Nhìn lại kỷ nguyên tàn phá của Sepp Blatter

Bộ mặt đạo đức giả của Sepp Blatter một lần nữa được phơi bày trong bộ phim tài liệu FIFA Uncovered đang chiếu trên Netflix.
Sepp Blatter (ảnh: Stuart Franklin/Bongarts/Getty Images)

Tháng Năm 2002, những lời ra tiếng vào đã biến thành quả đại bác công khai nhắm vào Chủ tịch Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) Sepp Blatter. Phản ứng tự vệ, Blatter nói rằng ông không có gì để giấu từ cuộc điều tra về việc hơn $200 triệu doanh thu truyền hình không cánh mà bay trong bốn năm trong nhiệm kỳ của mình.

Ngày 20 Tháng Bảy 2015, trong cuộc họp báo tại tổng hành dinh FIFA ở Zurich, Thụy Sĩ, Sepp Blatter đã bị diễn viên hài Simon Brodkin ném tiền vào mặt để thể hiện sự khinh bỉ trước văn hóa tham nhũng trong FIFA (ảnh: Philipp Schmidli/Getty Images)

Vị chủ tịch FIFA cũng bị tố cáo tội hối lộ $100,000 cho các thành viên FIFA để bỏ phiếu bầu ông (trong cuộc bầu cử 1998) thay vì ứng cử viên Lennart Johansson. Blatter cho biết FIFA bị lỗ vỏn vẹn 22 triệu bảng sau khi công ty tiếp thị thể thao ISL (một trong những đối tác cùng khai thác bản quyền truyền hình) bị phanh phui lòi ra núi nợ 850 triệu bảng. Tuy nhiên, người ta đồn rằng FIFA bị lỗ tới hơn 200 triệu bảng…

Lần đầu tiên trong bốn năm ngồi ghế Chủ tịch FIFA, Blatter không còn giữ uy tín tuyệt đối trước 23 thành viên Ủy ban điều hành FIFA. Phía sau hậu trường, tám thành viên Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) đã “kết bè kết đảng” thành lập liên minh 13 thành viên nhằm thực hiện cuộc “đảo chính” Blatter. Phó chủ tịch FIFA Chung Mong-joon (Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc) đã tấn công trực diện khi lên tiếng rằng “đã đến lúc nghĩ đến việc bầu lại một nhà lãnh đạo mới”.

Phát pháo của Chung được bồi thêm bằng loạt bắn tỉa của Issa Hayatou (cũng là phó Chủ tịch FIFA và là Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Phi). Và nhân vật được xem là chỉ huy trưởng chiến dịch đảo chính là Tổng thư ký FIFA Michel Zen-Ruffinen, người soạn bản báo cáo 21 trang qui kết Blatter. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra nhưng Blatter không trả lời hoặc trả lời không thuyết phục.

Từng được Chủ tịch FIFA Joao Havelange (phải) cất nhắc lên vị trí lãnh đạo FIFA, Sepp Blatter (trái) sau đó đã “đá” văng Joao Havelange để giành ghế chủ tịch FIFA (ảnh: Mark Leech/Getty Images)

Một trong những vấn đề gây chú ý là sự sập tiệm của ISL – công ty tiếp thị tổ chức quảng cáo cho World Cup 2002 và World Cup 2006. Người ta nghi rằng Blatter đã mượn đầu heo nấu cháo với số tiền lên đến 300 triệu bảng (nhằm lấp lỗ trống trong tài khoản ngân hàng của FIFA), bằng cách xin ứng trước khoản doanh thu mà FIFA sẽ nhận được từ World Cup 2006 tổ chức tại Đức. Câu hỏi lớn thứ hai là tại sao 20 đại diện FIFA bất ngờ thay đổi lập trường khi bầu cho Blatter thay vì Lennart Johansson (Chủ tịch UEFA) – người mà trước đó hầu hết đều tin rằng đắc cử.

Vụ việc âm ỉ trong suốt nhiều năm và bắt đầu rùm beng, khi Farah Ado – Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Somalia – tiết lộ với tờ Daily Mail rằng mình được đề nghị nhận $100,000 – phân nửa bằng tiền mặt và phần còn lại là hiện vật (trang thiết bị thể thao), chỉ để bỏ phiếu cho Blatter. Farah Ado nói thêm nhiều thành viên FIFA khác cũng được đề nghị tương tự (theo quyển How they stole the game của cây bút phóng sự điều tra David Yallop, Blatter hối lộ mỗi người $50,000 cho khoảng 20 thành viên FIFA, chủ yếu từ châu Phi).

Sinh ngày 10 Tháng Ba 1936, trước khi bước vào sự nghiệp bóng đá, nhà kinh tế học Blatter là Chủ tịch Ủy ban du lịch Valaisan (Thụy Sĩ) và sau đó là Tổng thư ký Liên đoàn khúc côn cầu trên băng Thụy Sĩ (năm 1964). Kế đó, ông tham gia lĩnh vực báo chí và các hoạt động liên quan thể thao. Với tư cách Giám đốc ủy ban đối nội của Longines, Blatter có mặt trong ban tổ chức Olympic 1972 và 1976. Mùa thu 1975, với chức Giám đốc Chương trình phát triển kỹ thuật FIFA, Blatter thực hiện thành công nhiều dự án của (cựu Chủ tịch FIFA) Joao Havelange. Năm 1981, Blatter được bầu làm Tổng thư ký FIFA rồi Tổng giám đốc điều hành từ năm 1990. Trong cuộc bầu cử chủ tịch FIFA năm 1998, Blatter thắng Lennart Johansson ở tỉ lệ 111/80…

Chậm còn hơn không – một banner bày tỏ ủng hộ chiến dịch điều tra Sepp Blatter của FBI (tại sân vận động Wembley ở London ngày 9 Tháng Mười 2015 – ảnh: Catherine Ivill – AMA/Getty Images)

Sepp Blatter đã cai trị đế chế bóng đá rộng khắp hành tinh như thế nào? Nhiều “người nhà” FIFA kể rằng họ ít khi biết cụ thể chuyện gì đang xảy ra trong kế hoạch hành động của FIFA và mọi chính sách chiến lược thường được bàn luận bí mật giữa Blatter và nhóm cố vấn. Như xìcăngđan tham nhũng trong Ủy ban Olympic quốc tế, nhiều thành viên cao cấp trong FIFA cũng bị qui kết tội biển thủ và hối lộ, trong đó có Ricardo Teixeira (Brazil), Chuck Blazer (Mỹ) và Jack Warner (Trinidad & Tobago). Thậm chí ít người biết chính xác lương của Blatter là bao nhiêu (có tin đồn từ 1 triệu-2.7 triệu bảng). Phần mình, ông không bao giờ tiết lộ lương cũng như chi phí sinh hoạt riêng (tất nhiên lấy từ quỹ FIFA)…

Năm 1999, David Yallop tung ra quyển How they stole the game, tiết lộ nhiều chuyện động trời trong đế chế FIFA (sau khi cho đăng loạt bài mình trên tờ báo Anh The Observer vào Tháng Ba 1999). Tháng Ba 2002, Tòa án Hà Lan đã bác bỏ yêu cầu của Blatter trong việc thu hồi quyển sách tại thị trường Hà Lan. Có bằng chứng gì cho hành vi hối lộ của Blatter? David Yallop cho biết Blatter đã gửi những phong bì màu nâu đựng tiền, đến khách sạn Meridien tại Paris, nơi các thành viên FIFA thuộc châu Phi đang nghỉ chân trong chuyến sang Pháp đi bầu ghế chủ tịch FIFA.

Sepp Blatter và Vladimir Putin (ảnh: Dennis Grombkowski/Getty Images)

Bị cật vấn, Blatter trả lời rằng ông quả tình có gửi phong bì nhưng đó là tiền ứng trước trong khoản trợ cấp hàng năm ($250,000) cho các thành viên FIFA. Trong “cáo trạng” của mình, Tổng thư ký FIFA Michel Zen-Ruffinen nói rằng $500 triệu đã biến mất hoặc dùng sai mục đích, từ khi Blatter lên ghế chủ tịch FIFA. Vụ lùm xùm liên quan Blatter hiện tại là kết quả của chiến dịch lâu dài do Zen-Ruffinen thực hiện. Nhiều năm qua, hai nhân vật này coi nhau như nước với lửa. Tháng Tư 2002, Zen-Ruffinen từng tiến hành một trận giao đấu nội bộ nhưng cuối cùng Blatter thắng 1-0, khi chặn đứng vụ thanh tra về các vấn đề liên quan tài chính…

Bộ mặt đạo đức giả của Sepp Blatter một lần nữa được phơi bày trong bộ phim tài liệu FIFA Uncovered đang chiếu trên Netflix. Sau loạt điều tra của Mỹ, cuối cùng Sepp Blatter bị lãnh “thẻ đỏ” vào năm 2015. Đương sự không chỉ bị tống khỏi FIFA mà còn bị cấm tham gia bất kỳ hoạt động nào của FIFA từ năm 2015 cho đến năm 2027!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: