Ngày 25 Tháng Mười Một, năm 2013, tại Betty Ann Ong Chinese Recreation Center, San Francisco, câu chuyện của một gia đình thuyền nhân gốc Việt đã được Tổng Thống Barrack Obama kể lại trong buổi diễn thuyết, vận động Quốc hội thông qua luật cải cách nhập cư.
Đó là hành trình của gia đình ông Andrew Lý, đến Mỹ năm 1979, từ hai bàn tay trắng đến thương hiệu bánh Sugar Bowl Bakery, một trong những công ty bánh lớn nhất của người thiểu số ở Mỹ, minh chứng cho sự đóng góp vào nền kinh tế Hoa Kỳ từ những người di dân.
CHẠY TRỐN
Vào một ngày của năm 1978, trong đêm khuya, chiếc tàu ngang 4m, dài 14m rời bến Vĩnh Châu, Sóc Trăng. Trên tàu có 148 người, trong đó có gia đình họ Lý. Con tàu tiến ra biển Đông, bắt đầu cuộc hải hành tìm đến đất nước tự do. Sau sáu đêm lênh đênh ngoài biển khơi, tàu gặp hải tặc. Người trên tàu bị cướp hết tài sản, nhưng họ may mắn giữ lại được mạng sống để đến đảo Pulau Bidong, Malaysia.
“Điều kiện trên đảo rất khắc nghiệt. Thức ăn chỉ có gạo và mì gói, rất ít rau củ. Khoảng 53 ngàn người tỵ nạn trên đó. Tất cả chúng tôi luôn trong tình trạng thiếu ăn. Tháng Tám năm 1979, gia đình tôi định cư ở Fairfield, California,” từ Bay Area, ông Andrew Lý, một trong năm anh em trên chiếc tàu năm đó, nay là CEO của Sugar Bowl Bakery có doanh thu hàng năm từ $100 – $200 triệu, kể lại câu chuyện vươn lên từ con số 0 của gia ông.
Người đàn ông này có gương mặt phúc hậu, tiếng Anh lưu loát, giọng nói vẫn đậm âm sắc của người Tiêu Châu. Ông nhắc lại những ngày tháng đầu tiên vất vả và không ngần ngại che dấu cuộc sống cơ hàn của gia đình trong những năm tháng ở Việt Nam.
Andrew Lý là con trai thứ ba trong gia đình người Hoa nhập cư vào Việt Nam những năm 1930. Ông có một người chị, hai người anh và hai người em. Gia đình ông sống ở Giồng Nhãn, Bạc Liêu. Cha ông mở một tiệm tạp hoá nhỏ. Khi cha của ông ngã bệnh, Andrew Lý chưa học hết lớp Sáu nhưng phải nghỉ học để thay cha buôn bán.
Khi chiến tranh Nam-Bắc diễn ra, vì lo sợ những người con trai sẽ bị gọi đi tòng quân nếu ở chung một nhà, cha của ông Andrew gửi người con trai lớn, 17 tuổi, vào Sài Gòn làm việc. Người con trai thứ làm việc trong một nhà máy ở Bạc Liêu. Khi miền Nam thất thủ, gia đình họ tìm cách rời Việt Nam. Hai người anh của ông Andrew “thực hiện kế hoạch” trước. Những người còn lại trong gia đình “vượt biên” ba lần nhưng không thành. Cho đến lần thứ tư, tháng Mười Một năm 1978, chính quyền mới “cho phép” họ đổi tất cả tài sản để được ra đi. Chuyến đi thành công. Cuộc viễn du mới trên xứ người của gia đình họ Lý bắt đầu từ đó.
“Năm 1981, tất cả thành viên của đại gia đình chúng tôi đoàn tụ ở căn cứ Air Force, Fairfield và sau đó định cư ở San Francisco qua sự giúp đỡ của U.S. Catholic Conference. Cho dù chúng tôi đã mất tất cả, nhưng chúng tôi biết mình đã rất may mắn,” ông Andrew nói.
VẠN SỰ KHỞI ĐẦU NAN
Gia đình ông Andrew Lý là di dân đến Mỹ với hai bàn tay trắng. Không tiền, không một chữ tiếng Anh. Tám người trong gia đình họ sống chung trong một căn hộ một phòng ngủ ở Quận Tenderloin. Cả nhà lao vào làm việc để lo cuộc sống. Họ làm đủ ngành nghề: rửa chén; lau dọn nhà cửa; tiệm cà phê; giao báo; may vá.
Riêng ông Andrew, ban ngày đi học tiếng Anh, ban đêm đi bỏ báo. Sau đó, ông ghi danh học cử nhân khoa học máy tính và kế toán ở San Francisco State University.
Năm năm sau, năm 1984, một người bạn gợi ý cho năm anh em họ Lý về một tiệm cà phê bánh ngọt nhỏ đang kêu bán, diện tích 2,500 s/f, toạ lạc trên đường Balboa St, khu Tenderloin, Richmond. Họ nắm bắt ngay cơ hội kinh doanh. Ban đầu người chủ đất của cửa tiệm đó không muốn nói chuyện với họ Lý, đơn giản vì họ là “người châu Á.”
Nhưng cuối cùng, gia đình cũng gom góp hết số tiền dành dụm và tiền giúp đỡ từ bạn bè để mua lại tiệm cà phê bánh ngọt với giá $40,000. Nếu đó là một quyết định đúng thì việc giữ lại tên của tiệm cũng là điều mà ông Andrew và gia đình chưa bao giờ hối hận: Sugar Bowl Bakery. Năm anh em được chủ tiệm dạy cách làm bánh doughnuts, muffins và croissants.
“Cả gia đình gồm tôi và các anh chị em cùng làm ở tiệm. Chúng tôi bán thêm phở, mì, giò cháo quảy, những loại thức ăn của người Châu Á. Cộng đồng Việt Nam khi đó khá nhỏ. Họ đến tiệm chúng tôi uống cà phê, mua bánh ngọt và các loại thức ăn khác. Kinh doanh của chúng tôi “lớn lên” từ đó. Chúng tôi sau đó mở thêm bảy chi nhánh khác,” ông Andrew kể.
Chiến lược kinh doanh phát triển bước đầu của Sugar Bowl Bakery, từ một cửa hàng có doanh thu bán $300/ngày cho đến bảy cửa tiệm bán lẻ khác ở San Francisco của năm anh em họ Lý vừa cơ bản, vừa nhân bản. Ông Andrew nói:
“Chúng tôi phân phối bánh ngọt cho nhiều nhà hàng, khách sạn, 7-Elevens, các siêu thị nhỏ, đóng góp cho các tổ chức phi lợi nhuận trong cộng đồng và khu vực Bay Area để tập trung giúp đỡ người gốc Á. Số lượng bán tăng trưởng. Mọi người biết đến chúng tôi. Đó là cách Sugar Bowl Bakery đã lớn mạnh và có thêm bảy cửa hàng bán lẻ khác.”
Không nhiều cộng đồng Việt lúc đó biết Sugar Bowl Bakery và những sản phẩm bánh ngọt họ mua từ thương hiệu này là do một gia đình tỵ nạn người Việt gốc Hoa sản xuất. Mãi cho đến năm 2000, khi năm anh em họ Lý quyết định đưa sản phẩm vào Costco, ông nói:
“Năm 2000 khi Costco đặt sản phẩm của chúng tôi vào chuỗi hàng hoá của họ bán cho hàng triệu người, khi đó thì nhiều người Việt mới biết đây là một thương hiệu do người Việt làm chủ. Chúng tôi vẫn luôn kể về nguồn gốc của mình, về câu chuyện tỵ nạn, ngay cả về tuổi thơ cơ hàn vất vả, không có cơ hội đến trường của anh em tôi.”
TẦM NHÌN VÀ TRIẾT LÝ KINH DOANH
Trong sáu anh chị em, ông Andrew Lý là người có tầm nhìn xa rộng nhất. Đó là lý do ông được gia đình tin tưởng giao vị trí thuyền trưởng của con tàu Sugar Bowl Bakery khi tiệm bánh mở rộng thành công ty Ly Brothers Corp.
“Không bao giờ bỏ cuộc” là triết lý sống hàng đầu của ông Andrew Lý. Chính yếu tố này đã nhiều lần giúp ông đưa sự nghiệp gia đình vượt qua những cơn bão tố. Năm 1986, tức chỉ hai năm sau khi khởi nghiệp, năm anh em của ông muốn phát triển công ty và đầu tư vào bất động sản.
Riêng Andrew Lý ông đã nhìn tương lai của Sugar Bowl Bakery như một Starbucks, chỉ chuyên về bánh ngọt. Chiến lược của ông là mỗi anh em trong nhà phải sở hữu một cửa tiệm bán lẻ. “Tôi thuyết phục anh chị của tôi rằng chúng ta nên có mảnh đất cho mình làm chủ và song song đó là phát triển công ty. Thế là chúng tôi tìm một toà nhà để mua lại.”
Họ tìm được một toà nhà ở Daly City với giá $269,000. Nhưng lúc đó, “không ngân hàng nào chấp nhận cho chúng tôi vay tiền, dù chúng tôi có thể trả trước 20%,” ông Andre nói, “vì chúng tôi không có điểm tín dụng.”
Tuy nhiên, chính chủ của toà nhà là vợ chồng người Mexican, chấp nhận họ cho họ trả trước $60,000 với điều kiện họ phải cam kết mỗi tháng trả đủ tiền lời và lãi. Cho đến nay, Andrew vẫn nhớ rõ mỗi tháng ông đã ký vào tấm chi phiếu trả $2,247.46 trong suốt 10 năm.
Những tháng ngày sau đó là những ngày lao động miệt mài của năm anh em họ Lý. Ông Andrew vừa là người làm bánh, vừa đảm nhiệm công việc giao bánh. Ông nói vui:
“Tôi thường chở vợ đi làm và đi giao bánh. Khi chưa cưới nhau, những cuộc hẹn hò của chúng tôi là những lần chạy lòng vòng đi nhận tiền và giao những hộp bánh doughnut.”
“Tôi luôn đối diện với những trở ngại bằng cách đặt ra câu hỏi, “mình phải làm thế nào để mọi chuyện tốt hơn?” ông nói.
Ông nhắc lại một câu chuyện nhỏ: “Vài tuần sau khi chúng tôi mua nó, thị trưởng của thành phố đến thăm và nói với tôi, ‘Này Andrew, ông có biết toà nhà này từng là một night-club. Một vụ nổ súng đã xảy ra ở đây dẫn đến hai người chết, bảy người bị thương. Từ đó, không ai thích thú với toà nhà này nữa.’”
“Trong kinh doanh, có những lúc chúng ta không biết được rất nhiều thứ mà sẽ tốt hơn hiện tại,” ông nói với nụ cười thật hiền, như một vị giáo sư kinh tế đang đặt câu hỏi tu từ với sinh viên của mình.
Cơ ngơi ở Dale City là “bàn đạp” để Sugar Bowl Bakery phát triển xa hơn, làm ra nhiều sản phẩm bánh hơn để phân phối cho những cơ sở bán sỉ. Năm 1989, gia đình họ Lý mua toà nhà thứ ba với giá $360,000. Lần này, ngân hàng không có lý do nào từ chối.
Đặt chân vào Costco là một thành công mang dấu ấn nguyên tắc “không bao giờ bỏ cuộc” của CEO Andrew Lý. Sau vài sản phẩm không thành công, cuối cùng, Costco đã đón nhận hai loại bánh cookie của Sugar Bowl Bakery: Petite Palmier và Petite Brownie Bites. Doanh thu tăng vượt bậc.
Cũng chính từ đây, sản phẩm bánh ngọt của họ Lý tiến xa thêm, bước vào sân nhà của những gã khổng lồ bán lẻ khác ở Mỹ như Vons, Safeway, Kroger, Wal-Mart.
Năm 2008, khủng hoảng tài chính kinh tế tác động mạnh vào thị trường Mỹ ở tất cả lĩnh vực. Một lần nữa, dưới sự lèo lái “không bỏ cuộc” của ông Andrew Lý, Sugar Bowl Bakery vững vàng vượt qua cơn sóng dữ. Ông quyết định dùng chiến thuật mà ông gọi là “make it simple, make us focus”.
“Từ 750 dây chuyền sản xuất 4 ngàn SKU, chúng tôi giảm xuống còn ba dây chuyền sản xuất với 90 SKU và chuyển nhà máy bánh về ở Hayward, vùng East Bay. Nhờ đó đã giảm tối thiểu chi phí nhưng đạt được lợi nhuận cao hơn,” ông Andrew nói.
Hiện nay, Sugar Bowl Bakery có bảy dòng sản phẩm bánh chính và những dòng bánh sản xuất theo mùa. Trên khắp cả nước có 16,000 cửa hàng bán lẻ.
‘THÀNH CÔNG LÀ MỘT HÀNH TRÌNH’
Với ông Andrew Lý, một CEO không nhất thiết là người dẫn đầu, nhưng nếu là người dẫn đầu, nhất định phải là CEO. Ông tự nhận mình là “một sinh viên chuyên nghiệp” vì một trong những đam mê của ông là đọc sách. Ông bày tỏ về triết lý sống của mình:
“Tôi đến Mỹ khi chưa học xong lớp Sáu. Nhưng tôi thích đọc sách. Tôi thích trò chuyện với mọi người. Để trở thành một người dẫn đầu, bạn phải bảo đảm bạn là người kiên nhẫn, luôn lắng nghe mọi người, khuyến khích sự sáng tạo, ý kiến của người khác. Người ta nói rất khó để làm điều đúng, nhưng nếu chúng ta làm điều đúng, chúng ta luôn luôn đúng.”
Có một câu nói hay được nhắc đến trong kinh doanh, đó là “Tiếp thị tạo ra xu hướng.” Nhưng ông Andrew Lý không đồng ý thế. Với ông, “Xu hướng được tạo ra từ sự nhiệt huyết.” Chính khát vọng xây dựng nên một công ty. Lửa đam mê tạo ra tương lai.
Ông nói: “Chính khát vọng, đam mê giữ cho chúng ta một thái độ làm việc tích cực và ổn định. Công ty của chúng tôi có ngày hôm nay vì chúng tôi đã làm việc liên tục để nó được thành công. Thành công là một cuộc hành trình, không phải là đích đến.”
Nói đến thành công của Sugar Bowl Bakery, những nhà tư vấn kinh doanh, ví dụ như Dennis Jaffe, giáo sư của Saybrook Graduate School thường đề cao một đặc điểm, đó là doanh nghiệp gia đình. Khái niệm này cũng không xa lạ với truyền thống của người Việt Nam, huống chi, gia đình họ Lý là một gia đình Việt gốc Hoa. Bản sắc văn hoá và giá trị gia đình được xem là một nề nếp cần phải được gìn giữ.
Trong gần nửa thế kỷ gầy dựng cơ nghiệp từ một cửa tiệm doanh thu $300/ngày cho đến một tập đoàn bánh ngọt vững mạnh có giá trị từ $100 đến $200 triệu, ông Andrew Lý đã vận dụng đặc tính đó vào trong công việc quản lý và điều hành. Ông bày tỏ: “Trong cuộc hành trình dài nhiều khó khăn, không ít lần tôi nóng nảy, tức giận. Nhưng tôi xem công ty này như một gia đình. Tôi sẽ nén cơn giận, đi ra ngoài, uống một ly nước, suy nghĩ lại và lắng nghe mọi người.”
Ông xem công ty là nhà, đồng nghiệp là gia đình. Rất nhiều người đã làm việc hơn Sugar Bowl trên 30 năm. Ông không ngại nói về nhược điểm của mình:
“Yếu điểm của tôi cũng chính là thế mạnh của tôi. Tôi làm việc quá nhiều. Tôi là người đàn ông của gia đình, chỉ biết làm việc và về nhà với người thân. Tôi có thể làm 24 tiếng/ngày. Và tôi hay cho người khác một cơ hội để thay đổi tốt hơn. Nhưng, để tôi nói rõ điều này, con người sẽ rất khó thay đổi bản tính. Chúng ta không thể bắt người khác mang vừa vặn, thoải mái đôi giày theo kích cỡ của chúng ta.”
Nói là thế, nhưng thật ra một ngày của người đàn ông đã bước vào độ tuổi 70 chưa từng biết lùi bước này thường bắt đầu bằng những sinh hoạt rất nhẹ nhàng. Ông đọc những trang sách hay về gương thành công của doanh nhân thế giới. Thỉnh thoảng ông viết một điều gì đó có giá trị giáo dục trên mạng xã hội. Và cuối tuần, ông tay trong tay với vợ của mình, đến một quán rượu, uống một ly vang đỏ, và đi nhìn ngắm sản phẩm của Sugar Bowl Bakery trong các siêu thị.
Sugar Bowl Bakery và câu chuyện của năm anh em thuyền nhân họ Lý năm xưa là như thế – câu chuyện thành công của người Việt tỵ nạn sau nửa thế kỷ.