Xem phim Tàu lại nhớ Kim Dung

Tiểu thuyết gia Kim Dung.

Vài năm gần đây tôi lại thích xem phim cổ trang. Lý do là để tìm hiểu thêm phong tục cổ xưa của người Hoa và cách thức bài trí, phong cảnh, thức ăn, mặc dù biết rõ những gì trên phim chỉ có thực 20% và phần còn lại chính mình phải quan sát và điều chỉnh.

Loại phim cổ trang giải trí thích hợp và dễ xem là loại cung đấu. Bao nhiêu hình ảnh của thời phong kiến được các nhà làm phim Trung Quốc dàn dựng lại đúng khẩu vị của người Tàu hiện đại: quan niệm trung-hiếu-tiết-nghĩa, nạn quan lại tham ô, vua chúa tàn bạo, hoàng gia giết chóc hãm hại nhau vì giành giật ngai vàng, những mảnh đời đau khổ của cung tần mỹ nữ…

Bên cạnh phim cung đấu là phim võ hiệp. Với sự giúp sức của kỹ xảo điện ảnh người xem mặc sức bay bổng với những màn bay lượn, đấm đá… tất cả những gì mà sức tường tượng của con người cho phép đều được phim võ hiệp thể hiện một cách đầy đủ nếu không muốn nói là quá dư thừa.

Nhưng những thể loại phim ấy dù hoành tráng đến mấy cũng không thể cạnh tranh nổi với tiểu thuyết gia kiếm hiệp nức tiếng: Kim Dung.

Ảnh trong phim Anh Hùng xạ điêu của Kim Dung.

Ai đọc Kim Dung cũng khâm phục sức sáng tạo dẻo dai của ông qua những môn võ nghệ biến hóa khôn lường trên giang hồ. Những Giáng long thập bát chưởng, Hàm mô công, Nhất dương chỉ, Cửu âm chân kinh, Lăng ba vi bộ cùng hàng chục công phu danh trấn giang hồ khác.

Nhưng đối với tôi, Kim Dung là một nhà văn… hậu hiện đại đúng nghĩa, dám phá bỏ cái khung của tiểu thuyết chương hồi mà trong đó cái kết có hậu luôn được các tác giả gìn giữ như một công thức không thể xóa bỏ.

Kim Dung ít nhất cũng hơn một lần xóa bỏ cái tâm lý người đọc đã hằn sâu, hay nói cách khác đã đóng đinh vào cảm nhận của họ: khó mà chấp nhận một hình tượng đẹp đẽ, dịu dàng, đáng trân quý lại bị làm cho ô uế bởi một tay láu cá, bẩn bựa. Vậy mà ông đã làm, đã xây dựng hình tượng đẹp tuyệt đỉnh rồi cho hình tượng ấy rơi xuống vực sâu bất kể sự hụt hẫng, đau đớn của biết bao người theo dõi.

Hình tượng Tiểu Long Nữ, đẹp đến nao lòng đã gây cho người đọc tâm lý xem cô là Phật là Tiên giáng trần, tìm tới Dương Quá để kết thành một đôi uyên ương vẹn hảo.

Dương Quá, Tiểu Long Nữ trong Thần Điêu Đại Hiệp

Thế mà Kim Dung lại cho Doãn Chí Bình phá đi cuộc đời trong trắng của cô. Trong khi bị Âu Dương Phong điểm huyệt nằm bất động, Doãn Chí Bình thừa nước đục thả câu che mặt Cô Cô rồi cứ thong thả nhẩn nha làm điều mà hắn từng ao ước. Đau một điều, Tiểu Long Nữ cứ tin người đang âu yếm mình là Dương Quá.

Người đọc tin rằng làm gì thì Doãn Chí Bình cũng không thể đạt được mục đích của hắn, hắn sẽ bị một cao thủ võ lâm nào đó tới vạch mặt và Tiểu Long Nữ sẽ được giải thoát, nhưng hỡi ơi, hoa đã tàn và nhụy đã rửa bởi ngòi bút ngạo mạn của Kim Dung.

Tôi nhớ như in sau khi đọc hết đoạn này, bỏ sách xuông thẫn thờ ra ngoài biển ngồi một mình ngậm nhấm nỗi buồn rất chi là… thiếu nhi. 12 tuổi không đủ sức để buồn cho chính Tiểu Long Nữ, thậm chí còn giận dỗi vì sự hồ đồ của cô nàng này nữa, mà cái buồn rầu tức tưởi lại dành trọn cho Dương Quá, một anh hùng bị kẻ tiểu nhân chiếm đi phân nửa cuộc đời mình.

Cho tới khi lớn khôn hơn, tiếp tục đọc những tác phẩm khác của Kim Dung tôi không còn hào hứng với những nhân vật nữ nữa vì Kim Dung đã dùng ngòi bút giết chết hình tượng Tiểu Long Nữ của tôi. Nhưng càng lớn càng thấy Kim Dung quả là tài năng khi cho Tiểu Long Nữ thất tiết với một thằng cả đẫn như Doãn Chí Bình. Cái triết lý sự đời không có gì là không thể, vì vậy Tiểu Long Nữ dù có đẹp như tiên giáng trần thì cũng chỉ là một con người, một nhân sinh trong cái cuộc đời ô trọc này. Người đọc đã thần tiên hóa Tiểu Long Nữ và Kim Dung lôi cô ta về lại cõi thực, nơi sắc dục là nguồn cội của mọi đau đớn lẫn hạnh phúc. Tiểu Long Nữ có đau đớn không, có hạnh phúc không? Chỉ có Kim Dung mới biết vì cô là nhân vật sống lâu nhất trong lòng người đọc do ông tạo ra.

Nếu Doãn Chí Bình không hả hê thì có lẽ Cô Cô Tiểu Long Nữ không sống dai như thế.

Đó là tài nghệ của ông, Kim Dung, người lái con thuyền thời gian đủ cho gần một đời người như tôi vẫn còn trằn trọc.

Bây giờ người ta dựng lại phim dựa theo cốt chuyện của ông nhưng không thể dựng lại cái hồn phách, tâm tư gửi gắm mà ông dụng công viết lại cho đời. Hình ảnh, tiểu xảo của màn ảnh luôn thành công hơn nét chữ, nhưng trong trường hợp Kim Dung, điện ảnh đã thất bại, thất bại vì trong phim người ta không thấy được Kim Dung như khi đọc sách của ông.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: