“Chi phí máu” của World Cup Qatar 2022

Vận động trường Al Bayt, nơi tổ chức các trận cầu World Cup 2022 tại Doha, Qatar (ảnh: Xinhua via Getty Images)
Thời Sự
Thời Sự
“Chi phí máu” của World Cup Qatar 2022
/

Giải vô địch bóng đá thế giới sắp diễn ra ở Qatar nhưng phía sau nó là các vụ bê bối và những lời hứa hão trên số phận đáng thương của những người lao động nhập cư.

Những con số tranh cãi

Vào Tháng Tám 2018, Tej Narayan Tharu ngã xuống đất chết khi đang làm việc tại một công trường xây dựng World Cup của Qatar. Trước đó anh là một thanh niên 24 tuổi có một gia đình và một tương lai nhưng nay chỉ còn là một hũ tro cốt hỏa táng. Tại Itahari, Nepal, nhìn ngọn lửa bao phủ quan tài chồng, người vợ gục xuống khóc thảm. Cái chết của Tharu đã trở thành chủ đề cho cuộc tranh cãi kéo dài nhiều năm về “chi phí máu” cho World Cup 2022. Cả FIFA lẫn Ủy ban tổ chức World Cup của Qatar đều khẳng định Tharu là một trong chỉ ba công nhân nhập cư bỏ mạng khi xây dựng các công trình phục vụ World Cup, trong khi vô số người phương Tây tin rằng anh là một trong hàng ngàn người chết.

Nick McGeehan, một nhà điều tra người Anh ủng hộ quyền của người lao động tại FairSquare nhận định: “Số người chết chưa phải là thứ khiến tôi bận tâm nhất mà là sự bóc lột, các điều kiện sống tệ hại và làm việc kinh khủng của công nhân nhập cư. Đó mới thực sự là xì căng đan”. Làn sóng giận dữ về hàng ngàn người chết bắt nguồn từ một bài báo sai sót của tờ The Guardian năm 2021 có tiêu đề và nội dung phải sửa đổi một tuần sau khi xuất bản. Bài báo tiết lộ có hơn 6,500 công nhân nhập cư từ Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Bangladesh và Sri Lanka đã chết trên đất Qatar kể từ khi quốc gia này giành quyền đăng cai World Cup cách đây 10 năm; rồi sau đó họ đính chính 6,500 là số công nhân xây dựng sân vận động và chỉ có 37 người chết liên quan trực tiếp đến việc xây dựng các sân vận động World Cup!

Theo số liệu của chính phủ Qatar, hơn 17,000 người nhập cư thuộc mọi quốc tịch đã qua đời ở Qatar kể từ năm 2010 (chỉ có một số chết do giúp xây dựng World Cup) trong hơn hai triệu người di cư đến Qatar.

Công nhân nước ngoài tại công trường Lusail Iconic Stadium, Doha, Qatar (ảnh: Matthew Ashton – AMA/Getty Images)

Công nhân nhập cư chết như thế nào?

Không ai biết chính xác nhưng hơn một nửa số ca tử vong của công nhân nhập cư ở Qatar được cho là do “nguyên nhân không xác định”, “nguyên nhân tự nhiên” hoặc “bệnh tim mạch”. Sự mơ hồ đã dẫn đến giả định rằng điều kiện sống và làm việc vô nhân đạo đã góp phần gây ra những cái chết. Trong những nguy hiểm cho người lao động ở Qatar có tình trạng nhiệt độ cực cao, nhà ở mất vệ sinh, thiếu khả năng tiếp cận chăm sóc y tế, làm việc nhiều giờ và tình trạng bóc lột mang tính hệ thống.

Dù các lao động nam khỏe mạnh không chết vì World Cup, thì nhiều người vẫn phải chịu đựng cái nóng mùa hè thiêu đốt của Qatar, trong một hệ thống được nhiều người ví như “chế độ nô lệ hiện đại”. Nhiều công nhân làm việc 12 giờ ngoài trời dưới nhiệt độ thường xuyên trên dưới 100 độ F. Theo các báo cáo trên truyền thông, họ sống trong các lán trại tồi tàn, đông đúc ở ngoại ô Doha, hàng ngàn dặm cách xa gia đình và người thân đang vô vọng chờ tiền gửi về nhưng nhiều khi không có.

Qatar, nơi có bình quân đầu người giàu nhất thế giới, đã nỗ lực đăng cai World Cup 2022 và để tổ chức, họ đã khai thác những người nghèo nhất ở một số quốc gia nghèo nhất thế giới, thông qua hệ thống tuyển dụng kafala. Đây là hệ thống sao chép thời hiện đại của thực dân Anh, trong đó yêu cầu người lao động phải ký cam kết với các công ty Qatar để có được thị thực, biến các công ty này trở thành “nhà tài trợ” giữ quyền sinh sát đối với công nhân. Họ tịch thu hộ chiếu, đơn phương viết lại hợp đồng và thường khấu trừ lương. Công nhân, trong nhiều trường hợp, đã phải trả khoản “phí tuyển dụng” rất cao so với số tiền lương hàng tháng ít ỏi để được đến Qatar làm việc. Nợ nần chồng chất, nhiều tháng trời họ không thể gửi tiền về nhà.

Luật Qatar không cho phép họ rời đất nước dễ dàng, và không thể thay đổi công việc mà không có sự cho phép của chủ lao động. Một số công nhân phản đối hoặc đình công, nhưng tại Qatar, việc kết bè nhóm biểu tình là bất hợp pháp. Phần lớn người di cư không nơi nương tựa nên các tổ chức nhân quyền xem mô hình lao động tại Qatar là cưỡng bức. Nhưng tại sao lao động nhập cư tiếp tục đến Qatar để bị bóc lột? Thực tế, mức lương ít ỏi, khoảng $3,000-$4,000 mỗi năm cũng đủ tạo ra sự thay đổi cho gia đình ở quê nhà. Khoảng 80% người Nam Á sống với mức dưới $5.50 mỗi ngày. Một người trưởng thành ở Nepal kiếm được nhiều tiền hơn ở nước ngoài, dù là lương thấp, so với những gì họ có thể kiếm được trong nước.

Công nhân làm việc dưới cái nóng cực kỳ khủng khiếp (ảnh: David Ramos – FIFA/FIFA via Getty Images)

Qatar bãi bỏ kafala. Nhưng có thật như thế?

Dưới áp lực to lớn từ các nhóm nhân quyền, truyền thông phương Tây và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), chính phủ Qatar đã đồng ý vào năm 2019 sẽ xóa bỏ kafala. Hiện nay, theo luật, người lao động nhập cư ở Qatar có thể thay đổi công việc và về nước mà không cần xin phép người sử dụng lao động. Chính phủ cũng đã thành lập các tòa án lao động, tăng mức lương tối thiểu và có chế độ đặc biệt cho lao động làm việc từ 10 giờ sáng đến 3 giờ 30 chiều, lúc nhiệt độ nóng nhất. Qatar cũng giới thiệu một hệ thống bảo vệ tiền lương để giám sát việc trả lương, lập quỹ hỗ trợ và bảo hiểm cho người lao động khi họ không được trả lương, hoặc khi người lao động bị thương hoặc chết vì tai nạn liên quan đến công việc.

Người phát ngôn của chính phủ Qatar cho biết khoảng $271 triệu đã được trích từ quỹ hỗ trợ như vậy trong năm nay. Năm ngoái, Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết: “Dù đã có những cải thiện, tiến độ triển khai và thực thi cải cách vẫn diễn ra chậm chạp và những thay đổi về luật pháp chưa hoàn toàn bảo vệ tốt cho người lao động nhập cư ”. Kết quả là nhiều lao động vẫn phải trả “phí tuyển dụng”, không được nhận lương đúng hợp đồng hoặc trả chậm kéo dài, bị đối xử bất công và bị trả thù nếu khiếu kiện lên tòa án lao động.

Người sử dụng lao động vẫn bày ra các quy tắc riêng và bẫy công nhân vào tội danh “bỏ trốn” để họ không thể thay đổi công việc. Nhà ở dù được cải thiện nhưng một số điều kiện sống vẫn tồi tệ. Mức lương tối thiểu vẫn là $275 mỗi tháng, ít hơn 25% so với mức lương ở Mỹ và ít hơn 16% so với mức lương ở Canada, Đức, Anh, Pháp và Úc. Trong khi đó, mạng lưới phức tạp gồm các nhà thầu và nhà thầu phụ hiếm khi phải chịu trách nhiệm khi vi phạm pháp luật.

Lusail Stadium sau khi được xây dựng xong (ảnh: Nikku/Xinhua via Getty Images)

Uỷ ban tổ chức World Cup Qatar đã thiết lập “Tiêu chuẩn phúc lợi cho người lao động”, với mục tiêu “làm sao cho người lao động tại các địa điểm diễn ra World Cup có điều kiện ăn ở và được bảo vệ tốt hơn, với những khu vực nghỉ ngơi mát mẻ, được cấp nước sạch, bữa ăn đầy đủ và dịch vụ chăm sóc y tế tốt”. Tuy nhiên, hơn 95% công nhân xây dựng các tòa nhà và cơ sở hạ tầng khác không bao giờ được hưởng các phúc lợi trên, vì các công ty nằm ngoài sự giám sát của Ủy ban.

FIFA sẽ thu về hàng tỷ đôla từ World Cup 2022 và sẽ phân phối $440 triệu tiền thưởng cho 32 liên đoàn bóng đá tham gia. Một liên minh các nhóm nhân quyền muốn FIFA phân phối số tiền tương tự cho những người lao động phải chịu đựng hành vi trộm cắp tiền lương, cho gia đình của những người thiệt mạng. Uỷ ban tổ chức World Cup Qatar cho biết đã trả khoản tiền 5 con số cho gia đình những công nhân thiệt mạng khi làm việc tại các địa điểm chính thức của World Cup. Nhưng nhiều gia đình của những người đã chết ở nơi khác vẫn chưa được trả tiền!

FIFA không cho biết họ có sẵn sàng đưa ra bất kỳ khoản bồi thường nào hay không. Tại cuộc họp báo giữa Tháng Mười với các nhà tổ chức World Cup, người đứng đầu bộ phận quan hệ truyền thông của FIFA, Bryan Swanson, đã trả lời câu hỏi về việc bồi thường cho người lao động: “FIFA vẫn đang đối thoại tích cực với ILO, Liên đoàn Công đoàn Quốc tế (International Trade Union Confederation), và tất cả cơ quan hữu trách ở Qatar về những sáng kiến ​​mang lại lợi ích cho người lao động nhập cư ở Qatar sau trận đấu cuối cùng của World Cup. Thông tin thêm sẽ được cung cấp vào thời điểm thích hợp” – Yahoo News cho biết.

__________

Đọc thêm:

World Cup 2022

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: