Tôi chợt nghe tiếng thở dài trong chiều đông giá

Trưa nay giỗ Ba. Đứng niệm hương trước bàn thờ Ông, miệng lẩm nhẩm khấn bài khấn Tổ tiên mà Ông Nội nuôi đã dạy khi tôi còn thơ dại, tôi chợt nghe tiếng thở dài não nuột rất rõ. Tôi hơi giật mình tự hỏi sao mình có thể buột ra tiếng thở như từ trong sâu thẳm của tâm hồn như thế? Hay của hồn ma bóng quế nào?

Nhìn lên tấm hình của Ba tôi, vẫn thấy đôi mắt cương nghị nhưng có chút buồn rầu, cằm vuông, môi hơi hé mở như muốn nói với tôi điều gì đó..

Ba tôi là con trai một. Thực ra, ông có một người chị nữa nhưng đã mất sớm trong nạn đói năm Ất Dậu. Ông Nội tôi là một nhà nho nghèo dù đã từng được theo học Quốc tử giám trong Kinh thành nhưng không rõ vì lý do gì Ông lại bỏ về quê lấy gõ đầu trẻ làm vui. Dù là con trai một nhưng chắc chắn Ba tôi chịu sự giáo dục nghiêm khắc của Ông Nội tôi. Nên tính Ông hơi nghiêm nhất là khi dạy chúng tôi học. Tuy vậy, thi thoảng, khi có vài người bạn kết nghĩa như bác Ấp, bác Tuất..ghé chơi nhà, và bên mâm cỗ đơn sơ, ấm trà, chén rượu nhạt…tôi vẫn nghe tiếng Ông cười khá sảng khoái. Ông cũng hơi “mít ướt” đôi lần khi tôi thấy Ông rươm rướm đôi dòng lệ lúc ông anh cùng cha khác mẹ của tôi lặn lội từ miền Bắc vào thăm Cha những ngày sau năm 1975.

Năm 1954, từ biệt Ông Nội tôi, để lại người vợ và đứa con trai sắp chào đời, Ba tôi vào Nam. Tôi không thể tưởng tượng nổi Ba tôi đã buồn thảm thế nào khi bước đi trên con đường quê khắp khuỷu, nước mắt lưng lưng trong cái rét buốt giá lạnh của mùa đông miền Bắc.

Vào Nam, với chút hy vọng sau Tổng tuyển cử theo quy định của hiệp định Genève, Ông sẽ gặp lại Cha già, vợ con. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Mãi đến năm 1961, sáu năm sau đó, dưới áp lực lẫn sự khuyên bảo của ông Nội nuôi tôi, ông Tổng Loan, người mới lập gia đình với Mẹ tôi khi mọi hy vọng tái hợp, xum vầy đã tắt dần.

Ba tôi, vóc dáng khá cao lớn điển trai lại khéo léo trong lời ăn tiếng nói và cách cư xử, khá được lòng mọi người. Tôi nghe chị Thịnh, con gái đầu của bác Ấp một trong vài ông anh kết nghĩa của Ba tôi, kể lại. Khi ấy, chị đang học ở Trung tâm Kỹ thuật Phú thọ thì thường bị một anh cùng lớp chọc ghẹo. Chị bèn mét với Ba tôi. Ông nghe xong lẳng lặng lái xe Jeep vào trường tìm gặp anh ấy.

Chị thấy Ông trong bộ quân phục ủi thẳng nếp, ba bông mai vàng lấp lánh trên cổ áo, tướng lừng lững, miệng mỉm cười, khoác vai chàng sinh viên bé nhỏ đi dọc hành lang khoa Công nghệ Hóa học to nhỏ điều gì đó. Kể từ lúc ấy, anh ấy không làm phiền chị tôi nữa. Thắc mắc chị hỏi “Chú nói gì với hắn thế?”. Ba tôi cười bảo “Chú chỉ bảo đàn ông đàn ang sao lại thế? Thôi nhé!”. Ba tôi vậy đấy. Trừ những lúc Ông giận dữ khi đánh đòn lũ con vì chúng tôi hư đốn, biếng học. Thường thì Ông ít nói hoặc nhỏ nhẹ khuyên răn.

Tôi nhớ chữ viết của Ông rất đẹp, tròn trĩnh chân phương như chính tâm hồn của Ông vậy. Dù rằng tôi được Ông rèn chữ từ bé, cứ một cuốn tập đồ “Cây đèn dầu” mỗi ngày, tôi vẫn không thể viết đẹp như thế. Ông lại khéo tay cắt dán thủ công. Tôi thường được Ông làm giúp cho tấm bảng tên lớp hồi còn học Tiểu học ở trường Nam Chí hoà và rất hãnh diện khi mang vào lớp. Tôi cũng nhớ lúc Ông lụi cụi ngồi ráp cho tôi chiếc xe đạp như một phần thưởng khi tôi thi đậu lớp đệ Thất [lớp 6 bây giờ] hoặc trèo lên mái nhà dặm sửa mái tole cũ cho bà cụ hàng xóm.

Tôi nhớ Ông gói bánh chưng cũng rất đẹp không cần khuôn mỗi độ Xuân về. Sau khi chẻ lạt từ những ống bương đã cắt sẵn mà Mẹ tôi đã ra ngã Ba Ông Tạ mua từ sáng sớm khi đèn đường còn tù mù nhưng những chuyến xe ngựa đã tấp nập chở lá dong, ống bương…từ miệt Hóc môn – Bà điểm về tụ hội ở phiên chợ Tết cuối năm, ông trải đôi chiếu hoa xuống sàn nhà, dọn từ bếp lên những thau nhôm đầy thịt heo đã ướp sẵn, gạo nếp trắng phau, đậu xanh giã nhuyễn nắm thành bánh tròn vàng ngậy…

Ông khéo léo sắp lá dong đã rửa sạch tước nhánh thành từng lớp, đong nếp bằng chén trải thành lớp mỏng, bẻ vụn nắm đậu xanh trải lên, sắp vài rẻo thịt và lại một lớp đậu xanh, một lớp nếp..rồi khéo léo bẻ lá gấp lại, thắt lạt thành những tấm bánh chưng vuông vắn, dày dằn dặn. Rồi Ông nổi lửa, bắt cái thùng phuy sắt, xếp bánh và đổ nước xăm xắp, dằn một tấm ván lên trên để nấu bánh suốt đêm. Bên cạnh, mấy đứa con ngồi quanh ngủ gà ngủ gật đợi bánh chín. Tôi thấy mắt Ông ánh lên niềm hạnh phúc hiếm hoi. Chắc Ông nhớ đến bếp rơm rạ ở quê nhà những ngày cuối năm?

Ba tôi đặc biệt cũng bó giò thủ rất ngon. Chợ Ông Tạ gần công-xi heo ngõ Cổng Bom là nơi cung cấp thịt tươi ngon còn hâm hấp nóng. Mẹ tôi thường đi chợ mua một miếng thủ lợn, ít lỗ tai, nấm bào ngư, tiêu hột,…về để Ba tôi xào lên rồi đóng những bó giò thủ tươm mỡ khỏi lớp lá dong được ép chặt bằng hai thanh gỗ mỏng. Một ít còn lại ông trộn thêm với thịt vụn đổ tiết canh. Những đĩa tiết đỏ au đông lại bên trên có vài lát gan, lạc rang, rau thơm…rất bắt mắt và ăn sựt sựt rất ngon với ít nước mắm pha và húng lủi.

Ba tôi tốt nghiệp Diplomat [lớp Đệ Tứ – lớp 9] ở miền quê nghèo Bắc bộ. Đó thực sự là sự cố gắng tột bực của ông Nội tôi để Ba tôi học hành trong hoàn cảnh khó khăn thời đó. Vào Nam, ông tự học lấy Tú tài I & II khi còn phục vụ trong quân đội. Tôi nhớ mãi hình ảnh Ông ngồi căm cụi đoc sách, ghi note… dưới ánh đèn trong khi cả nhà ngủ say. Cậu Hiền tôi bảo khi cậu chuẩn bị thi Tú tài chính Ba tôi đã kèm cặp Cậu. Và Cậu thường xuyên lén lấy sách giải Toán mà Ba tôi vờ để hớ hênh trên nóc tủ để chép bài giải.

Dĩ nhiên là Ông “ghè” tôi rất ghê. Đến nỗi tôi sợ không dám gần Ông. Đi tù cải tạo về, hai tháng sau Ông bị tai biến và liệt nửa người bên phải. Tay phải liệt, Ông tập viết tay trái rồi gọi đám trẻ hàng xóm qua nhà để Ông kềm cặp. Trong cảnh thương tâm người liệt dở mà nhìn đám nhóc chăm chú học hành, Ông nở nụ cười ấm áp hạnh phúc.

Bù lại việc ít nói chuyện với tôi vì tôi hay né sợ ồng hỏi sao con để tóc dài thế? Sao con đi sớm về khuya chẳng thấy đỡ đần Mẹ? Sao ăn uống thất thường ốm nhom? Ông lại rất hay nói chuyện với đám bạn tôi khi họ ghé thăm nhà. Bạn Liêm Trần, bạn Hùng đui…thậm chí bạn Kiểu Nguyệt lúc đó đang học Y. Có lẽ Ông muốn tìm hiểu xem tôi sống, học hành thế nào qua những người bạn thân của tôi.

Đến giờ, tôi mới thực sự cảm thấy hối tiếc vì đã không nói chuyện với Ba, không chia sẻ tâm sự với ông, không tìm hiểu ba mình vui buồn ra sao? Giá mà…

Bù lại, càng đi xa càng thêm tuổi tôi càng nhớ lại hình bóng chịu đựng của Ba tôi trong những ngày gần cuối của đời ông. Xa nhà, xa gia đình…tôi hiểu rằng Ba tôi đã buồn, đã nhớ quê hương đến độ nào. Dù rằng Ông đã hy sinh suốt cuộc đời mình cho gia đình, con cái ở trong miền Nam, chắc rằng Ông vẫn lẳng lặng nhớ thương quê nhà miền Bắc, nhớ ông Nội tôi, nhớ vợ hiền và đứa con trai còn chưa rõ khuôn mặt Cha mình. Và có lẽ Ông đã thở dài!

Giờ thì tôi hiểu tiếng thở dài tôi nghe được là từ ngàn năm sâu thẳm, từ nỗi lòng thương nhớ quê hương, từ sự cảm thông của Ba tôi với tôi. Ngoài kia tuyết rơi trắng xoá, thắp nén hương lòng, tôi chợt thấy mình đồng cảm với Ba tôi hơn bao giờ hết.

Con hiểu Ba, Ba ơi!
Tôi chợt nghe
tiếng thở dài
trong chiều Đông
băng giá.
Của tôi?
Hay của những hồn ma
xa quê
thở tiếng lòng
não nuột.
Tiếng thở dài
trầm sâu
như ngàn năm
dội lại.
Của Tổ tiên ông bà
trên đường thiên lý
từ Bắc
vào Nam
Của Ba tôi
trong hơn ba mươi năm
Nén chặt
trong lòng.
Của chính tôi
bỏ quê hương
tìm cho con mình
chút tự do
trong thân phận
con người.
Tôi đã sống
quá lâu
trên quê hương
Để không thể
nhận nơi này
như một quê khác.
Sorry!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: