Lời tác giả:

“Tuổi Hồng Con Gái” là tác phẩm đầu đời của tôi được viết vào năm 1980 cùng thời gian với tấm ảnh ngoài bìa sách. Tuy lúc đó sống ngay trên quê hương Việt Nam với dân số đông đảo mấy chục triệu người nhưng xung quanh tôi, vì hoàn cảnh hết sức đặc biệt, tôi không có lấy một người bạn, một người thân để tâm tình những lúc vui, buồn trong cuộc sống.

Trong nỗi cô đơn lẫn cô độc đó, trong nỗi thất vọng chán nản nhất của  cuộc đời, tôi đã “kiếm” được nhiều nụ cười nhờ làm bạn, làm thân với các nhân vật trong truyện. Tôi vui với niềm vui của họ, và buồn với nỗi buồn của họ. Những sinh hoạt của các nhân vật trong truyện cho tôi sự ấm cúng của một mái ấm gia đình hạnh phúc mà tôi lúc đó đang khao khát. Tuy đôi khi trong gia đình của các nhân vật cũng có một ít sóng gió, nhưng chỉ như là chút gia vị để tăng thêm khẩu vị của cuộc đời.

Vì Tuổi Hồng Con Gái là tác phẩm đầu tay, tôi chưa đủ kinh nghiệm để biết viết thế nào là một truyện dài hay ngắn. Tôi chỉ biết miên man viết để tìm vui, để quên đời cho đến lúc Tuổi Hồng Con Gái  bị ép uổng kết thúc một cách vội vã lãng xẹt như một đứa con bị sinh non chưa đủ ngày tháng (vì tôi sắp vượt biên). Và nó được mang danh hiệu “Trung thiên tiểu thuyết.” Không dài. Không ngắn.

Tuổi Hồng Con Gái được tôi nâng niu “bế” đem theo định cư tại Thụy Sĩ. Vì là “con so” và lại “sinh non,” không hợp thời tiết khí hậu nơi xứ lạ quê người, Tuổi Hồng Con Gái èo uột như đứa trẻ bị khát sữa, nó thoi thóp âm thầm sống hơn 10 năm trong tủ kính, sau đó mới chính thức bước ra chào đời  khi tờ báo “Măng Non” của Ngô Nguyên Dũng tại Đức, sau đổi là “Văn Nghệ Trẻ” – một tờ báo duy nhất dành cho thanh thiếu niên tại hải ngoại ra đời.

Tuổi Hồng Con Gái đã được đón nhận một cách nồng nhiệt của các bạn trẻ qua những bức thư của các em ưu ái gởi về cho tòa soạn. Có thể nói, đó là niềm vui tinh thần vô cùng lớn lao đối với tôi, khi Tuổi Hồng Con Gái được khỏe mạnh, bụ bẫm, dễ thương và được các em yêu kiều thương mến. Và tôi cũng rất vui khi tôi đã mang đến niềm vui cho các em, những bạn trẻ ở hải ngoại yêu tiếng Việt, đối với tôi, ý nghĩa đời người đối với người đời là ở đấy.

Và bây giờ, sau hằng nhiều năm, Tuổi Hồng Con Gái một lần nữa được muốn ra mắt cùng quí vị sau khi đã tân trang dung nhan từ hình thức lẫn nội dung dưới bóng sắc của một truyện dài. Mong quý độc giả Sài Gòn Nhỏ đón nhận.

Ông Hải hối hả ào vào như một cơn lốc giữa lúc gia đình ông bà Trí đang quây quần quanh mâm cơm.

-Này ông bà Trí ơi, thằng Khải cháu tôi như đã thưa trước với ông bà từ lâu, hôm nay nó từ Sài Gòn lên Đà Lạt coi mắt con Dung, tôi đến báo để ông bà chuẩn bị.

Mọi người bỏ đũa ngước mắt nhìn ông Hải. Bà Trí đứng dậy sốt sắng bước đến phòng khách rót một tách nước trà:

-Vâng, cám ơn ông. Mời ông ngồi chơi xơi nước. Chúng tôi xin phép cơm nhá!

-Thôi, cám ơn bà. Tôi phải về ngay để ăn cơm, xong, dắt cháu đến ngay.

Dứt lời, ông Hải quay lưng đi mất. Cái tin “giật gân” ấy làm gia đình ông Trí xôn xao. Ông lên tiếng:

-Đấy con Dung nghe đấy, ăn cơm rồi sửa soạn, tí nữa người ta đến đấy!

Dung vừa ăn vừa lầu bầu:

-Thời buổi văn minh này mà còn có cái kiểu “làm mai coi mắt”. Bộ con không tự kiếm chồng được sao? Coi mắt gì kỳ cục. Nếu người ta ưng mình  không nói làm gì, nhỡ người ta chê, có phải mình… quê không?

Nhạn, em Dung, cô bé láu nhất nhà, nghe Dung nói vậy, ngứa miệng xen vào:

-Sức mấy mà quê! Người ta chê mình, mình chê lại. Bộ tưởng… ế sao, chị mới 18 mà!

Bà Trí đã ngưng đũa, đứng dậy, trong lúc sửa soạn bánh trái để tráng miệng, bà giục:

-Thôi, ăn  nhanh đi nào, kẻo người ta đến bây giờ.

Dung vẫn còn lầu bầu, mặt nàng phụng phịu, hờn dỗi:

-Người ta đến… mặc người ta, mẹ ạ. Tí nữa con còn bận đến nhà bạn mượn tập chép bài.

Ông Trí trợn to mắt:

-Bộ không còn ngày nào sao lại đi mượn tập giữa lúc này? Con phải ở nhà, tí nữa còn rót nước.

Dung bực bội, bỏ đũa đứng dậy:

-Con cần phải đi chép bài để sáng mai đi học. Rót nước con nghĩ, có chị Thảo và Nhạn đấy.

Nói rồi, nàng ngoe nguẩy bước ra cửa. Bà Trí gọi với theo:

-Dung! Dung! Con bỏ đi thật à?

Rồi bà chép miệng than:

-Ối giời! Con gái thật đỏng đảnh!

Nhạn cũng nói với theo chị, mắt cô long lanh tinh quái:

-Chị Dung mắc cỡ cứ đi đi, yên trí ở nhà có em “coi mắt” ông rể quý tương lai của bố mẹ. Khi chị về, em sẽ tâu sau. Nếu… bảnh, chị cứ việc nhào vô. Còn nếu không bảnh, chị thả… số de cũng không muộn!

Bà Trí mắng cô con lém lỉnh:

-Cái con này bép xép ăn nói phải giữ lời chứ. Con biết gì mà xen vào?

Nhạn hờn dỗi:

-Mẹ nói thế, con mà hổng biết? Con cũng 17 tuổi rồi chứ bộ.

Thằng Minh, út ít của gia đình, từ nãy đến giờ mải ăn, chắc bụng rồi mới lên tiếng:

-Chà! Thích quá! Lại thêm một anh rể quí tương lai nữa, mình… trúng mánh, được hối lộ thì phải biết.

Thảo nghe nói, nạt em:

-Em nói cái gì kỳ vậy. Tư tưởng xấu xa bẩn thỉu. Sau này có làm công chức cao cấp trong bộ kinh tế, làm ông Tỉnh trưởng, Quận trưởng thì phải biết… Dân chúng không còn cái chén để ăn cơm.

Nhạn rên thầm.

-Trời ơi! Chị em nhà tôi sao mà chẳng ai ra hồn hết. Chị Thảo tuy hiền mà hay lý sự cùn. Cái miệng của chị với cặp môi đẹp, hồng tươi ăn chua dễ sợ luôn, nói nhiều câu đạo đức còn hơn bà cụ non; cặp mắt đen và ướt hay lườm, hay nguýt em út. Còn chị Dung yêu quý của tôi “mắt lá dăm, lông mày lá liễu” đẹp đâu không biết, chứ mắt chị một mí, hơi nhỏ, mỗi khi chị soi gương, chị nhíu mày nhăn nhó, rồi mở toát mắt ra, dụi dụi hai ngón tay lên mí, chớp chớp nói: “Ơ, mắt của tôi hôm nay cũng hai mí này,, rồi mỉm cười mơ mộng đâu đâu,  không chịu đọc sách luyện toán, luyện sinh ngữ. Còn thằng em út của tôi trẻ con lất khất, mới 13 tuổi mà ranh vặt chả ai bằng. Không biết có phải vì nó được sanh sau đẻ muộn, sanh sau, mẹ nhiều kinh nghiệm nên truyền hết mọi cái khôn cho nó. Hay là do được nuông chìu đặc biệt khi thấy bố mẹ o bế “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” ( một con trai coi như có, mười con gái cũng như không), con trai duy nhất nối dõi tông đường, thờ giỗ bố mẹ mai sau, nên nó lên mặt, ta đây ngon lành, tài khôn, thấy ghét. Thế mà sao tôi không ghét được nó, tôi vẫn yêu nó như yêu cái gia đình của tôi, yêu hai bà chị… dở hơi của tôi, yêu thằng em… dở chứng của tôi. Hay là tôi cũng dở hơi, dở chứng như họ?

Từ ngày lọt thằng út vào nhà, không khí trong nhà tôi bỗng đổi khác. Vui tươi sống động hẳn lên. Bố mẹ là người vui mừng nhất, đương nhiên rồi vì là con trai… viết hữu của bố mẹ mà, mà với ba chị em gái của chúng tôi cũng có chìu thay đổi, không quấn quít trò chuyện với nhau nhiều như trước, tất cả đều đổ dồn vào Minh, chăm lo cho nó nhưng đồng thời cũng hay châm chọc nó cho vui cửa vui nhà. Tôi không tị với Minh, dù bị nó chiếm ngôi vị út ít, chẳng những thế tôi cảm thấy tôi oai oai khi lên mặt đàn chị với nó, đôi khi… đì nó, sai vặt nó nhưng đồng thời rất thương nó.

Tiếng của Thảo lại cất lên, gằn giọng nhìn Minh:

-Thằng nhãi đó, bọn tao lấy chồng để mày dở trò… áp phe, bắt địa hả? Bấy lâu nay mày móc túi anh Huy tao được bao nhiêu rồi? Thằng này mà không để ý là nó làm lộng.

Minh ấm ức nhìn Thảo, háy dài:

-Móc túi! Chị làm như em chị là đồ ăn cắp, thuộc thành phần “đồi trụy tệ nạn của xã hội” không bằng. Em đây cũng ngon lắm bộ tưởng bở sao? Khỏi cần móc túi, anh Huy cũng dâng tận tay em hơn một năm nay được hơn mười đồng để ăn cà rem. Cũng kẹo thấy mồ!

Thảo nghe chê ý trung nhân của mình, trợn mắt:

-Này nhãi ranh, hãy dẹp ngay con mắt nguýt đó đi nhá! Hơn một năm dài, anh Huy cho mày 10 đồng mà kẹo sao?

Thằng Minh còn tức:

-Thôi thì hào hoa, hào sảng.

Thảo cười. Minh quay sang đấu hót với Nhạn:

-Tí nữa hai chị em mình “coi mắt” anh Khải nhá! Nếu anh ấy hào hoa, mình xúi chị Dung ưng. Có tiền ăn cà rem, hai chị em mình chia đôi.

Nhạn quát to:

-Câm mồm đi mày! Tao không quen thói hối lộ, tham nhũng đâu mày.

Minh đứng dậy trề môi:

-Chà, thanh liêm, trong sạch dữ a! Mỗi lần anh Huy cho người ta tiền mua cà rem ăn, lúc nào cũng xin cắn một miếng.

Nhạn tức tối quát to hơn:

-Đã bảo câm cái mồm! Không tao vả miệng bây giờ à.

Ông Trí đứng lên từ bao giờ. Xưa nay ông ít nói, chỉ mải lo việc kinh doanh và các buổi “tài bàn” nên mọi việc trong nhà, dạy dỗ con cái, ông để bà Trí lo. Niềm vui của ông thật đơn giản khi làm tròn bổn phận của một người chồng, người cha, đem lại cho vợ con gia đình đề huề no ấm. Ông vất vả bên ngoài, mỗi khi về nhà chỉ mong mọi sự tươm tất.

Tươm tất đối với ông là thấy được nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp; cơm nóng canh sốt cả gia đình mạnh khỏe quây quần bên nhau để nghe tiếng cười nói ì xèo từ đám con ông, dù đôi khi chúng chí choé, nhốn nháo cãi nhau nhưng ông cho đó chỉ là sự đùa giỡn của đám chim non ríu rít vui đùa trong những ngày nắng sớm. Bản chất chúng đều là những đứa trẻ ngoan, lương thiện, thật thà. Trong nhà tuy ồn ào náo nhiệt, nhưng ra ngoài, đám con ông thật phải phép không để điều tiếng gì cho gia đình nên ông cũng an lòng. Ông đặt hết niềm tin nơi vợ. Coi bà như “nội tướng” tả xung hữu đột chỉ huy đám con và quán xuyến mọi việc trong gia đình. Ông cũng biết bà vất vả. Những công việc không tên cũng lấy hết thời gian của bà trong ngày.

Từ việc nuôi dạy con cái khi chúng còn tấm bé đến giờ, rồi chợ búa cơm nước, giặt giũ quét dọn… Nhiều khi thương bà, ông muốn thuê người giúp việc để đỡ đần bớt công việc cho bà, nhưng chính bà không bằng lòng, muốn tự mình chăm sóc gia đình, lo cho chồng con từng bữa cơm, manh áo, thu vén mọi việc chu đáo, nuôi dạy đàn con, coi đó như một niềm vui và hạnh phúc của đời bà. Tuy nhiên, không phải điều gì cũng toại ý hợp lòng vì thành ngữ có câu “cha mẹ sinh con trời sinh tính.” Do đó, tuy cùng cha cùng mẹ, cùng sự giáo dục mà cá tính từng đứa con vẫn khác nhau. Không đứa nào giống đứa nào. Thảo hiền lành, dịu dàng thương em út nhưng lại hời hợt. Trái với Thảo, Dung hung hăng lại ngang bướng, biếng nhác việc nhà lẫn học hành. Đôi khi ông bà phiền lòng nhưng biết làm sao. Trời sinh tính ra vậy mà. Còn Minh, tuy rất thông minh lanh lợi nhưng lất khất quá, cũng ham chơi lắm, cần uốn nắn nhiều mới trở nên người hữu dụng. Chỉ có Nhạn, con bé tuy sôi nổi nhưng sâu sắc, không cần phải bảo ban, tự nó, nó luôn quan tâm từng việc, từng người trong gia đình. Nhạn cũng khá thông minh, lại ham học nên ông bà không chê được điểm nào.

Thôi thì, nhìn chung, tánh tình chúng tuy khác, nhưng cái tâm đều tốt như nhau là yên chí rồi. Ông trời sinh ra bàn tay còn ngón ngắn ngón dài mà. Hãy chấp nhận những gì mình có rồi tùy duyên để thích nghi.

Thấy con cái nhốn nháo cãi nhau, bà Trí bảo:

-Thôi, chúng mày im ngay hết cả đi, lo dọn dẹp, khách đến bây giờ đấy.

Thảo và Nhạn giúp mẹ thu dọn chén bát. Trong khi Thảo rửa bát, Nhạn lau khô úp vào chạn, bà Trí lo đun một ấm nước sôi. Bà mở tủ nhón gót, chồm tay lấy gói trà Long Tỉnh, một loại trà nổi tiếng của Trung Quốc mùi vị vừa thơm ngon còn có tác dụng trị huyết áp cao, mỡ máu, tiểu đường… Bà cũng chỉ nghe người bán quảng cáo như vậy, bà chỉ dùng vào những lúc lễ lạc, hay có khách khứa, chứ bà cũng không uống thường, vì  sợ trà làm mất ngủ.

Trà ngon lại có bạn hiền, phải chọn bộ ấm trà đẹp cho tương xứng, với lại khách đến hôm nay thật đặc biệt, coi mắt con gái bà, lòng bà rộn ràng hân hoan dâng lên một niềm vui khó tả. Bà lăng xăng chuẩn bị tiếp đãi khách sao cho coi được, để khách đánh giá đúng đắn trong cái nhìn đầu tiên về nhà bà. Lòng người mẹ nào cũng vậy, nhất là đối với con gái vừa khôn lớn, đều mong có người để ý, dù chưa biết sự thể thế nào, ít ra cũng thấy lòng vui khi thấy phận con gái không đến nỗi vô duyên.

Trong nhà, Thảo coi như đã yên bề dù chỉ mới đám hỏi, chờ ngày cưới. Bây giờ đến lượt Dung. Dung là người bà lo nhất, vì biết tính khí ngang bướng của con gái. Giữa lúc người ta đến coi mắt, nó lại viện cớ đi chép bài. Nghĩ có bực mình không, nhưng biết làm sao khi nó… ngang như vậy đó. Thôi thì tới đâu hay đó. Được gia đình ông Hải, cũng là chỗ bạn bè thân thiết qua lại bao năm nay, chiếu cố làm mai cho cháu ông, ngày rộng tháng dài cũng có lúc chúng gặp mặt, bà ít nhiều cũng an tâm về cậu rể mới này. Thôi thì, trăm sự còn nhờ vào duyên phận của hai đứa. Nếu phải duyên “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Còn vô duyên đối diện bất tương phùng.”

Vừa nghĩ, bà vừa mở tủ lấy ra bộ ấm tách kiểu, sản xuất tại Nhật Bản. Bộ ấm trà thật mỹ thuật. Bên cạnh chiếc ấm hoa vân vẽ phong cảnh hữu tình của xứ Phù Tang là những chiếc tách mỏng tanh, bên ngoài, bằng nét bút tinh xảo thu gọn những núi non, nhà cửa, sông hồ, hoa lá… như một bức tranh thủy mạc giới thiệu những nét đặc thù, độc đáo của nước nhật. Đã vậy, dưới đáy tách ẩn hiện lờ mờ một khuôn mặt bầu bĩnh trái xoan hình ảnh cô gái Nhật với búi tóc cao lung linh đáy nước. Ngoài trà, bà còn chuẩn bị họp bánh “Lu” – một loại bánh qui nổi tiếng, vừa béo vừa thơm nhờ một loại bơ đặc biệt của Pháp, bà thường mua để sẵn phòng đãi  khách đến thăm nhà bất ngờ. Chuẩn bị đâu vào đó, bà đảo mắt nhìn qua một lượt rồi gật đầu mỉm cười cho một buổi tiệc trà quốc tế: Tàu, Nhật, Pháp… Chỉ có người dùng là Việt Nam thôi.

 

Đúng 20 giờ, ông Hải trở lại nhà ông bà trí, theo sau là Khải. Chàng thanh niên độ chừng 25, 26 tuổi. Dáng người dong dỏng cao, bộ dạng đỉnh đạc, nghiêm trang. Khuôn mặt thoáng nhìn, không méo, không tròn, không vuông, không nhọn, vừa phải nên trông cũng tàm tạm.

Khải diện một chiếc quần tây xám đen, mang giày đen, áo sơ mi xanh sọc ngắn tay bỏ trong quần được chắn ngang bằng sợi dây da màu nâu sẫm. Mái tóc Khải gọn gàng chải dạt qua một bên, dường như có bôi một tí kem, nên dưới ánh đèn, tóc ánh lên một màu đen bóng. Đi coi mắt vợ, tâm lý ít nhiều, dù kín đáo, Khải vẫn để lộ cái cách xí xọn hơi kẻng.

Sau lời chào hỏi, ông Hải và Khải đủng đỉnh đến ngồi xuống bộ salon đối diện với ông bà Trí. Ngoài bìa của bàn khách, chiếm một khoảng lớn, Bà Trí đặt quà cáp Khải vừa mang đến.

Thảo rút vào nhà trong, vén màn qua khuôn cửa sổ nhỏ, lấp ló nhìn ra ngoài. Còn Nhạn và Minh chẳng ngại ngùng gì, vờ đem tập ra làm toán, học bài, bày ngay giữa bàn ăn đặt trong phòng khách, bên cạnh bộ salon mà khách đang ngồi để ngắm và nghe cho tiện.

Thằng Minh khều tay Nhạn:

-Này, chị Nhạn này, em thấy anh Khải mang gói quà gì to quá. Trông anh thật dễ thương!

Nhạn liếc Minh trách nhỏ:

-Thôi mày, đừng nhìn người ta chăm bẵm, bất lịch sự lắm mày. Tao cận thị, tao có thấy rõ đâu, mày làm ơn chạy vào buồng lấy cho tao cặp mắt kiếng.

Minh vâng lời, chạy ù vào trong rồi trở ra. Nó cũng bắt chước theo Nhạn, vờ đem tập ra học bài nhưng thực ra cả hai ngồi lắng nghe bên bàn khách nói chuyện. Giọng ông Trí:

-Anh Khải mới từ Sài gòn lên, đi đường chắc vất vả lắm nhỉ?

Khải nhỏ nhẹ đáp:

-Thưa vâng, cháu mới lên sáng nay, đi đường cũng khỏe thôi ạ!

Bà Trí cũng hỏi thăm:

-Ông bà thân sinh ở Sài Gòn vẫn mạnh khỏe chứ anh? Từ lâu chúng tôi vẫn được nghe ông Hải nhắc đến anh và gia đình nhiều, hôm nay mới hân hạnh gặp.

Khải lễ phép:

-Vâng, cám ơn bác, thầy mẹ cháu vẫn thường. Từ lâu cháu cũng được nghe bác Hải cháu nói nhiều về hai bác và gia đình. Mãi đến nay cháu mới thu xếp được thì giờ, trước là đến hầu thăm sức khỏe hai bác, sau cháu có món quà Sài Gòn biếu hai bác dùng lấy thảo.

Bà Trí xuýt xoa:

-Sao anh khách sáo thế nhỉ! Anh đến thăm là quý hoá lắm rồi, còn bày vẽ làm chi cho tốn kém và mang xách cho nặng nhọc.

Khải nhún nhường:

-Dạ, có gì đâu thưa hai bác. Cháu chỉ  có cặp rượu, một ký bánh phồng tôm Sa Đéc, một ký lạp xưởng và một hộp bánh bích-quy thôi mà.

Đằng này Minh nghe nói, vội bấm vào đùi Nhạn:

-Trời ơi! Chị Nhạn ơi! Bánh bích qui! Bánh bích qui của anh Khải mà “nhấm” với cà rem của anh Huy thì…

Minh chưa kịp nói hết câu, Nhạn đã cướp lời:

-Thì… ỉa chảy!

Minh giận, miệng lẩm bẩm:

-Chị nói nghe mất vệ sinh quá, cà rem mà ăn với bích qui thì phải ngon số dách!

Nhạn cười:

-Ơ hay, thì tao có bảo là không ngon đâu? Nhưng nếu bụng yếu, Tào Tháo sẽ đuổi…

-Đuổi thì chạy.

-Liệu có kịp không?

-Dĩ nhiên là kịp chứ!

Hai chị em cười rúc rích, Nhạn khoác tay, nói nhỏ vào tai Minh:

-Thôi, đừng đùa nữa. Để nghe nói chuyện tiếp ra sao chứ!

Đằng này bà Trí bỗng chép miệng:

-Thôi chết rồi, nãy giờ quên rót nước.

Rồi bà với vào trong gọi lớn:

-Dung ơi! Con mang nước ra nhé!

Bà có ý dấu việc Dung vùng vằng bỏ nhà đi chơi, để tránh sự thắc mắc của Khải. Thấy thế, Nhạn vội đáp:

-Thưa mẹ, chị Dung đi vắng ạ, để con rót nước thay chị.

Nói rồi Nhạn chạy vào trong, Nhạn đụng độ với Thảo đang loay hoay với khay nước trà. Thảo nói:

-Để tao mang nước ra ngắm thằng em rể một tí xem nào.

Nhạn giành:

-Chị cứ để em đi cho, chị ra nhỡ họ lầm chị là Dung thì khốn. Vả lại, mắt chị viễn thị, đứng trong này xem ra được rồi, còn em cận thị nhìn gần mới thấy rõ.

Nói xong, Nhạn đủng đỉnh mang khay nước bước ra đến đặt trên bàn khách. Bà Trí vội giới thiệu:

-Đây là cháu Nhạn, em của Dung. Hai chị em nó suýt soát nhau một tuổi nên học cùng một lớp.

Nhạn khe khẽ gật đầu chào khách. Khi đặt tách nước trà trước mặt Khải, nàng len lén nhìn chàng:

-Mời anh xơi nước ạ!

Khải đỡ lấy tách nước, cũng len lén nhìn Nhạn. Hai con mắt chạm nhau. Tóe lửa. Rồi nàng trở về chỗ cũ.

Ông Hải sau khi hớp một ngụm nước trà, giới thiệu đôi bên cho quen biết nhau, vội đứng lên tìm cớ rút lui:

-Thôi, cháu Khải cứ ở lại đây chơi. Bác về nhà trước có chút chuyện.

Rồi ông xem đồng hồ tay, quay sang ông bà Trí:

-Giờ cũng còn sớm, nhưng tôi vẫn xin phép ông bà.

Ông Trí hiểu ý, cũng đứng lên theo, thân mật:

-Như thế thì tôi cũng đến nhà anh chơi vậy, xem có tài bàn, tổ tôm gì không?

Và ông nhìn qua Khải nói tiếp:

-Cháu cứ tự nhiên xem như người nhà, đến trò chuyện với bọn trẻ cho vui. Dung cũng sắp về tới.

Khải đáp:

-Vâng ạ, bác cứ để mặc cháu.

Ông Trí thân mật vỗ vai Khải rồi quay sang ông Hải, cả hai bước ra cửa.

Bà Trí thấy thế cũng tìm cớ rút lui về phòng để cho Khải tự nhiên làm quen dần với lũ em của Dung.

Khải thong thả bước qua bàn ăn, nơi Nhạn và Minh đang loay hoay với vài cuốn tập. Không đợi Nhạn mời, chàng tự động kéo ghế ngồi đối diện Nhạn và Minh, rồi chống cằm nhìn hai đứa. Nhạn cũng giương hai mắt nhìn lại chàng, miệng tủm tỉm cười, thân thiện. Thấy Khải còn lại một mình, Nhạn gấp sách vở lại rồi bắt đầu mở cuộc điều tra… lý lịch.

-Ơ … anh Khải năm nay bao nhiêu tuổi nhỉ?

Nghe Nhạn hỏi, Khải nhìn thẳng vào mắt nàng, đáp:

– Anh đúng 26 tuổi. Còn Nhạn?

-Em 17.

Khải chau mày, thắc mắc:

-17 là tuổi con gì nhỉ?

Nhạn liến thoáng:

-Tuổi con vịt!

Rồi quay sang Minh, Nhạn giới thiệu:

-Còn đây là em Minh, nó được 13 tuổi. Tuổi con… sâu!

Minh hót ngay:

-Chị khai gian tuổi em. Em được 13 tuổi 7. Tuổi con heo.

Nhạn quay sang Minh, háy:

-Hay gì tuổi con… lợn mà khoe ra. Lợn ăn tạp lắm. Hèn gì mày luôn ăn mất phần của tao.

Khải cười hỏi Minh:

-Thế Minh học lớp mấy?

-Dạ em học lớp sáu rưỡi.

Còn chị Nhạn?

-Chị Nhạn học lớp mười một rưỡi.

Rồi Minh khoe:

-Anh biết không, chị Nhạn học giỏi lắm, anh Khải. Tháng nào chị cũng được bảng danh dự.

Nhạn trợn mắt nhìn em:

-Ai mượn mày khai ra. Này, không có tiền hối lộ đâu nhé. Còn mày học dốt, tháng nào cũng đội sổ, khai luôn ra đi.

Minh tiu nghỉu:

-Học dốt, ai khai ra làm gì!

Và không để cho Minh nói nữa, Nhạn hỏi tiếp:

-Thế anh Khải không đi lính à?

-Anh được miễn vì lý do gia cảnh.

-Thế giờ anh làm gì?

-Dạy sinh ngữ.

Minh hỏi leo:

-Làm thầy giáo có nhiều lương không anh?

Nhạn quát:

-Hỏi vô duyên. Mày muốn biết để mượn phải không nhóc?

Rồi nhìn ngay Khải, Nhạn bảo:

-Cái thằng đến hay. Nó chuyên vòi vĩnh và… đại tham nhũng. Em báo động để anh đề phòng.

Khải cười. Nhạn hỏi tiếp:

-Thế gia đình anh có đông em út không?

-Anh là con đầu và rất đông em út, song chúng ngoan lắm!

Nhạn tắc lưỡi:

-May nhỉ! Xin chúc mừng anh. Còn nhà em có mỗi thằng nhóc đây, nó ranh mãnh ồn ào náo nhiệt, phát mệt.

Minh cự:

-Sao chị cứ nói xấu em hoài vậy?

-Vì mày không có điểm tốt nào để…khoe!

-Bộ chị hiền lắm sao?

-Hiền chứ sao không hiền.

-Hiền như cọp!

-Cọp khi no thì rất hiền.

Khải cười. Tuy chưa gặp Dung, ngồi nói chuyện với hai chị em Nhạn, thấy cả hai hồn nhiên, vô tư, lòng chàng cũng cảm thấy vui vui, gần gũi, thân thiện. Chàng hỏi Nhạn:

-Nhạn là cái gì Nhạn?

Nhạn vuốt mái tóc lòa xòa của mình, dịu dàng bảo:

-Em là Bạch Nhạn.

-Con Nhạn trắng của khung trời Đà Lạt.

Nhạn lắc đầu, tròn mắt nhìn Khải, cười:

-Nhưng con Nhạn này đen thui.

Khải nhìn chăm chăm Nhạn:

-Em đen giòn. Có thế trông em thật có duyên.

-Duyên gì?

-Duyên dáng.

Nhạn cười chớp mắt lém lỉnh. Khải  tiếp:

-Em là gì… Bạch Nhạn?

-Vũ Thị Bạch Nhạn.

Khải gật gù:

-Tên em thật là hay. Vũ Thị Bạch Nhạn có nghĩa là con chim nhạn trắng đang múa.

-Không. “Vũ” đây không phải là múa, vũ là lông.

-Nếu “vũ” là lông thì vẫn có nghĩa vậy. Lông con chim nhạn có màu trắng.

Nhạn vẫn lắc đầu tinh nghịch:

-Nhưng con chim Nhạn này ngã trong bùn nên đen ơi là đen.

Khải cười nhủ thầm: “Cô bé này trông lém thật nhưng lại hay hay, chẳng biết cô chị như thế nào?”

Ngay khi ấy Dung vừa về tới. Thấy có chàng trai lạ, Dung đoán biết là Khải, nàng cũng muốn đến gần tò mò để rõ mặt “đức lang quân” tương lai của mình, song vì quá thẹn thùng, Dung chỉ khẽ gật đầu chào, liếc qua, rồi đi thẳng. Thảo từ bên trong thấy Dung về, nhân cơ hội,  nàng vội bước ra ngoài làm quen  Khải và giữ Dung lại.

-A! Chào anh Khải. Xin giới thiệu với anh, đây là Dung, còn tôi là Thảo, chị của ba em.

Vừa nói nàng vừa đưa mắt nhìn Dung, Nhạn và Minh. Khải mỉm cười chào, nhìn sang Dung dò xét, trong khi Minh bép xép:

-Chị phải giới thiệu luôn, năm nay chị 22 tuổi, đã có vị hôn phu và sắp… cút ra khỏi nhà.

Dung trách em:

-Minh, không được ồn ào, để người lớn nói chuyện.

Rồi quay sang Khải, Dung nói:

-Anh đến chơi chắc lâu rồi phải không ạ?

Khải chưa kịp trả lời. Minh đã hót ngay:

-Mới chỉ dài cái cổ.

Dung chỉ hỏi được bấy nhiêu, rồi ngượng ngùng e thẹn chẳng biết nói thêm gì. Dung cứ thộn người ra, tay chân thừa thãi, không biết đặt ở đâu, cứ mân mê chéo áo. Minh tinh ý thấy tội nghiệp cho chị, vội chạy đến bên Dung nắm lấy tay nàng và nói:

-Đặt ở đây này.

Nói rồi cầm hai tay Dung đặt lên vai mình. Dung càng thấy sượng thêm, mặt thẹn, đỏ như trái gấc. Thảo trách em:

-Minh, có cút ngay đi không! Em làm trò gì vậy?

Nhạn lên tiếng:

-Sao mọi người đứng ngẩn ra thế này? Hãy kéo ghế ngồi vào bàn có hơn không.

Khải đưa tay xem đồng hồ:

-Thôi, cũng khuya quá rồi, đã hơn 23 giờ, tôi xin phép về kẻo bác tôi trông cửa.

Nói rồi chàng chào mọi người ra về.

Khi Khải vừa đi khuất, Minh lăng xăng chạy ngay đến gói quà xăm soi táy máy. Dung co ngón tay cú lên đầu Minh, nói:

-Nhãi ranh. Bỏ thói háu ăn đi nhá!

Minh quay lại nguýt Dung, rồi bẽn lẽn bước vào trong, vừa đi vừa lầm bầm:

-Điệu này là… triệu chứng xúi quẩy rồi đó nhé! Đúng ra phải hòa bình, không ngờ lại xảy… chiến tranh.

Dung đến ôm gói quà bước vào trong, vừa đi vừa nói:

-Đây là nhờ “công” của tao, có tao mới có gói quà này, mày cũng phải từ từ, đợi bố mẹ cho phép, việc gì mà nhốn nháo.

 

Ông Trí cũng vừa về tới. Thảo ra khóa cửa. Khi bố mẹ đã về phòng, bốn chị em nàng cũng rút về thế giới riêng của họ, nơi đó có hai chiếc giường tầng dành cho bốn chị em. Mọi người lên giường nằm, giấc ngủ chưa đến, Nhạn bắt đầu thủ thỉ trình tâu:

-Em thấy anh Khải cũng… tạm được, vừa đủ làm ông anh rể em. Dung nhan em chấm khoảng 6 điểm mặc dù mặt có lác đác vài cái… rỗ hoa. Ăn nói được 5 điểm, vóc dáng và ăn mặc 5 rưỡi. Tựu chung cũng trên trung bình. Cỡ chị Dung… nhào vô được đấy!

Dung phì cười:

-Thôi, dẹp đi… bà giáo, chấm điểm gì mà cẩn thận quá vậy, moi móc từng cái rỗ của người ta. Thế mà cứ bảo là cận thị.

Nhạn cũng cười:

-Ê, ê, hôm nay người ta có đeo kiếng cơ mà!

Thảo lại nhắc:

-Thôi khuya rồi. Ngủ đi là vừa, không nên bàn tán nữa.

Trước khi đi ngủ, Thảo thay quần áo nhẹ bằng thứ vải phin trắng sọc hồng. Nàng xức một ít kem nuôi da mặt rồi vào giường với một cuốn tiểu thuyết. Nàng có thói quen phải đọc vài trang sách, chỉ vài trang thôi rồi gấp sách lại, thiu thiu buồn ngủ. Thảo chẳng có tâm trạng gì để mà thao thức.

Nàng yên chí mai sau sẽ là vợ Huy. Chàng xông xáo với đời để kiếm tiền. Nàng ở nhà, lo săn sóc nhà cửa, săn sóc miếng ăn thức uống cho chàng. Nàng sẽ sinh cho Huy thật nhiều con. Quan niệm nho học, quế hòe đầy sân mới là nhà có phúc. Nàng sẽ nấu những món ăn ngon, những thứ bánh béo bổ. Chúng sẽ béo tròn, vợ chồng nàng ăn ké sẽ mập luôn. Tuy vậy dù xấu đi mà gia đình nàng hòa thuận, vợ chồng nàng yêu nhau thắm thiết.

Nghĩ tới đây, Thảo nắm lấy đôi vai hơi mỏng của mình. Nàng hơi gầy, hơi lỏng khỏng. Nàng cần béo thêm một tí, chỉ một tí thôi, nàng sẽ tươi mát, sexy. Ngày mai, nàng phải uống sữa, ăn bánh ngọt, tập vài cử động… nàng ngủ hồi nào không hay.

Dung và Nhạn cũng không tài nào vỗ giấc ngủ nổi. Trước khi đi ngủ, Dung tắm bằng nước ấm. Nàng bần thần chải tóc trước gương. Sao đôi mắt nàng không được đen và to? Ơ, mắt một mí thì làm sao đen và to được? Chính đôi mắt của Nhạn mới đẹp, tròng đen nhiều hơn tròng trắng, rèm mi lại dài và cong. Dung hơn em ở màu da trắng mịn, nhưng chính đôi mắt một mí của nàng làm cho khuôn mặt nàng không sáng láng, không có chiều sâu thẳm của nội tâm.

Dung miên man nghĩ đến Khải. Quả đúng như Nhạn bảo, về vóc dáng Khải cũng “tàm tạm”. Chàng không phải là kẻ hào hoa phong nhã hoặc là ông hoàng mộng tưởng của các cô thiếu nữ, nhưng khuôn mặt chàng chẳng có điểm nào đáng chê, vóc mình chàng tầm thước và khá cân đối, điệu bộ chàng thong dong. Được một tấm chồng như thế, nàng còn ao ước gì hơn? Huống chi chàng là kẻ có học thức, có nghề nghiệp đàng hoàng. Nàng tự hỏi lòng mình xem có yêu Khải không? Rõ rệt nhất, Khải đâu phải là người mà nàng mơ ước. Chàng không có điểm nào nàng chê, mà cũng chẳng có điểm nào hấp dẫn. Chàng là một người vừa bình thường lại vừa tầm thường, chỉ có thể là một công dân tốt, người chồng tốt và người cha tốt. Tóm lại trong xã hội và trong gia đình, chàng là mẫu người tốt, không có gì đáng ca ngợi thêm. Tiểu sử của gia đình chàng cố lắm chỉ viết được vài ba dòng đại khái.

Còn Nhạn, nàng chẳng mơ mộng gì ngoài chuyện học. Đầu óc nàng chỉ đầy ắp những bài hình học, đại số, lý hóa và những chữ nghĩa mà hằng ngày đến trường, thầy cô nhét vào trong đó. Chỉ chừng ấy thôi, cũng đủ choáng ngợp tâm trí Nhạn. Nàng không còn thì giờ nghĩ đến chuyện khác nhất là mấy cái chuyện tình yêu mà nàng vẫn cho là vớ vẩn chỉ đem sầu khổ đến cho con người mà thôi. Mỗi sáng chủ nhật trong chương trình  “Nhạc yêu cầu„ cô ca sĩ Thanh Thúy luôn ra rả trong radio như vậy đó: “Yêu là chết ở trong lòng một ít „ “ Đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần sầu,, Nhạn chưa biết yêu hay nói cho rõ hơn, nàng chưa ý thức một chút gì về tình yêu nên không biết mùi vị của nó. Nàng hay nghêu ngao hát theo với một tâm thức trống rỗng, hoàn toàn không rõ nó vui chỗ nào và sầu khổ tại sao. Tốt nhất là thiên hạ đã  cảnh cáo, báo động như thế thì Nhạn quan tâm nghĩ đến nó làm gì cho mệt. Do đó, dù đôi khi Nhạn cũng nhận được vài lá thư tình tán tỉnh của những cậu học trò trang lứa, hay những lời chọc ghẹo của các anh sinh viên sĩ quan trường võ bị Đà Lạt, Nhạn vẫn tỉnh queo, coi đó như một trò đùa, giải trí trong chốc lát để bớt căng thẳng bởi áp lực của bài vở, nhất lại là năm thi. Trái tim nàng đang khép kín, ngủ say, chưa bị khoấy động đánh thức bởi một bóng hình nào cả.

Ở gia đình, Nhạn vui vầy với bố mẹ, chị em, cùng bài vở, coi đó mới là tình cảm chân thật chân thành thủy chung nhất mà nàng cần trân quí, nâng niu. Đơn giản chỉ vậy thôi.

Hôm nay, có Khải đến coi mắt chị Dung, Nhạn xôn xao bàn tán chút đỉnh, tâm tư khuấy nhẹ như một viên sỏi ném vào dòng sông êm ả, rồi chìm lắng, không để lại dấu tích. Bây giờ thì đồng hồ đã gõ 12 tiếng, đêm cũng dần khuya, tiếng ngáy của Minh ru cả Nhạn và Dung vào giấc ngủ đầy mộng mị.

(Tuổi Hồng Con Gái – Kỳ 2)

(Tuổi Hồng Con Gái – Kỳ 3)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: