Nam Coffee, ‘mang cà phê Việt đi đánh xứ người’

Share:

Có người từng nói rằng, “ai sinh ra và lớn lên ở phố núi Pleiku đều có một tình yêu không nhỏ với cà phê.” Vince (Việt) Nguyễn, chàng trai California, 32 tuổi, là một trong những người đó.

Ký ức của một hương vị

Vince Nguyễn không phải là người Mỹ gốc Việt đầu tiên khởi nghiệp bằng sản phẩm cà phê của Việt Nam. Trước Vince, có Sahra Nguyễn ở New York với Nguyen Coffee Supply; có Thu Phạm ở Philadelphia và câu chuyện Càphê Roasters – cà phê Việt duy nhất ở Philadephia. Hai bạn trẻ này đều sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Cả hai đến với cà phê bằng một tình yêu được truyền dẫn từ thế hệ cha mẹ, anh chị. Từ đó, họ tôn vinh cà phê “phin” như một nét đẹp văn hoá. Câu chuyện về Nam Coffee của Vince Nguyễn ở California có thể ví von như con đường tìm về ký ức của một hương vị. Nói cách khác, Vince đang “mang cà phê Việt đi đánh xứ người.”

Khác với Sahra Nguyễn hay Thu Phạm, Vince đến Mỹ khi anh 25 tuổi. Ở Việt Nam, Vince là nhà thiết kế thời trang, có sự nghiệp ổn định với vài cửa hàng của riêng anh. Chuyến du lịch đến xứ cờ hoa tám năm trước đã tạo ra cơ duyên giữ chân Vince ở lại. Cho dù chọn California, là nơi dễ dàng tìm thấy bất kỳ khẩu vị thân thuộc nào của ẩm thực Việt Nam, để định cư, nhưng Vince vẫn chưa tìm được một hương vị đã gắn bó với anh từ thưở nhỏ – cà phê.

Năm 10 tuổi, cha mẹ chia tay, Vince và chị theo mẹ từ Gia Lai vào Sài Gòn. Một cuộc sống mới đồng nghĩa với một hoặc nhiều thử thách mới. Mẹ của Vince mở một “sạp” cà phê nhỏ trong con hẻm ở Quận 1. Vince, năm đó 12 tuổi cùng với người chị phụ giúp mẹ vào những giờ không phải đến trường. Hương và vị của ly cà phê phin Việt Nam từ từ trở thành một vị giác mà Vince không thể thiếu mỗi ngày.

Sang Mỹ, cảm giác “thèm ly cà phê Việt Nam” luôn “làm khó” Vince khi anh không thể tìm được vị đắng và mùi hương đậm đà quen thuộc. Đi nhiều nơi trên đất Mỹ, đến nhiều nhà hàng, thấy giới thiệu là “Vietnamese coffee” nhưng khi uống vào thì đó không phải là hương vị thân thuộc như ở Việt Nam. Cuối cùng, cách “giải toả cơn ghiền” là Vince nhờ chị ở Việt Nam gửi cà phê sang.

Đại dịch Covid-19 bùng nổ. Cà phê gửi từ Việt Nam sang cũng khó khăn hơn. Thời gian nước Mỹ “quarantine” là lúc Vince có cơ hội suy nghĩ về một kế hoạch cho mình. Anh nhận thấy cà phê không chỉ là một tiềm năng cho kinh doanh mà còn là cho nét văn hoá cộng đồng. Từ đó, Vince liên lạc với những nông dân Việt Nam ở Đà Lạt để tạo ra một hương vị cà phê riêng theo công thức của anh.

Qua một thời gian tìm tòi nghiên cứu, Vince nhận thấy thị trường cà phê Việt Nam ở Mỹ “có một lỗ hổng”, nguyên nhân là chưa có nhiều người khai thác “real Vietnamese coffee.” Từ đó, Vince muốn mình là thế hệ trẻ của cộng đồng người Việt ở Mỹ mang đến một hình ảnh mới của cà phê Việt. Mới có nghĩa là mới mẻ và cả nâng cấp hương vị, theo Vince.

Nam Coffee – kết nối văn hoá

Vince khẳng định, không phải cứ bỏ nhiều sữa đặc vào cà phê là thành cà phê sữa Việt Nam, cũng như không phải rang cà phê cháy hơn, cho đắng hơn là thành cà phê Việt Nam. “Cái em muốn mọi người phải ‘tâm phục khẩu phục’ cà phê Việt Nam của chúng ta là hạt cà phê từ ở Việt Nam. Cách rang có thể khác nhau, quan trọng nhất là loại hạt nào quyết định. Sự khác biệt của Nam Coffee là mang lại vị cà phê nguyên chất – authentic coffee” – Vince nói.

Vince khẳng định, không phải cứ bỏ nhiều sữa đặc vào cà phê là thành cà phê sữa Việt Nam. Ảnh: Vince Nguyen

Gần hai năm chuẩn bị cho tất cả các công đoạn, từ tìm hiểu, nghiên cứu, thiết kế bao bì, sản phẩm, cho đến các bước ra mắt thương hiệu. Nam Coffee ra đời cách đây sáu tháng. Vốn là một nhà thiết kế, Vince giải thích cặn kẽ, chi tiết và ấn tượng về ý nghĩa của tên và logo Nam Coffee, “Nam có nghĩa là phía Nam. We are from South Vietnam, và bây giờ thì em định cư ở South California. Tên em là Việt, nên em đặt tên sản phẩm của mình là Nam, nghĩa là Việt Nam. Thêm cái nữa, “Nam” còn có nghĩa là sự mạnh mẽ, tượng trưng cho vị mạnh của cà phê của em.”

Tự nhận mình có cơ hội hơn những thương hiệu khác là đã sống ở quê hương của cà phê từ nhỏ, nên Vince “muốn mang lại một cầu nối giữa Việt Nam và Mỹ.” Vince mang ý tưởng đó đặt vào quá trình sáng tạo cho thương hiệu cà phê của mình, từ logo cho đến tên của sản phẩm.

Trên bao bì của Nam Coffee – Distric 1 có những chiếc ghế nhựa và nét vẽ một người phụ nữ mà Vince giải thích đó là mẹ của anh. Ảnh: Vince Nguyen

Chữ A trên logo của Nam Coffee có là hình ảnh cách điệu từ cây cầu – đó là “sự kết nối văn hoá” theo lời Vince nói. Dòng cà phê chính của Nam Coffee, chuyên dùng cho cà phê sữa đá, có tên Distric 1 – nơi quán cà phê cóc ngày xưa của mẹ anh đã mở lên ở Quận 1, Sài Gòn. “Em không bao giờ quên hình ảnh của quán cà phê đó,” Vince nói. Trên bao bì của Nam Coffee – Distric 1 có những chiếc ghế nhựa và nét vẽ một người phụ nữ mà Vince giải thích đó là mẹ của anh.

“Thiết kế của bao bì là những hình ảnh em ghi nhớ từ Việt Nam đến California, hai nơi gọi là quê nhà của em. Dù chỉ mới ở đây tám năm nhưng với em có rất nhiều kỷ niệm, nhiều thử thách,” Vince nói anh đã thật sự đặt hết tâm tư tình cảm của mình lên mẫu mã của bao bì Nam Coffee.

“Thiết kế của bao bì là những hình ảnh em ghi nhớ từ Việt Nam đến California, hai nơi gọi là quê nhà của em. Dù chỉ mới ở đây tám năm nhưng với em có rất nhiều kỷ niệm, nhiều thử thách.” Ảnh: Vince Nguyen

Hiện tại, sản phẩm Nam Coffee của Vince có ba dòng chính. Distric 1 có 50% Robusta và 50% Arabica. Orange County dành cho khẩu vị của người Mỹ, nhẹ hơn, có 30% Robusta và 70% Arabica. Dòng cuối cùng là Dalat (Đà Lạt) – nơi Vince nhập hạt cà phê, có 100% Robusca, rất mạnh, dành cho những ai thích hương vị cà phê đậm đặt, rất đặc trưng cà phê Việt Nam.

Chàng trai California này còn gửi vào thương hiệu Nam Coffee của anh một ước vọng khác. Sau thời gian nghiên cứu về thị trường cà phê, Vince biết Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới xuất khẩu cà phê và nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê Robusta. Thế nhưng, khi một số nước đến Việt Nam mua cà phê mang về nước của họ, chế biến một chút và trở thành cà phê Ý, Pháp. Nguồn gốc chính của cà phê Việt gần như biến mất giữa những thương cà phê đắt đỏ trên thế giới. Với Vince, điều đó không công bằng với người nông dân Việt Nam nói riêng và văn hoá cà phê của mình nói chung. Mục tiêu của anh là mau chóng khẳng định Nam Coffee ở Mỹ là “cà phê Việt Nam, của người nông dân Việt Nam.”

Vince Nguyễn, hay Sahar Nguyễn, hay Thu Phạm, hay những người trẻ khác khởi nghiệp với hạt cà phê Việt Nam, chính là những người “mang cà phê Việt đi đánh xứ người”, không để cho nguồn gốc cà phê Việt bị lu mờ giữa những nhãn hiệu nổi tiếng về món nước uống gây nghiện này.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: