Tôi không biết làm thơ. Nói hoài mà mấy cô bạn của tôi không chịu tin. Một sáng mở mắt ra thấy tin nhắn của Mai Thoa, một cô bạn hồi lớp 12. “Tụi tui đang chuẩn bị chương trình họp lớp. Về được không?” Tôi nhắn lại, “Không về được. Phải đi làm.” Nó nhắn lại ngay, “Nghỉ làm đi chơi.” Tôi đáp, “Nghỉ làm thì không có tiền đi chơi.” Nó im lặng đi ngủ còn tôi bên này xách giỏ đi làm. Chiều đi làm ra, Mai Thoa gởi cho tôi một tin nhắn nữa. “Không về thì viết một bài thơ để tui đọc trong buổi họp lớp!” Chao ơi! Cái cô bạn của tôi tưởng tôi là nhà thơ chắc. Tôi chỉ viết về những kỷ niệm và vài câu chuyện xảy ra “quanh ta” thôi mà. Còn thơ thì nửa chữ cũng không biết viết. Tôi trả lời cụt ngủn, “Không biết làm thơ!” Chắc nó giận nên lâu lắm tôi chẳng thấy nó nhắn tin gì cả.
A! Nhỏ này chơi khó mình thiệt. Thơ là văn chương đẳng cấp. Tôi dẫu có muốn cũng không rặn ra được một chữ nào. Thôi thì nó giận cũng đành chịu chớ chẳng biết viết chi. Nhưng mà cô bạn tôi ngộ thiệt. Mấy tháng trước, sau mấy chục năm mới gặp lại, tôi vui mừng khoe với tụi nó bài tôi viết về bạn bè Tam Kỳ. Nó đọc xong thì quở, “Học Toán mà răng viết văn……?” Mà tôi có viết văn gì đâu chứ. Chỉ tại lâu ngày không gặp tụi nó nên nhớ lại chuyện cũ viết ra thôi mà.
Nhưng đâu phải mình tôi học Toán mà viết mấy thứ khác đâu? Tra Google thì sẽ thấy có nhiều nhà toán học viết những tác phẩm văn học nổi tiếng. Ví dụ như, E.T. Bell (Eric Temple Bell) đã viết tiểu thuyết khoa học viễn tưởng dưới bút danh John Taine. Jordan Ellenberg đã xuất bản một tiểu thuyết có tựa đề The Grasshopper King. Nữ toán học người Nga, Sofya Kovalevskaya được phong danh hiệu giáo sư Toán (a full professorship) và cũng là nữ giáo sư toán đầu tiên ở vùng Bắc Âu, không những viết tiểu thuyết và làm thơ nữa chứ.
Dữ dội hơn là Lewis Carroll (Charles Lutwidge Dodgson) có bằng cử nhân toán nhưng nổi tiếng với các tiểu thuyết thiếu nhi Alice’s Adventures in Wonderland và Through the Looking-Glass. Alice’s Adventures in Wonderland quá hay nên được lên màn ảnh, radio, hội họa, nhạc kịch rồi một mớ trò chơi board games và video games cũng theo đó ra đời. Chưa hết, còn có mấy công viên trò chơi giải trí (theme park) mang tên Alice in Wonderland nữa đấy. Thấy dân Toán viết văn ngầu ghê chưa!
Nhưng có một ví dụ còn đáng chú ý hơn, đó là Bertrand Russell, một nhà triết học và toán học đã viết Principia Mathematica làm nền tảng cho sự phát triển của lô-gíc cổ điển trong môn Toán. Ông được tặng không phải một mà tới mấy cái giải thưởng Toán rất danh giá. Đáng nói là tại vì ông giành luôn một giải Nobel Văn học cho các cuốn truyện do ông sáng tác. Điều này là một ngoại lệ bởi ông Nobel vì không ưa một nhà toán học nên không lập ra giải Nobel Toán. (Cái này tôi nghe một ông giáo sư kể chứ Google không có nói.)
Việt Nam mình cũng có nhiều nhà toán học viết văn lừng lẫy lắm chớ. Tôi có đọc biết mấy người nhưng mà giờ quên mất tên. Kiếm trên Google thì thấy giáo sư Ngô Bảo Châu nổi lên. Ông cũng thích viết lách và còn dịch thơ nữa đấy. Ô! Thì ra tôi cũng không phải là cá biệt. Dân Toán cà tàng như tôi, viết chơi chơi cho vui mà nếu được gọi là văn thì cũng không có gì gọi là ngược đời cho lắm.
Nhưng mà tôi không biết làm thơ như mấy nhà toán học thứ thiệt đó. Ước lắm nhưng viết không ra thơ. Một cô bạn khen tôi viết lời bài hát nghe như thơ. Mừng quá! Tôi đọc đi đọc lại mấy lần nhưng nghe chẳng phải thơ chút nào. Đọc lớn tiếng nghe càng không giống như những bài thơ tôi được học. Kể lại cho bạn nghe, bạn gởi lại mấy gương mặt cười toe toét trên tin nhắn. Ơ! Thôi dẹp cái dzụ thơ thẩn qua một bên đi. Rảnh rỗi viết lại những kỷ niệm để mai mốt về già, khi “em đã quên” mở ra đọc để nhớ lại.
Vậy mà cái đầu tôi cứ lẩn quẩn suy nghĩ, ráng viết một cái gì đó nghe cho có vẻ thơ để gởi thay mặt tôi đi họp lớp. Nghĩ hoài không ra. Tôi kiếm thử xem mấy nhà toán học viết thơ như thế nào để bắt chước. Tôi đọc được rất nhiều bài thơ tiếng Việt giúp trẻ học toán, giúp học trò nhớ công thức toán, giúp môn Toán nghe vui tai để học dễ hơn. Và đặc biệt là rất nhiều chàng dùng từ vựng toán học để tán mấy cô, để diễn tả tình yêu với nàng nghe như đọc phiếm. Mấy chàng này thể nào cũng rước được các nàng. Vậy sao lại bảo dân Toán là khô khan nhỉ?
Mấy tuần sau đó tôi được đi dự một hội thảo Toán học với rất nhiều đề tài để chọn lựa. Tôi chọn ngồi nghe thuyết trình “Toán học và nghệ thuật” vì dường như hai món này chẳng ăn rơ với nhau giống như bạn tôi đã quở, “Học Toán mà răng viết Văn?” Ba cô trong buổi hội thảo đó trình bày thật hấp dẫn và rất sáng tạo. Một cô nói về toán trong hội hoạ rất sinh động. Một cô trình diễn vài màn ballet để minh hoạ cho Set Theory – Lý thuyết tổ hợp. Thú thật tôi nghe và xem chứ không hiểu hai thứ đó dính dáng như thế nào với nhau. Cô thứ ba cho xem một mớ các bài thơ toán. Đúng là thứ mà tôi muốn học.
Có một bài thơ làm tôi chú ý và rất thích thú. Đó là một bài thơ là theo kiểu của dãy số Fibonacci. Ông Fibonacci thật ra không được đào tạo để trở thành một nhà toán học. Ông là một nhà buôn thường đi đây đó. Ông thầy tôi kể là trong những chuyến buôn với người Ấn độ và Ả rập, ông Fibonacci đã nhận ra rằng hệ thống số của Hindu-Arabic hay hơn là hệ thống số La mã. Thế là ông viết để giới thiệu hệ thống số đó với Âu châu và cũng đã giới thiệu công thức của dãy số trong toán học Ấn độ mà sau đó dãy số này mang tên ông. Dãy số Fibonacci bắt đầu bằng số 0 và kế tiếp là số 1. Những số sau đó được tạo bằng cách cộng hai số trước với nhau. Dãy số Fibonacci giống như vầy. 0, 1, 1, 2, 3, 5, 8, 13,… Thơ kiểu Fibonacci thì dòng đầu tiên có một chữ, dòng thứ hai cũng một chữ, dòng thứ ba thì hai chữ và cứ thế tiếp tục theo mẫu của dãy số Fibonacci.
Vừa may! Bạn bè tôi họp lớp vừa xong, gởi cho tôi xem video họp lớp với lời nhắn. “Họp lớp vui lắm mà đứa nào cũng khóc sau khi xem hình của lớp mình ngày xưa.” Tôi coi video của họp lớp cũng thấy mình khóc như tụi nó kể. Chao ơi! Thuở học trò ngày xưa sao mà dễ thương, thơ ngây và hồn nhiên thật! Cảm động quá tự dưng tôi lại muốn làm thơ. Tôi nhớ kiểu thơ Fibonacci mới nghe được. Thế là tôi lò mò bắt chước viết thử một bài thơ cho bạn bè tôi. Chẳng biết nghe có giống thơ không nhưng tôi thích. Tôi viết thêm một bài thơ nữa để cảm ơn Chúa đã ban cho bao điều kỳ diệu cho cuộc đời tôi trong đó có cả cách viết thơ kiểu này. Vậy là cuối cùng tôi cũng có một bài thơ gởi cho bạn bè lớp 12 của tôi. Tụi nó có chê thì tôi sẽ nói rằng tôi là dân Toán thì phải làm thơ kiểu Toán chớ!
Thơ Vần Fibonacci
Tạ Ơn Thiên Chúa
Bão
Giông
Bao lần
Con ngụp lặn
Biển đời tận đáy sâu
Chẳng biết đâu là bờ, hay bến đậu
Dập
Chìm
Đời con
Tưởng lạc mất
Chốn hoang vu sa mạc
Hay vật vờ bên lề đời nổi trôi
Êm
Nhẹ
Chúa kéo
Khỏi chốn nhơ
Con bên Cha nhân lành
Biết bao hy vọng, lòng thấy bình an
Ngài giải cứu con khỏi chốn lầm than, đời con được tươi sáng
Nay
Mai
Có Ngài
Con không sợ
Bao mưa gió trần gian
Có Chúa luôn bên, con an lòng bước
Tạ ơn Ngài ban cho dư dật, biết bao điều đẹp hơn mơ
Nhớ và Nhớ
Nhớ
Xưa
Tụi mình
Ngày còn trẻ
Cùng sách vở học trò
Mộng mơ, vui đùa, ngây ngô, hờn giận
Hè
Nắng
Chia tay
Đám chúng mình
Đứa tung bay cao vút
Đứa trồi sụt lận đận, tháng ngày trôi
Nổi
Chìm
Gặp nhau
Bốn mươi năm
Bạn bè đếm còn, mất
Cực chất, Bùng nổ, Dậy sóng, Mãi đỉnh *
Khóc, cười, đùa giỡn, như thuở ngày mình còn thơ, vui rạng rỡ
Kể
Nhớ
Tháng ngày
Được bên nhau
Trong sân trường đầy nắng
Giờ ngỡ ngàng, thấy mình đầu đã bạc
Nhưng không buồn, vì còn đó những kỷ niệm đẹp tựa giấc mơ.
—
*Tên bốn tổ của lớp tôi