Little Saigon và những người muôn năm cũ (1)

(ảnh: Dân Huỳnh)
Share:

Tưởng nhớ Phạm Công Thiện, Lữ Mộc Sinh, Mai Thảo, Cao Xuân Huy, Cao Đông Khánh, Nguyễn Tất Nhiên, Lê Uyên Phương, Hùng Cường, Vô Thường…

Đó là thời có nhà hàng PHỞ NGON nổi tiếng nằm ngay góc đường Bolsa và Ward (nay là nhà hàng dimsum Kim Sư), trong nhà hàng này trang trí có nhà thủy tạ nhỏ lợp mái tranh, chiếc cầu bước qua trên dòng suối nhỏ thả cá Koi lội lăng xăng, quanh trên tường treo những bức tranh cảnh Việt Nam, Sài Gòn, Hà Nội, Huế, bức ảnh Tiếc Thương nổi tiếng chụp cô gái đẫm lệ mặc áo đen hai bàn tay ôm thẻ bài người yêu hy sinh vì đất nước, và đặc biệt nhất là treo cao lá cờ Vàng ba sọc Đỏ của nước Việt Nam Cộng Hòa miền Nam yêu dấu.

Không gian nhà hàng to rộng có thể chứa ba trăm người và phong cách trang trí đã thu hút hằng đêm đông đảo văn nhân nghệ sĩ đến đây ăn nhậu, gặp nhau. Nhà hàng có đặt một dàn nhạc do anh Tâm (đã mất) chủ trì dương cầm, Vũ Công Lý tình nguyện trống, Đặng Nho tình nguyện thổi hắc tiêu, Jimmy Long, Phạm Hoàng Dũng, Trần Đại khi có mặt đều tình nguyện búng guitar, các ca sĩ thành danh tình nguyện vui vẻ hát cho thân hữu quan khách nghe v.v.

Điểm son là người chủ nhà hàng, anh Cao Thy (đã mất) hằng năm tổ chức đón Giao thừa, trước sân dựng nêu tre treo dây pháo đỏ, nơi bên ngoài khuôn giàn nhạc ngay cửa bước vô đặt trang trọng một bàn thờ tổ quốc, nền là lá cờ nước VNCH, trước mặt lá quốc kỳ là lư hương đồng to để mọi người có thể thắp hương kính bái tổ quốc cùng anh linh tử sĩ. Một phần ăn đón Giao thừa với giá tượng trưng $5.00 gồm một chai bia hay lon nước ngọt, một bánh chưng nhỏ với củ kiệu dưa món. Phóng viên Nghiên Long Trọng Nghĩa (sau này là thi sĩ thơ hay, và chủ nhân giàu có) bấm máy chụp ghi hình ảnh đêm Giao thừa, anh cũng là một bạn thân tình nên ngồi chung với nhóm bạn điên.

Ban nhạc lên dàn chuẩn bị. 12 giờ điểm. Ca sĩ Ngọc Diệp chuyên trị bản Quốc ca, Vũ Công Lý ôm trống. Tất cả thực khách đông nghẹt nhà hàng đứng lên nghiêm chỉnh. Nhạc và lời Quốc ca trỗi lên mạnh mẽ vang dội, râm ran nho nhỏ tiếng thực khách hát hòa theo, sau đôi ba câu đầu đã thấy mắt nhiều người lăn dài dòng lệ trên má. Dứt Quốc ca, Đặng Nho cất tiếng kèn cho một phút mặc niệm thương tưởng người bỏ mình trên biển cả, nơi rừng vượt biên, ở trại tị nạn. Đương nhiên trên hết là anh linh chiến sĩ bỏ mình hy sinh bảo vệ giang sơn tổ quốc. Tuần tự và im lặng, người tị nạn tha hương đến bàn thờ tổ quốc dâng lên nén nhang lòng cầu nguyện cho nước Việt Nam sẽ không còn cộng sản và một ngày quy cố hương cho người tha phương trở về quê cũ. Bọn điên một bầy tụi tôi dòm mặt thằng nào trở lại bàn ngồi sao nó cũng nhòe nhoẹt nước mắt không điên.

Những đôi mắt tha hương

Bật ra giọt lệ

Chảy dài trên má lưu vong

Tôi chợt hiểu thế nào

Là nước mắt quê hương

 

Những đôi mắt điên buồn

Mông mênh màu hố thẳm

Xa xăm ngọn trăm năm

Ứa lên tự đáy lòng

Một giọt lệ long đong

Bọn độc thân điên chúng tôi là thân chủ của Phở Ngon, nhưng Cao Xuân Huy chọc quê, “quán phở NGON mà chỉ có bia ngon thì NGON thiệt!” Thực ra quán có nhiều món ăn nhậu hấp dẫn. Anh Mai Thảo cũng là thân chủ hằng đêm, anh vào ngồi một mình một lúc thì bàn anh dần đông nghẹt danh nhân tài tử. Dù anh có ngồi một mình đi nữa, luôn gọi thức ăn đầy bàn.

Có lần tôi ngạc nhiên hỏi vì biết anh vốn ăn rất ít, anh nhìn tôi (luôn) bằng ánh mắt trìu mến hiền hậu, nói, “mình đã mang rượu tới mà kêu ít món quá thì làm sao người ta bán có tiền, hơn nữa, gọi nhiều món dù không ăn nhưng bày trước mắt cho nó xôm tụ, rồi có anh em ngồi vào trông cũng tươm tất.” Tôi được anh tặng đầu tiên tập thơ Ta thấy hình ta những miếu đền vào một sáng đến mời chở anh đi ăn điểm tâm, anh lấy tập thơ vừa in xong giao hồi hôm, ký tặng và nói, “em sướng nhá, là người đầu tiên anh tặng tập thơ đấy!”

Mỗi khi gặp, anh đều nhỏ nhẹ hỏi thăm trìu mến và khuyến khích thằng em. Tôi hồi ở Sài Gòn thích văn chương anh nên đọc hết những tác phẩm Mai Thảo, mà tập Đêm giã từ Hà Nội được độc giả ngưỡng mộ tiêu biểu. Có lần tôi hỏi sao anh không tái bản, anh buồn buồn nói những lời làm cho tôi nhớ hoài, “Qua đây rồi mới thấy sách của người ta là trời là biển, những thứ của mình ngày xưa vất vào thùng rác hết, in lại làm chi nữa em!”

Cao Xuân Huy có thời gian “không ưa” anh Mai Thảo, một hôm ở quán Ngon, anh Mai Thảo bỏ bàn đi về, ngang qua bàn mấy thằng em điên, hỏi Cao Xuân Huy có thể giúp đưa anh về không? Huy bất đắc dĩ, đưa anh về đậu xe trước cầu thang lên phòng anh, anh xuống xe rồi tần ngần hỏi, “em có thể lên uống với anh một ly rồi hẳn đi được không?” Huy cảm động nghĩ anh đang rất buồn nên cùng anh lên phòng. Mãi hơn tiếng, Huy mới trở lại Ngon. Tôi hỏi sao lâu vậy? Huy làm thinh. Nhưng từ đêm đó về sau, Cao Xuân Huy đã dành cho anh sự quý mến và kính trọng, Huy đã kể cho anh em nghe tại sao. Tóm gọn, kết luận, anh xứng đáng là một bậc đàn anh, một công tử “dân chơi” thứ thiệt!

Một góc Bolsa, Little Saigon (ảnh: Dân Huỳnh)

*****

Lữ Mộc Sinh là một nhân vật dị nhân quái kiệt, chỉ ở thời thập niên 1980 ở Phố Cát (tên do Lữ Mộc Sinh đặt ra) Bolsa, những bạn có máu giang hồ cơm hàng cháo chợ nhậu nhẹt linh tinh mới biết danh xưng này. Tôi bấy giờ sống bụi đời, đi làm chuyển âm với Từ Hạnh là cháu ca sĩ Lê Uyên vừa từ Đức sang Mỹ định cư, chúng tôi chuyển âm cho trung tâm thu băng Tùng Giang về phim bộ kiếm hiệp, vì đang thời hưng thịnh của video cho thuê, nhóm chúng tôi gồm có ca sĩ Tuấn Anh (lúc chưa thành danh), nghệ sĩ cổ nhạc Huỳnh Long Giang, Từ Hạnh, Lê Giang Trần.

Lúc ấy tôi làm bồi bàn cho quán LUP của anh chị Lê Uyên Phương, công việc bưng bàn pha nước rửa ly. Do tôi đăng bài thơ có hai câu mà Lữ Mộc Sinh khoái, “Chiều nay biển chôn mặt trời xuống đáy / như tình yêu chôn vào rượu ta say” nên Lữ Mộc Sinh đi tìm Lê Giang Trần coi cái thằng làm thơ này ra sao?

Kể từ giao ngộ ấy, hai thằng thành bạn, dù Lữ Mộc Sinh lớn hơn tôi nhiều tuổi, cũng như nhạc sĩ Vô Thường tuổi Rắn, tôi luôn xưng hô “ông, tôi” nên không bị ngượng miệng với bạn lớn tuổi. Đây cũng là thời gian Cao Xuân Huy đăng truyện dài “Tháng Ba Gãy Súng” trên báo Đồng Nai nên tôi cũng tìm quen cho được nhà văn Thủy Quân Lục Chiến này, do vậy, tôi, Lữ Mộc Sinh, Cao Xuân Huy thường nhậu nhẹt với nhau, luôn cùng có mặt trong hầu hết những trận nhậu bạn bè đông đúc, mà nhà hàng Ngon là điểm trụ thường xuyên hằng đêm. Nên biết, Lữ Mộc Sinh và Cao Xuân Huy là hai quân nhân đứng lên khởi xướng và tận lực cùng anh em có lòng dựng lên cây CỘT CỜ VIỆT NAM ĐẦU TIÊN nơi phố Bolsa, Little Saigon.

Một góc Bolsa, Little Saigon (ảnh: Dân Huỳnh)

Chơi quen một thời gian, tom góp lại, mới biết Lữ Mộc Sinh tên thiệt là Nguyễn Chí Thiện, sinh năm Ất Dậu 1945 tại Sài Gòn. Ba anh từng là phó giám đốc Air Việt Nam từ thời Tây. Do trùng tên với ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện nên Sinh không dùng tên thật cho viết lách, anh có vài bút hiệu trước khi là Lữ Mộc Sinh, bài viết đăng báo ngoài thi văn thì ký Ninja, và vài bút danh khác.

Anh học trường Pháp, sĩ quan tốt nghiệp khóa 17 Thủ Đức, đăng lính thứ thiệt, Special Forces, Lực Lượng Đặc Biệt. Khi anh Phạm Công Thiện tò mò truy hỏi, Lữ Mộc Sinh chịu không nổi, tức quá vô phòng rồi trở ra vụt lên bàn tấm thẻ quân nhân là sĩ quan tình báo cấp Tá. Anh cho biết, anh là một trong vài “Kỳ Ngoại Hầu” cố vấn cho Tổng thống Thiệu. Vai trò sau cùng anh là Trưởng Lưới vùng II Chiến thuật, kiêm nhiệm đội phòng vệ Tổng thống Phủ. Trước đó anh nhảy toán, một toán có sáu người, thường thì nhảy xuống chiến khu D hay Cục R, với nhiệm vụ dò tìm để báo cáo mức độ quân số, đạn dược, di chuyển của cộng quân ở hai cứ điểm này.

Anh hay than thở buồn bã về việc đã bỏ sáu thằng em nhảy xuống Ban Mê Thuột lúc cộng sản Bắc Việt tấn công tỉnh này. Toán sáu biệt kích này mất tích, không liên lạc được nên không cách gì biết để bốc họ về, là niềm ray rứt dằn vặt anh mãi vẫn còn. Mỗi lần nhảy trở về thủ đô, anh ở trong Dinh Độc lập. Còn đang mặc bà ba đen mang dép râu, anh đã lấy xe Lincoln màu đen của Phủ Tổng thống chạy ra phố quanh Bến Thành nhậu nhẹt với vài bạn thân hẹn ở Continental, La Pagode hay mấy quán sang trọng trên đường Nguyễn Huệ. Vì là sĩ quan tình báo thuộc Lực Lượng Đặc Biệt nên anh rời Việt Nam trước ngày 30 Tháng Tư.

Sang Mỹ, sau khi lái xe đi khắp Hoa Kỳ thỏa thê, anh trụ ở vùng Little Saigon. Bấy giờ anh đã học xong đạo diễn điện ảnh và đang làm phóng viên và photographer cho một tờ báo Mỹ. Anh cho biết, anh từng bán một âm bản phim chụp mấy con hồng hạc cho Sở thú San Diego mà thấy treo quảng cáo to bên đường xa lộ vô phố, được trả mười ngàn Mỹ kim. Khi nhà văn chủ tờ báo Mai là Hoài Điệp Tử chết cháy trong văn phòng tờ báo, Lữ Mộc Sinh là người tiên phuông viết những bài báo nêu cộm những nghi vấn rằng vụ việc này nhiều phần là do bị “cộng kiều” sát hại, làm xôn xao dư luận, báo giới Mỹ kể cả FBI, cử người tìm đến Lữ Mộc Sinh để mong thu thập được dữ kiện quan trọng, vì người Mỹ biết anh khi xưa làm gì.

Anh là người có nhiều tiền khi chơi với bọn anh em mới qua còn nghèo mạt rệp. Anh hào phóng tiền bạc, mạnh mẽ cá tính. Chữ nghĩa anh đẹp và phong phú, ý tưởng dồi dào lạ lẫm mới mẻ, thơ văn nhạc sáng tác đều hay, hấp dẫn ngay người đọc. Anh từng hết lòng hoạt động bên Hoàng Cơ Minh, đến khi nguồn tin thất thiệt về căn cứ kháng chiến trong rừng Thái Lan có mười ngàn tình nguyện quân, bị phanh phui trên báo chí tưng bừng thì anh rời bỏ, đốt sạch toàn bộ phim ảnh chụp cho phong trào kháng chiến này. Từ đó anh sống độc lập, rong chơi và sống quanh quẩn vùng Little Saigon.

CÒN TIẾP…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: