Khi trái banh lăn theo chính trị

Ảnh: Ryan Pierse/Getty Images
Share:

Giới chức hàng đầu Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) đang yêu cầu 32 đội tuyển dự World Cup 2022 chỉ nên tập trung vào các trận huyết chiến ở Qatar hơn là kêu gọi các thông điệp chính trị “phi thể thao”…

Người hâm mộ Đức kêu gọi tẩy chay World Cup Qatar (ảnh: Matthias Hangst/Getty Images)

World Cup Qatar có gì liên quan chính trị?

Chủ tịch FIFA Gianni Infantino và Tổng thư ký FIFA Fatma Samoura đã gửi thư yêu cầu các đội bóng dự World Cup Qatar “xin hãy tập trung vào bóng đá!” và FIFA “không cho phép không khí World Cup bị kéo vào cuộc chiến ý thức hệ hoặc chính trị đang tồn tại.” Việc Qatar được chọn đăng cai World Cup đã và tiếp tục dấy lên sự chú ý về cách đối xử những người lao động nhập cư khi họ được thuê cho các công trình xây dựng vận động trường với mức lương bèo bọt; cũng như chính sách phân biệt người đồng tính của Qatar cùng nhiều vấn đề khác liên quan nhân quyền.

Chủ tịch FIFA Gianni Infantino (ảnh: Leon Neal/Getty Images,)

Trong khi đó, tám đội tuyển châu Âu đã đồng ý để đội trưởng đội tuyển quốc gia của họ đeo băng tay hình trái tim – một hành động được xem là vi phạm các quy tắc FIFA -nhằm bày tỏ ủng hộ chiến dịch chống phân biệt đối xử được đội tuyển Hà Lan phát động; trong khi cầu thủ Úc có mặt trong một video bày tỏ lo ngại về hồ sơ nhân quyền của Qatar. Một số huấn luyện viên và liên đoàn bóng đá quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, đã ủng hộ lời kêu gọi thành lập quỹ bồi thường cho gia đình những người lao động nhập cư; và đội tuyển Đan Mạch thậm chí quyết định mặc áo thi đấu màu đen nhằm “để tang” cho những công nhân xây dựng thiệt mạng ở Qatar.

Chưa hết, Liên đoàn bóng đá Hà Lan thúc FIFA, yêu cầu chính phủ Qatar tái khẳng định cam kết việc “thực hiện những cải thiện lâu dài trong việc đối xử người lao động nhập cư ở Qatar.” Trong khi đó, nhiều người tiếp tục kêu gọi “tống cổ” Iran khỏi World Cup Qatar (năm nay, Iran nằm trong Bảng B – gồm Iran, Anh, Mỹ và Wales).

Iran và Mỹ lại gặp nhau năm nay – ảnh: Mỹ và Iran tại World Cup 1998 (ảnh: Simon Bruty/Anychance/Getty Images)

Lời kêu gọi “né” chính trị của FIFA trong thực tế chẳng bao giờ có thể thực hiện vì lịch sử bóng đá đầy dẫy chuyện chính trị đan xen và chính FIFA cũng chính trị hóa ngay kỳ World Cup năm nay, khi họ loại đội tuyển quốc gia Nga để phản ứng trước cuộc xâm lược Ukraine của Kremlin – dù điều này không phải sai. Cần nhắc lại, ngày 28 Tháng Hai, FIFA đã đình chỉ vô thời hạn tất cả đội tuyển Nga tham gia tất cả giải bóng đá trong khuôn khổ FIFA; loại đội tuyển quốc gia nam của Nga khỏi World Cup Qatar và đội tuyển quốc gia nữ của Nga khỏi Giải vô địch bóng đá nữ Châu Âu 2022 (UEFA Women’s Euro 2022).

Đội tuyển quốc gia Nga đã bị cấm dự World Cup 2022 (ảnh: Kirill Kudryavtsev – Pool/Getty Images)

Khi trái banh lăn theo chính trị

Cách đây không lâu, năm 2019, cầu thủ lừng danh người Đức Mesut Özil bắt đầu “biến mất” khỏi Trung Quốc. Một diễn đàn trực tuyến dành riêng cho anh bị “đóng cửa”. Tên tuổi anh bị xóa khỏi trò chơi điện tử Pro Evolution Soccer ở Trung Quốc. Trận đấu cuối cùng của đội Arsenal (trong đó có Mesut Özil) tại Giải Ngoại hạng Anh (Premier League), trên sân nhà trước Manchester City, không được phát sóng trên truyền hình Trung Quốc.

“Tội” của Mesut Özil là “dám” chỉ trích việc Bắc Kinh giam giữ người Duy Ngô Nhĩ. Cầu thủ này còn kêu gọi người Hồi giáo khắp thế giới lên tiếng phản đối chính sách ác độc của Bắc Kinh. Tuy nhiên, điều đáng nói hơn cả là cách phản ứng của CLB Arsenal. Thay vì bày tỏ ủng hộ Mesut Özil, Arsenal “lừa bóng” né xa “khung thành” Trung Quốc bằng cách thanh minh thanh nga rằng đó là quan điểm của Mesut Özil chứ Arsenal chẳng dính dáng gì… Vài ngày sau, Jürgen Klopp, huấn luyện viên CLB Liverpool, được đặt một câu hỏi về nhân quyền ở Qatar. Jürgen Klopp – “khôn” hơn Mesut Özil – lập tức nói rằng “câu trả lời nên đến từ những người biết nhiều hơn về nó. Tôi có ảnh hưởng trong bóng đá chứ không phải trong chính trị. Bất cứ điều gì tôi nói cũng chẳng giúp được gì…”.

Cầu thủ Mesut Ozil dưới màu áo CLB Arsenal đá với Chelsea tại ở sân vận động Điểu Sào, Bắc Kinh ngày 22 Tháng Bảy 2017 – trước khi bị Trung Quốc “lên án” (ảnh: David Price/Arsenal FC via Getty Images)

Theo thời gian, hai thập kỷ qua có thể được coi là thời kỳ đỉnh cao của bóng đá chuyên nghiệp, với sự phát triển cực mạnh khi nó len lỏi vào gần như mọi sinh hoạt cũng như mọi thị trường. Bóng đá thường được sử dụng như một công cụ của quyền lực mềm, nhưng nó cũng là một dạng của quyền lực mềm. Giải Ngoại hạng Anh (Premier League) thậm chí được xếp ngang hàng với BBC và Hoàng gia.

_____________

Cùng với đó là sự thỏa hiệp chính trị của bóng đá nhà nghề. Các câu lạc bộ lừng lẫy cũng như hệ thống giải đấu của châu Âu – nói theo ngôn ngữ của tiểu thuyết gia đương đại nổi tiếng người Anh Jasper Fforde – đã chấp nhận sự phát triển bên cạnh khối ung thư.

_____________

Những câu lạc bộ nhà nghề và cầu thủ nhà nghề đi khắp nơi thế giới, có thể biết ít nhiều mặt trái của những quốc gia mà họ đặt chân đến nhưng họ chỉ nhắm vào việc kiếm tiền hơn là đặt ra những vấn đề đạo đức và lương tâm. Tất cả họ đều rất tự hào về hiện tượng văn hóa mà họ là một phần. Họ nói về vai trò xã hội của bóng đá, lợi ích phát triển của nó, tiềm năng “thống nhất” và khả năng “xóa bỏ xung đột chính trị” của nó. Tuy nhiên, họ lại lảng tránh chính trị, đặc biệt những “thứ” chính trị có thể làm ảnh hưởng nguồn thu của họ.

Trong thực tế, bóng đá chuyên nghiệp thỏa hiệp vô số lần với chính trị bằng hình thức này hay hình thức khác. Bóng đá chuyên nghiệp được chơi trong sân vận động được xây dựng bởi lao động nô lệ thời hiện đại. Bóng đá chuyên nghiệp rửa tiền cho các cartel ma túy. Bóng đá chuyên nghiệp khúm núm trước những kẻ chuyên quyền nhưng tự bịt mắt để khỏi thấy những trường hợp vi phạm nhân quyền; và cuối cùng, luôn nói rằng, môn thể thao này là… phi chính trị.

Cổ động viên Nga không có cơ hội ủng hộ đội nhà tại World Cup 2022 cũng như UEFA Women’s Euro 2022 (ảnh: Ian MacNicol/Getty Images)

Lịch sử chính trị của túc cầu

Một cách chính xác, lịch sử túc cầu không chỉ là lịch sử những cú ghi bàn thần tốc hay lịch sử những tên tuổi cầu thủ làm vang danh quốc gia họ. Một môn thể thao phổ biến như túc cầu không thể đứng ngoài chính trị. Tại nhiều quốc gia, bóng đá là lá phiếu. Tại Ý chẳng hạn, khó có thể nói Silvio Berlusconi nhờ bóng đá mới lên được ghế Thủ tướng Ý nhưng bóng đá đã ít nhiều đem lại thành công trong sự nghiệp chính trị của ông. Năm 1986, ông trùm thông tin Silvio Berlusconi bắt đầu cai quản Câu lạc bộ AC Milan (thời điểm đó đang tơi tả từ vụ xìcăngđan tài chính năm 1979). Ðến trước năm 1989, AC Milan trở thành một trong những câu lạc bộ mạnh nhất châu Âu.

Trong cùng thời điểm, Berlusconi thành lập đảng Forza Italia (lấy theo tên bài hát bóng đá quen thuộc) và gọi các ứng cử viên đảng mình là Azzurri (Những người áo xanh – tên thân mật của đội tuyển quốc gia Ý). Năm 1994, Berlusconi đắc cử thủ tướng…

Tại Brazil, các chính khách khi tung chiến dịch tranh cử thường mặc áo câu lạc bộ mình yêu thích. Cách đây hai thập niên, tại Cameroon, Tổng thống Paul Biya đã dời cuộc bầu cử Quốc hội vào dịp World Cup 2002 với hy vọng chiến thắng của đội nhà sẽ tạo niềm phấn khích cho dân chúng và cử tri sẽ vui vẻ bỏ phiếu tái bầu cử cho đảng mình… Tại Anh, Thủ tướng Harold Wilson (1964-1970, 1974-1976) từng đổ thừa rằng do đội Anh thua bất ngờ tại World Cup nên ông mới thất bại trong cuộc tổng tuyển cử (1970) vào vài ngày sau…

Năm 1941, khi Thụy Sĩ hạ Ðức 2-1 trong trận đấu vào sinh nhật Adolf Hitler, Paul Joseph Goebbels – cái loa phóng thanh của Ðức quốc xã – đã tức tối nói rằng kết quả trên không phản ánh trung thực khả năng đội Ðức. Năm sau, 1942, khi Ðức bị Thụy Ðiển nện ngay trên sân nhà, Goebbels đã cấm đội tuyển Ðức tham gia ở bất kỳ giải quốc tế nào… Màu sắc chính trị và bóng đá còn có thể thấy tại Trung Ðông. Ngày 9 Tháng Bảy 1996, tại Tripoli (Libya), bạo loạn dữ dội đã nổ ra sau một trận đấu mà trong đó trọng tài do thiên vị đã cho đội bóng của con trai thủ lĩnh Muammar Al-Qaddafi hưởng quả phạt đền. Dân Libya xuống đường rần rần và người ta buộc phải dùng súng chế ngự (kết quả 50 người chết).

Các đội bóng Premier League ngày càng giàu có và quan tâm nhiều hơn đến việc kiếm tiền hơn là dính líu chính trị (ảnh: David Horton – CameraSport via Getty Images)

Ở Iran, cơn sốt bóng đá điên loạn không kém Libya. Năm 1997, khi đội tuyển Iran hạ đội Úc để lọt vào vòng chung kết World Cup 1998, hàng ngàn phụ nữ Iran đã phấn khích ào xuống sân bóng. Vài người trong số họ còn lột cả khăn choàng mặt. Tại khắp góc phố, người ta nhảy múa và thậm chí ôm hôn nhau, bất chấp luật Hồi giáo nghiêm khắc cấm đoán. Mùa Thu 2001, khi Iran tỏ ra có khả năng lọt vào vòng chung kết World Cup 2002, những tiệc mừng ngoài đường phố lại bùng lên.

Với Iran, bóng đá có nhiều ý nghĩa chứ không thuần túy là một môn thể thao (ảnh: Amin M. Jamali/Getty Images)

Ban đầu, không khí chỉ mang màu sắc bóng đá nhưng sau đó “đổi màu” sang chính trị. Tại vài thị trấn, người ta tấn công các ngân hàng nhà nước và trụ sở chính quyền. Họ kêu to: “Tử hình bọn đại giáo sĩ!” và bày tỏ ủng hộ sự trở lại của gia đình cựu hoàng Shah (bị lật đổ từ cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979). Hàng ngàn người bị bắt. Cuối cùng, đội tuyển quốc gia Iran bại trận. Dân chúng cho rằng Chính phủ Teheran đã… ép đội nhà phải thua để tránh hỗn loạn…

Xin nhắc lại, tại World Cup 1998 ở Pháp, cảnh sát châu Âu đã phá vỡ âm mưu khủng bố của một nhóm Hồi giáo. Kế hoạch khủng bố được tiết lộ khi bảy tên Algeria bị bắt ở Bỉ vào ngày 3 Tháng Ba 1998. Ngày 26 Tháng Năm, hàng chục ngôi nhà tình nghi bị khám xét và gần 100 người bị bắt. Cuộc tấn công dự kiến xảy ra vào ngày 15 Tháng Sáu 1998, khi đội tuyển Anh gặp Tunisia tại Marseilles; với kế hoạch sau khi tấn công đội Anh, nhóm khủng bố sẽ xông vào khách sạn và “cắt cổ bọn Mỹ”…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: