Tại sao người hâm mộ Mỹ không ủng hộ đội “Chú Sam”?

Người hâm mộ Mỹ ủng hộ đội tuyển quốc gia trong trận Mỹ đụng Bỉ tại vận động trường Soldier Field ở Chicago, Illinois, trước thềm World Cup Brazil 2014 (ảnh: Scott Olson/Getty Images)

Người hâm mộ bóng đá thế giới sẽ hướng về Qatar từ ngày 20 Tháng Mười Một, 2020, khi FIFA World Cup bắt đầu. Nhưng ở Mỹ, câu hỏi đội tuyển quốc gia nào sẽ được họ cổ vũ nhiều nhất lại không hề đơn giản. Thực tế cho thấy, một trong những điều bất thường ở những người hâm mộ bóng đá “điển hình” ở Mỹ là họ… không thuộc mẫu người hâm mộ bóng đá “điển hình”.

Đội tuyển quốc gia nam của Mỹ chiến thắng trong trận Mexico tại Allegiant Stadium, Las Vegas, Nevada ngày 1 Tháng Tám 2021 (ảnh: John Dorton/ISI Photos/Getty Images)

Đối với nhiều người ủng hộ một đội bóng, World Cup trở thành sự kiện để khẳng định bản sắc dân tộc khi chọn đội quốc gia để ủng hộ. Nhà phê bình văn hóa Laurent Dubois khẳng định, ngay cả khi người ta không theo “chủ nghĩa vui vẻ” hay “chủ nghĩa dân tộc” ở bất kỳ môi trường thể thao nào thì bóng đá vẫn là nơi họ thể hiện chủ nghĩa dân tộc nhất quán nhất. Nói rõ hơn, người nước nào ủng hộ đội bóng tham gia World Cup của nước đó.

Thậm chí, lòng nhiệt thành của chủ nghĩa dân tộc có thể biến đám đông thành “bạo lực bài ngoại xuyên quốc gia”. Như nhà sử học bóng đá nổi tiếng David Goldblatt khi tham khảo hành vi của đám đông bóng đá Anh vào cuối thế kỷ 20 nhận thấy: “Về cơ bản, ‘chủ nghĩa bài ngoại của đám đông’ đã làm lộ rõ chủ nghĩa dân tộc điên cuồng, cực đoan hơn cả chính sách đối ngoại bài châu Âu của chính phủ Anh kể từ Đại chiến Thế giới lần thứ hai”.

Tuy nhiên, đối với người Mỹ, trải nghiệm bóng đá lại rất khác. Chủ nghĩa dân tộc ở Mỹ bị “chủ nghĩa ngoại lệ” lấn lướt do các yếu tố khác nhau, từ mức độ phổ biến tương đối thấp của bóng đá so với các môn thể thao khác như bóng bầu dục, bóng rổ; sự yêu mến các câu lạc bộ ở nước ngoài và có lẽ quan trọng hơn (đặc biệt là với những người Mỹ gốc Mexico) là sự gắn bó mang tính cội nguồn với các “quốc gia có truyền thống bóng đá hơn” đã dẫn đến việc nhiều người Mỹ thấy bị chia rẽ kỳ lạ về “đội bóng quốc gia” họ ủng hộ trong một giải đấu mang tính toàn cầu như World Cup.

Đội tuyển quốc gia nam của Mỹ gặp Panama tại Orlando, Florida ngày 27 Tháng Ba 2022 trước thềm FIFA World Cup 2022 (ảnh: Brad Smith/ISI Photos/Getty Images)

Bóng đá đã đi một chặng đường dài ở Mỹ trong vài thập niên qua khi các giải đấu quốc nội cũng như số ủng hộ ngày càng tăng so với trước đây. Tuy nhiên, trừ các đội tuyển quốc gia, kể cả Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Hoa Kỳ (USWNT) và đội tuyển quốc gia nam (USMNT), người Mỹ có xu hướng biết nhiều và yêu mến các đội ở Nam Mỹ và châu Âu hơn các đội trong nước của giải Liên đoàn bóng đá Mỹ (Major League Soccer – MLS).

Năm 2020, nghiên cứu về các câu lạc bộ phổ biến nhất cho thấy FC Barcelona đứng đầu danh sách được người hâm mộ Mỹ yêu thích, tiếp theo là Real Madrid (cả hai thi đấu trong giải vô địch La Liga của Tây Ban Nha). Bốn đội tiếp theo là Manchester United, Liverpool, Chelsea và Arsenal đều chơi ở giải Ngoại hạng Anh (EPL). LA Galaxy của Liên đoàn bóng đá Mỹ chỉ đứng thứ 12 danh sách; và cùng Atlanta United trở thành hai câu lạc bộ bóng đá Mỹ duy nhất có mặt trong 20 đội bóng phổ biến nhất đối với người hâm mộ môn thể thao vua tại Mỹ. Điều này có nghĩa người hâm mộ bóng đá nam ở Mỹ quan tâm hơn đến những cầu thủ thuộc các câu lạc bộ bên ngoài nước Mỹ – dẫn lại từ The Conversation. Tại sao?

Cổ động viên Mỹ trong trận đội tuyển quốc gia nam của Mỹ gặp Bỉ tại sân Civic Center, San Francisco, Mỹ, trước thềm FIFA World Cup 2014 (ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Số khán giả theo dõi những trận đấu bóng đá nội địa Mỹ thật ra không nhiều. Trận đấu bóng đá lớn nhất được người Mỹ theo dõi trong thời gian gần đây là trận Chivas đụng Club América trong khuôn khổ giải El Súper Clásico của Mexico, thu hút tổng cộng 2.5 triệu người xem trên kênh TUDN của Univision (nơi tự xưng là “ngôi nhà của bóng đá ở Hoa Kỳ)”.  Và đây không phải là cá biệt. Dữ liệu cho thấy giải đấu hàng đầu của Mexico, Liga MX, có tổng lượng người xem ở Mỹ lớn hơn các trận đấu MLS và EPL cộng lại. Từ năm 2016 đến năm 2018, mức tăng trưởng người xem lên đến 46% (theo phân tích được công bố vào Tháng Mười Hai, 2021).

Nói về túc cầu ở Mỹ, bóng đá nữ nổi tiếng hơn nam nhiều lần – ảnh: đội bóng nữ của Mỹ tại Tokyo 2020 Olympic Games (ảnh: Laurence Griffiths/Getty Images)

Vậy bóng đá Mỹ tại World Cup có ý nghĩa gì khi phần lớn người hâm mộ Mỹ thích giải đấu Mexico hơn giải quốc nội? Và thực tế này chuyển thành sự ủng hộ đội tuyển Mỹ như thế nào, cụ thể là đội tuyển quốc gia nam?

Thành công vô song của đội tuyển túc cầu nữ Mỹ trên đấu trường thế giới đã tạo ra sức hút đặc biệt dẫn đến số người xem truyền hình tăng vọt cho các trận đấu thuộc Liên đoàn Bóng đá Nữ Quốc gia (National Women’s Soccer League) khiến người hâm mộ tập trung nhiều hơn vào đội tuyển nữ quốc gia và các cầu thủ nữ Mỹ so với nam. Tuy nhiên, sự ủng hộ dành cho đội tuyển quốc gia nữ của người hâm mộ bóng đá Mỹ vẫn thua sự ủng hộ dành cho đội tuyển bóng đá Mexico.

Đội tuyển quốc gia nữ giành cúp vàng tại World Cup Women sau trận đấu với Hà Lan trên sân Stade de Lyon, Pháp ngày 7 Tháng Bảy 2019 (ảnh: Rico Brouwer/Soccrates/Getty Images)

Nhà báo thể thao Michael LoRé đã quan sát và viết một bài báo vào đầu năm nay: “Với 60 triệu người hâm mộ ở Mỹ, tuyển Mexico là đội bóng đá nổi tiếng nhất ở nước láng giềng phương Bắc”. Tại Mỹ, áo thi đấu của đội tuyển quốc gia Mexico bán chạy hơn áo của đội tuyển nam và nữ Mỹ. Điều này đúng với cả năm 2019, khi đội tuyển nữ Mỹ vô địch World Cup và lần đầu tiên áo thi đấu của họ bán chạy hơn áo của đội tuyển nam.

Sự phổ biến của đội tuyển Mexico đặc biệt cao tại các thành phố lớn ở Bờ Tây, khi tuyển Mexico có thể chơi trước “khán giả nhà” ngay trên một lãnh thổ nước ngoài và có lẽ là đội tuyển quốc gia duy nhất đạt được vinh dự này! Các trận đấu của tuyển Mexico với đội Mỹ đã được lên lịch ở vùng Trung Tây và Nam như Cincinnati, Columbus (Ohio) và Nashville (Tennessee) cho thấy sự mất cân bằng trong việc ủng hộ các đội ở trong và ngoài biên giới Mỹ.

Nói về túc cầu thì Mỹ vẫn luôn là một “ngoại lệ”. Điều đó thể hiện rõ đến mức người khoái bóng đá ở Mỹ chỉ có thể hâm mộ các đội bóng nước ngoài. Nói cách khác, bóng đá ở Mỹ đã phát triển khá hơn nhiều so với vài thập niên trước nhưng nó vẫn chưa đủ sức cạnh tranh với những môn thể thao truyền thống của người Mỹ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: