Tân Liêu Trai Chí Dị: Chu Chính An

(Sách Xưa)

Chu Chính An, người gốc tỉnh Hoà Lâm, vì loạn ly mà gia đình trôi dạt xuống Nam Du một tỉnh nhỏ sát bìa đế kinh. Nơi đất khách quê người, không thân thích, song thân Chính An đã phải è lưng ra kiếm sống bằng đủ mọi nghề từ phu khuân vác đến việc chôn xác người chết vì thiên tai, binh biến. Song thân vẫn cố gắng nhịn ăn, nhịn mặc nuôi quý tử ăn học, chỉ dậy những điều hay lẽ phải, tránh xa những tật hư thói xấu… mong có ngày được nhờ con mà thoát cảnh lầm than.

Chính An dù tuổi còn bé nhưng hàng ngày nhìn thấy nỗi cực nhọc, nghe những lời chỉ dậy của mẹ cha nên ngay từ bé đã là đứa nhỏ ngoan hiền, chăm chỉ học hành. Dù rơi vào hoàn cảnh khó khăn, chậm trễ so với bạn đồng trang lứa nhưng Chính An cũng lấy được bằng Tú tài, đang ước mộng học cao hơn. Song thân vui mừng nghĩ rằng nỗi cực nhọc của mình đã được đền đáp, đang tính toán làm việc nhiều hơn để có tiền giúp con lên kinh đô tiếp tục việc học. Trước là cho quý tử được gần gũi với văn minh, sau là có dịp tiến thân trong giới quan trường làm rạng danh nòi giống. Nhưng cuộc đời vốn dĩ có những điều không dễ dàng như tính toán. Đúng thời điểm đó trận dịch bệnh sinh ra, tràn lan khắp chốn, song thân Chính An đã lần lượt trở về với tổ tiên.

Trong hoàn cảnh tứ cố vô thân không tiền bạc phòng thân, Chính An đã phải bán rẻ căn nhà lụp xụp, món tài sản duy nhất của song thân để lại, dùng cho việc ma chay. Xóm làng thông hiểu cho hoàn cảnh nghèo khó của kẻ mồ côi mà bảo nhau thu gom chút tiền bạc giúp cho qua được cơn túng thiếu. Chính An cũng biết, sự giúp đỡ chỉ tạm thời, mà dự tính bỏ chốn quê mùa tìm đường lên đế kinh mong tiếp tục sách đèn làm vui lòng hương hồn cha mẹ nơi chín suối cũng như thoả chí tiến thủ trong chốn quan trường. Đúng lúc chuẩn bị ra đi thì một phú ông trong khu vực thấy An hiền lành, hiếu học có ý chí tiến thủ nên tỏ ý muốn giúp đỡ mà nhận vào làm công việc khuân vác nông sản. Trong hoàn cảnh túng bấn Chính An cũng chẳng biết làm gì hơn là chấp nhận công việc cho qua cơn bỉ cực .

Hàng ngày đến nhà phú ông làm việc, ban tối trở về khu lán trại ăn ngủ với nhóm bạn bè cùng giới phu phen.  Nhưng chỉ sau vài ba ngày sống chung đụng với mọi người. Chính An cảm thấy khó hoà hợp với họ vì những thú vui rượu chè, cờ bạc tiếp theo là những vụ đánh chửi nhau xẩy ra như cơm bữa . Chính An đành phải nói với chủ nhân lý do mà có ý bỏ việc. Chủ nhân cảm thông nỗi khó khăn của Chính An, nhìn thấy bản chất thật thà, hiền lành, làm việc rất chuyên cần của Chính An nên có ý giữ lại, mà nói :

-Ta rất cảm phục con người hiếu học của ngươi, không muốn vì nhóm người cục cằn thô lỗ đó mà ta phải mất một người tín cẩn, ta có một đề nghị, ngươi nghĩ xem sao. Công việc thì vẫn vậy, nhưng ta có một căn nhà để hoang nhiều năm trời, không người cư trú, nhiều năm qua ta đã muốn bán hay cho thuê nhưng không được vì căn nhà có ma quấy phá. Nếu ngươi không ngại chuyện ma quái, ban ngày vẫn làm việc cho ta, ban đêm đến đó cư ngụ mà tiếp tục việc đèn sách. Ngươi không cần phải lo phí tổn, trước là ta có người trông coi căn nhà, sau là muốn giúp đỡ kẻ hiếu học. Nếu ngươi đổng ý, ta sẽ sai người đến quét dọn để ngươi có thể đến đó ngay chiều tối hôm nay.

Nghe chủ nhân nói Chính An quá mừng rỡ, đã không mất việc mà còn có chỗ để tiếp tục việc khoa bảng mong trả nghĩa mẹ cha, nhanh nhẩu mà trả lời :

-Ma có gì mà bản nhân phi sợ , xin chủ nhân đừng lo! Ngài giúp đỡ bản nhân có ch trú chân để làm việc kiếm sống, tiếp tục việc học báo hiếu mẹ cha đã là điều đại ân lắm rồi.

Thế là ngay chiều tối hôm đó, sau khi làm việc xong, Chính An với vài bộ quần áo và thùng sách to lớn dọn đến căn nhà đã được chủ nhân sai người lau chùi rất sạch sẽ. Ngày đầu tiên rồi mấy ngày tiếp theo, mỗi chiều tối, sau khi làm việc về nhà tắm rửa, xuống bếp nấu cơm ăn, rồi ngồi vào thư án lo chuyện sách vở cho đến khi mệt thì lăn ra ngủ, mọi sự chẳng có gì khác lạ. Đến nơi làm việc, chủ nhân có ý lo lắng dò hỏi về căn nhà, Chính An cho biết mọi sự bình thường, đã thế còn mạnh miệng cho rằng chuyện ma quái chỉ là lời đồn thổi không thật. Chủ nhân rất vui mà nghĩ rằng nhờ vía của Chính An nên ma quái không còn phá phách.

Nhưng sang ngày thứ 4, khi đi làm về, vừa mở cửa vào nhà, không biết từ đâu, trên bàn ăn bầy sẵn một mâm cơm còn bốc khói đã làm cho An cảm thấy có gì khác lạ. Biết là bất thường nhưng An làm ra vẻ không chú ý. Sau khi thay quần áo, rửa mặt rồi đủng đỉnh ngồi vào bàn tự nhiên xúc cơm ăn như không có gì xẩy ra. Ăn cơm xong, thu dọn bát đĩa ngay ngắn, với lời lẽ rất trịnh trọng Chính An nói to :

-Cám ơn người bạn hữu đã có lòng tốt cung phụng cho bản nhân, thằng học trò nghèo này bữa ăn thật ngon. Nếu không có gì phiền phức, xin bạn hữu đừng ngại ngần mà xuất hiện cho kẻ hèn này được diện kiến dung nhan.

Chính An nói đi, nói lại 3 lần nhưng vẫn im lặng. Ra vẻ tỏ vẻ bực bội Chính An to tiếng hơn:

-Dù có là ông vua, bà tướng cũng biết ít nhiều phép lịch sự, chớ có giở trò khinh người, làm cho kẻ học trò này nổi giận mà phải buông lời khiếm nhã thì mất đi lòng thân thiện của mỗ đó!

Đúng lúc đó , một cô gái tuổi khoảng đôi chín, dáng vẻ yểu điệu xinh đẹp tựa Hằng Nga chậm rãi từ căn phòng bên cạnh bước ra, cô gái nháy mắt nhìn An mỉm cười mà trả lời:

-Nào thiếp có muốn làm reo với công tử đâu, chỉ vì không muốn đường đột, bạo dạn quá mà làm cho chàng khinh khi, coi thường đó mà thôi. Thiếp là ai chắc chàng cũng đã nghe những người đến đây trước công tử nói rồi. Chàng không sợ hay sao ?

          Chính An mỉm cười, đưa mắt đắm đuối nhìn người đẹp mà trả lời:

-Dù nàng là ma quỉ hay hồ ly tinh, chẳng có gì làm cho ta phải sợ. Xin nàng đừng nghĩ với cái trò dọa quỷ, nhát ma của nàng mà làm cho mỗ phải run lo bỏ chạy. Huống chi nàng đã tốt bụng mà cung phụng cho học sinh nghèo này bữa cơm thật ngon thì làm sao là người xấu xa độc ác được ?

Nói xong, chẳng để cho người đẹp trả lời, Chính An đứng vụt dậy ôm ghì lấy người đẹp mà hôn như rãi gạo trên mặt của nữ nhân. Tay thì mò mẫn, xoa nắn khắp thân thể người đẹp. Nữ nhân có chút ngẩn ngơ với hành xử q mức của An, đưa tay như vẻ muốn đẩy kẻ “ hung bạo” ra xa nhưng hình như cũng có phần thích thú mà chỉ làm cho có lệ. Dù là trai tơ mới lớn, chưa biết gì về chuyện gối chăn nhưng An cũng đủ khôn ngoan để hiểu rằng người đẹp cũng chỉ phản đối lấy lệ, cho qua mà thôi. Biết như vậy Chính An càng mạnh dạn hơn, muốn đè nữ nhân ra ngay nền nhà để làm chuyện trăng hoa. Có lẽ đã cảm thấy kẻ si tình có phần quá đáng, giai nhân mỉm cười, lấy hết sức đẩy An ra xa, nửa đùa, nửa thật mà nói :

-Khiếp thật, coi vẻ bề ngoài đạo mạo như một nho gia, thư sinh tay yếu chân mềm  nhưng cũng là một  “ nòi tình” từng trải đây!…

Chẳng để cho giai nhân nói tiếp, mà cũng không cần hỏi han danh tự cho mất nguồn vui kỳ ngộ, Chính An bế xốc người đẹp vào phòng ngủ bên trong mà làm chuyện gối chăn. Đúng là trai tân đang thời xung mãn, gặp gái xuân thì đang độ hung hăng, cả hai nóng bỏng như hoả sơn bùng phát, thì làm sao kể cho xiết chuyện thích thú vu san?

Rối cứ thế, thời gian qua mau, tiếng gà gáy ban mai đã làm cặp tình nhân tỉnh giấc. Nữ nhân đưa ngón tay dí sát vào trán tình nhân mà nói :

-Ai có thể ngờ, với dáng vẻ thư sinh trói gà không chặt mà tung hoành trận mạc như một kẻ dầy dạn chiến trường. Xin chàng nhớ đừng quên cho thiếp biết tự danh để nhớ mãi duyên kỳ ngộ của đôi ta.

Đáp :

-Tên tự của ta là Chính An, họ Chu, người tỉnh Hoà Lâm, vì nạn kiếp binh đao mà cùng với song thân trôi dạt đến đây. Tưởng đã yên lành nhưng rồi lại vì gió bão xoay vần mà vướng vào dịch bệnh, song thân về với tổ tiên nên phải làm kẻ cô nhi không nơi nương tựa như ngày nay.

Rồi Chính An kể cho nữ nhân nghe về những bất hạnh phải chịu, sau khi cha mẹ mất  mà bước vào nghề lao lực kiếm sống qua ngày, mong chờ dịp lên đế kinh hoà nhập vào chốn quan trường. Trước là tự ấm thân sau là hoàn thành ước nguyện của song thân lúc sinh tiền.

Nghe qua hoàn cảnh của Chính An, giai nhân có phần xúc động, nước mắt đầm đìa mà tâm sự:

-Thiếp họ Đại tên Diên Nhi, người chính quán nơi đây. Hoàn cảnh của thiếp cũng chẳng khá gì hơn chàng, nếu không muốn nói là có phần bi thảm đáng thương hơn. Chính căn nhà này là nơi cư ngụ của song thân thiếp cùng với đứa em trai, kém thiếp 2 tuổi. Khoảng hơn 3 năm trước, nơi đây bị một trận hồng thuỷ nhấn chìm tất cả. Trong cảnh màn trời chiếu nước đó, tn thể gia đình thiếp và hai gia đình khác đã được một chiếc thuyền cứu giúp. Tưởng là thoát nạn, ai ngờ chiếc thuyền bị sóng nước xô đập vào vách núi, thế là tất cả 3 gia đình cùng về với tổ tiên.

Đưa tay lên gạt nước mắt Diên Nhi nói tiếp :

– Khoảng một năm sau ngày thuỷ nạn, song thân và em trai được Diêm Vương cho đi đầu thai, trở lại kiếp người. Còn thiếp, không biết vì lý do gì hay sai sót trong danh sách đầu thai mà đã hơn 2 năm qua thiếp vẫn là hồn ma cô độc, không người cúng viếng. Đã vài lần viết thư lên Diêm Vương than thở, hỏi lý do nhưng chẳng biết vì sao mà vẫn im hơi lặng tiếng. Chính vì tức giận với nỗi bất công, khốn khổ nên thiếp đã chấn giữ căn nhà này, tạo ra những than van, đau đớn cho bất cứ ai muốn đến nơi đây cư ngụ. Có kẻ bị thiếp đánh cho què tay, gẫy chân mà bỏ chạy. Người khác thì bị thiếp treo lên xà nhà cho kiến đốt, bỏ đói nhiều ngày khóc than ly lục đến khi gần chết thiếp mới buông tha …

Ra vẻ ngượng ngùng, Diên Nhi liếc mắt nhìn Chính An , nói tiếp :

-Mấy hôm trước khi thấy chàng bước vào nhà, thiếp tưởng rằng lại có một kẻ xuẩn ngốc, u mê muốn đến đây giúp cho thú vui bạo lực, giải buồn của thiếp. Nhưng thấy chàng, với vẻ ngây ngô của kẻ thư sinh, hành lý xơ xác với vài bộ quần áo cũ rách, còn lại toàn là sách vở… Thiếp đã có phần thương hại cho kẻ thư sinh nghèo hèn mà không nỡ ra tay đầy đoạ. Đã thế mấy ngày qua, nhìn chàng chỉ biết ăn xong rồi chúi đầu vào sách vở, càng làm cho thiếp cảm thương mà không nỡ hãm hại. Chàng hoàn toàn khác với những kẻ đến trước. Có tên thì ba hoa khoe mẽ giầu có mà khinh rẻ nhân gian, có tên thì chi li biển lận, yêu bạc tiền không kể gì đến nghĩa khí, lòng nhân, đánh mắng gia nô chết lên chết xuống không hề chùn tay thương tiếc. Nhưng chàng thì nghèo túng lại siêng năng đèn sách đã làm thiếp động tâm mà lân la thân cận. Thiếp đã không mang lòng hãm hại lại còn có ý gần gũi trong lúc đợi chờ Diêm Vương thẩm xét cho đi đầu thai trở lại kiếp làm người.

Nghe tâm sự đoạn trường của nữ nhân, với vẻ cảm thông Chính An nói :

-Cuộc đời nàng bất hạnh đến thế sao? Thôi thì hôm nay bèo nước cho ta gặp được nàng, chúng ta cùng dựa vào nhau để tìm vui trong hoạn nạn. Ta cũng chẳng biết cuộc đồng hành này kéo dài được bao lâu nhưng ta nguyện sẽ lấy tình chân thật mà bù lấp cho nỗi bất hạnh đáng thương của nàng. Xin đừng từ chối.

Lời nói chân tình của An, làm giai nhân cảm động, đưa vòng tay ôm ghì lấy tình nhân mà nói :

-Đúng như chàng nói, cuộc tao phùng của chúng ta chỉ tạm bợ. Chẳng biết khi nào thiếp được đi đầu thai, thôi thì được ngày nào hay ngày ấy. Thiếp cũng nguyện dành tất cả chân tình cho người tri kỷ.

Cứ thế thời gian qua đi, thấm thoát đã gần một năm. Chính An vẫn đi làm, buổi tối về nhà sống với Diên Nhi, nhưng vẫn không sao nhãng sách đèn, chờ ngày lên đế kinh xây mộng công hầu. Diên Nhi cũng thấp thỏm, ra vào mong đợi ngày được Diêm Vương cho đi đầu thai để trở lại kiếp làm người.

Một hôm, nhìn ra vườn, hoa tươi khoe sắc Chính An sực nhớ đến ngày thi cử sắp đến, buồn bã nói với Diên Nhi:

-Ta phải chuẩn bị lên đế kinh để chuẩn bị cho khóa thi sắp tới, chẳng biết phúc phận ra sao nhưng sợ không còn được ở đây mà sống với nàng nữa.  

Diên Nhi rầu rĩ trả lời :

-Tình nghĩa của chàng và thiếp chỉ ngắn ngủi thế sao? Nghĩ cho cùng cũng là số phận. Xin chàng hãy an tâm, cứ ra đi mà cố dành lấy bảng vàng, trước là ấm thân chàng, sau là trả được ước vọng cho song thân nơi chín suối.

Chính An đáp:

-Thành thật, ta không muốn xa nàng, chẳng biết nàng có kế sách gì để chúng ta vẫn được sống với nhau trên đế kinh hay không ?

Diên Nhi trả lời :

-Có một cách, nhưng không biết có gặp được vận may mà được trôi chy hay không. Đã thế nếu lộ ra mà Diêm Vương biết thiếp trốn theo chàng lên đế kinh thì đúng là đại nạn. Tai kiếp không chỉ với thiếp mà chàng cũng khó thoát cảnh điêu linh.

Chính An mừng rỡ hỏi:

-Kế sách thế nào, mau nói cho ta nghe, dù có là vạ tầy trời để được gần nàng, ta cũng sẵn sàng nhận chịu, xin đừng lo.

Đáp :

-Thiếp cũng không biết thời khắc nào Diêm Vương sẽ sai quỷ sứ đến đây bắt thiếp đi đầu thai. Thiếp sẽ dành lấy thời gian gấp rút này lên đế kinh tìm một nữ nhân nào đoản mệnh vừa chết để nhập hồn vào xác cô ta rồi cô ta sống trở lại. Khi đó thiếp sẽ được sống với chàng trong dung nhan của cô gái đó. Nhưng trong khoảng thời gian ngắn ngủi muốn tìm được một nữ nhân hợp với ý mình, đúng lúc cô ta vừa đoản mệnh, chưa chôn, xác thân chưa thối rữa không phải là dễ có. Đã thế cô gái là ai, đẹp xấu, tuổi tác, hn cảnh gia đình ra sao, cũng không phải cứ ước muốn mà được. Huống hồ thời buổi an bình trên đế kinh không dễ dàng tìm được một người tận số lúc còn tuổi thanh xuân hợp với tuổi của thiếp .

Tiên Khởi vui mừng trả lời :

-Thôi, nàng cứ làm theo kế sách đó đi, hai ta được sống với nhau là chính, mọi việc khác ra sao hãy để cho số phận an bài. Huống chi nơi phồn hoa đô hội rộng lớn như Đế kinh việc Diêm Vương truy tìm được hai chúng ta để hành tội cũng không phải là chuyện dễ làm. Hãy đi đi, ta tin là chúng ta sẽ gặp vận may mà đoàn tụ.

Đáp:

-Được rồi, thiếp sẽ vì đôi ta mà làm liều vậy. Kết quả có như ước nguyện hay không, đành nhờ vào số phận mà thôi. Nhưng nghĩ cho cùng, nếu không liều mà làm thì chắc chắn sẽ chẳng bao giờ có được. Xin chàng hãy chờ tin vui từ thiếp.

Nói xong Diên Nhi im lặng đi vào phía sau nhà. Một lúc sau, thấy không có động tĩnh gì Chính An đâm lo lắng, đi khắp nhà tìm kiếm, thấy phòng ốc trống trơn, biết là Diên Nhi đã im lặng ra đi. Rồi suốt cả tuần lễ tiếp theo, Chính An như kẻ mất hồn, hàng ngày đi làm về nhà  cứ than vắn, thở dài mong chờ Dung Nhi mang tin vui trở về, cho đến khi mệt nhoài rồi lăn ra ngủ.

Một hôm khi vừa từ nơi làm việc trở về nhà, chưa kịp thay quần áo thì có một chiếc xe song mã sang trọng với vài người gia nhân theo hầu, dừng lại trước cửa nhà. Từ trên xe một cặp vợ chồng ra vẻ sang trọng bước xuống. Người chồng đầu đội nón cánh chuồn, áo thụng mầu nâu nhạt bằng gấm, thêu hoa vạn thọ trắng vàng ra vẻ quan nhân có chức quyền. Chính An vội vàng ra mở cửa lễ độ nhìn quan nhân mà hỏi :

-Thưa quý quan nhân có gì dậy bảo tiểu nhân, xin cho biết.

Ánh mắt hơi chau lại cả hai vợ chồng quan nhân im lặng ngắm nghía Chính An một lúc, với nụ cười hiền hoà người chồng hỏi :

-Đây có phải là Chính An công tử, người gốc tỉnh Hoà Lâm chăng?

Chẳng chú ý đến sự ngỡ ngàng của Chính An, hai vợ chồng quan nhân ra vẻ rất vui mừng, người vợ gật nhẹ mà tiếp lời chồng :

-May mắn thay, con gái ta đã không lầm lẫn khi có được người chồng dáng vẻ thông minh như công tử.

Nghe vợ chồng quan nhân nói về mình, Chính An giương mắt nhìn vợ chồng quan nhân ra chiều không hiểu. Hình như nhìn thông suốt suy nghĩ của Chính An, vị quan nhân đưa tay vỗ nhẹ vào vai An vài cái, thân tình mà nói :

-Hãy mời chúng ta vào nhà, mọi việc công tử sẽ thông suốt mà thôi!

          Sau khi mời hai vị khách quý an toạ trên hai chiếc ghế đẩu cũ kỹ duy nhất có trong nhà, Chính An đi vào phòng trong lo việc nấu nước pha trà. Hai vợ chồng quan nhân im lặng, dõi mắt nhìn khắp căn nhà trống trơn, họ đã hình dung được sự nghèo túng của Chính An. Thỉnh thoảng hai vợ chồng đưa mắt nhìn nhau thương cảm cho sự thanh bần của chủ nhà. Xong việc pha trà rót nước, Chính An nhìn vợ chồng quan nhân với tí chút ngượng ngùng, mà thưa:

-Xin quí quan nhân và phu nhân cảm thông cảnh nghèo hèn của kẻ học sinh mà tha lỗi cho việc tiếp đãi quá đơn sơ này.

Chẳng để cho quí nhân trả lời, An nói tiếp :

-Kẻ học trò xin được vểnh tai nghe lời chỉ bảo của quan nhân và phu nhân đây.

Vị quan nhân đưa mắt nhìn vợ rồi chậm rãi nói :

-Tên tự của ta là Khu Kính Minh, quan Thị Giảng của triều đình tại đế kinh. Hôm nay vì một chuyện lạ kỳ, khó giải thích của ái nữ mà phu phụ chúng ta phải thân hành xuống đây gặp công tử để mong xác minh những điều kỳ lạ mà nó có liên quan đến ái nữ của chúng ta . Xin công tử vui lòng mà thật lòng giúp đỡ, chúng ta nguyện sẽ đền bồi nghĩa ân.

Qua lời kể lể của vợ chồng quan Thị Giảng, họ có 3 người con, 2 trai đầu lòng đã thành gia thất, sống riêng biệt và cũng là quan nhân tại đế kinh. Người con út là gái, tuổi vừa đôi chín vẫn sống với cha mẹ, tên tự là Mỹ Vân. Khoảng 4 tháng trước Mỹ Vân bị lâm trọng bệnh, vợ chồng quan Thị Giảng đã mời nhiều danh y đế khám bệnh, ra toa, bốc thuốc mong chữa trị cho ái nữ, nhưng cũng chẳng đến đâu. Bệnh của ái nữ càng lúc càng nặng, khoảng tuần lễ trước đã về với tổ tiên.

Gia đình, giòng tộc đành phải mời sư sãi đến cầu siêu, lo chuyện tống táng cho ái nữ. Nhưng đúng lúc chuẩn bị chở đi mai táng, thình linh có tiếng kêu gọi, vỗ đạp từ phía trong hòm phát ra. Mọi người kinh sợ, sai gia nhân mở ra thì Mỹ Vân ngồi bật dậy cho biết mình chưa hết phần số, vẫn còn nặng nợ phu thê với một nam nhân nên Diêm vương cho trở lại nhân gian mà tìm đến nam nhân đó cho trọn nghĩa vợ chồng. Mỹ Vân cho biết Diêm Vương còn cho biết tên tuổi, nguyên quán, nơi chốn cư trú của nam nhân trong định số của mình. Chính vì sự chỉ dẫn của ái nữ mà vợ chồng quan nhân mới biết nơi mà tìm gặp Chính An hôm nay.

Chính An nghe lời kể lể của vợ chồng quan Thị Giảng đã đoán được câu truyện hoàn toàn do Diễn Nhi đạo diễn mà ra. Tâm tư thiện lương của một kẻ hiểu lẽ thánh hiền đã làm cho Chính An có cảm giác ân hận, chỉ vì lợi ích cá nhân, đã đồng loã với Diễn Nhi mà làm việc bất minh, lừa dối người khác. Với suy nghĩ như vậy, Chính An có ý định muốn nói sự thật với vợ chồng quan Thị Giảng rồi ra sao thì ra.

Nhìn dáng vẻ đắn đo, ân hận hiện rõ trên khuôn mặt Chính An đã làm cho phu thê quan Thị Giảng nghĩ rằng Chính An có ý chối từ. Bất thình lình vợ quan Thị Giảng đứng dậy, quỳ xuống trước mặt Chính An, nước mắt dàn giụa trên khuôn mặt mà cầu xin:

-Công tử hãy rộng lòng gia ân cho ái nữ, để tiểu nữ được sống dậy. Toàn gia của ta luôn luôn khắc ghi lòng quảng đại của công tử.

Vị quan Thị Giảng, đưa tay ra dấu cho vợ im lặng, ông tiếp lời vợ :

-Suốt mấy ngày qua khi tiểu nữ chết, hiền thê của ta đã quá đau buồn vì mất con gái mà đã khóc than, ngất lên, ngất xuống nhiều lần. Kỳ tích vừa qua đã làm cho hiền thê của ta mừng rỡ như chính mình được sống lại, xin công tử đoái thương mà đừng nỡ chối từ.

Ngưng lai tí chút, vị quan nhân nói tiếp :

-Vợ chồng ta sẵn sàng làm tất cả những gì mà công tử yêu cầu miễn là chấp nhận kết nghĩa phu thê với ái nữ để chúng ta không phải khổ đau vì mất đi đứa con gái duy nhất mà chúng ta thương yêu nhất đời.

Rồi cứ thế hai vợ chồng quan nhân tiếp nối nhau nài nỉ mong Chính An chấp nhận kết hôn với ái nữ của họ. Ban đầu Chính An còn đắn đo vì mang cảm giác là một kẻ lừa dối nên có ý định nói sự thật vở kịch của Diên Nhi cho vợ chồng quan nhân nghe. Nhưng nhìn thấy nỗi đau khổ của họ, nếu nói cho họ biết sự thật, người tái sinh không phải là Mỹ Vân, con gái họ mà là hồn ma của Diên Nhi chỉ mượn xác ái nữ của họ để trở lại với nhân gian mà thôi. Nhưng sau một lúc đắn đo suy nghĩ, Chính An tự hỏi, nói ra sự thật có phải là giải pháp khôn ngoan, hợp lý hay chỉ tạo ra sự khổ đau cho họ nhiều hơn? Nếu mình giữ im lặng sẽ cho gia đình, người thân của họ có được niềm vui vì nghĩ rằng Mỹ Vân vẫn còn sống.

Suy nghĩ xa hơn, nếu xét theo hướng đạo đức thì hậu quả của vở kịch cũng chẳng có điều gì gọi là bất nhân. Diên Nhi không hãm hại Mỹ Vân để chiếm đoạt thân xác mà chỉ mượn xác Mỹ Vân khi phần số của cô ta đã hết để trở lại với nhân gian. Rồi Chính An và Diễn Nhi sẽ trả ơn cho vợ chồng họ bằng cách thay cho Mỹ Vân báo hiếu cho họ, đó cũng là một sự vay mượn hợp lý, tốt đẹp cho cả hai bên vậy. Với suy nghĩ đó, làm cho Chính An yên lòng, vui vẻ mà nói với vợ chồng quan nhân :

-Sự thương yêu tiểu thư của vợ chồng quan nhân cũng như những ưu ái của hai vị dành cho tiểu sinh đã làm tiểu sinh cảm động mà không dám chối từ. Nhưng đó chỉ là sự xếp đặt của quan nhân và của tiểu sinh mà thôi, còn về phía tiểu thư ra sao, đó cũng là điều mà bản nhân lo lắng. Theo tiểu sinh thì sự việc không phải gượng ép là được, mong quý quan nhân thông hiểu mà tính suy cho hợp lý.

Chẳng để cho Chính An nói hết lời, người vợ không giấu được sung sướng, cười vui mà nói:

-Công tử cứ yên tâm. Chẳng ai hiểu rõ ái nữ của ta hơn ta được. Với phong thái đĩnh đạc, con người khuôn thước như công tử chẳng có gì để công tử phải lo xa. Còn về dung nhan, phẩm hạnh của ái nữ, ta không dám lộng ngôn mà nói là giai nhân sắc nước hương trời, nhưng chắc chắn không làm cho công tử phải thất vọng đâu. Xin công tử đừng quá lo lắng mà phụ lòng ưu ái của chúng ta.

Đưa mắt kín đáo nhìn Chính An, phu nhân nói tiếp :

-Đúng ra, chúng ta có ý định cho ái nữ đi theo, để gặp mặt công tử, nhưng sau mấy tháng ốm bệnh, sức khoẻ của tiểu nữ chưa phục hồi nên không tiện cho việc di chuyển, mong công tử cảm thông mà bỏ qua . Thêm vào đó vợ chồng ta cũng có phần nghi ngờ lời nói của tiểu nữ sau khi sống trở lại, là những lời nói mê sảng khó tin. Chính vì vậy phu phụ chúng ta đã không cho ái nữ đi theo. mong công tử hiểu mà thoáng khoát cho.

Sau khi mọi sự đã được giải bầy ổn thoả, vợ chồng quan nhân cũng không quên dò hỏi về chàng rể tương lai. Chính An cũng chẳng giấu giếm gì mà kể lể tất cả những bất hạnh của mình sau khi song thân mất, phải lăn mình với công việc thấp hèn, nhưng  cũng không quên trau dồi đèn sách, mong dịp tiến thân bằng con đường khoa nghiệp để không phụ lòng ước muốn của song thân nơi chín suối.

Vợ chồng quan nhân tỏ ra rất vừa ý với chí hướng của chàng rể tương lai, vỗ nhẹ vài cái lên vai Chính An, quan Thị Giảng với giọng ân cần mà nói:

-Ngươi cứ an tâm, mọi sự xếp đặt, tính toán cứ để cho chúng ta làm . Việc chính của ngươi là ngay ngày hôm nay thu dọn thư sách, chuẩn bị hành lý để cùng với vợ chồng ta trở về đế kinh. Ái nữ của chúng ta chắc cũng đang mong đợi tin vui để được hội ngộ với ngươi đó. Việc thu dọn, trả lại căn nhà này cho chủ nhân, ta sẽ sai quân hầu đến lo liệu tất cả, ngươi không cần phải lo.

Thế là mọi chuyện xẩy ra như mong muốn, Chính An được gia đình quan Thị Giảng đón lên đế kinh. Rồi một đám cưới linh đình của Chính An với Mỹ Vân, ái nữ của quan Thị Giảng Khu Kính Minh, vị quan có tiếng là thanh liêm, đức độ tại đế kinh. Sau lễ thành hôn vài tháng vợ chồng Chính An ra sống riêng biệt tại một căn nhà khang trang cũng trong thành nội do vợ chồng quan thị giảng mua tặng, làm quà hồi môn dành cho ái nữ.

May mắn tiếp theo, vẫn đến với Chính An, nhờ không phải đi làm cực nhọc kiếm sống như thời còn ở Nam Du, lại có nhiều thời gian dành cho đèn sách, Chính An đã vượt qua khoá tiến sĩ của kỳ thi Hội. Qua sự tiến dẫn của nhạc gia, Chính An được triều đình bổ vào chức quan Pháp Chính, chuyên lo việc thu thập các chứng cớ trong các vụ án xẩy ra tại đế kinh. Không lâu sau ngày nhận nhiệm sở, Mỹ Vân sinh con trai đầu lòng. Rồi hơn một năm sau lại có thêm một quý tử nữa chào đời, mọi sự tốt đẹp xẩy ra như tranh vẽ, chẳng có gì là phiền muộn trong cuộc sống. Đúng là hạnh phúc trùng lai!

Thời gian qua mau, Chính An đã thong dong hơn 5 năm trên đường quan lộ, hạnh phúc gia đình đã tưởng rằng mãi mãi cho đến trọn cuối đời. Nhưng một hôm vợ chồng Chính An đang quây quần vui chơi với 2 đứa con trong phòng khách, không biết từ đâu một nam nhân mặt đen như nhọ nồi, râu ria xồm xoàn dựng ngược, đầu đội nón Khổng Minh khoác chiếc áo quàng đen, vẻ mặt giận dữ hướng mắt vào vợ chồng Chính An mà nói:

 -Ta là Thổ thần của địa phương được Diêm Vương sai khiến đến bắt vợ chồng các ngươi đem về âm ty để trị tội dám trốn tránh, còn lừa dối Diêm Vương mà trở lại trần gian đây.

           Đưa ngón tay, gần như sát vào mặt của Mỹ Vân, Thổ thần nói như hét:

           -Ngươi, chính người là nữ nhân họ Đại tên Diên Nhi, con ma ở tỉnh Nam Du đã trốn tránh tráp đòi của Diêm Vương mà lên kinh đô rồi nhập vào xác của Chu Mỹ Vân. Ngươi đã làm lũng đoạn khuôn phép đầu thai của Diêm phủ. Tội lỗi của ngươi kể sao cho xiết, dù ngươi có bị đem vào vạc dầu hay lò nướng 5, 7 lần vẫn chưa đủ tội của ngươi đâu. Vợ chồng các ngươi hãy mau theo ta về Diêm phủ mà chịu tội.

           Chẳng để cho Thổ thần ra phép bắt giữ, Chính An với vẻ trịnh trọng lớn tiếng mà trả lời:

           -Xin Thổ thần hãy thư thả cho mỗ được phân bầy vài ba ý kiến. Trên cõi trần,  mỗ cũng là một quan chức chuyên môn trong ngành luật pháp, nên cũng biết ít nhiều về ý nghĩa những chữ Đúng, chữ Sai trong luật pháp, và  dĩ nhiên cả chữ Nguyên do ,Trách nhiệm trong việc xét xử để nhìn rõ được sự công bằng, hợp lý trước khi đưa ra một bản án cho phạm nhân. Mỗ xin Thổ thần hãy lắng tai nghe cho kỹ lời phân minh ngọn nguồn của mỗ liên quan đến sự việc, rồi chuyển đạt lên Diêm vương trước khi muốn bắt vợ chồng mỗ về Âm ty trị tội.

           Ngưng lại một tí, rồi Chính An lớn giọng hơn mà nói tiếp :

           -Chính Diêm Vương phủ mới là nơi gây ra những lỗi lầm, sai sót trong việc đầu thai. Diêm vương đã làm cho ái thê của mỗ phải chịu hơn 4 năm làm con ma đói, không người cúng viếng, lang thang nơi cõi âm . Ái thê của mỗ đã viết đơn than trách lên Diêm Phủ mong chờ Diêm Vương thẩm xét mấy lần , nhưng cũng chẳng được Diêm Vương đoái hoài đến . Mỗ xin hỏi Thổ thần những sai trái, lỗi lầm đó có phải là do ái thê của mỗ gây ra hay do Diêm Phủ mà ra ? Trong hoàn cảnh thê lương, bất công đó ái thê của mỗ đã phi làm liều, tìm cách giải thoát cho chính mình, không lẽ việc làm chính đáng đó lại là tội lỗi sao? Rồi ngài thử nghĩ mà xem, hiền nội của mỗ phải tự đi tìm cách mà giải thoát cho mình, phương cách đó chẳng có gì để nói là tàn độc, bất nhân, mà ngược lại còn mang đến niềm vui hạnh phúc cho biết bao nhiêu người trong gia đình, cha mẹ anh em của nữ nhân Mỹ Vân. Không lẽ đó cũng là sai trái, vô đạo đức sao?Xin ngài hãy vì chính đạo mà trình bầy với Diêm Vương cho vợ chồng mỗ.

           Im lặng một chút, nhìn thẳng vào mặt Thổ thần, Chính An to tiếng hơn :

           -Mỗ cũng là người “ cầm cân, nẩy mực “ nên cũng biết rõ thế nào là công minh, sai trái. Mỗ sẵn sàng làm đơn gửi lên Thiên Đình cho Ngọc Hoàng Thượng Đế,  xin được làm sáng tỏ việc mù mờ, trốn tránh trách nhiệm của Diêm Phủ. Mỗ chắc chắn chuyện này không xong với mỗ đâu. Nhưng dù sao vợ chồng mỗ cũng mong “ dĩ hoà vi quí”  mà nhờ cậy Thổ thần vì sự công minh mà tỏ bầy với Diêm Vương cho vợ chồng mỗ được an vui sinh sống, không cần phải làm to chuyện cho phiền phức hơn. Mỗ xin hết lời!

           Với những lời lẽ đanh thép, hùng hồn của Chính An đã làm vẻ giận dữ, hung hăng của Thổ thần biến mất, với vẻ mặt hoà dịu, Thổ thần nói :

           -Nghe qua lời biện giải của ngươi, ta cũng thấy có nhiều phần hữu lý. Phu thê ngươi hãy chờ ta trở về trình giải với Diêm vương xem sao, việc này không thể do ta định đoạt mà được!

           Nói xong Thổ thần biến mất mà chẳng cần để ý đến phản ứng bàng hoàng của vợ chồng Chính An. Sau khoảng cháy hết một nén hương, Thổ thần lại hiện ra trong thái độ hoà hoãn vui tươi nhìn vợ chồng Chính An mà nói :

           -Ngươi đúng là một tên thầy cãi tài năng, đáng phục lắm ! Ta đã trình bầy tất cả lời biện giải của ngươi cho Diêm Vương nghe rồi. Ngài đã nhìn thấy những lỗi lầm của Diêm Phủ mà sai ta thay ngài ra ân cho các ngươi đây. Với ngươi, Chính An, thì số phận không có gì thay đổi vì đã quá rõ ràng với kiếp làm người của ngươi rồi. Với Diên Nhi, vẫn được giữ nguyên hình hài của nữ nhân Chu Mỹ Vân nhưng định số của ngươi tốt hay xấu phải được dựa vào bề dầy hay mỏng của phúc đức do chính cá nhân ngươi cũng như của cha mẹ tổ tiên ngươi lưu lại cho ngươi.  Nói xong , Thổ thần đang định biến mất thì Chính An, vội vàng hỏi :

           -Thổ thần, ngài có thể hé lộ cho mỗ biết về số phận của vợ chồng mỗ được không ?

           Thổ thần, giương mắt nhìn Chính An ra vẻ không vui mà nói :

-Ta đã tưởng ngươi là kẻ sinh nhai trong pháp luật, người “cầm cân nẩy mực” nhưng ta không ngờ ngươi lại có suy nghĩ sai lầm, thấp kém mà hỏi ta như vậy sao! Nếu ai ai cũng biết được mệnh số của mình thì còn gì là nhân gian, tốt xấu nữa ? Lúc đó Diêm Phủ phải đóng cửa, không có việc làm, cá nhân ta phải rơi vào vòng thất nghiệp hay sao?!  Ngươi cũng không hiểu chữ “ Thiên cơ bất khả lậu “  mà dám mở miệng ra hỏi ta một câu ngu xuẩn thế sao? Ta lấy làm tiếc vì lời khen của Diêm Vương, đã dành cho ngươi, ngài đã nghĩ ngươi là người thông thái, có tài biện luậnn ai ngờ !  Thôi ta đi đây.

Nói xong Thổ qua chẳng thèm nhìn ngó vợ chồng Tiên Khởi mà biến mất.

Vợ chồng Tiên Khởi ôm nhau cười vui, sung sướng vì biết chắc chắn rằng mọi sự đã hạnh thông không còn phải nơm nớp lo sợ cho tương lai nữa, cuộc sống đã được đưa vào qũi đạo của nhân gian.Thế là quá tốt rồi !

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: