Vài năm trước, Tori Dunlap đặt mục tiêu tiết kiệm cho mình số tiền $100,000 khi cô bước sang tuổi 25.
Mục tiêu thành hiện thực. Cô đã đạt mốc $100,000 chỉ ba tháng sau sinh nhật thứ 25 của mình và không hề dậm chân tại chỗ kể từ đó. Hiện nay 29 tuổi, Dunlap tiếp tục xây dựng một doanh nghiệp trị giá hàng triệu đôla, mang tên ‘Her First 100K’.
Tuy nhiên, trong suốt quá trình khởi nghiệp của mình, Dunlap cho biết có một số thứ cô chọn để tiêu tiền kiểu “chơi là chơi, không nghĩ ngợi.”
“Có ba thứ tôi không bao giờ tiết kiệm, là đi du lịch, ăn uống (ăn ở ngoài) và trồng cây xanh quanh nhà,” Dunlap nói với CNBC Make It. “Đó là những thứ tôi không bao giờ tiếc khi xài tiền.”
Với kinh nghiệm bản thân, Dunlap khuyến khích mọi người nên cho phép bản thân chi tiêu cho những thứ mình yêu thích nhất, miễn là đừng “vung tay quá trán” và luôn kiểm soát việc chi tiêu những thứ khác.
Dunlap nói: “Điều đó không có nghĩa là tôi không thỉnh thoảng mua cà phê hoặc không đến TJ Maxx và chi cho thứ gì đó tôi thích, mà tôi xài tiền chiến lược hơn. Tức là việc chi tiêu của tôi phản ánh giá trị của bản thân và số tiền khó kiếm được của tôi sẽ dành cho những thứ mà tôi thật sự yêu thích.”
Tuy nhiên, Dunlap không phải là người duy nhất trong việc sử dụng chiến lược này. Triệu phú tự thân và tác giả của sách bán chạy – Ramit Sethi – gọi đó là phương pháp “chi tiêu theo sở thích.” Nó cho phép anh tiêu xài một cách hoang phí cho bản thân, nhưng lại cắt giảm không thương tiếc những gì anh không quan tâm.
Các chuyên gia tài chính cũng có xu hướng như vậy. Họ khuyên, cố gắng đạt được mục tiêu tài chính bằng cách buộc bản thân ngừng chi tiêu cho những thứ bạn quan tâm, có lẽ sẽ không hiệu quả về lâu dài. Tiết kiệm quá, hoặc “keo kiệt” quá đối với bản thân, thậm chí còn có ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của bạn.
“Một khẩu phần ăn kiêng không hiệu quả là vì bạn càng nói ‘tôi không thể ăn gà rán’ thì bạn lại càng muốn nhâm nhi món gà chiên giòn đó hơn – đó không phải là vấn đề về ý chí, mà là về tâm lý,” Dunlap nói. “Nếu tôi nói với bạn, ‘đừng bao giờ tiêu tiền, đừng bao giờ bước chân vào nhà hàng’ thì tôi cho bạn biết luôn là nó sẽ chẳng hiệu quả đâu, thậm chí cũng không lâu dài và thành thật mà nói, nghe chả vui chút nào.”
Thay vì đặt ra một ngân sách nghiêm ngặt cho bản thân, nhiều chuyên gia khuyên mọi người nên lập kế hoạch chi tiêu linh hoạt hơn, ít tập trung vào việc theo dõi từng đồng đôla, mà tập trung hơn vào việc phân bổ tiền cho những thứ quan trọng nhất đối với chính mình.
Dunlap cho biết: “Bạn phải tìm ra sự cân bằng giữa việc chi tiêu không cần suy nghĩ cho những thứ bạn yêu thích và những thứ phản ánh giá trị của bạn, với việc không tiêu xài quá nhiều cho những thứ khác, bởi vì đó là những thứ bạn không thật sự quan tâm đến.”
Tori Dunlap – tác giả của cuốn sách bán chạy nhất do The New York Times bình chọn – “Financial Feminist” và là người dẫn chương trình của một podcast cùng tên được xếp hạng khá cao, có khả năng mua được căn nhà ở Seattle vào năm 20 tuổi, nhưng cho đến giờ vẫn thích đi ở thuê.
Ai hỏi, sao giàu vậy mà toàn đi thuê nhà, cô trả lời: “Tôi ổn mà! 100% luôn á, vì đó là điều có ý nghĩa trong cuộc sống của tôi. Tôi độc thân, chưa có con cái, chẳng gì vướng bận, nên tôi đi du lịch khắp nơi, cứ thấy ngứa ngáy chân tay là lại book vé đi hết chỗ này tới chỗ kia. Mua nhà làm gì để phải lo lắng đủ thứ cơ chứ!”