Thơ tình cho tuổi sáu mươi của thi sĩ Phạm Hồng Ân

Minh họa: Jr Korpa/Unsplash

Tôi nhận được mail của thi sĩ Phạm Hồng Ân kể rằng quyển thi văn anh viết sắp xong, khi nào hoàn tất anh gởi tôi đọc, ngỏ ý tôi viết Tựa cho quyển sách ấy. Tôi thật bất ngờ với bao cảm xúc lẫn lộn: vinh hạnh, mừng vui, lo lắng.

Vinh hạnh bởi được anh tin tưởng trao việc viết Tựa, mà lẽ ra phải giao cho một nhà văn, thi sĩ hay phê bình gia tiếng tăm quen thuộc trong giới văn đàn giới thiệu thì mới làm giá trị quyển sách tăng thêm cho độc giả yên tâm tìm đọc. Lo lắng bởi tôi chỉ là một kẻ vô danh chìm lấp trong hàng ngàn độc giả ngưỡng mộ thi tài anh, trong đời chưa hề viết ra một truyện dài nào ra hồn. Thỉnh thoảng tôi cũng làm thơ nhưng “tài thơ” của tôi không đủ để tôi dám viết Tựa cho một tập thi văn tuyệt vời như thế.

Nhưng anh bảo chính vì tôi không phải là người viết chuyên nghiệp nên anh mới chọn tôi. Anh không cần tôi phải có kiến thức uyên bác của một người chuyên nghiệp mà chỉ cần tôi viết ra những gì tôi cảm-nhận-từ-trái-tim với tư cách của một độc giả khi đọc một bài thơ, một truyện ngắn. Nghe trấn an như thế, tôi dần dần bớt lo lắng. Tôi nhận lời để đáp lại lòng tin mà thi sĩ Phạm Hồng Ân đã phó thác cho tôi. Kể ra anh thật là gan cùng mình, cái gan kiêu bạc của một người từng là lính biển VNCH vẫn tiềm tàng trong máu huyết chưa nguôi cạn sau mấy mươi năm bị vùi dập trong bể trầm luân cuộc đời. Anh đủ can đảm giao tôi viết lời giới thiệu thì tại sao tôi không đủ can đảm viết cho xứng với tinh thần liều mạng ấy nhỉ?

Thế là tôi bắt đầu làm một việc vượt quá khả năng mình. Chắc chắn đây là những nhận xét chủ quan, xin mọi người du di, bởi tôi chỉ là một người thuần túy yêu thích văn thơ nên cái nhìn của tôi cũng thô thiển mộc mạc như kiến thức hạn chế của mình.

Tập sách khoảng trên dưới trăm trang, gồm 40 bài thơ, sáu truyện ngắn, tùy bút, cùng bài giới thiệu tác phẩm của thi sĩ khác, được đăng xen kẽ kèm theo những bức họa thiếu nữ, chứ không chia làm hai phần riêng biệt: Thơ và văn. Theo tôi, về hình thức đó là một ý hay để tránh sự đơn điệu cho độc giả.

Tôi chỉ mới được đọc văn, thơ của anh Phạm Hồng Ân khoảng ba năm nay. Nhưng ngay từ những bài thơ đầu tiên, tức khắc tôi phong anh là Thi-Sĩ-Của-Tình-Yêu rồi vậy. Thuở còn đi học, tôi rất yêu thơ của thi sĩ Nguyên Sa. Tôi thuộc lòng hầu hết các bài thơ của ông. Những bài thơ tình nhẹ nhàng giản dị đã làm trái tim tôi rung động mạnh mẽ như thế nào thì bây giờ – khoảng cách thời gian mấy mươi năm – thơ của thi sĩ Phạm Hồng Ân cũng làm tim tôi rung động tương tự.

Phần Thơ:

Thật vậy. Mở quyển sách, tôi đã bị cuốn hút ngay bởi mấy câu thơ ở trang đầu, Vá Tình:

Luồn kim vá lại nỗi buồn

Rách nhau từ thuở em còn mộng mơ

Vá tình từng mảnh vụn thơ

Giạt trôi theo khắp bãi bờ nhân gian…

Bài tiếp theo Ngón Tình:

Tôi ngồi ngắm những ngón tình

Trên đôi tay rực đỏ hình dáng hoa…

Ngón bâng khuâng vẫy tạ từ

Rớt trong tôi một mùa thu thật buồn…

Ngón cong cong giống cây cầu

Bắc cho hai đứa ngày đầu cầm tay

Minh họa: Jr Korpa/Unsplash

Cứ thế, từng chữ từng lời dắt tôi bước sâu thêm vào thế giới nửa thực nửa mơ không dừng lại được. Tôi tuần tự đi theo con đường thơ anh rải, xem anh nghĩ gì – tôi sẽ trở lại viết về phần thơ Tình nhiều hơn ở đoạn dưới.

Anh tin vào Chúa, dù anh biết:

Chúa sống lại rồi, Chúa bay về trời, Ngày đã hồi phục, Từng vết thương đời

Nhưng lòng thi sĩ vẫn còn một nỗi băn khoăn bứt rứt:

Trong một góc nhỏ, tôi vẫn thấy tôi, nhặt những mảnh vỡ, của một kiếp người…

sau tấm lưng đêm, tôi vẫn buốt rêm, lằn roi định mệnh, từ nỗi oan khiên… 

(Ngày Phục Sinh)

Vì sao anh là một con chiên ngoan đạo, đi lễ đều đặn mỗi sáng chủ nhật mà nỗi ưu sầu vẫn quanh quất bên anh không rời?

Trời đẫm sầu nên người mới khóc

Nên thơ tôi hiu hắt cội nguồn

Nên buổi chiều em ngồi xõa tóc

Hồn trôi theo cụm khói quê hương

(Thơ và Họa, dịch theo bài Mưa của Aroma Profundo)

Đồng cảm với thi sĩ Aroma Profundo, nhìn mưa rồi khóc, nhớ cả cụm khói tỏa từ cố quốc. À thì ra anh mang một nỗi buồn viễn xứ, trăng treo phương Bắc mà anh cứ vọng về trời Nam.

Đường thơ của anh dừng lại ở:

* Saigon, một thời hoa mộng nơi anh từng theo học Đại học Văn Khoa, Đại học Vạn Hạnh. Nơi ấp ủ hoài bão đầu đời của chàng thanh niên đầy nhiệt huyết:

Rơi trên vườn bách thảo em

Nụ cười chỉ có thật riêng Saigon

(Em Vẫn Là Saigon)

Anh có đi bất cứ đâu, phồn hoa đô hội bậc nhất thế giới, thì Sài Gòn vẫn thu hút tâm hồn người con từ ngàn phương ngóng về, vẫn một lòng nhớ thương nơi chốn cũ với cái tên thân quen cũ, mặc cho kẻ xâm lấn cố tình thay tên đổi họ:

Vẫn em vẫn là Saigon

Vẫn đôi mắt rủ ngàn phương đổ về…

Vẫn tôi trôi nổi bình bồng

Đời bôn ba vẫn một lòng thương em

(Vẫn Gọi Là Saigon)

*Về Tháng Tư đen mà vết thương hằn sâu trong hồn mấy chục triệu dân miền Nam yêu tự do nhiều năm sau vẫn còn nhức nhối mỗi lần mùa hạ về:

Tháng Tư không có ngày, không có Mặt trời, không có sự sống

Tháng Tư chỉ có đêm, âm u như địa ngục…

chỉ có dòng sông ngoằn ngoèo ra biển

 nơi sự sống trở thành sự chết

sự chết trở thành tự do trong ý nguyện

(Tháng Tư Không Có Ngày)

Cuối Tháng Tám 2021, Taliban tiến chiếm Afghanistan, Mỹ và đồng minh rút quân về nước trong vội vã, những người dân yêu tự do cuống cuồng tràn vào phi trường tìm cách chạy trốn khỏi ách cai trị bạo tàn của Taliban.

Kabul tháo chạy như Saigon tháo chạy cách đây 46 năm

lịch sử vẫn còn lập lại

tôi tiếc thương Kabul bây giờ như tiếc thương Saigon năm xưa

tiếc thương từng thành phố hiền lành

bị đám quân cướp rừng thôn tính một cách tàn bạo

bây giờ là Kabul năm xưa là Saigon

lịch sử vừa lập lại cuộc ồ ạt tháo chạy

(Khóc Kabul Khóc Saigon)

*Từ Saigon anh bay về nơi chôn nhau cắt rốn, quê hương nơi anh ra đời: Cà Mau.

Bằng từ ngữ nhịp nhàng óng ả gợi lên hình ảnh chiếc võng đẩy đưa ầu ơ giai điệu ca dao mượt mà, tán tỉnh của người tình dành cho người tình giữa đêm trăng thanh gió mát:

Gọi mây về cho mây đưa gió

gọi gió về cho gió ru trăng

gọi em về con sông ngày đó

cho ta về đợi chuyến đò ngang…

Gọi mây về mây treo đầu núi

gọi gió về gió thổi mây trôi

gọi em về giữa trời mưa bụi

chỉ nghe đêm tầm tả giọt rơi

(Cà Mau Đi Dễ Khó Về)

*Về những địa danh anh đã từng trú đóng thời chinh chiến, thi hành sứ mạng người trai. Về những ngày đêm lênh đênh trên chiến đỉnh, cái chết chờ chực rình mò bất cứ lúc nào, mà trong đó có Rạch Giá thân yêu. Thảo nào trong thơ anh nhắc nhiều tới Biển và Sông. Không biết bóng dáng thiếu nữ nào ở vùng sông biển đó còn hoài vương vấn trong trái tim để khiến anh ước ao về thăm lại:

Rạch Giá còn đây mùa tình chưa cạn

ruộng vẫn đầy hồn nước nổi trôi

biển vẫn nằm ru hòn năm tháng

em vẫn ngồi trong chữ nghĩa thơ tôi

(Tôi Muốn Về Thăm Quê Em)

Dòng sông nào uốn khúc quanh ta

Trào ngọn sóng tình chung tiền kiếp

Em bồi ta từng hồn nước phù sa

Róc rách đổ những thủy triều trùng điệp

(Nơi Dòng Sông Uốn Khúc)

*Về những dịp ngồi với chiến hữu của những ngày tháng cũ, hội ngộ trên xứ người. Tự cho phép túy luý ngông cuồng như thuở vào sanh ra tử. Rượu uống như muốn quên đi nỗi rạn vỡ đời người lính gãy súng bất đắc dĩ:

Trút cạn chai… đêm nay chai cạn

như trút tình cho cạn buồn riêng

đời có cho số phần ngao ngán

thì vui lòng kêu rượu uống thêm

(Cụng Ly Với Thành, Vĩnh ở quán Em Gái)

*Và bây giờ tôi quanh trở lại đường-thơ-Tình mà theo tôi đó mới là nguồn thi hứng chính của thi sĩ. Chúng ta hãy cùng theo anh lên đồi cho kịp kỳ hẹn của mùa tình, nghe rộn rã làm sao:

Réo gọi nhau mùa tình đã hẹn

hoa trên đồi vừa rực rỡ lên ngôi

anh thả thơ lót đường chờ em đến

có gió mây chờ đón giữa lưng trời…

em sẽ thấy từng riêng tư thầm kín

bỗng chan hòa theo dòng cuộn thanh tân

(Mùa Tình)

Thi sĩ thả thơ để lót đường cho chúng ta bước vào khu vườn tình bằng những lời thủ thỉ nhẹ nhàng dè dặt:

Bảy mươi ta viết thư tình

Sáu mươi em vẫn làm thinh thẹn thùng

(Thơ Tình Cho Tuổi Sáu Mươi)

Có gì cảm động cho bằng người đàn ông ở tuổi thất thập còn ngồi viết thư mừng sinh nhật sáu mươi cho vợ, hoặc cho một bóng hồng trong dĩ vãng, bất luận là ai, nhắc nhở nàng về lần đầu nhận được lá thơ tình:

Anh biết hôm nay em tuổi sáu mươi

Sẽ đôi lúc ngó trời hiu quạnh

Nhẹ nhàng nhớ một thời lãng mạn

Lần đầu tiên đọc lá thơ tình

(Thơ Tình Cho Tuổi Sáu Mươi)

Những người phụ nữ hôm nào hãy còn là cô gái tuổi ô mai, ngoảnh đi ngoảnh lại giờ đã lên chức bà. Khi đọc mấy vần thơ trên sao không khỏi chạnh lòng nhớ tiếc về thời hoa mộng cũ. Nắng ấm rồi sẽ có mây đen mưa phủ, bình minh rồi sẽ hoàng hôn. Định luật của tạo hóa từ muôn đời:

Anh biết bây giờ đời đã hoàng hôn

Cô bé năm xưa da mồi tóc bạc

Cái dáng thon thon hoàn toàn thất lạc

Trong sương mù của ký ức vàng son

(Thơ Tình Cho Tuổi Sáu Mươi)

Dù cho cô bé ngày xưa đã thành người phụ nữ da trổ đồi mồi, tóc nhiều sợi bạc, vóc dáng thon thon cũng biến mất tự thuở nào, nhưng người đàn ông vẫn viết thơ tình mừng tuổi vợ (hoặc người trong mộng) khiến nàng nhớ lại thời 16 dại khờ gặp nhau thẹn thùng chẳng nói được câu gì ra hồn:

Anh biết hôm nay em tuổi sáu mươi

Nên viết lại lá thơ tình mười sáu

Hoài niệm nhau thuở ban đầu khờ khạo

Khi thẹn thùng chẳng nói được nên câu

(Thơ Tình Cho Tuổi Sáu Mươi)

Chỉ bằng những từ ngữ giản đơn ý nhị, tác giả đã làm cho trái tim người đọc – nhất là độc giả nữ trong đó có tôi – rúng động, như thấy cả cuộc đời của mình gói trọn trong hai câu lục bát mở đầu, tiếp theo sáu đoạn tám chữ. Nghe buồn hiu buồn hắt, tiếc nuối, bâng khuâng, cho một thời xuân xanh đã mất.

Các thi sĩ, nhạc sĩ sáng tác những tác phẩm bất hủ để đời đều lấy cảm hứng từ một câu chuyện có thật, hay một bóng hồng có thật. Nếu không thì họ sẽ tạo ra một Nàng Thơ để làm chất xúc tác. Tôi đoán Phạm Hồng Ân cũng không thoát khỏi định lệ đó. Chúng ta không cần biết Nàng Thơ của anh là ai, chỉ biết nhờ Nàng mà chúng ta được tiếp tục thưởng thức những áng thơ tuyệt tác. Tác giả đã thú nhận:

Mấy mươi năm như thân cây khô

đời vắt kiệt từng dòng nhựa cốt

thơ anh sắp ngậm ngùi mai một

may có em phân bón cho thơ…

chữ nghĩa em xua tan ảm đạm

vết hoàng hôn trong ký ức đời anh

(Hãy Tiếp Tục Làm Thơ)

Anh làm thơ từ thời còn rất trẻ cho đến tận hôm nay không ngừng nghỉ – trung học, đại học, vào lính, tù cải tạo, sống đời lưu vong – đó là nguồn sống, là đam mê. Một đam mê thanh tao giúp anh sống sót trong giai đoạn trầm luân đày ải, nhờ anh bắt được tần số với Nàng Thơ. Anh tìm thấy một tâm hồn tri âm tri kỷ hay đó là ước vọng sẽ tìm gặp cái Đẹp về Nàng Thơ?

Tôi về trong ngữ ngôn em

trái tim thập tự ru mềm lòng nhau

đêm nay rừng phủ ca dao

trăng treo huyền thoại rớt vào thơ em

(Ngữ Ngôn Em)

Chữ tình chấm xuống đôi vai

hồn ôm hạnh phúc chia hai góc trời

chiều bơ vơ giữa lưng đồi

phố vang nỗi nhớ nụ cười từ em

(Hạnh Phúc Chia Hai)

Hình ảnh Nàng Thơ của thi sĩ luôn quấn quýt với Biển và Sông.

Chân dung em xanh màu biển trời

óng ánh mãi cuộc đời trôi nổi

biển ngàn năm vẫn nôn nao đợi  

sông bâng khuâng chở nước về nguồn

(Đợi, Con Sông Ra Biển)

Anh có tài làm thơ đủ mọi thể loại: Từ nhịp điệu ru như ca dao nhịp nhàng êm ái sang ngữ ngôn lả lơi ý nhị, đến thủ pháp phảng phất Tây phương. Chúng ta hãy đọc bốn câu lục bát mở đầu của bài Chiếc Lá Trên Ngực Thơ được dịch sang Anh ngữ bởi vothithumai: A Leaf in the middle of my verse:

Mùa thu em giấu ở đâu

hình như trong cánh gió sầu tình tôi

mùa thu nào cất lên trời

vàng trong tôi chiếc lá rơi cuối cùng

 —

Where do you hide autumn

Possibly in my blue wind of love

Which autumn hidden in the sky

For the last leaf gilded in my soul

Minh họa: Jr Korpa/Unsplash

 _____________________

Phần Truyện

Có năm truyện ngắn và một tùy bút. Là sáu câu chuyện khác nhau. Sợi Khói Lên Trời, viết về cô gái quê Bến Tre tên Hoa. Cô bị chồng phụ rẫy theo người khác, thất vọng cô uống acid tự tử may được tác giả cứu sống. Rồi tác giả cùng gia đình sang Mỹ theo diện HO. Một thời gian sau anh nghe tin chẳng lành về cô: “Tôi bỗng có ý nghĩ muốn gởi hình bóng Hoa theo sợi khói lên trời. Biết đâu cảnh tượng này là sự mầu nhiệm có thật…”

Những Bữa Ăn là tùy bút viết về các bữa ăn chung gia đình ở Mỹ trở thành một điều xa xỉ. Bởi thông thường, cả hai vợ chồng đều đi làm với thời khóa biểu khác nhau, nên ít có dịp được đoàn tụ quanh mâm cơm như lúc còn ở Việt Nam, tuy thanh đạm nhưng vui vẻ ấm áp. Truyện ngắn Chỉ Còn Một Chỗ Đó, kể nhân vật tù cải tạo về, đi tìm người yêu cũ tên Tuyền. Hai người rủ nhau thăm lại nơi ngày xưa từng hẹn hò, nhắc nhở những kỷ niệm thời yêu nhau, và Tuyền đề nghị… (tôi để độc giả đọc tiếp phần cuối).

Con Trai, Con Gái là câu chuyện vui về hai gia đình hàng xóm sát nhà nhau. Bên kia toàn lũ con trai năm đứa, bên nầy toàn đám con gái. Khi còn nhỏ, đám con trai hay chọc phá, chẳng hạn như đi tiểu vào đám cải mới mọc trong vườn nhà con gái… v…v… Nhưng lớn lên chàng trai trưởng đem lòng yêu cô gái trưởng, bày mưu tính kế như thể cô bị bọn buôn người bắt cóc, rồi làm anh hùng cứu nạn…

Trong bốn truyện đầu tác giả kể về những hoàn cảnh, nhân vật mà ta dễ dàng bắt gặp ở đời thường. Nhưng trong Thức Với Đêm, nhân vật Diệu có tâm tánh khá phức tạp khó hiểu. Diệu hình như là cô gái nghiện chơi bài, qua đêm với đàn ông dễ dàng nhưng với tác giả thì nhất định không cho anh chạm vào, dù chỉ là cánh tay quàng qua vai liền bị ăn một cái tát nẩy lửa. Em bảo rồi, anh trai thì không được làm bậy với em gái…

Anh Phạm Hồng Ân khép lại phần văn bằng câu truyện hư cấu Azur ở thời điểm năm 2081. Azur là robot tình dục, bị lỗi khi định vị, sau trở thành robot tình nhân. Nàng đẹp, thông minh, gợi cảm, romantic, biết nấu ăn ngon. Nhân vật “tôi” rất hạnh phúc được có nàng cận kề bầu bạn. Rồi một ngày kia…

Kết

Cuối cùng tôi cũng thực hiện được lời hứa viết cảm nghĩ về quyển thơ-truyện của anh Phạm Hồng Ân. Qua 40 bài thơ và sáu truyện ngắn, với bút pháp tài hoa trau chuốt lẫn thủ pháp nghệ thuật đầy tính thẩm mỹ, thi sĩ đã dẫn dắt tâm hồn chúng ta bay theo từng áng thơ vào khung trời mộng tưởng, tạm bỏ quên đời-thường với những lo toan, dịch bệnh, xâu xé, khổ nạn. Cám ơn thi sĩ Phạm Hồng Ân thật nhiều.

Thanh Hà

Mùa Vọng, Dec|2021

(Phạm Hồng Ân là tác giả quen thuộc của Saigon Nhỏ. Bài Da rừng của ông vừa giành giải Sơ kết của cuộc thi Muôn Nẻo Đường Đời do Saigon Nhỏ tổ chức).

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: