả.

Ngày 29-4-1975, nếu là ông tôi thì tôi sẽ làm gì? Tôi luôn suy nghĩ trong đầu và mỗi lần suy nghĩ đều có đáp án riêng cả. Cho dù đỏ hay vàng, phàm là người Việt, tháng Tư luôn là một tháng đặc biệt nhất trong cuộc sống của họ. Tháng Tư năm đó, chiến sự dồn dập đưa tin bất lợi về Đường 14, về việc đánh mất Đà Nẵng của quân đoàn I, quân đoàn II, dân Sài Gòn hoang mang cực độ, không biết đường nào mà lần. Chẳng mấy chốc mà nguyên một dãy miền Trung từ Đà Nẵng vào tới Phan Rang đã bị quân Bắc Việt chiếm đóng toàn bộ.

Tin từ miệt Xuân Lộc lúc được lúc mất, số phận VNCH như mành chuông treo sợi tóc. Ông nội tôi, một người lính truyền tin đã giải ngũ hai năm trước sau Hiệp định Paris đã chứng kiến những giờ khắc kinh hoàng nhất sau năm 1968, khi mà ông phải giả dạng một người dân thường chạy một vòng quanh thành phố từ Phú Lâm đến Gò Vấp để đến được căn cứ của mình. Dọc đường, ông kể, là một mặt đất đầy máu và xác người, dân thường bị bắn vào mặt, vào chân nhiều vô kể.

Ông sẽ còn chứng kiến một số điều kinh hoàng tiếp theo vào những ngày cuối tháng Tư, 1975. Một hôm, cả nhà đang ăn cơm thì thấy ông Thiệu đọc diễn văn từ chức trên truyền hình. Ông tôi chép miệng “chắc là Việt Cộng kỳ này nó vô tới đây luôn rồi, mọi người chuẩn bị đi, giấu vàng vòng dưới hầm cho tôi”. Bà nội tôi và bốn đứa con vốn còn rất nhỏ thì hoang mang không biết tương lai sẽ đi về đâu. Quê bà vốn ở Hậu Nghĩa là vùng xôi đậu giữa quân VNCH và VC. Bà hiểu rõ thủ đoạn tàn khốc của VC khi họ từng đe dọa ông cố của tôi, khi buộc ông không được nhận chức Ấp trưởng ấp Sò Đo, nếu không sẽ bị toà án “cách mạng” tuyên án tử hình.

Nay thì Sài Gòn như mành chuông treo sợi tóc, bà chợt lo sợ cho gia đình có quá nhiều người làm cho VNCH. Ngày 28-4-1975, ba tôi trên đường đi học về ở Phú Lâm chợt thấy người ta bu lại coi hai cái xác lính VNCH – một người cụt đầu, một người cụt tay, trên người đeo một cái bảng lủng lẳng: “Toà án Cách mạng xử ác ôn… và…”. Ông òa khóc và chạy về nói với ông nội bà nội tôi. Ông nội bà nội chạy đến xem cớ sự thì chợt nhận ra một người từng là bạn học cũ của ông tôi tại trường Đại học Sư Phạm (người bị cụt tay). Ông rất buồn nhưng nghĩ lại rằng ông bạn kia khi ra trường đã đi đâu không ai biết, một năm chỉ về nhà một hai ngày, còn ông tôi chỉ là một anh lính biệt phái, chắc chẳng ai quan tâm mà xử như vậy.

Sáng sớm hôm sau, trên bầu trời Phú Lâm có một chiếc máy bay trực thăng bị bắn cháy. Đám con nít ở nhà đối diện nhà tôi vỗ tay reo hò và bắt đầu treo cờ VC. Nhà tôi nhìn chúng với đôi mắt hình viên đạn nhưng cũng biết kết cục sắp đến gần. Cả gia đình lo lắng thì bỗng có một chiếc trực thăng đậu ngay nơi mà hiện nay là Vòng xoay Phú Lâm và có một người đàn ông bận đồ không quân đến tìm gặp ông nội tôi. Ông là ông Tư, họ hàng gần với gia đình, là lính không quân lâu năm.

Ông nói với nội tôi, “VC vô gần lắm rồi, tui kiếm thằng Út không có ra, ông anh thấy nó ở đâu không?”

Ông nội tôi đáp lại, “tui rối quá anh Tư, tui không thấy nó đâu hết, bây giờ anh đi đâu vậy?”.

Ông Tư trả lời “chỉ huy ra lệnh tùy nghi di tản rồi, đi đâu thì đi. À, tui còn chỗ trên cái trực thăng này, ông anh đi luôn với tui đi, qua Utapao, Thái rồi xin qua Mỹ tị nạn”.

Ông nội tôi ngập ngừng nhìn lại gia đình, vợ và bốn đứa con nheo nhóc, mẹ già thì chỉ có mình là con trai mà thôi. Ông nghĩ mình cũng không phải dân nợ máu gì với VC cả. Họ có vào thì chắc cùng lắm mình bị học tập 1-2 ngày rồi về. Người cùng dân tộc cả mà. Bà cố tôi thì nghĩ rất đơn giản và bà khuyên ông tôi: “Hòa bình sắp tới rồi, không còn cảnh đầu rơi máu chảy nữa thì đi nước ngoài chi con, vợ mày rồi đám con mày ở lại thì ai nuôi”.

Nghe bà nói cũng có lý, ông tôi nói với ông Tư: “Hòa bình rồi anh Tư, giờ tui không thể bỏ lại vợ con tui ở lại, ai lo ai nuôi tụi nó đây anh? Anh đi trước đi, thằng Út cứ để nó ở lại đi, nó sinh viên đi theo anh làm chi”.

Ông Tư cố khuyên nhủ một hai câu nhưng ông tôi vẫn kiên quyết ở lại nên ông bay một mình với chiếc máy bay trực thăng ra căn cứ Tân Sơn Nhất rồi lái một chiếc A37 sang Thái. Sau này ông Tư định cư và sống cuộc sống rất ổn định ở Nam Cali, Hoa Kỳ.

Phần gia đình tôi, chiều hôm đó là buổi chiều kỳ lạ nhất trong đời của nhiều thành viên khi mà họ chứng kiến hàng loạt người lính VNCH phải cởi quân phục, cởi đôi bốt của họ, chỉ còn độc chiếc quần đùi mà chạy dài về nhà. Mọi người trong nhà nín thở chờ đến giờ G, khi cuộc chiến đang dần đến bước tàn cuộc. Sáng hôm sau, tin tức từ tiền tuyến trở nên cực xấu. Quân Bắc Việt liên tục vượt qua các phòng tuyến phía Bắc và trung tâm Sài Gòn. Ông nội tôi thoáng nghĩ, nếu chiến cuộc tăng mạnh, bà tôi và bà cố nên về miền Tây cùng hai đứa con gái, ông tôi sẽ giữ nhà cùng hai đứa con trai trong đó có ba tôi. Ông vẫn nghĩ nếu mất Sài Gòn thì chính quyền VNCH sẽ dời về Cần Thơ, nơi Quân đoàn IV đang đợi sẵn. Dưới miệt đó, sông ngòi chằng chịt, địa thế hiểm trở, VC sẽ khó khăn để giành chiến thắng. Ông chỉ sợ pháo kích, tên bay đạn lạc trúng ngôi nhà mình, một ngôi nhà chỉ mới xây dựng hơn 20 năm.

Trưa hôm đó, giọng đọc buồn tẻ của ông Dương Văn Minh chấm dứt cuộc chiến, một cuộc chiến đã kéo dài từ thời ông tôi vừa mới vào lớp một cho đến khi ông đã là một người đàn ông trung niên với bốn người con. Một cuộc chiến mà gia đình tôi đã may mắn không mất bất cứ thành viên nào nhưng có rất nhiều người mẹ đã phải gục ngã vì những đứa con chết trận bởi làn đạn của những người Việt khác tư tưởng. Dù gì thì người Việt đã chấm dứt bắn giết nhau – ông nội tôi nghĩ thế khi nghe bản tuyên bố của Dương Văn Minh. Rất tiếc, ông sẽ còn phải chứng kiến những thứ khủng khiếp hơn rất nhiều sau cái tháng Tư này. Nếu là ông, tôi sẽ làm gì trong cái ngày 29-4 năm ấy?

Tôi đã biết quá nhiều dữ kiện hơn ông sau cái ngày ấy. Ông buộc phải đi cải tạo gần hai năm. Ông bị bỏ đói vì dám hỏi lại cán bộ chủ nghĩa Marx đúng ở chỗ nào. Gia đình chúng tôi ly tán gần 10 năm sau chiến tranh do quá nghèo đói. Mỗi dịp Tết thời bao cấp, ông tôi ngậm ngùi nhớ đến những bữa ăn đầy ắp tiếng cười và rượu thịt của những năm trước 75. Phần lớn gia sản mà ông tích lũy trước đó đều biến mất trong phút chốc sau ba lần đổi tiền. Ông chưa từng hé lời với người nhà trong những năm đó nhưng mọi người đều hiểu cảm giác hối hận khi không đi ra nước ngoài và bảo lãnh vợ con đi chung với mình.

Một buổi chiều năm 1983, em ruột của ông nội tôi thất thểu chạy về báo là đã vượt biên thất bại. Ông tôi đã khuyên bà nhiều lần rằng bà ráng ở đây lâu hơn chút sẽ có khả năng được bảo lãnh sang Pháp. Nhưng bà đã chịu hết nổi. Cái nghèo đói dày vò bà, nhất là so với tình trạng giàu có của gia đình trước 75. Gia đình thì thiếu từng cái ăn, cái mặc và cả cái nghèo. Tất cả đã khiến cho một gia đình vốn rất đoàn kết cũng cãi vã liên tục về chuyện ăn. “Nghèo cho sạch, rách cho thơm” luôn là câu thành ngữ bị ghét nhất trong gia đình tôi vì mọi người quá hiểu nghèo và rách nó như thế nào.

Bà cố tôi bất lực nhìn con cháu mình cãi vã vì từng miếng gạo xấu, miếng thịt mỡ mà bà từng không thèm ngó tới. Nhưng cái nghèo không nguy hiểm bằng bạo quyền mà cộng sản đã áp đặt lên người dân Sài Gòn nói riêng và người dân miền Nam nói chung sau năm 75. Có rất nhiều từ ngữ “phạm húy” mà đến tận bây giờ, gia đình tôi vẫn rất sợ sệt vì họ từng chứng kiến những người chửi cộng sản gặp kết cục gì. Số sách quý mà ông tôi sưu tầm rất lâu cũng bị đốt thành tro bụi.

10 năm sau khi cuộc chiến kết thúc, ông không còn một thứ gì của thời đại trước năm 75, ngoại trừ căn nhà ngày càng xuống cấp và gia đình cũng ngày càng nheo nhóc. Sự nghiệp sư phạm đang lên của ông cũng chấm dứt sớm và đất nước mà ông yêu quý nhưng không cố hết sức để giữ lấy cũng đã bị diệt vong. Cuối cùng thì ông tôi, cho đến khi mất, cũng không bao giờ hé lời về quyết định của ngày 29-4 năm ấy nữa. Ông còn được xem xét việc định cư sang Mỹ theo diện HO vào 20 năm sau cái ngày 29-4 đó. Nhưng rốt cuộc một lần nữa ông từ chối vì mình đã quá già và công việc làm ăn của ông bà ở Việt Nam cũng đang phát đạt dần dần.

Theo nhiều người đã tiếp xúc với ông thì quyết định không sang Mỹ của ông thực chất là vì ông không ưa Mỹ, do họ đã không cứu VNCH những giờ khắc cuối cùng. Không cần phải nói, nỗi uất hận của ông với ngày 30-4 là lớn đến thế nào. Khi tôi hỏi ông về việc phải chăng cộng sản đã “anh hùng” hơn VNCH nên ta mới thua thì ông chỉ cười và nói rằng “con không biết được số người anh hùng đó bị nòng súng của bên ta hạ gục nhiều đến mức nào đâu, nhưng bọn chúng may mắn hơn ta mà thôi. Khi ra trận thì ai mà không sợ mình sẽ ra đi sau trận đánh hả con”.

Cái ngày 30-4 “triệu người vui, triệu người buồn” ngày càng làm cho số người vui càng ít mà số người buồn càng nhiều, nếu so sánh với sự phát triển của các quốc gia khác. Với riêng gia đình tôi, có những thứ không thể phục hồi lại sau cái thảm kịch quốc gia đó. Thế hệ sau của chúng tôi mặc dù không sờ không nắm được nó nhưng cảm nhận rất rõ sự mất mát qua từng câu chuyện kể, từng vẻ buồn bực của người nhà mình. Cái này 30 tháng Tư đó sẽ luôn là ký ức buồn đối với từng con người miền Nam chúng ta, cho dù bao nhiêu năm trôi qua đi nữa.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: