Tôi đến nước Mỹ vào Tháng Năm 1975, sau một hành trình ngắn cùng làn sóng người di tản tỵ nạn chạy trốn chủ nghĩa cộng sản khi biến cố mất miền Nam Việt Nam ngày 30 Tháng Tư năm 1975. Lúc đó, hơn 100,000 người chúng tôi được gọi là “Người di tản”.
Người di tản
Những người di tản chúng tôi lúc đó mờ mịt tương lai. Nơi đến còn chưa biết, với nỗi lo âu. Nơi bỏ đi chỉ còn trong tiềm thức, với nước mắt. Ngày ra đi, tôi chỉ mới 16 tuổi, chưa được học lớp 12 trung học. Rồi thế giới tự do chào đón với vòng tay. Hầu hết lớp người ra đi thời gian 30 Tháng Tư đó đều được nước Mỹ tiếp đón.
Trải qua một thời gian ngắn với các thủ tục định cư và bảo trợ, xuyên qua những lần dừng chân tạm cư các trại tỵ nạn đảo Guam, Camp Pendleton (San Diego), gia đình chúng tôi gồm Ba Mẹ và ba anh em trai tôi được giáo hội Tin Lành United Methodist bảo trợ định cư tại thành phố Bakersfield, California.
Tính ra gia đình tôi mất đúng hai tháng ở các trại tỵ nạn do quân đội Hoa Kỳ xây dựng. Cuộc sống không có gì gọi là cơ cực. Có nhiều người về sau vẫn cho rằng thời gian ở các trại tỵ nạn là thần tiên, sung sướng hơn. Được nước Mỹ nuôi mà. Dầu vậy, tâm tư người tỵ nạn vẫn không ai có được nụ cười trong ánh mắt. Buồn lắm!
Cuộc sống trở nên bận rộn vất vả hơn khi cầm trên tay tấm thẻ xanh quy chế người tỵ nạn chính thức tại nước Mỹ. Nhưng dần dà mọi người ổn định tinh thần, và cuộc sống vật chất trở nên tốt hơn. Với nhiều người, có lẽ đã tìm thấy được tại sao xứ này gọi là thiên đường.
Gia đình tôi được ơn Chúa. Những người Mỹ Tin Lành từ các nhà thờ bảo trợ chúng tôi rất tốt. Họ tận tình chăm lo, săn sóc, giúp đỡ. Không thể nào quên ân tình nước Mỹ bởi tình thương của những người bảo trợ. Cả nhà sững sờ khi một bà trong nhà thờ tặng cho gia đình một chiếc xe hơi vẫn còn mới tốt. Xe đời 1970, cho mình năm đó 1975, tức xe chỉ mới năm năm tuổi thôi.
Thành phố Bakersfield thuộc vùng khí hậu sa mạc, gần hướng đi Las Vegas, cách Los Angeles chỉ hơn hai giờ lái xe thôi, nhưng là vùng đất nông nghiệp. Thành phố buồn. Mùa hè nóng cháy da người. Mùa đông lạnh buốt thấu xương thịt. Thành phố thời đó còn ít người Việt, buồn ghê gớm! Năm 1975, chỉ có độ chừng 20 gia đình người Việt được bảo trợ về vùng này. Chúng tôi được học Anh ngữ cùng một nơi, nên quen biết nhau hết. Tình đồng hương kết chặt, gắn bó nhau.
Nhưng rồi mọi người tìm ra được những nơi sống nhộn nhịp, đông hơn, vui hơn, có chợ, có nhà hàng, có cửa hàng, nhà thờ, chùa… của cộng đồng người Việt. Người Việt tìm về tổ ấm người Việt. Lần lượt, dần dần những gia đình Việt rời thành phố Bakersfield. Gia đình tôi có lẽ là một trong những người đầu tiên đến Bakersfield, nhưng cũng là những người đầu tiên sớm rời bỏ chốn này để đến một nơi đông người Việt hơn, khí hậu tốt hơn. Mặc dù rất quý ơn những người đã bảo trợ. Mặc dù họ đã lên tiếng mong chúng tôi ở lại đây. Họ rất buồn khi chia tay tiễn gia đình tôi. Ba tôi quyết định dọn về Long Beach, để được sinh hoạt gần với một hội thánh Tin lành ngũ tuần Việt Nam.
Làm báo
Mùa hè 1976, gia đình tôi dọn về Long Beach – một thành phố lớn, vùng biển. Người Việt đông hơn. Tôi vào Đại học Long Beach. Máu tuổi trẻ nhiệt huyết cho tôi dấn thân vào những sinh hoạt của hội sinh viên Việt Nam. Anh chị em hội sinh viên tín nhiệm tôi làm trưởng ban báo chí hội, thực hiện hằng năm tờ đặc san Biển Dài.
Hội sinh viên lúc đó có nhạc sĩ Trần Quảng Nam (sau này nổi tiếng với tác phẩm “Mười Năm Tình Cũ”) là chủ tịch hội sinh viên Việt Nam. Rồi đến anh Nguyễn Hữu Lộc chủ tịch nhiệm kỳ sau. Tôi lo bài vở, in ấn, anh Nguyễn Hữu Lộc rất thành công việc gây quỹ cho tờ báo. Anh còn là trưởng ban tổ chức các cuộc thi Hoa Hậu Áo Dài Long Beach thời đó.
Nhưng tôi đam mê làm báo hơn là ngắm các cô thí sinh đẹp hoa hậu áo dài. Nói ra chắc khó ai tin, mà tôi nói thật lòng. Tôi không dính líu đến các chương trình thi người đẹp. Ngày diễn ra cuộc thi, tôi chỉ đến xem, không có vai trò gì với ban tổ chức. Bên cạnh chuyện đi học, làm báo Biển Dài cho hội sinh viên Việt Nam thuộc Đại học California State University of Long Beach, tôi và những bạn hữu viết lách tuổi sinh viên cùng nhau thực hiện một số ấn phẩm thi văn, gọi là những tuyển tập cho các cây bút Việt trẻ ở khắp thế giới, ngoài Việt Nam.
Năm 1977, tôi và người bạn đồng lứa – người sáng tác thơ tình tuyệt như những thi sĩ lớn của thi văn Sài Gòn trước 30 Tháng Tư 1975, tên Trần Hữu Hoàng, bắt đầu làm báo văn chương cho tuổi trẻ thế hệ chúng tôi. Tuyển tập đầu tay với khoảng hơn 20 cây bút trẻ trên toàn nước Mỹ và các quốc gia ngoài Việt Nam.
Tuyển Tập Hoài Cảm tập I được xuất bản giới hạn, biếu không, gửi các tác giả có bài viết đóng góp và được chọn đăng. Một số thì gửi cho bạn bè, giới báo chí Việt ngữ tại Mỹ và Pháp. Bên cạnh Trần Hữu Hoàng còn những bạn sinh viên đồng trường Đại học Long Beach cũng trong nhóm chủ trương tuyển tập, là Nghiêm Quốc Huy, Trần Ngọc Lân.
Được mọi người khen ngợi, khuyến khích, tôi và Trần Hữu Hoàng, Nghiêm Quốc Huy hăng máu thực hiện thêm tuyển tập Hoài Cảm II, phát hành năm 1978. Có thêm nhiều cây viết trẻ khác từ các quốc gia Pháp, Canada, Anh Quốc, Úc… bên cạnh rất nhiều cây viết từ các tiểu bang như Texas, Virginia, Maryland, Washington, Louisiana, Michigan, New York, Colorado… Đông hơn, vui hơn. Tất cả ở lứa tuổi 20 đến 30. Họ từng viết cho báo trường đại học, đặc san trung học ở Việt Nam, hay đã viết cho báo Tuổi Ngọc, Tuổi Hoa, trang Mai Bê Bi nhật báo Chính Luận… từ trước khi Sài Gòn bị mất tên.
Chúng tôi tạo được một mạng lưới rộng lớn giữa những người trẻ còn thích viết tiếng Việt, còn yêu Việt Nam, với những trái tim đầy giấc mơ hồng tuổi thanh xuân, giữa những nơi chốn còn xa lạ ngôn ngữ, xa lạ văn hóa, và chưa thể xóa được những cảm giác của Ngày Xưa Hoàng Thị, của tà áo trắng, tuổi học trò, bên trong hay bên ngoài cổng trường xưa. Xa quê hương chưa được lâu, những trái tim người trẻ Việt vẫn còn nặng tình với quê hương, thêm đọc, thêm viết tiếng Việt, để được nhớ lại những ngày tuổi học sinh với những mộng mơ màu tím.
Hoài Cảm III được phát hành năm 1980 với hơn 40 cây bút trẻ từ khắp nơi góp mặt, đặc biệt có bài viết từ Sài Gòn, của một tác giả nữ gửi, dưới hình thức những lá thư. Lần này số lượng in nhiều hơn, đến 500 cuốn. Sách dày gần 200 trang, in trên bìa láng màu đẹp, và giấy trắng loại tốt. Vẫn là những tập sách biếu thôi. Không bán. Không lấy tiền cước phí. Nhiều cây bút, thân hữu gửi tiền ủng hộ chia sẻ chi phí. Cứ khuyến khích chúng tôi tiếp tục. Được động viên tinh thần mạnh quá, tình cảm ấm áp quá, buông tay ngừng sao nỡ đây.
Tôi ra trường đại học, đi làm từ mùa hè năm 1979. Một công việc tốt, tương lai hứa hẹn cơ hội cuộc sống ổn định nếu chăm chỉ cần cù theo công việc kỹ thuật nghề nghiệp. Nhưng đam mê của tôi là viết lách, làm báo, dù chỉ để chơi, không kiếm ra đồng nào với những cuốn sách, tập báo như thế. Nhưng với niềm đam mê, tôi ôm mộng những tờ báo hay tuyển tập mình làm ra sẽ tiếp tục mãi.
Tiền túi cứ sẵn lòng, không tiếc. Cứ để cho đời vui. Đời không mua. Tôi không bán. Tặng nhau thôi. Sách, báo được chuyển tải khắp nơi. Không có miếng, nhưng thích tiếng mà. Tôi sống những ngày tuổi trẻ với niềm đam mê báo chí thi văn, cho giới trẻ Việt hải ngoại. Tôi đã hấp thụ tinh thần này từ những người huynh trưởng phong trào Nghĩa Sinh Việt Nam mà tôi được đào tạo khi còn tuổi học sinh niên thiếu: Dấn thân và phục vụ.
Tôi chưa bao giờ là một nhà báo chuyên nghiệp. Tôi chưa bao giờ là một người viết văn trọn thời gian cho cuộc sống mưu sinh. Cho dù năm 1978-1979, tôi có cộng tác vai trò chủ bút tờ nguyệt san Trẻ, phát hành ở California. Tờ báo đầu tiên chính thức phát hành ở Mỹ với hướng đi cho giới trẻ hải ngoại.
Chủ nhiệm tờ báo là anh Nguyễn Duy Tuấn, và tổng thư ký là anh Phạm Văn Đông. Hai người này thích thú những công trình xuất bản tuyển tập Hoài Cảm và những truyện ngắn tôi đăng trên tuần báo Trắng Đen của gia đình nhà báo Việt Định Phương, chủ nhiệm sáng lập nhật báo Trắng Đen tại Sài Gòn trước 1975. Nguyễn Duy Tuấn và Phạm Văn Đông hùn vốn xuất bản tờ nguyệt san Trẻ, mời tôi chủ bút để lo bài vở. Không thù lao hay nhuận bút, chỉ thích thì làm cho vui thôi. Tiếc thay, chỉ được một năm, tờ báo phải đình bản vì thất bại tài chính.
Năm 1979, họa sĩ Lâm Triết, chủ nhân một nhà in có tiếng trong cộng đồng Việt ở thành phố Los Angeles cùng với nhà văn Đỗ Tiến Đức, nguyên giám đốc Nha điện ảnh thời VNCH, người từng đoạt giải nhất tiểu thuyết, cuộc thi văn học của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, cho xuất bản tạp chí Tiểu Thuyết Nguyệt San.
Nhà văn gọi điện thoại cho tôi: “Hồ Văn Xuân Nhi ơi, em giúp tụi anh làm tờ Tiểu Thuyết Nguyệt San này đi, làm cho vui… Anh muốn tạo mảnh đất cho các cây viết trẻ có đất dụng võ thôi”. Nghe vậy tôi vui quá, nhận lời trở thành người phụ tá chủ bút cho tờ tạp chí văn học này.
Số báo đầu tiên của Tiểu Thuyết Nguyệt San có truyện ngắn kỷ niệm tôi viết cho người con gái tên Khanh, tình yêu đầu tiên của tôi, mối tình tôi không bao giờ quên, mãi tận đến bây giờ. Truyện ngắn Hạnh Phúc Vô Thường, mà sau này nhà văn Duyên Anh khen tôi, nói tôi có đủ thước tấc sáng tác để được gọi là nhà văn. Ông nói như thế khi chúng tôi được gặp ông sau này vào năm 1987 tại California.
Tiểu Thuyết Nguyệt San của họa sĩ Lâm Triết chủ nhiệm, nhà văn Đỗ Tiến Đức chủ bút, phụ tá chủ bút Hồ Văn Xuân Nhi, được phát hành bằng đam mê của những người yêu văn học, hơn là mục đích kinh doanh. Cuốn báo khổ nhỏ, như những cuốn báo Tuổi Hoa ở Sài Gòn ngày xưa, phát hành 1,000 số gửi khắp nơi hằng tháng. Cho dù họ có nhà in riêng, chịu đựng ấn phí hơn một năm, rồi các đàn anh tôi cũng buông tay. Báo đình bản.
Trước đó vào năm 1978, tôi và Trần Hữu Hoàng được giáo sư Lưu Ngọc Bích và nhà thơ Nguyên Sa, anh Vũ Văn Niên, mời cộng tác cho tờ Phụ Nữ, phụ trách trang báo cho giới trẻ sinh viên, chỉ giúp lo phần bài vở từ các cây viết trẻ trong mạng lưới giới trẻ cầm bút mà chúng tôi đã kết nối qua các tuyển tập Hoài Cảm. Nhà thơ Nguyên Sa là chủ bút tờ báo này. Một thời gian sau, báo cũng đình bản vì thất bại tài chính.
Bài 2: Nguyệt san Tuổi Ngọc
________________
Tác giả gửi Saigon Nhỏ