Chính trị và bóng đá trước trận kinh điển Mỹ-Iran

Cổ động viên Iran và cổ động viên Mỹ trước giờ diễn ra trận đấu kinh điển Mỹ – Iran. Ảnh:Matthew Ashton – AMA/Getty Images
Share:
Chưa đầy 48 giờ trước khi trọng tài chính thức thổi còi bắt đầu trận đấu vòng bảng World Cup 2022 giữa Mỹ và Iran, căng thẳng, kịch tính đã lên đến đỉnh điểm. Không chỉ đơn giản là một trận bóng đá, vấn đề còn là lịch sử bất mãn địa chính trị bên ngoài sân cỏ.

_________________

Ngược dòng lịch sử, sự việc xảy ra vào Tháng Mười Một, năm 1979. Iran đã bắt cóc 52 nhà ngoại giao Mỹ làm con tin và giam giữ họ trong 444 ngày. Vụ bắt cóc không chỉ làm chấn động thế giới mà dư âm của nó dai dẳng đến tận giải World Cup 1998 tổ chức tại Pháp. Trận túc cầu giữa Mỹ và Iran với tỉ số 2-1 nghiêng về Iran, bị xem là “một trong những trận thua ô nhục nhất lịch sử” của đội tuyển Mỹ.

_________________

Sinh viên biểu tình bên ngoài Toà Bạch Ốc ở Washington DC ngày 26 Tháng 12 năm 1979  kêu gọi thả các con tin Mỹ đang bị giam giữ ở Iran. Một trong những biểu ngữ được ghi: ‘Tự do cho các con tin Mỹ’. Ảnh: Len Hawley/Consolidated News Pictures/Keystone/Hulton Archive/Getty Images

Nhiều sự kiện chính trị kịch tính giữa Mỹ và Iran cũng đã xảy ra trước trận đối đầu giữa hai đội tuyển này tại World Cup 2022. Sự kiện chấn động gần đây nhất là vụ ám sát tướng Iran Qassem Soleimani, cũng như rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran dưới thời chính quyền Trump.

Trước ngày khai mạc World Cup 2022, Iran đã trở thành tâm điểm của dư luận thế giới với sự hỗn loạn trong nước ngày càng nghiêm trọng. Ngay tại quê nhà Iran, đông đảo người biểu tình chống chính phủ sau cái chết đầy nghi vấn của cô gái 22 tuổi, Mahsa Amini. Masha bị “cảnh sát đạo đức” của nước này bắt giữ vào giữa Tháng Chín năm 2022.

Một cổ động viên nữ Iran hoá trang máu chảy ra từ mắt, giơ chiếc áo thi đấu có tên Mahsa Amini, cô gái Iran vừa qua đời bị cảnh sát bắt giữ vì không đeo khăn trùm đầu. Bên cạnh là người đàn ông mặc áo có dòng chữ về quyền công dân của phụ nữ, trước trận đấu bảng B giải World Cúp Qatar 2022 giữa Wales và Iran tại Sân vận động Ahmad Bin Ali ngày 25 tháng 11 năm 2022 ở Doha, Qatar. Ảnh: Youssef Loulidi/Fantasista/Getty Images.

Các cuộc biểu tình tại Iran cho tới nay vẫn diễn ra và thu hút được sự tham gia đông đảo của sinh viên và trí thức không chỉ tại Iran mà còn nhiều quốc gia khác. Những cuộc biểu tình lớn và lan rộng khắp nơi đe dọa nghiêm trọng quyền lực của chế độ thần quyền Iran trong suốt hơn 40 năm qua.

Tổ chức Ân xá quốc tế cho biết chính quyền Iran đã dùng vũ lực đàn áp các cuộc biểu tình, khiến hàng trăm người bị thương, hơn 50 người bị thiệt mạng, và vô số nhà trí thức đã bị giam giữ. Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền cũng cho biết người dân Iran đang ở trong một “cuộc khủng hoảng nhân quyền toàn diện” khi chính quyền thẳng tay đàn áp những người bất đồng chính kiến ​​chống chế độ.

Để công khai ủng hộ những người biểu tình ở quê nhà, đội túc cầu Iran đã từ chối hát quốc ca trong trận mở màn gặp Anh vào ngày 21 Tháng Mười Một. Sau hành động được đánh giá là can đảm này, các cầu thủ Iran đã bị các thành viên của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) triệu tập tới để ‘giáo huấn’.

Đội tuyển Iran tại World Cup 2022. Ảnh: Sebastian Frej/MB Media/Getty Images

Theo một nguồn tin mới nhất từ CNN, các gia đình thành viên đội tuyển bóng đá nam của Iran đã bị đe dọa bỏ tù và tra tấn, nếu họ không “cư xử đúng mực” trước trận đấu với Mỹ vào ngày 29 Tháng Mười Một. Nguồn tin cũng cho hay các cầu thủ Iran được thông báo rằng gia đình họ sẽ phải đối mặt với “bạo lực và tra tấn” nếu họ không hát Quốc ca, hoặc tham gia bất kỳ cuộc biểu tình chính trị nào chống lại chế độ thần quyền Tehran.

“Trong trận đấu với đội tuyển xứ Wales, chế độ Iran đã cử hàng trăm người ủng hộ đến để tạo ra sự ủng hộ giả tạo. Trong trận đấu tiếp theo với Mỹ, chính quyền Iran đang lên kế hoạch tăng số người ủng hộ giả tạo lên tới hàng nghìn người”, nguồn tin mật này cho biết.

Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng đối với các quan chức Iran về cuộc đàn áp bạo lực chết người đối với những người biểu tình. Trong nỗ lực thể hiện tình đoàn kết với những người biểu tình Iran, Liên đoàn Bóng đá Mỹ đã xoá quốc huy trên quốc kỳ Iran, vốn là biểu tượng của chế độ thần quyền Hồi giáo, dẫn đến phản ứng dữ dội của chính phủ Iran.

Liên đoàn Bóng đá Mỹ giải thích rằng mục đích hành động này nhằm thể hiện “sự ủng hộ dành cho phụ nữ Iran” đang đấu tranh cho các quyền tối thiểu của con người. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định họ không phối hợp với Liên đoàn Bóng đá Mỹ trong quyết định thay đổi cờ của Iran để ủng hộ phong trào biểu tình của Iran.

Bóng đá đượm màu chính trị

Nhiều người cho rằng bóng đá và chính trị không liên quan đến nhau. Thực ra, bóng đá nói riêng, hay thể thao nói chung là một phần tất yếu của chính trị. Từ khi xuất hiện các cuộc tranh tài thể thao đa quốc gia, nhiều chính quyền đã sử dụng nó như một vũ khí ngoại giao vô giá để truyền tải thông điệp chính trị. Chính quyền Nazi của Hitler đã tận dụng Olympics năm 1936 để tuyên truyền, tạo ra hình ảnh một nước Đức mới, mạnh mẽ, và thống nhất nhằm che giấu âm mưu tàn sát người Do Thái.

Năm 1980, nhiều nước Tây phương cũng tẩy chay Olympics tại Moscow vì cuộc xâm lăng của Liên Xô tại Afghanistan. Ban tuyên giáo Đảng cộng sản Việt Nam cũng lợi dụng chiến thắng của đội tuyển bóng đá nam U23 năm 2018 cho mục đích tuyên truyền trên khắp các tờ báo lớn như “thế nước mạnh”, “vận nước đang lên”, và thậm chí phát cờ búa liềm miễn phí cho những ai “xuống đường”.

Aristole, triết gia vĩ đại, đã khẳng định: “Con người là một động vật chính trị” – nghĩa là con người không thể tự tách mình ra khỏi mọi hoạt động của xã hội, bao gồm kinh tế, văn hóa, thể thao… nơi họ sinh ra và lớn lên. Dù muốn hay không, công dân cũng không thể tách rời bất kỳ hoạt động xã hội nào ra khỏi chính trị, bởi quyền lực chính trị ảnh hưởng tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống.

Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Đức bà Nancy Faeser mang trên tay dải băng có chữ One Love trước trận Đức – Nhật tại sân Khalifa International Stadium. Ảnh: Chris Brunskill/Fantasista/Getty Images

Tại World Cup 2022 tổ chức tại Qatar, nhiều cá nhân và đội tuyển cũng mượn sân cỏ để bày tỏ quan điểm xã hội. Trước trận đấu giữa Nhật Bản và Đức, các cầu thủ Đức bịt miệng khi chụp ảnh tập thể để phản đối Liên đoàn Bóng đá Thế giới FIFA quyết định xử phạt các đội tuyển nếu họ đeo băng đội trưởng “One Love” nhằm ủng hộ các quyền tối thiểu cho cộng đồng LGBTQ. Chính quyền Hồi giáo Qatar dán nhãn ‘bất hợp pháp’ đối với cộng đồng LGBTQ nên đã cấm người dân không chỉ trong nước mà trên toàn thế giới vận động quyền con người cho cộng đồng này.

Thể thao là một công cụ hữu hiệu để hình thành nhận thức chính trị và gắn kết mọi người cho các mục tiêu nhân bản và văn minh của xã hội. Một trận bóng bàn, bóng rổ, bóng đá… nếu tổ chức khéo léo, cũng có thể xóa tan sự thù hằn và ganh ghét giữa người với người. Lãnh tụ tối cao của nhân dân Nam Phi trong cuộc chiến chống lại phân biệt chủng tộc, Nelson Mandela, đã thành công dùng bóng đá để hòa giải dân tộc Nam Phi.

Điều quý giá mà đội tuyển bóng đá Iran và Liên đoàn Bóng đá Mỹ đã làm được là thu hút được sự quan tâm của dư luận bằng thông điệp ủng hộ những người Iran yêu chuộng tự do và phản đối mạnh mẽ chế độ thần quyền độc tài Iran. Thông điệp lịch sử này sẽ luôn là một trong những điều làm World Cup trở nên kịch tính và hấp dẫn.

______

ĐỌC THÊM: Khi trái banh lăn theo chính trị

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: