Tiếng súng nổ vang dội lấn át giọng nói của người cha vừa vẫy tay tạm biệt cậu con trai vừa bước lui về phía chiến trường đầy khói. Cậu bé thét gào lên, “Ba ơi! Ba ơi! Tại sao ba phải đi?” “Ba phải đi. Ba thương con vô cùng…” Giọng người cha xa dần và cậu bé giật mình thức giấc. Cậu nhận ra là mình đang khóc trong mơ và miệng vẫn còn lẩm nhẩm, “Tại sao ba phải đi?”
Đó là một đoạn trong vở kịch truyền thanh “The Price of Freedom” do Focus On The Family phát hành mà má chồng tôi đã mua tặng cho các con tôi. Bà mua một loạt những vở kịch Adventures in Odyssey truyền thanh như vậy để chúng nghe mỗi khi chúng tôi ngồi trên xe. Hôm đó tôi và hai cậu con trai nhỏ đang lắng nghe vở kịch “The Price of Freedom” trên đường lái xe đến thăm ba mẹ tôi lúc bấy giờ đang ở Redlands. Nhìn qua kiếng chiếu hậu, tôi thấy mắt hai cậu con trai tôi ngấn nước. Tôi nhấn nút dừng vở kịch và hỏi chúng với giọng cũng nghẹn ngào. “Các con có sợ khi nghe vở kịch này không? Mẹ tắt nhé!” Cậu con trai lớn 8 tuổi của tôi trả lời với giọng mếu máo, “Không. Con muốn nghe tiếp.” Cậu nhỏ tôi tiếp theo anh nó. “Con cũng muốn nghe nữa.”
Tôi nhấn nút tiếp tục vở kịch. Đó là câu chuyện về câu chuyện về cậu bé Kirk McGinty có ba đã tử trận trong chiến tranh Việt Nam. Mẹ của Kirk cũng sang Việt Nam làm việc và gặp ba cậu nơi đó. Họ làm đám cưới ở Việt Nam và có những ngày hạnh phúc ngắn ngủi với nhau. Sau đó Mỹ quyết định rút quân khỏi Việt Nam và mẹ cậu trở về Mỹ với bào thai, là Kirk, trong bụng mà chưa kịp báo cho người chồng còn ở lại. Và ông đã vĩnh viễn nằm xuống tại chiến trường Việt Nam những ngày sau đó. Với phong trào phản chiến leo thang, bà McGinty đã đem con rời thành phố về sống tại một miền đồng quê để tránh cho con khỏi nghe những lời chỉ trích và chửi bới độc địa về những người lính tham chiến tại Việt Nam.
Có lẽ bà McGinty đã kể lại cho con trai rất nhiều hình ảnh oai hùng của chồng bà, là ba của Kirk, nên cậu bé rất thích những ý tưởng về những cuộc chiến thắng, chinh phục và chiến lược binh trận. Kirk ngưỡng mộ ba mình biết bao nhiêu thì cậu cảm thấy sụp đổ đau đớn bấy nhiêu khi trong giờ học lịch sử, thầy giáo Altman đã gọi cuộc chiến Việt Nam là một cuộc chiến vô nghĩa. Cậu đã nán lại sau giờ học để hỏi thầy giáo những cảm nghĩ của ông về những người lính tham chiến tại Việt Nam. Thầy Altman khẳng định lại lập trường của mình rằng chiến tranh Việt Nam là vô nghĩa và cái chết của những người lính Mỹ cũng vô nghĩa như vậy. Ông còn cho cậu bé mượn một cuốn sách trong đó tác giả mô tả những người lính Mỹ ở chiến trường Việt Nam là những kẻ giết người một cách tàn bạo.
Kirk đau đớn khi nghe những nhận xét của thầy giáo. Cậu giống như bị quật một trận nên thân, biếng ăn, mất ngủ và không còn là một cậu bé vui tươi hiếu động nữa. Thần tượng của cậu là người cha đã hoàn toàn sụp đổ sau những lời nói của ông thầy dạy Sử. Ba của cậu không còn là một anh hùng mà là một tội đồ. May mắn thay, Whit, một ông già trong phố đã nhận ra sự thay đổi của Kirk. Ông đã tìm hiểu và đến nói chuyện với thầy giáo về ba của Kirk, một quân nhân đã tử trận trong chiến tranh Việt Nam. Thầy giáo nhận ra rằng ông đã quá lời.
Mẹ của Kirk cũng đau lòng khi thấy tinh thần con suy sụp. Với sự sắp xếp của ông Whit, bà được mời phát biểu trong buổi lễ Memorial của thành phố. Hôm đó bà đọc lá thư cuối cùng của chồng. Sau khi nghe lá thư của ba, Kirk lấy lại niềm tin của mình, rằng ba cậu đã chiến đấu cho một lý tưởng cao đẹp và hy sinh thân mình cho một sứ mạng mà đất nước đã giao phó.
Mẹ con tôi sụt sùi khi nghe câu chuyện đó. Có lẽ tôi quên nhiều chi tiết trong vở kịch nhưng có một câu nói của người mẹ làm tôi nhớ hoài. “I’m sorry that your father was your first test.” (Mẹ lấy làm tiếc là ba là thử thách đầu đời của con.) Trong nước mắt, tôi cũng đã nói với các con tôi giống như vậy sau khi nghe xong vở kịch. “Mẹ cũng rất lấy làm tiếc là ông ngoại cũng đã là thử thách đầu đời của mẹ và các cậu dì, là chị em của mẹ.” Tôi đã kể cho các con tôi về những cảm nghĩ của tôi về ba ngày ấy.
Sau năm 75, ba tôi vì làm việc cho chế độ miền Nam Việt Nam nên ông bị bắt giam trong tù cộng sản. Thương mẹ một mình chống chọi với đủ mọi áp lực để nuôi đàn con thơ dại khờ. Chúng tôi còn quá nhỏ để có thể sẻ chia với mẹ những sợ hãi, gánh nặng trên thể xác cũng như tinh thần thời đó. Mẹ mong chờ ba trở về để cất bớt gánh nặng. Mỗi lần chúng tôi ước một điều gì đó, mẹ nói: “Khi nào ba về, thì ba sẽ làm cho con.” Tôi đặt bao nhiêu hy vọng vào ba. Tôi tin rằng khi ba về, nhà tôi sẽ khá hơn và tôi cũng sẽ được ngẩng cao đầu với bè bạn.
Cũng giống như cậu bé trong truyện, tôi nhiều lần nghi ngờ rằng có thực là ba tôi là một người tử tế không. Hay là ba thật sự là một trong những “tên ác ôn có nợ máu với dân chúng” như cách nói của chính quyền cộng sản. Tôi thích nhớ ba tôi thật oai trước năm 75 dẫu hồi đó tôi còn rất bé. Ba tôi trở về nhà sau những đợt công cán dài ngày và tôi ngồi dưới chân ba nhổ những bông cỏ mây bám vào vớ và ống quần khi ba đi qua vạt cỏ đến máy bay đậu trên đồng để bay về nhà. Nhưng ba tôi trông thật xơ xác khi tôi đi với mẹ thăm ba trong trại tù. Ba trông hốc hác, tiều tuỵ, yếu ớt, khác rất nhiều so với những gì tôi nhớ về ba. Mẹ bảo, “Ở tù mà con.”
Tôi nhớ hồi đó có bộ phim gì tôi không nhớ tên (mà bây giờ cũng không muốn kiếm,) nhưng nhớ tên bài hát trong phim, “Em sẽ là hoa hồng nhỏ.” Trong phim đó, ba của cô bé cũng như ba tôi đang ở tù. Ông đã nhận ra những điều sai trái đã làm trong chính quyền miền Nam và đã giác ngộ. Nhà nước mau chóng khoan hồng cho ông trở về sum họp với gia đình. Tôi ngây thơ viết thư cho ba sau khi đi xem phim về, mong rằng ba cũng làm như ông đó để được chóng về với mẹ và chị em chúng tôi. Lá thư đó có lẽ đã bị quẳng vào thùng rác, chẳng đến tay ba, nên ba tôi đi tù đến 7 năm – một thời gian dài đủ để tôi, từ một con bé hỉ mũi chưa sạch thành một cô bé tuổi thiếu niên với bao mơ ước.
Khi ba tôi về, gia đình tôi không khá hơn mà còn tệ hơn. Chính quyền không cho ba tôi về ở nhà tôi nhưng bắt phải về trên quê cách chỗ chúng tôi 20 km. Nhà tôi hồi đó chỉ có một chiếc xe đạp cho mẹ đi buôn bán. Ba không làm được việc gì cả vì không có hộ khẩu nên không có chỗ ở. Không thể hiểu nổi cái lý luận lòng vòng của chính quyền về cái tờ hộ khẩu, hậu khổ, tai quái đó.
Ba tôi bị bắt đi tù trước khi cái tờ hộ khẩu quái đản đó được ban hành và dĩ nhiên là tên ông không có trong tờ hộ khẩu của nhà tôi. Họ bảo rằng ba bị bắt ở trên quê nên khi ra tù phải về trên quê, nơi mà ba tôi không có một mảnh đất để làm nhà. Trong khi đó cái nhà do ba tôi xây ở dưới thị xã, nơi mẹ con tôi đang trú ngụ thì ba lại không được ở. Không biết là chính quyền không hiểu hay là không chịu nghe để mà hiểu, nên cứ bắt ba tôi về quê. Công an đến soát nhà tôi mỗi đêm để tìm bắt ba tôi vì cư ngụ bất hợp pháp. Điều trớ trêu là nhà tôi có rất nhiều người ở trên quê xuống tạm trú. Anh chị em họ ở trọ để đi học, đi họp. Bác cậu mợ cô chú thím dì dượng ở nhờ nhà tôi để chữa bịnh dài lâu. Chính quyền không bắt ai cả, mà chỉ tìm bắt mỗi ba tôi. Mỗi đêm xuống là chúng tôi lo sợ. Gia đình chúng tôi sống trong căng thẳng, sợ hãi và lo âu. Cái lo sợ đã làm mặt mày tôi lúc nào nhăn nhó, đau khổ nên bạn bè có đứa gọi tôi là bà già khắc khổ. Tôi nhiều lần ước chi ba còn ở trong tù để cho chị em chúng tôi không bị khổ sở về tinh thần.
Có người bảo ba mẹ tôi đấm vào mõm họ… một ít tiền là xong. Ước gì nhà tôi có tiền để làm điều đó. Mẹ lên kế hoạch dài lâu, đem thiến hai con gà trống trong đám gà nhà, rồi vỗ béo và đem hiến cho họ, giống như tống cho đám quỷ sứ, giống như là “con gà trống thiến để riêng cho thầy…” Kế hoạch thành công! Với bao đêm ba tôi phải leo lên mái nhà để trốn mỗi khi công an đến soát nhà và chị em tôi nín thở giả vờ ngủ, mấy tháng sau đó nhà tôi có được hai con gà trống thiến mập mạp. Chị em tôi hí hửng. Thí cho họ một con. Còn một con, chị em tôi mong được ăn thử thịt gà trống thiến xem nó ngon cỡ nào. Có lẽ thịt gì chúng tôi cũng cho là ngon hết, bởi mỗi năm chúng tôi chỉ được ăn thịt một, hai lần.
Vậy mà đến Tết, ba bảo phải biếu cả hai con gà trống thiến, một con cho ông công an xã trên quê để ổng ký giấy cho đi, và con kia cho ông công an khu vực chỗ nhà tôi để ổng cho ba tôi ở. Chị em tôi thất vọng hết sức. Chúng tôi chẳng được ăn thịt gà trống thiến như mong đợi. Hai con gà ra đi. Ba vẫn không được về ở nhà chúng tôi. Đám quỷ sứ đông quá! Nhà tôi không nuôi kịp gà để… đấm vào mõm họ. Ba bực mình bỏ Tam Kỳ vào Mỹ Xuân lập nghiệp.
Ba đi được vài tháng rồi gởi thư về bảo mẹ đem cậu em trai đang chuẩn bị lên lớp 6 vào ở với ba. Tôi chuẩn bị lên lớp 12 và sẽ vào ở với ba sau khi tốt nghiệp. Mẹ sẽ ở lại Tam Kỳ với cô em gái cho đến khi em học xong lớp 12 vì chỗ ba ở không có trường cấp ba. Chị tôi chuẩn bị đi lấy chồng nên ba mẹ khỏi phải lo. Mẹ dẫn cậu em vào với ba và khi về, mẹ kể chuyện nơi ba đến lập nghiệp. Tôi nghe mẹ kể về miền đất ba vào sinh sống với bao háo hức. Nhà có vườn và ao nuôi cá, có ruộng để trồng lúa đủ ăn, có đất để trồng rau và hoa quả. Người ta vào tận nhà để mua cây trái hoa lá trong vườn, mình không phải đem ra chợ bán. Đặc biệt là vườn có những cây xoài tượng cho trái ngọt lịm… Tôi tưởng tượng ra một cuộc sống yên bình no đủ đang chờ đón tôi nơi miền Nam hiền hoà như tôi đã đọc trong truyện.
Tôi đã thất vọng tràn trề khi vào đến nhà ở Mỹ Xuân vào Tháng Sáu năm 1985. Đó là mùa mưa của miền Nam. Chiều nào trời cũng mưa. Nhà ba mua nằm trên vạc đất thấp của khu vườn nên nước thấm vào nền nhà bằng đất, làm nền nhà trông nhớp nháp. Căn nhà lợp lá dừa phía trong nhìn đẹp nhưng phía ngoài trông thật xấu xí. Tường nhà thì bằng đất nhồi rơm. Mưa đổ xuống, nhà dột lung tung và nước tạt vào tường làm ướt đồ đạc nằm sát vách. Mùa mưa cây cỏ xanh tốt vượt lên che phủ mọi thứ làm cho căn nhà của chúng tôi trông như một cái chòi giữa rừng hoang. Buổi tối còn thảm hơn với ngọn đèn dầu le lói trông thật buồn. Cái cảnh đìu hiu trong rừng vắng đó làm tôi nhớ Tam Kỳ đến cháy người.
Nhưng điều kinh khủng hơn cả là không có bạn bè. Tôi ngày ngày ra vườn nhổ đậu, trồng khoai, cấy lúa, hái điều… Tối về đọc đi đọc lại vài cuốn sách tôi có được. Đọc đi đọc lại mãi phát chán nhưng cũng phải đọc vì không có gì để giải trí. Tôi ước mong có một người đến thăm, nhưng điều tôi mơ ước là không tưởng bởi nhà tôi ở xa đường lộ, không địa chỉ. Thư từ thì cả tháng mới tới mà cũng không có tiền mua tem để gởi thư. Tôi và ba chỉ biết làm ruộng rẫy mà không biết tính toán buôn bán, thành ra cuộc sống rất là chật vật. Những ngày giáp hạt, nhà không có gạo ăn. Ba phải đạp xe đi 20 km mượn lúa của một người bà con xa. Đem lúa về, thì lại không có tiền đi xay thành gạo. Mang xuống nhà máy xay xong, họ lấy lại một ít gạo để trừ tiền xay.
Vài tháng sau đó, ba tôi dắt cậu em về Tam Kỳ chịu tang ông nội mấy tuần. Tôi ở một mình giữa cánh đồng hoang, xa xa mới có một hàng xóm và nhà họ lúc nào cũng đóng cửa. Tôi thường nói chuyện một mình trong cái cô đơn tột cùng. Đó là những ngày kinh khủng của đời tôi. Không dám bạo dạn như Scarlett thề trong truyện “Cuốn theo chiều gió” “I’ll never be hungry again” khi bị lâm vào cảnh đói nghèo, tôi chỉ dám than khóc với Chúa. “… Con không muốn rơi vào cảnh đói nghèo cô đơn này một lần nào nữa…” Và tôi cũng hát đi hát lại câu hát của Vũ Thành An. “Về sau, và nhiều năm sau nữa, có buồn nhưng vẫn chưa bao giờ bằng hôm nay.” Chẳng phải buồn tình, mà buồn tủi vì nhà nghèo không đủ ăn.
Vở kịch “The Price of Freedom” này được phát thanh lần đầu tiên vào Tháng Năm nhằm dịp lễ Memorial vào năm 1988. Ông xã tôi bảo lúc bấy giờ nước Mỹ hầu như không còn nhớ đến chiến tranh Việt Nam. Nhưng ở bên kia bờ Thái Bình Dương, CSVN vẫn không hề ngơi phân biệt đối xử với những người như gia đình chúng tôi. Lúc đó cô em của tôi vừa tốt nghiệp lớp 12 và em không muốn rời miền Trung. Em không nộp đơn thi đại học mà chỉ thi vào Cao Đẳng Sư Phạm Anh Văn – Đà Nẵng, với hy vọng trường thấp hơn thì sẽ được họ cho đi học. Em không có được cơ hội để đi thi chứ đừng nói gì đến chuyện đi học. Họ bác đơn xin dự thi của em tôi. Tôi nghe tin và cầu nguyện để em không bị trầm cảm bế tắc như chị họ tôi trong truyện Niềm nhớ. Dù luyến tiếc Tam Kỳ nhưng cô em tôi cũng phải theo mẹ vào ở với ba. Căn nhà ở Tam kỳ giao lại cho chị tôi. Gia đình đoàn tụ. Ba mẹ tôi tin Chúa và cả gia đình tôi cùng đi thờ phượng Chúa ở hội thánh Phước Thái gần nhà. Chúa cho gia đình tôi được thảnh thơi hơn và có bạn bè trong hội thánh đến thăm chơi. Năm sau đó, cô em tôi cũng đi học Cao Đẳng Biên Hoà như tôi trước đó. Mẹ mỗi ngày mang hoa quả rau củ trong vườn ra chợ bán. Mẹ làm cho khu vườn giống như những gì mẹ tả cho tôi nghe trước khi tôi rời Tam Kỳ. Cuộc sống của gia đình tôi khá tươm tất. Chúng tôi tưởng cuộc đời của gia đình tôi đã an bài nơi xã Mỹ Xuân ven lộ 51.
Những năm 90, chương trình HO nở rộ, nhưng ba tôi không muốn đi. Gia đình tôi đang sống ổn định trên mảnh đất ba mua. Ba đã gần 60 tuổi nên không muốn làm lại cuộc đời nơi xứ người, nơi mà ngôn ngữ và văn hoá quá xa lạ với một ông già như ba để làm quen. Nhưng có lẽ cái ngại ngùng của ba là chuyện lo giấy tờ để nộp đơn cho chương trình H.O. Ba không muốn về Trung làm giấy tờ bởi cái ám ảnh ghê sợ của những ngày ở tù và bị bắt bớ khi ra tù. Hồi đó tôi không hiểu những lo âu của ba nhưng bây giờ, khi đã thấm mùi đời, tôi nhận ra những lo âu đó là đúng.
Rồi cuối cùng gia đình tôi cũng đến được nước Mỹ, chứ không phải xã Mỹ Xuân lèo tèo ngày xưa. Lúc tôi hai mươi mấy, tôi nghe một người nói đại loại như thế này. “Từ nhỏ cho tới 10 tuổi, mình thấy ba giỏi quá, cái gì cũng biết. Từ 10 tuổi cho đến 18 tuổi, mình thấy ba không biết gì mấy. Từ 18 – 30 tuổi, mình thấy ba không biết gì hết trơn. Từ 30 – 40 tuổi, mình thấy ba nói nhiều điều đúng. Hơn 40 tuổi, mình thấy ba là anh hùng.” Ngày đó tôi cười khi nghe những lời đó, nhưng bây giờ tôi thấy quá chính xác.
Ba tôi năm nay đã ngót nghét 90 tuổi. Ông vẫn mỗi ngày lái xe chở mẹ tôi đi dạo bờ biển thật đẹp ở Navarre, FL. Những đứa cháu nội ngoại của ba, đa số là sinh ra ở Mỹ, có đứa nói được tiếng Việt, có đứa lọng ngọng, có đứa không nói được chữ nào, nhưng chúng đều yêu quý ông nội/ngoại. Thằng cháu nội đích tôn nói tiếng Việt hơi thiếu dấu nhưng thương ông nội nhất trong đám cháu. Lâu lâu nó xin ba mẹ nó được qua ngủ với ông nội một đêm. Thằng bé nằm kế bên ông nội, kéo da tay ông lên và nói, “Ông nội ốm quá! Chỉ có xương và da thôi. Ông nội phải ăn nhiều lên…” Ba tôi xoa đầu cháu và chảy nước mắt.
Lúc này tôi thấy mình hay lục tìm quá khứ. Đọc những dòng nhật ký viết về ba những ngày tháng kinh khủng ở Việt Nam, đã có lúc tôi tưởng, vì ba mà đời tôi bị chìm xuống. Tôi cũng như cậu bé Kirk trong vở kịch “The Price of Freedom”, tôi đã ngờ vực về ba, không phải chỉ trong mấy mươi phút như trong vở kịch mà rất nhiều năm. Không biết tôi có hành xử được như ba hay không nếu tôi bị cô thế, bị bắt phải tù tội, bị bắt bớ khi ra tù, rồi lạc đến một nơi không cùng ngôn ngữ khi tuổi đã về chiều.
Bây giờ nhìn thấy ba mẹ tôi sống an bình, tôi ước ngày về hưu tôi cũng được sống như vậy. Bây giờ tôi lại nhìn lên mẫu mực của ba mẹ như tôi đã nhìn ba mẹ trước năm 75 khi tôi còn bé tí. Bây giờ tôi nghiệm ra rằng thử thách đầu đời ấy đã giúp tôi khẳng định niềm tin về ba, tự hào về ba, người tôi đã kính nể lúc nhỏ và cho đến bây giờ.
(Tháng Tư, 2025)