Tình xưa rực nắng thu vàng (5)

Xe tricycle, một phương tiện giao thông phổ biến ở Phi (Hình: V.A.T)

Vào một buổi sáng chủ nhật ở trại tị nạn PFAC, bầu trời thật trong và xanh khiến cho người ta có cảm giác như nó được kéo cao lên thêm. Vài đám mây trắng cứ lặng lờ trôi trên nền trời rộng bao la ấy giống như cuộc sống chậm buồn, vô định của người lánh cư nơi này. Khi mặt trời chiếu vào ngọn dừa trước Nhà May Ban Xã Hội, ánh nắng xuyên qua chùm bông dừa, rọi xuống làm thành những “hoa nắng” đang nhảy múa trên nền đất cũng là lúc buổi lễ chấm dứt, dòng người túa ra từ Nhà Thờ Nữ Vương Hòa Bình rồi tản về các khu. Từ xa người ta thấy Sơ T., Sơ Carinat cùng mấy cô thiện nguyện viên như cô Hiền, cô Linh, cô Thu Thảo, Thùy Trâm và anh Vinh (nhỏ) đang cười nói uyên thuyên trên đường trở về văn phòng CADP.

Ngoài các “soeur” ra, những người còn lại là các nam thanh, nữ tú, trẻ mới ra đại học hay có người còn là sinh viên nhưng có một tâm hồn bác ái với một trái tim nhân hậu đối với tha nhân nên đã xả thân, bỏ giàu sang sung sướng từ các quốc gia văn minh giàu có như Mỹ, Canada, Úc…để tự nguyện sang đây dạy Anh Ngữ, làm công tác xã hội, giúp những đồng hương muộn màng đang đau khổ của họ bằng cả tấm lòng tử tế, yêu thương. Bởi vậy trông họ rất lạc quan vui vẻ, dễ mến, luôn “yêu đời, yêu người!”

Và lúc mọi người vừa tới quán cà phê Hân “chùa” thì bỗng tiếng loa phát thanh vang lên khắp trại yêu cầu đồng bào chuẩn bị làm lễ chào cờ. Tất cả bộ hành đi trên đường đều dừng lại, mấy người đang uống cà phê cũng đứng cả lên. Xe “tricycle” của mấy anh Phi đang chạy lởn vởn trong trại cũng vội vã tắp sát vô lề. Mọi người ngừng hẳn các sinh hoạt và đứng nghiêm khi quốc ca Phi phát ra. Tuy nhiên nơi quán hủ tíu của ông Tám Y bên cạnh, nếu nhìn kỹ trong các góc hẻm đầu Khu 1, người ta thấy còn một vài người ngồi lấp ló không đứng dậy!

Khi tiếng nhạc vừa dứt, người ta thấy Sơ T. ghé tai anh Vinh (nhỏ) thì thầm gì đó thì lập tức anh và cô Thu Thảo tiến nhanh về phía mấy người đang ngồi đầu hẻm. Ít phút sau, có ba thanh niên đã lục tục theo họ tới gặp Sơ.

-Chào các anh! Sơ T. nở nụ cười hiền hậu và cũng lên tiếng sau khi họ kính cẩn cúi đầu chào Sơ.

Tuy nhiên, Sơ đột ngột nghiêm mặt rồi gằn giọng nói lớn như để cho những người đang có mặt quanh đó nghe luôn:

-Tại sao không đứng dậy chào cờ?

Trước thái độ thay đổi đột ngột với ánh nhìn sắc bén và gương mặt lạnh lùng của Sơ, mấy người thanh niên nọ lúng túng, sợ sệt, nhất thời đứng yên không trả lời.

Dường như Sơ đợi thêm một tí cho nỗi sợ hãi ngấm dần vào máu họ rồi mới nói tiếp:

-Các anh nói các anh đi tị nạn vì chính trị thì các anh phải tỏ thái độ để chứng minh mình có tư cách xin tị nạn chính trị bằng hành động chứ. Nghiêm chỉnh chào cờ là một hành động, biểu tượng của người có tư cách chính trị. Đó là chưa nói tới chuyện mình đang ở nhờ trên đất nước người ta mà quốc ca của người ta mình không chào thì làm sao người ta có cảm tình và thấy các anh xứng đáng là người tị nạn để cho các anh quyền tị nạn hả? Như vậy mai mốt bị bác quyền tị nạn (screened-out) thì đừng có trách nghe!

Mới sáng sớm đã bị Sơ giảng “morale” một tăng chẳng những ba chàng thanh niên kia sợ hãi mà cả đám đông đang ăn uống nơi đó cũng e dè. Ở chiếc bàn cà phê đầu kia, chú V. Đ. Ân; thầy dạy “Công Dân Giáo Dục” của Trường Việt Ngữ 1, nhè nhẹ đứng lên và len lén bước ngang sau lưng Sơ, băng qua con đường chính của trại, nhắm hướng cây cóc, đi vô con đường nhỏ, đất đá lởm chởm giữa Hội Cựu Quân Nhân với Chùa Vạn Đức, bước thẳng một mạch về nhà ở tuốt dưới Khu 8, gần cây điệp, trước Tượng Đài Đức Mẹ. Chẳng mấy chốc đã mất dạng!

Sister L.T. T. thuộc dòng Nữ Tử Bác Ái (Daughters of Charity) trước 1975 ở Việt Nam.

Đây là một hội tu do Thánh Vincent de Paul và Thánh Nữ Louise de Marillac thành lập ngày 29 tháng 11 năm 1633 tại Pháp và Thánh Nữ chịu trách nhiệm đào tạo các chị em phụ nữ và tổ chức công việc, được biết dưới cái tên “Filles de la Charité” nhằm giúp đỡ những người nghèo khó, bệnh tật, người tị nạn, trẻ em bị bỏ rơi…Đến năm 1652, Ba Lan là quốc gia được các Đấng Sáng Lập gửi nhóm nữ tử vượt biên giới sang phục vụ đầu tiên.

Tượng Đức Mẹ Maria ở Khu 8, cạnh cây điệp. (Hình: V.A.T)

Ngày 18 tháng 01 năm 1655, Tu Hội được Đức Hồng Y de Retz, Tổng Giám Mục ở Paris chuẩn nhận.

Ngày 15 tháng 03 năm 1660 Thánh Louise de Marillac qua đời tại Paris và ngày 08 tháng 06 năm 1668, Filles de la Charité được Đức Giáo Hoàng Clement IX chính thức phê chuẩn trở thành tu đoàn tông đồ thuộc quyền Đức Giáo Hoàng.

Ngày 11 tháng 03 năm 1934 Ngài Louise de Marillac được Đức Giáo Hoàng Pio XI tôn phong hiển thánh.

Tại Việt nam, theo lời mời của Đức Giám Mục Isidore Dumortier Lượm, thuộc Hội Thừa Sai Paris, Giám Mục Giáo Phận Saigon, ngày 11 tháng 12 năm 1928 ba Nữ Tử Bác Ái người Pháp lần đầu đặt chân tới nước này để làm việc ở các bệnh viện và lập nên cộng đoàn Nữ Tử Bác Ái của Tỉnh Dòng Việt Nam theo “ơn gọi và sứ mạng” của Chúa Jesus để phụng sự nhân loại sau khi có thêm một nữ tử người Trung Quốc nữa đến tham gia vào tháng 03 năm 1929.

Năm 1932 Tỉnh Dòng Việt Nam được thành lập với các Tuyển Viện, Chuẩn Viện và Tập Viện. Nhà Chính từng nằm tại Thủ Đức, Đà Lạt và kể từ sau 1975 đến nay thì ở số 42, đường Tú Xương, Quận 3, Thành Phố Hồ Chí Minh.

Từ căn tính của Hội Nữ Tử Bác Ái ấy, nên lúc các phụ nữ Việt Nam có chồng là quân nhân Phi Luật Tân mang con cái theo họ về nước khi Saigon đang trong cơn “hấp hối” năm 1975 thì Sơ T. đã đứng ra giúp đỡ họ như làm thông dịch cũng như lo ổn định đời sống cho họ…

Theo lời Sơ kể với người tị nạn ở PFAC thì vào năm 1972 lúc Sơ nhận được học bổng đi tu nghiệp để lấy bằng thạc sĩ(master) về ngành Xã Hội Học của Ấn Độ, Hoa Kỳ và Phi Luật Tân thì Sơ chọn đi Phi vì quốc gia này ở Đông Nam Á có nền văn hóa tương tự Việt Nam. Ngoài ra đó cũng là một nước công giáo nghèo ở Đông Nam Á thì Sơ dễ học hỏi các lĩnh vực về phát triển môi trường và tổ chức cộng đồng hơn!

Rồi giữa lúc Sơ đang làm luận án thì Nam Việt Nam sụp đổ vào Ngày 30 Tháng 04 Năm 1975 và làn sóng “thuyền nhân” sống sót ồ ạt tấp vô các quốc gia tự do khắp vùng Đông Nam Á trong đó có Phi Luật Tân, sau cuộc hải hành bi thảm của lịch sử nhân loại để xin tị nạn chính trị làm cả thế giới bàng hoàng. Đấy là lý do Sơ quyết định xin ở lại, “tị nạn tại chỗ,” và cơ quan CADP ra đời với sự hỗ trợ của Giáo Hội Công Giáo Phi Luật Tân (The Catholic Bishops Conference of the Philippines) để cứu giúp người tị nạn.

Sơ đã xin với Ban Quản Đốc trại tị nạn cho phép người Việt được có một Hội Đồng Đại Diện do chính người Việt đảm nhận để tự quản, phụ giúp Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc lo cho đời sống người dân trong trại, chăm nom những bé trai, bé gái đơn hành (The Unaccompanied Minor Boys and Girls), lập Trường Việt Ngữ, mở trường dạy tiếng Anh, dạy điện tử, sửa chữa xe hơi, cơ khí, đánh máy, may mặc, làm bánh mì Pháp, thư viện đọc sách, lập ra Liên Hội Đoàn để liên kết các đoàn thể…nên chẳng bao lâu Sơ đã nghiễm nhiên trở thành vị cố vấn tinh thần tối cao của trại. Đó là lý do tại sao mọi người đều sợ Sơ “một phép” là vậy!

Đầu năm 1989, khi quốc tế quyết định đóng cửa tất cả trại tị nạn ở Đông Nam Á, nhưng Hong Kong thì đã đóng giữa năm 1988 thì số người lánh cư gia tăng dữ dội do dân Việt Nam cố gắng vượt thoát lần cuối cùng vì không muốn vĩnh viễn ở lại với cộng sản đã khiến cho mọi trại tị nạn đều trở nên quá tải. Khi tình thương đã mệt mỏi, lòng nhân đạo bị bào mòn thì Cao Ủy cũng đã gặp khủng hoảng trong vấn đề chăm lo nhà ở và đời sống cho dân chúng!

Riêng tại Phi Luật Tân, trại PFAC từ ngày thành lập đến năm 1989 chỉ chứa chừng khoảng hai ngàn tới ba ngàn người thì bỗng nhiên lúc ấy đã phải đón nhận đến hơn mười ngàn người khiến mọi sinh hoạt trong trại bị đảo lộn. Ngày đêm, sáng tối trại khi nào cũng rần rần như cái chợ bởi người lánh cư cứ lo kiếm tìm chỗ ăn ngủ, tắm giặt để ổn định cuộc sống đó là chưa nói tới bóng ma “thanh lọc tị nạn” luôn ám ảnh lấy họ.

Trước tình trạng đó, Cao Ủy Trưởng lúc bấy giờ là ông Jan Top Christensen đã phải yêu cầu đàn ông thanh niên tình nguyện góp sức với Ban Xây Dựng phá rừng để lập thêm Khu 9 và Khu 10 ở bên kia trại; đường qua Bộ Tư Lệnh Miền Tây (Western Command) mà ông đặt cho nó một cái tên rất là lãng mạn “Village of Hope” dựa vào hoàn cảnh không mấy sáng sủa của thuyền nhân lúc ấy. Tuy nhiên làn sóng bỏ trốn vẫn tiếp gia tăng đến giữa năm 1991 mới lắng xuống thành thử PFAC phải nối dài Khu 8 bằng cách xây thêm Khu 11 và 12 nữa mới tạm có đủ chỗ chứa người lánh cư!

Thời điểm ấy có rất nhiều ghe, tàu tới với vô số thuyền nhân trên đó như Group 180 Liminangcong, Group 117 Lubang…v.v…Các con số là tổng số người trên ghe, còn tên là tên của đảo mà ghe ấy tấp vào. Cao Ủy quy định như vậy để gọi cũng như phân biệt cho dễ dàng hơn. Có như thế mới thấy hiện tượng thuyền nhân cuối mùa kinh khủng và bi đát đến như thế nào?

Lúc này số thuyền nhân ở trại đã vượt quá mười ngàn người, nên có rất nhiều người trí thức hay khá nổi tiếng ngày xưa cũng như các sĩ quan cao cấp của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) hiện diện ở đây như nhà báo Trì Hà Thành, cựu đại tá Trần Phước Dũ…

Từ đấy những “newcomers” từng tham chính trong chế độ VNCH này mới cải tổ lại cơ cấu hành chính trại cho dễ điều hành hơn trước tình trạng đông đảo và phức tạp trên bằng cách ngoài Hội Đồng Đại Diện họ còn lập thêm hai hội đồng khác nữa là Hội Đồng Đại Biểu và Hội Đồng Giám Sát với sự tham gia của nhiều người trẻ và năng nổ.

Bên cạnh đó, một số hội đoàn mới ra đời như hội con cái của các cựu quân nhân và viên chức của VNCH thường được biết đến như Hội Con Cựu Quân Nhân (CCQN), Tổ Chức Thanh Niên Việt Nam, Hội Vô Vi…Sau này có thêm Hội Thanh Niên Phụng Sự, Thiền Đường của Thiền Sư Thanh Hải…để đoàn kết mọi người, tạo thêm sức mạnh và chuẩn bị đối phó với chương trình thanh lọc đầy cam go sắp tới.

Ngoài ra, Hội Võ Thuật Hoàng Hoa Thám do Võ Sư Vương Đình Thanh; nguyên “Trưởng Ban Bài Trừ Du Đãng” thuộc Tổng Nha Cảnh Sát Đô Thành Saigon trước 1975, bát đẳng huyền đai Taekwondo thế giới, nay đang nghỉ hưu ở Washington DC, sáng lập ra từ đầu thập niên 1980 khi ông vượt biên đến đây nhưng chỉ phát triển mạnh sau này dưới thời của Võ Sư Đ. S. H. với nhiều lần biểu diễn võ thuật tại sân khấu Trung Tâm cho Cô Naoko OBi; người thay thế ông Jan Top đảm nhận chức Cao Ủy Trưởng Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, các quan khách ngoại quốc lẫn người Việt Nam thưởng thức trong những dịp lễ hội là được đặc biệt tán dương. Vì vậy phong trào võ thuật được nâng cao do Võ Sư H. đã mở nhiều lớp dạy võ cho đồng bào trong trại để tự vệ, rèn luyện sức khỏe cũng như đi thi đấu với Hội Võ Thuật bản xứ ngoài phố Puerto Princesa.

Với hoàn cảnh ấy, Tuấn cũng tham gia vào gia đình Con Cựu Quân Nhân và sau một thời gian hoạt động chàng được gia đình tin tưởng và giao cho công tác đối ngoại.

Theo thông lệ mà không biết từ đâu, mỗi khi Sơ T. từ văn phòng chính nằm trên đường Taft Ave., Manila xuống PFAC, Palawan, thì các hội đồng cũng như hội đoàn đều cử người đại diện ra phi trường Puerto Princesa, cách trại mười lăm phút đi bộ để đón Sơ. Và có một lần Sơ về, không biết nguyên nhân như thế nào mà Gia Trưởng CCQN không báo cho Tuấn biết nên gia đình không có người đại diện trong buổi đi đón nọ.

Chiều hôm sau, cũng theo lệ thường, tất cả các đại diện phải nhóm họp với Sơ ở văn phòng CADP nằm gần Staff House, sát mé biển, để báo cáo tình hình trại và nghe chỉ thị của Sơ. Khi Tuấn giới thiệu mình là người của Gia đình CCQN xong thì Sơ đang cười bỗng nghiêm mặt lạnh như đồng nói:

-À, sáng hôm qua Sơ không thấy có Gia đình CCQN ngoài phi trường nghe!

Câu nói tưởng như không có gì ấy nhưng được phát ra từ Sơ thì mọi người biết nó là lời trách móc chẳng nhẹ nhàng chút nào. Điều đó chứng tỏ Sơ rất chú ý để tâm đến các tiểu tiết và là một lời cảnh cáo với gia đình này.

Họp xong, Tuấn về và có thuật lại diễn biến cuộc họp cho anh em trong ban chấp hành CCQN biết. Nghe xong, một em nhỏ tuổi chưa tới hai mươi ngồi gần đó bỗng lên tiếng:

-Sơ sao khó khăn vậy? Chấp chi mấy chuyện đón đưa nhỏ nhặt ấy với con nít chớ? Người tu hành đâu cần đón tiếp rình rang chi! Sơ xuống phi trường là có xe rước, còn dân chúng thì phải cuốc bộ về thôi. Không biết có bao giờ Sơ nghĩ tới chuyến này không?

Tất cả mọi người có mặt trong hội trường im lặng, không ai nói gì.

Tuấn học trường công giáo, dòng Lasan từ nhỏ đến lớn và em gái thì học trường “Thiên Phước” ở Tân Định- Saigon, cũng là trường “áo đầm hồng” của các bà sơ nên có thể nói rằng Tuấn rất quý mến và kính trọng mấy linh mục cũng như mấy “frères,” mấy “sisters,” tuy nhiên trên đường về nhà chiều hôm ấy, Tuấn nghĩ nhiều về cá nhân Sơ T. và bắt đầu cảm thấy “ơn ớn” Sơ rồi!

Sáng một hôm, mọi người trong nhà Tuấn đi hết, chẳng còn ai! Kẻ đi học, người đi chơi “lông nhông” ngoài trại, chỉ còn mỗi mình chàng không đi là vì sắp có lớp học nên phải ở nhà. Đứng trên gác, thò đầu ra cửa sổ Tuấn nhìn trời cao và  nghe tiếng nhạc Giáng Sinh từ nhà ai đó văng vẳng phát ra gợi lại nỗi niềm nhung nhớ thời thơ ấu ở Việt Nam, trước 1975. Gió từ biển thổi vào mát rượi làm chàng cảm thấy khoan khoái và nhủ thầm “Noel sắp tới nữa rồi!”

Đưa mắt nhìn sang nhà “Nữ Thiếu Niên Đơn Hành” đối diện, Tuấn thấy bé Nhi cũng đứng lấp ló nơi cửa sổ, ngó xuống đường bên dưới. Tuấn bảo bụng “xứ Phi này cũng lạ, ngoài phố thì nhà cửa cũng tường cũng gạch nhưng trong làng mạc xa thành thị thì đại đa số lại làm bằng vách cót, mái được lợp bởi lá dừa, như trại này chẳng hạn.” Và điều ngộ nghĩnh là ngoài cửa sổ bên hông thì họ còn trổ mái để làm thêm một cửa sổ nữa, tạo thành một hình ảnh là lạ mà chỉ thấy khi sống ở đây. Vì vậy đứng từ dưới đất nhìn lên thì thiên hạ thấy vô số cửa sổ mở ra nhan nhản trên nóc nhà bằng cách cứ đẩy cánh cửa sổ lá dừa lên và kiếm thanh cây chống vào là xong. Trời mưa chỉ việc rút thanh chịu ra, sập cửa xuống là xong!

Một buổi tập võ của môn sinh võ đường Hoàng Hoa Thám ngoài bãi biển. (Hình: Pfac Palaan)

Ngắm trời đất mãi cũng chán, Tuấn leo xuống cầu thang. Xỏ đôi dép Nhật, xẹp lép, mỏng như tờ giấy, bước ra trước hiên nhà. Đang đứng vươn vai, uốn éo người thì bất chợt ngay lúc ấy có một bà Phi nhỏ thó mặt chiếc váy cũ mèm một tay dắt bé gái độ sáu, bảy tuổi, tay kia cầm cái xô đỏ đã ngã màu cam, trong đó có một cái rổ nhỏ đựng một mớ trái cóc lớn cỡ ngón chân cái, bước trờ tới. Thấy chàng, bà đon đả:

-My friend! Change rice, change rice, my friend!

Tuấn chưa kịp trả lời thì mấy cô OV đi tắm biển về bỗng xuất hiện khi từ con đường hẻm lởm chởm đất đá ngoài cùng của Khu 1 quẹo vô trại.

Nghe bà Phi xì xào, họ dừng lại. Thùy Trâm choàng tấm khăn tắm biển quanh  thân người nhưng vẫn để lộ bờ vai đầy đặn trắng ngần. Cặp mắt ngây thơ dưới đôi kính cận, mái tóc mới thay đổi theo kiểu của nữ tài tử dễ thương Meg Ryan phủ lòa xòa một ít xuống vầng trán khiến khuôn mặt cô trông khả ái lạ. Thuỳ Trâm lên tiếng:

-Bà bán gì vậy anh?

-Dạ, không cô. Ý bả hỏi là có muốn đổi gạo lấy mấy trái cóc này không?

Cô Hiền, có dáng người dong dỏng cao với mái tóc thề xõa ngang lưng đang sống ở Texas trước khi sang đây làm thiện nguyện, bước tới nhìn vào cái rổ:

-Ủa, sao trái cóc nhỏ xíu vậy anh? Hiền nhớ trái cóc bên Việt Nam mình to bằng nắm tay lận mà.

-Ừ, cóc ở đây chỉ vậy thôi cô. Chắc bởi xứ đảo nên đất không được tốt như bên mình nhưng ăn cũng ngon lắm!

Anh Vinh “lớn” nói chen vào:

-Số cốc đây mình phải đổi bao nhiêu gạo anh?

Tuấn lẩm nhẩm đếm xong, ngẩng mặt lên nhìn anh Vinh “lớn”:

-Hết mớ cóc 15 trái này chắc cũng ký gạo đó anh, nhưng…nhưng hôm nay hết gạo rồi!

Tuấn ngập ngừng đáp, đoạn quay sang bà Phi trả lời bằng tiếng Tagalog mà chàng học lóm được trong thời gian ở đây:

-Wala na, ate. (Không có, chị)

Bà Phi cười cười đưa hàm răng sún còn lơ thơ vài cái tiếp:

-Babui? (Đồ thừa, đồ bỏ?)

-Wala! Wala na!

Thế là bà dẫn đứa bé gái đi vòng ra con đường phía sau thoáng cái mất dạng. Cô Thu Thảo thấy Tuấn xí xô xí xào với bà già liền hỏi:

-Anh nói cái gì với bả vậy?

-Tôi nói “không có!”

Tuấn nhún vai và giải thích thêm:

-Hết gạo rồi có đâu mà đổi, đang chờ tới cuối tuần Ban Lương Thực phát tiếp đây. Đã vậy mà bả lại hỏi có đồ ăn gì bỏ (babui) thì cho bả để bả mang về cho heo ăn không? Mình còn không đủ ăn nữa thì làm gì có đồ thừa chị !

Mọi người cười cười, lắc đầu bỏ đi về nhà ở phía dưới, gần văn phòng CADP.

Tới giờ học, Tuấn vớ lấy chiếc quần tây cũ mặc vào, tròng thêm chiếc áo thun ba màu của bà sơ phát lúc vừa ra khỏi “barrack” và chộp lấy cuốn tập để trên bàn đoạn khép cửa lại, ra khỏi nhà.

Khi buổi học sắp tan, cô giáo Thùy Trâm kể với lớp học về chuyện gặp bà Phi đổi cốc lấy gạo mà tình cờ cô đã gặp lúc nãy và phân tích:

-Nói “change rice” là sai. Bởi hai người trao đổi đồng ý thỏa thuận bao nhiêu gạo lấy bấy nhiêu trái cốc là họ dựa theo giá trị tương đương món hàng do đó phải dùng động từ “exchange” mới đúng. Các anh chị thấy trong lĩnh vực hối suất tiền tệ người ta dùng từ “exchange” cho cái “rate” ngay thời điểm đổi tiền lúc ấy chăng? Thí dụ, hôm nay chúng ta đổi 1 dollar của Mỹ qua tiền Phi thì sẽ nhận được 30 pesos phải hông? Thế nên ở trường hợp này dùng “exchange” là chính xác!

Cả lớp ồ lên vì hiểu rõ hơn về sự khác biệt trong cách dùng hai động từ kia. Nhưng bỗng thằng Thu đập bàn la lớn:

-Nhưng em vẫn khoái “change rice, change rice” cô ơi!

-Cái gì quen, lâu ngày rồi thấy dễ thương phải hông? Thùy Trâm đùa.

Đoạn nàng đổi sang đề tài khác. Mục đích của Thùy Trâm là tập cho mọi người nói tiếng Anh nên hỏi.

-Sau lớp học hôm nay các anh chị sẽ làm gì nè?

Vậy là người thì bảo đi phố, kẻ khác lại về ngủ tiếp…Riêng Tuấn thì nói là sẽ đi bắn cá. Thùy Trâm tò mò:

-How?

Tuấn diễn giải bằng thứ tiếng Anh ít ỏi của mình là chàng làm một cây súng bằng cây, một thanh sắt có đầu mài nhọn gắn trên cùng của cây súng được giữ bằng một sợi dây thun làm từ ruột xe, sợi dây thun này được cài vào một bộ phận của cò súng để giữ và khi gắp cá mình bắn, cò sẽ nhả thanh sắt ra …

Bấy giờ thì Thùy Trâm đã hiểu, mắt sáng ngời lên vì phấn khích và nói:

-Oh, I see ! It is called a “harpoon.” Can I go with you one day?

Vậy là từ hôm đó, thỉnh thoảng nàng theo Tuấn đi bắn cá. Có nhiều hôm cả hai đi tới khi trời ngả bóng hoàng hôn mới vào lại trại.

Con người ta khi lâm vào một thế bí hay rơi vào hoàn cảnh khó khăn bắt buộc, không lối thoát, phải sống trong môi trường tập thể đông đúc như ở trại tị nạn này chẳng hạn thì có vô vàn sự phức tạp và tệ nạn sinh ra từ các nhu cầu của cuộc sống như chuyện nhà cửa, lương thực, vệ sinh, quần áo, nước nấu ăn, tắm giặt..v…v..Những việc đó đã gợi lại cho Tuấn lắm kỷ niệm vui buồn khó quên thuở còn thơ mà chàng đã trải qua trong các tháng ngày ở trại tạm cư lúc lánh nạn chiến tranh hồi năm Mậu Thân 1968 hoặc trong mấy trại lao động khi bị tù đày ở quê nhà!

Vì vậy, vấn đề lấy nước dùng hằng ngày lúc này ở ngoài vòi nước của khu luôn là “chuyện lớn,” nhiều khó khăn. Trưa một hôm, trong khi Tuấn xếp can đựng nước của mình vào một cái hàng lu hũ, xô chậu, bình bọng lớn nhỏ đang đợi thật dài thì bỗng Tám “thẹo” ở trần trùng trục, xuất hiện với một cái can nhựa 20 lít (liter) trên tay cùng đôi mắt lừ lừ và gương mặt đỏ gay do vừa uống rượu nơi nào đó xong bước đến.

Tám “thẹo” là một tay giang hồ, dân chơi khá có “máu mặt” ở Khu 2 này. Nghe nói  quê hắn ở đâu ngoài Diên Khánh, mới ra tù thì lại đâm người nên má hắn vội tìm chỗ cho hắn đi vượt biên ngay như để tống cái nợ của gia đình. Từ ngày đến trại, hắn nhiều lần quậy phá, ra vô Monkey House cũng đã mấy lần!

Do đó, ỷ mình là dân chơi lại sẵn có hơi men trong người nên Tám “thẹo” chẳng nói chẳng rằng gì cả mà ngang nhiên dùng chân đá mấy cái thùng nhựa đang hứng nước ngay đầu hàng rồi để can của mình vào khiến chúng bay tung tóe, nước văng khắp nơi và miệng thì oang oang:

-Đ.m. hôm nay nóng quá, lấy nước về tắm cái coi!

Ngồi trên bệ phi đạo cao được xây bằng xi măng chờ đợi gần hai mươi phút, bây giờ sắp tới phiên mình thì bỗng nhiên bị Tám “thẹo” từ đâu nhào vô hứng ngang xương mà còn đá bay cả thùng đựng nước của mình làm thằng Tâm “đầu bò” tức giận. Nó nhảy xuống, xông tới đấm vào mặt Tám “thẹo” và rít lên bằng tiếng người miền ngoài:

-Má, mày muốn làm “cứm dòi nước” hả mậy?

Thế là hai thằng ôm nhau vật túi bụi trên đống can, bình, xô, chậu khiến chúng ngã đổ tứ tung. Tuấn cùng mọi người vội dạt ra xa cho giang hồ thanh toán lẫn nhau. Cô Muối ở cạnh nhà chàng, vốn người gốc Hoa, Chợ Lớn, cũng trạc tuổi Tuấn, thấy đánh nhau thì sợ hãi, lật đật bước theo chàng. Đấm đá nhau một đổi, nhắm thấy không ăn nổi, Tám “thẹo” chạy về nhà vác cây mã tấu sáng loáng, trở lại. Đây là một loại dao rựa (machete) mà người Phi thường hay đeo theo bên hông mỗi khi đi rừng. Phần Tâm “đầu bò” cũng chẳng vừa gì. Nó trở vô nhà ở Khu 1 mang ra một tuýp ống nước dài chờ đợi. Dân chúng hốt hoảng chạy tán loạn, la ơi ới khi tiếng binh khí va chạm nhau tóe lửa và kêu loảng xoảng. Cuộc hỗn chiến chỉ chấm dứt khi an ninh Việt Nam và lính Phi mang súng M16 ngoài cổng gác gấp rút chạy vô hò hét, can thiệp:

-Putang ina mo! (Câu chửi tục tĩu)

Mấy người lính thủy quân lục chiến Phi chửi tục om tỏi. Họ lôi và đá Tám “thẹo” với Tâm “đầu bò” vài cái trước khi dắt cả hai “troublemakers” về Monkey House!

Một đổi sau không khí lắng dịu dần và những người lánh cư lần lượt đi tìm thùng, can của mình để hứng nước trở lại. Khi Muối kiếm được cái thùng của mình nằm sát bờ tường của Nhà Thờ Nữ Vương Hòa Bình và lượm lên thì nó đã bị bể không còn xài được. Cô làu bàu:

-Cái thùng này “ngộ” mới mua tuần trước, còn mới tinh mà bây giờ hết xài được “dzồi.” Ai da, chán trại tị nạn này quá xá!

Dân tị nạn đang hứng nước. (Hình: Pfac Palawan)

Đấy là lý do mà tại sao có một số người tìm mọi cách để xin vào những cơ sở tôn giáo như chùa chiền hay nhà thờ ở. Bởi trước là phụng sự đạo giáo, sau là có chỗ dung thân vì dẫu sao ở các chỗ này cũng đỡ cực khổ hơn do nơi chốn thờ phượng thì thường được Ban Quản Đốc trại ưu ái về điện nước, chỗ ăn chỗ ngủ chứ không khó khăn như ngoài khu.

Kể từ vụ ẩu đả ấy, Muối được thằng Thế (con) sống cùng nhà tình nguyện xách nước giùm. Gọi nó là Thế “con” để phân biệt với ông Thế (PA) chủ nhà và vì nó chỉ mới chừng hai mươi tuổi thôi. Riêng Muối thì cô vốn là dân nhà giàu và có thân nhân ở Úc gửi tiền cho mỗi tháng nên cô thường đi phố và bây giờ cô hay mua quà bánh hoặc cà phê thuốc lá về cho Thế như một cách trả ơn, thành thử nó cũng “đỡ vã!”

Ngày tháng ở trại cứ theo nhau qua nhanh như thoi đưa, khiến người ta quên mất cả thời gian. Một buổi chiều, lúc ánh nắng ngả từ từ về hướng tây, Tuấn ngồi một mình trước hiên nhà nhìn bóng tà dương nhạt nhòa dần, lòng cảm thấy cô đơn và trống vắng nên sang nhà Thế (con) rủ nó chơi cờ tướng cho đỡ buồn. Vừa tới ngạch cửa, chàng gọi to:

-Thế ơi, Thế!

Và Tuấn vô cùng ngạc nhiên khi thấy nó trong phòng của Muối bước ra, mắt lúng túng, mặt sượng sùng và bộ dạng thì khá là ngượng nghịu do bị Tuấn bắt gặp.

Việc gì tới thì phải tới, cuối cùng, hai tâm hồn cô đơn mặc dù có chênh lệch về tuổi tác đôi chút nhưng vẫn đồng điệu, đã nên duyên vợ chồng, ăn ở, hòa hợp với nhau cho đến lúc có được một đứa con trai. Rồi trôi theo số phận của những người lánh cư bị kẹt lại Phi Luật Tân, Thế (con) và Muối đã lưu lạc tới tận miền Nam nước Phi. Tuy nhiên dù mua bán cơ cực suốt mười mấy năm, cả hai vẫn sinh sống hạnh phúc bên nhau cho tới khi được qua Boston, MA, định cư theo diện “Trịnh Hội” sau này!

Có thể nói, câu chuyện của họ là một chuyện tình đẹp trong muôn vàn cuộc tình lỡ của thời tị nạn khốn khó ở PFAC. Một cuộc tình dễ thương, đáng yêu mà thời đó bà con trong trại hay đùa là “Tình anh xách nước” vì nhại theo vở tuồng “Tình anh bán chiếu” của soạn giả Viễn Châu do Út Trà Ôn ca vọng cổ để ghẹo hai người chơi cho vui mỗi khi gặp mặt!

Dẫu biết trước cuộc sống ở thời kỳ này vô vàn khó khăn, phức tạp nhưng có một số chuyện cười ra nước mắt đã xảy ra mà Tuấn không bao giờ quên được. Lúc ấy, cái gác Cao Ủy mà Tuấn ngủ nhờ được các cô trong nhà lấy mấy tấm vải mỏng có hai màu tím và trắng của Nhà May Ban Xã Hội phát và những lớp học CADP thường dùng may màn cửa sổ, nối lại thành một miếng dài sáu, bảy thước. Bề ngang thì chỉ chừng năm tấc, đoạn khâu lại như lưng quần rồi luồn qua một sợi dây cước thường dùng để đan lưới đánh cá, hai đầu dây được cột dính vào hai bên vách để ngăn thành hai khu nam nữ riêng biệt.

Ban ngày màn được kéo sát vào trong, thế nên đi lại trên gác thì chỉ việc bước qua sợi dây cước rất ư là dễ dàng. Tối tới, kéo màn ra, căng làm ranh giới là bất khả xâm phạm!

Đêm đầu tiên ngủ ở đây chàng vô cùng ngần ngại khi nghe chị Mận, khoảng ngoài ba mươi tuổi và là dân PA, nói trỏng nhưng ngụ ý như nói với người mới là chàng rằng:

-Rồi bây chừ ngủ nghen. Nằm ngay ngắn, không có được lăn qua lộn lại, đứa nào lộn xộn, tao cắt nhượng cho “quéo” giò luôn í nha!

Nhiều tiếng cười hí hí của Bạch với Khánh đang ngồi kế bên vang lên. Hai cô này thì chỉ độ chừng hơn hai mươi thôi và cả ba đều còn độc thân.

Phía đàn ông bên đây gồm có Tuấn, Quang, Vỹ đi cùng ghe với chàng, và Tiến; người đã lên “barrack” đưa Quang về đây, là bạn ở tù chung chuyến vượt biên lần trước với nó lúc còn ở Việt Nam. Mấy người còn lại là Sang và thằng cháu khoảng chừng mười một tuổi tên Hạo với thằng Thành con chị Năm cũng trạc tuổi Hạo.Tổng cộng tất cả là năm thanh niên và hai thằng nhóc!

Độ chừng một tháng sau, sáng sớm một hôm trong lúc Tuấn còn đang mơ màng thì bỗng nghe tiếng tay ai đập chát chúa và tiếng la the thé của Khánh bên kia vang lên:

-Dậy, dậy, đi qua kia mau thằng quỷ! Sao nằm đây?

Chàng hốt hoảng, ngồi bật lên, nhìn sang thì thấy thằng Tiến đang lồm cồm bò dậy. Trông nó chỉ mặc chiếc quần đùi, ở trần trùng trục, đầu tóc bù xù, mặt mày ngơ ngác do còn ngái ngủ, ở giữa mấy cô. Tuấn không nhịn cười được.

-Ủa, sao em lại nằm đây?

Tiến ôm cái mềm “chín tấc” của Sơ phát, vừa hỏi vừa vội vã đứng lên bước qua lại bên này thì cả đám đàn ông đều đã thức dậy, cười ngất. Chị Mận lấy cái gối ôm của mình, phát thêm vào đít Tiến một cái lúc nó bỏ đi và nói với theo:

-Mày đừng làm bộ nha thằng quỷ kia.

-Thiệt, em xin lỗi, nhưng không có cố ý đâu. Chắc tối hôm qua lăn qua bên ấy do ngủ mê quá thôi đó. Sorry nghe!

-Sorry gi? Già, mười chín hai mươi tuổi rồi chứ đâu phải năm bảy tuổi đâu mà nói “dzậy.” Lăn gì mà lăn khôn thế, thằng quỷ!

Bạch càu nhàu theo giữa tiếng cười nắc nẻ của hai đứa nhỏ. Thằng Thành pha trò:

-Chú Tiến chơi xốc hàng thiệt nha!

Câu chuyện ấy được cả nhà nhắc đi nhắc lại suốt ngày hôm đó nhằm ghẹo Tiến làm nó mắc cỡ quá, phân bua lung tung suốt ngày!

(còn tiếp)

“Tình xưa rực nắng thu vàng” của tác giả Triều Phong được đăng nhiều kỳ trên SGN mỗi Thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần. Mời quý độc giả đón đọc.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: