Trường thi trận bút

Cuộc sống tại Sài Gòn những năm 1960. Ảnh của François Sully

Năm 1969 trường Quốc Gia Hành Chánh có tổ chức một cuộc thi tuyển ở hai trung tâm, Sài Gòn dành cho sinh viên thuộc Viện Đại Học Sài Gòn và các tỉnh phía Nam, và Huế dành cho sinh viên thuộc Viện Đại Học Huế và các tỉnh miền Trung, đa phần thí sinh thuộc hai phân khoa Luật và Văn khoa. Tôi thi đậu vào trường với thứ hạng 30/171 theo danh sách thí sinh sinh viên thuần túy. Ngoài ra còn có 54 thí sinh công chức và 25 thí sinh thiểu số (Thượng cao nguyên Trung phần, Thượng du Bắc Việt, Miên, Chàm…) trúng tuyển theo Nghị định của Thủ tướng số 893-NĐ/Th.T/HVHC ngày 11 Tháng Tám năm 1969.

Sau khi hoàn tất hồ sơ cá nhân và nhận lộ trình thư tại Tòa Hành Chánh tỉnh Định Tường, tôi vội vã trở lên Sài Gòn để kịp nhập học lớp Đốc Sự (ĐS) khóa 17. Con đường Mỹ Tho – Sài Gòn dài chỉ hơn 70 cây số mà sao tôi thấy như thăm thẳm, ước gì có cánh để bay cho nhanh. Lòng tràn đầy háo hức, bạn bè chưa gì mà đã ca ngợi lên ngất tận trời xanh, đùa rằng “quan Đốc Phủ Sứ còn nhớ em không.” Cả tỉnh Định Tường kể cả nam nữ năm ấy chỉ có sáu người trúng tuyển. 

Lúc bấy giờ lớp học ban ĐS được chia ra làm hai lớp A và B. Mỗi lớp hơn một trăm sinh viên. Tôi học lớp B ngồi ở dãy bàn gần cuối lớp vì bản đồ lớp xếp theo tên, tùy theo mẫu tự ABC mà ngồi trên hay dưới. Nữ được ưu tiên ngồi ở ba dãy bàn phía trên cùng. Trong lớp có chừng hơn hai mươi người nguyên là công chức ngạch Tham sự thi đậu vào học chung. Có anh Đèo Văn Ngày khi ấy đã gần 40 tuổi, một vợ năm con đã từng làm việc ở tỉnh Phước Long cách nay nhiều năm.

Đi học anh lái chiếc xe hơi màu cà phê sữa, nhổng đít, thường gọi là xe con cóc (Citroen), nhà ở khúc đường Trương Minh Giảng và Trương Tấn Bửu. Lúc mới nhập học, chưa được vào ở trong Ký túc xá, mỗi sáng anh Ngày dặn tôi ra quán bún bò Huế ngay ngã ba góc đường Kỳ Đồng – Bà Huyện Thanh Quan chờ anh tới rước, anh bảo đi học bằng xe hơi cho ngon lành.

Bạn bè trong lớp kháo với nhau rằng anh Ngày có mấy cô con gái lớn rất xinh đẹp. Lớp bầu anh làm trưởng lớp, nhiệm vụ chính là điểm danh hằng ngày. Tôi thích qua trường Luật, lang thang ra mấy quán cà phê quanh Hồ Con rùa, nên được vài tuần tôi lấy lý do là còn học thêm bên trường Luật để không đi chung xe với anh nữa. Nhưng thật ra là tôi hơi ngán vì theo xe anh đi học, bữa nào chuồn là anh biết liền nên “thôi cho em xin.”

Trần Bạch Thu (trái) và Đặng Ngọc Cảnh (HV/QGHC năm 1972). Ảnh do tác giả gửi

Được chừng vài tháng sau, tôi dọn vào ký túc xá dành cho nam sinh viên còn trống nhiều chỗ vì lớp ĐS khóa 14 ra trường. Bắt thăm tôi được vào ở tầng trệt phía sau nhìn ra mấy đìa rau muống. Phòng ốc sạch sẽ tươm tất, mỗi phòng dành cho hai sinh viên, bàn ghế, giường tủ xếp đặt rất ngăn nắp.

Tôi ở chung phòng với anh Nguyễn Quốc Khánh, ban Cao Học khóa 5, người quê quán Quảng Nam nên phòng lúc nào cũng chật bạn bè cùng quê với anh ấy. Biết nhau rồi sinh hoạt chung với nhau, lâu dần cũng thấy vui không kể vùng, miền nào nữa. Sinh hoạt chung ở câu lạc bộ, cơm nước ngày hai bữa với tiền học bổng đủ trang trải hàng tháng. Không có các khoản chi tiêu nào khác nên tương đối yên tâm học hành.

Ngoài số sinh viên công chức đa số lớn tuổi đã có gia đình khi vào học ở đây, tất cả đều được tiếp tục hưởng lương đầy đủ trong suốt thời gian theo học, còn sinh viên thuần túy thì chỉ được hưởng học bổng suốt gần bốn năm theo học, nhưng kể từ lớp ĐS khóa 13 (năm 1965), khi Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ đến thăm Học viện có đề nghị nên cải tiến chương trình học của ban Đốc Sự “vừa học, vừa làm.” Chi vụ Thực tập của Học viện trình bày rằng không có đủ ngân khoản để đưa sinh viên đi thực tập tại địa phương. Thiếu tướng Kỳ nói;

– Đã đưa sinh viên đi thực tập như làm việc thực sự thì trả lương cho họ như công chức chính ngạch.  

Sau đó, Học viện trình dự thảo lên Thiếu tướng Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương (Thủ tướng), ông duyệt phê chấp thuận ngay nên kể từ đó, sinh viên lên năm thứ hai đi thực tập suốt một năm ở địa phương bắt đầu được lãnh lương như công chức ngạch B, chỉ số 350 ngang bằng với Giáo sư Trung học Đệ nhất cấp. Đặc biệt hơn nữa là sau đó khi trở về trường đi học năm thứ ba vẫn được giữ mức lương như vậy cho đến khi tốt nghiệp.

Xin nói thêm, trong những năm giữa thập niên 1960, thanh niên, sinh viên ở các đô thị miền Nam rất ngưỡng mộ Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, vừa trẻ, ăn nói rất hay, giọng Sơn Tây chậm rãi, ấm và truyền cảm. Ông cũng là người khởi xướng thỉnh thoảng thay vì mặc lễ phục veston thắt cà vạt, bằng bộ đồ bốn túi vải len mịn màu sậm, may theo kiểu áo cổ cao như của người Tày.

Ông xuất hiện trên truyền hình trắng đen rất bắt mắt khi trình bày các chủ trương “chính phủ của dân nghèo.” Hữu sản hóa tài xế xe lam, taxi; thanh trừng bọn đầu cơ buôn bán trái phép; lập pháp trường cát ngay tại Sài Gòn để xử bắn người vi phạm (như Tạ Vinh); nhập hàng tiêu dùng về bán lại với giá chính thức cho quân nhân, công chức (các đợt xe đầu tiên Honda Dame 50 màu xanh, đỏ) v…v…

Sau khi thi đậu lên năm thứ hai, tôi rất mừng vì số trượt hơn 20 người. Không có chế độ thi lại hoặc học lại nên các nam sinh viên thi rớt sẽ rời trường, động viên vào quân đội. Hơn nữa sau khi đậu lên năm thứ hai sinh viên được chính thức lãnh lương khoảng hơn 7 ngàn đồng/tháng. So với vật giá lúc bấy giờ cơm tháng chỉ chừng một ngàn rưỡi cho nên rất dư dả, tôi trích ngay gần phân nửa số tiền hàng tháng đưa cho mẹ phụ giúp gia đình nuôi em. Nhưng điều vui mừng nhất là tôi chọn được về quê nhà tỉnh Định Tường (Mỹ Tho) để thực tập trong 12 tháng. Thật là hãnh diện với mọi người quen biết cũ khi trở về tập sự ở Tòa Hành chánh tỉnh.

Ngày đầu tiên trình diện, anh em ăn mặc chỉnh tề quần áo, cà-vạt đàng hoàng khi vào văn phòng Tỉnh trưởng. Lúc bấy giờ Đại tá Lê Minh Đảo là Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Định Tường. Đang còn đứng chưa kịp bắt tay từng người, Đại tá Tỉnh trưởng nói ngay là đang có một buổi họp quan trọng ở Hội trường tỉnh về “Lượng giá xã, ấp” nên các anh em qua bên đó rồi giới thiệu sau.

Tướng người nhanh nhẹn, dong dỏng cao, cặp mắt sáng quắc, nói năng dứt khoát và mạnh mẽ. Ông có thói quen cởi đồng hồ đeo tay để lên bàn trước mặt mỗi khi chủ tọa những buổi hội thảo hay thuyết trình. Khi chúng tôi được mời tất cả vào hội trường, lúc đó ông Phó Tỉnh trưởng mới giới thiệu từng người với hội trường. Sau đó, Đại tá Đảo hỏi trong các anh có ai là người địa phương không. Ông Phó quay sang chỉ tôi.

– Anh hướng dẫn anh em đến Trung tâm Tu nghiệp sinh hoạt ăn, ở trong thời gian thực tập tại tỉnh nhà. Đại tá nói.

– Vâng. Thưa Đại tá, tôi sẽ cố gắng thu xếp với anh em.

Sau khi tan buổi họp, chúng tôi về trung tâm tu nghiệp tỉnh là một dãy nhà trệt gần “Quán cơm Xã hội” nằm trên đường Lý Thường Kiệt, gần ngã ba đường Huyện Toại cách bên hông rạp xi nê Định Tường chỉ một block phố nhỏ. Trong phòng lớn kê nhiều giường sắt hai tầng dọc theo tường có cửa sổ trông ra một vườn hoa nhỏ, nằm bên lề đường với hàng me cổ thụ, cây cao bóng mát quanh năm. Khu vực nầy ở trung tâm thị tứ, nhất là gần đường Trưng Trắc, nguyên một dãy ki ốt bên bờ sông đầy quán xá nên sinh hoạt của anh em rất thuận tiện và vui vẻ.

Bác Sáu Bảo, Quản đốc trung tâm tu nghiệp lập thời khóa biểu thực tập cho sinh viên trong 12 tháng. Tháng đầu tiên anh em được chia ra đi thăm viếng và quan sát khắp các Ty ngoại thuộc trong tỉnh như Công chánh, Xã hội, Cảnh sát v…v… Sau đó sinh viên được cắt cử về làm việc ở các Ty nội thuộc trong Tòa Hành chánh. Tôi được về thực tập làm việc ở Ty Kinh tế. Công việc thật bề bộn nhưng sinh viên chỉ quan sát và hiếm khi thực sự giải quyết công việc trừ khi ông trưởng ty có yêu cầu. Chủ yếu là xem và nghiên cứu các hồ sơ, văn kiện nguyên tắc điều hành cơ quan. 

Cuộc sống tại Sài Gòn những năm 1960. Ảnh của François Sully

Không có việc làm gì cố định cho nên có những buổi sáng đến ty, sau khi xem lại các hồ sơ cũ đã giải quyết xong để học hỏi và nắm vững, tôi thường hay đi loanh quanh chuyện vãn với nhân viên quen biết trước đây. Lâu dần mọi người ở tòa tỉnh cũng không chú ý đến các ông “Đốc sự” tập sự cho nên các sinh viên có nhà ở Sài Gòn đa số ở luôn trên đó đi học thêm bên trường Luật, anh em thay phiên nhau ứng trực ở Tòa Hành chánh, chỉ khi nào đến kỳ nộp tờ trình hàng quý ba tháng mới có mặt đầy đủ tại nhiệm sở thực tập. Tôi là người địa phương nên dù không làm gì cũng luôn có mặt.

Thời gian đủ sáu tháng ở Ty Kinh tế, tôi được cử đi tập sự ở quận Giáo Đức, xa nhất trong tỉnh Định Tường, văn phòng quận khang trang ở giữa đồng không mông quạnh, cách Bắc Mỹ Thuận khoảng ba cây số, bên kia bến Bắc thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Long.

Quận Giáo Đức là quận tân lập thời Đệ nhị Cộng hòa, hình thành do sự sáp nhập một số xã thuộc quận Cái Bè và tỉnh Kiến Phong (Cao Lãnh). Nguyên gốc quận lỵ đóng trên địa bàn xã An Hữu với Chợ An Hữu nổi tiếng vì là nơi dừng xe chờ qua bắc xuôi về miền Tây cho nên sinh hoạt ở đây rất sầm uất và phồn thịnh. Về phương diện an ninh, địa bàn quận là giao điểm con đường chuyển quân chiến lược của bộ đội cộng sản từ mật khu Đồng Tháp xâm nhập vào các tỉnh trong khu chiến thuật Tiền Giang cho nên thường hay xảy ra những trận đánh lớn cấp tiểu đoàn giữa hai bên.

Ban ngày tôi có mặt ở văn phòng quận, xử lý vai trò Phó quận khi ông Phó đương nhiệm vắng mặt hoặc có khi do ông ấy ủy quyền. Công việc thuần túy hành chánh không nhiều lắm vì quận chỉ là cấp trung gian điều hành giữa các xã và tỉnh, hai đơn vị nầy mới có “tư cách pháp nhân” có nghĩa là  được quyền tự quản và có ngân sách riêng cho nên các hoạt động dân sự chủ yếu trong quận, ngoài phần vụ hành chánh căn bản, phần lớn công việc chỉ là giải quyết những thiệt thòi, mất mát của người dân quê trong thời buổi chiến tranh, tất cả đều do ngân sách tỉnh và xã tài trợ.

Đôi khi cũng có những ngày đi theo phái đoàn hỗn hợp gồm các sĩ quan chi khu, cảnh sát, xây dựng nông thôn để kiểm kê thực địa dân số trong các xã, hoặc để lập danh sách trợ cấp xã hội. Có hôm phái đoàn do Thiếu tá Quận trưởng dẫn đầu, những hôm như thế công việc chưa xong thường phải ở lại, ngủ qua đêm trong đồn Nghĩa quân hay căn cứ của các Liên đội Địa Phương quân thuộc chi khu Giáo Đức. Đến khuya, thật sự cũng hơi lo, nếu địch tấn công hay pháo kích thì không biết sẽ ra sao.

Còn ngày thường ở quận thì buổi chiều tôi ra chợ An Hữu về ở tầng trên căn phố hai tầng của ông xã trưởng dành riêng. Cơm nước tự mua thức ăn sẵn bán ngoài chợ, nhiều hôm gia đình ông Xã trưởng rủ qua nhà dùng cơm chiều có uống bia, ruợu. Cuối tuần nào không về nhà hoặc theo xe lên Sài Gòn lấy sách course ở trường Luật thì tôi ra bến Bắc Mỹ Thuận chơi ngắm cảnh hoàng hôn trên sông. Rất đẹp. Lâu dần mọi người đều quen biết nên thường hay tụ tập nhau ăn uống trong những gian hàng nằm dọc trên bến Bắc. Thích nhất là món cơm tấm bì, chả, ăn với sườn nướng, khói bay thơm phức cả một vùng. Riết rồi quen, ghiền món ăn nầy đến độ mấy người quen ở quán, hễ chiều nào thấy “ông phó” ra bến Bắc là lên tiếng mời ngay vào quán.

Hạnh phúc nhất khi mọi người ngưỡng mộ mình là “ông phó” tương lai, còn thích thú hơn là ông phó đương nhiệm. Trong sáng tinh khôi chưa nhuốm bụi trần nên rất vui và cởi mở, không vướng bận điều chi cả. Dân chúng cũng như các viên chức địa phương quen biết đều dành cho tôi nhiều cảm tình trong bất cứ mọi sinh hoạt cá nhân nào ở trong quận.

Thắm thoát thời gian tập sự cũng mãn hạn, tôi rời quận về trình diện tỉnh để trở về Sài Gòn tiếp tục học lên năm thứ ba. Buổi tối từ giã, anh em tụ tập nhau ở quán “Mây Chiều”, cà phê nghe nhạc Trịnh Công Sơn, nơi đây ghi dấu nhiều kỷ niệm thời niên thiếu của tôi. Hôm ấy, có mời chị Đinh Thị Kim Quy (Đốc sự khóa 12) chuẩn bị nhậm chức Chánh Văn phòng Thị xã Mỹ Tho cùng tham dự chung vui với chúng tôi. Đặc biệt người được anh em thương quí nhất là  bác Sáu Bảo, bác  rưng rưng nước mắt cho biết là đã soạn xong tờ trình phê điểm rất tốt cho tất cả anh em gởi về Học viện. Mọi người đều tỏ lòng cám ơn chân thành đến bác.

Ngày hôm sau, trước khi về Sài Gòn anh em mới thật sự từ giã toàn thể nhân viên ở tòa hành chánh tỉnh Định Tường. Chỉ chào từ giã thôi chứ không có tổ chức tiệc nên còn rộng thời giờ, sau đó một số bạn đi thăm chia tay riêng từng người. Đặc biệt anh em có ghé quán yaourt “Bốn Phương” ở góc đường Hùng Vương và Lê Đại Hành để từ giã cô chủ quán nho nhỏ rất xinh xắn, dễ thương mà chiều nào các bạn cũng thường hay đến quán sau buổi cơm chiều. Nhưng tất cả đều không có một mối duyên tình nào với người đẹp Mỹ Tho. Chỉ lãng đãng như sương mù buổi tối, dưới ánh đèn màu quấn quanh cội me già trước quán. Chỉ có vậy thôi mà nhớ cả đời. 

Trở lại trường lên năm thứ ba, chương trình học rất nặng về lý thuyết, học đủ các bộ môn Công pháp cũng như Dân luật, ngoài ra còn học nguyên tắc tổ chức và điều hành các định chế thuộc cả ba ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp, bao gồm mọi lãnh vực chính trị, kinh tế tài chánh và lao động, xã hội… Gay go nhất là môn “Bang giao Quốc tế” rất mới mẻ do Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng vừa ở Mỹ về giảng dạy.

Cuộc sống tại Sài Gòn những năm 1960. Ảnh của François Sully

Ngoài các môn học lý thuyết còn có các môn học thực tế, đặc biệt với phần thực hành như môn học các “Lễ nghi cổ truyền” tại địa phương: đình, chùa, miếu mạo… do giảng viên Đỗ Văn Rỡ (Đốc Phủ sứ) phụ trách. Sinh viên phải biết cách cầm chầu, chủ tế hay bái lạy… Rất hay mà tôi còn nhớ đến tận bây giờ: “Nhất bái sanh, Nhị bái tử, Tam bái Phật, Tứ bái Ân, Ngũ bái Vương.”

Đèn đuốc trong các phòng ký túc xá thắp sáng suốt đêm. Ban ngày, thư viện đông người không còn bàn ghế trống. Ai ai cũng cố gắng học để được điểm cao và có thi thì cũng sẽ có đậu và có rớt. Chỉ còn một năm nữa thôi để lên năm cuối và điểm thi viết năm thứ ba sẽ được dùng để cộng thêm vào điểm luận văn thành ra điểm tốt nghiệp. Tất cả tùy theo đó mà xếp thứ hạng cao, thấp để chọn nhiệm sở.

Năm thứ tư sinh viên đi thực tập sáu tháng ở các cơ quan trung ương hay ở các bộ tại Sài Gòn. Tôi chọn về Bộ Cựu chiến binh, trong thời gian nầy đồng thời sinh viên cũng phải tự chọn lựa đề tài để viết luận văn. Mãn hạn thực tập cũng là lúc trình luận văn tốt nghiệp trước hội đồng giáo sư, tôi chọn đề tài “Tự trị Đại học” do Giáo sư Lê Văn Thận bảo trợ.

Suốt nửa năm thứ tư, không có lên lớp chỉ đi thực tập ở bộ nên rất rộng rãi thời giờ, do đó tất cả anh em đều tập trung đi tìm tài liệu, sách vở liên quan đến đề tài luận văn mà mình đã chọn. Tùy theo ấn định của giáo sư mà sinh viên trình dự thảo từng phần hay từng giai đoạn để giáo sư bảo trợ hướng dẫn hoặc điều chỉnh trước khi hoàn tất và in ấn nộp cho nhà trường đúng hạn. Có rất nhiều đề tài thật hấp dẫn, đủ mọi lãnh vực trong đó có cả những vấn đề thời sự đặc biệt như  “Những Đề Án Công Tác trong Bản Nghị Quyết số 9 của Trung Ương Cục Miền Nam” (Ngô Ngọc Trung, 236 trang) hoặc “Hiện Tình Bắc Việt” (Trần Đình Tuấn, 56 trang)

Lớp Đốc sự khóa 17 tốt nghiệp ngày 20 Tháng Mười Hai năm 1972. Theo thứ hạng tôi về Bộ Nội vụ và  chọn nhiệm sở tỉnh Kontum. Ra trường nhận sự vụ lệnh, mọi người đi ngay về nhiệm sở của mình ở Sài Gòn hoặc đến các địa phương trình diện nhận nhiệm vụ.

Thủ khoa của khóa là sinh viên Trương Thị Đào quê quán ở Quảng Nam, cô ra trường với hai văn bằng tốt nghiệp Quốc gia Hành chánh và Cử nhân Luật, người duy nhất đến trường bằng xe đạp trong trang phục áo dài màu tơ vàng nhạt cùng với chiếc nón lá truyền thống. Hình ảnh người nữ sinh viên trên chiếc xe đạp giữa dòng xe máy đông đúc náo nhiệt trên đại lộ Trần Quốc Toản, Sài Gòn, dừng lại trước cổng trường, thong thả, tự tin đi vào lớp học đã để lại trong lòng mọi người lòng cảm phục sâu xa. Thật đáng ngưỡng mộ. 

Sau bao năm tháng miệt mài học tập cùng với những kỷ niệm khó quên là bước khởi đầu trên con đường hoạn lộ, thênh thang hay gập ghềnh khó biết. Tất cả mọi người đều hăng hái hẹn gặp nhau trên bước đường công vụ và cùng chúc nhau nhiều may mắn. Nhớ lắm.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: