Những lao động thế hệ Z (Gen Z) tại các công ty đang cố gắng phá vỡ định kiến cho rằng họ không thể làm việc chăm chỉ và “đứng núi này trông núi khác.”
Từ trường hợp của Charu Thomas
Nhiều lao động thuộc thế hệ Gen Z đang cho thấy tác dụng của hai thế mạnh: Trẻ và tràn đầy tham vọng. Đó là trường hợp của Charu Thomas, 25 tuổi. Chỉ ba năm là học xong trung học và lấy bằng kỹ sư sau ba năm rưỡi. Mới 18 tuổi cô đã thành lập công ty phần mềm chuỗi cung ứng Ox, huy động được $3.5 triệu tiền tài trợ và năm 2020, lọt vào danh sách “30 Under 30” danh giá của tạp chí Forbes!
Tuy nhiên, trong một bữa ăn sáng với các nhà đầu tư vào mùa Thu qua, cô nhớ lại những người tham gia than phiền là các doanh nhân trẻ thường không có nhiều động lực và dễ dàng “từ bỏ trong yên lặng” (quiet quitting) những gì đang làm nếu gặp khó khăn. Thomas bộc bạch: “Nhiều người có ấn tượng Gen Z và những người sáng lập doanh nghiệp trẻ tuổi không có khả năng đối đầu, ít chịu sống trong khuôn khổ hoặc lười biếng. Nghĩ như thế là không đúng!”.
Cô ví dụ một ngày làm việc của mình: “Vào một buổi sáng gần đây từ văn phòng của tôi ở Bentonville, Arkansas, sau khi vừa dành cả đêm trong văn phòng để giám sát việc triển khai phần mềm của một khách hàng trong danh sách Fortune 500, tôi tiếp tục dự cuộc họp nhân viên lúc 9 giờ sáng vẫn trong chiếc áo phông mặc ngày hôm trước!”.
Thomas thuộc số người tuổi 20 muốn thể hiện mình. Được xem là hiếm hoi trong lực lượng lao động trẻ, họ làm việc nhiều giờ, xây dựng doanh nghiệp, phấn đấu để được thăng chức, thậm chí tìm cách leo lên vị trí mà đồng nghiệp cấp trên của họ đang giữ! Đồng thời, họ nhận thức rõ, nhóm tuổi của họ đang bị đánh giá kém về khả năng phân chia ranh giới giữa công việc và cuộc sống và không thể từ bỏ lối sống hối hả để leo cao hơn trên nấc thang sự nghiệp.
Giống như Thomas, nhiều Gen Z nói họ sẽ chứng minh định kiến là sai. “Tôi không muốn trở thành đại diện của kiểu văn hóa đó” – Thomas nói.
Thế hệ Z (thường được định nghĩa là những người sinh từ 1997-2012) không phải là thế hệ trẻ đầu tiên bị đánh giá thấp khi mới gia nhập lực lượng lao động. Cách đây không lâu, các nhà tuyển dụng cũng tranh cãi về khái niệm “những người thuộc thế hệ thiên niên kỷ (millennials) chỉ muốn xuất hiện cho có để lấy danh nghĩa nhân viên”. Nhận thức trên dựa trên các nghiên cứu khảo sát lặp lại ý kiến cho rằng những người lao động ở độ tuổi từ đầu đến giữa 20 không muốn làm chủ công việc của họ.
Trong một cuộc khảo sát gần 5,000 người trưởng thành do Prudential Financial thực hiện vào năm ngoái, 43% công nhân Gen Z cho biết họ không để công việc đang làm chi phối cuộc sống cá nhân. Hơn một nửa số người thuộc thế hệ thiên niên kỷ cũng nói như thế. Khá thấp so với 62% người của Gen X và 69% những người của thế hệ bùng nổ trẻ em sau Đại chiến Thế giới lần thứ 2. Một cuộc khảo sát năm 2022 của Viện Gallup với khoảng 15,000 công nhân Mỹ cho thấy những người thuộc thế hệ thiên niên kỷ trẻ hơn và thế hệ Z thú nhận mức độ gắn bó với công việc của họ ngày càng giảm và tỷ lệ căng thẳng cũng cao hơn so với những độ tuổi lao động khác. Nhưng không phải Gen Z nào cũng có tư duy tiêu cực như thế.
Đến những tấm gương khác
Để các đồng nghiệp thấy mình tận tuỵ với công việc chăm chỉ, Brianna Chang, 22 tuổi chọn làm việc 60 giờ một tuần trong cương vị nhà hoạch định chuỗi cung ứng tại Microsoft Corp. Chang nhận định: “Đạo đức làm việc của tôi đã được trau dồi khi còn là thiếu niên chạy bàn tại một nhà hàng món ăn Trung Quốc của cha mẹ ở Bellingham, Washington. Được thúc đẩy một phần bởi mục tiêu kiếm tiền để có thể hỗ trợ cha mẹ, tôi rất chán nản khi thấy các đồng nghiệp trên mạng xã hội thú nhận họ không thể làm việc chăm chỉ. Chính loại suy nghĩ này của họ đã giúp tôi nổi bật hơn”.
Cô thú nhận rất nhiều người ở độ tuổi Gen Z bị mắc kẹt trong những định kiến. Các nhà quản lý và nhà tuyển dụng thừa nhận làm việc từ xa đã khiến các nhân viên trẻ gặp khó khăn trong việc tìm người tư vấn và học các quy tắc làm việc trong văn phòng.
Julia Lamm làm việc tại đơn vị Workforce Transformation thuộc công ty Pricewaterhouse Coopers cho biết, nhiều người trong số lao động trẻ tuổi gặp khó khăn khi thể hiện sự tháo vát, tính chuyên nghiệp cũng như giao tiếp với khách hàng, đồng nghiệp. Một số bị sa thải khi bắt đầu đại dịch phải chuyển qua công việc thứ hai, rồi thứ ba, thậm chí thứ tư! Không thể ổn định công việc là rào cản lớn của Gen Z trong việc định hướng các mục tiêu tương lai.
Jorge Tapia, kỹ sư phần mềm 26 tuổi ở Indianapolis, Indiana tâm sự: “Tôi để công việc tự nói lên tiếng nói của nó từ lúc thức dậy 6 giờ sáng và đi làm một giờ sau đó. Tôi ưu tiên xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp kể từ ngày bắt đầu làm việc vào năm ngoái tại một công ty cung cấp phần mềm và công nghệ hậu cần. Tuần đầu tiên đi làm, tôi nói chuyện với một người đàn ông lạ mặt trong quán ăn tự phục vụ tại chỗ làm. Hoá ra, đó là giám đốc điều hành khu vực Bắc Mỹ của công ty, người đã kể cho tôi cách làm quen với công việc mới. Đó là một bài học quý giá. Nếu tôi có thể nói chuyện với giám đốc, tôi cũng có thể nói chuyện cởi mở với đồng nghiệp và người quản lý trực tiếp”.
Tapia cho biết anh cố làm việc chăm chỉ với hy vọng được thăng chức và tăng lương để có thể giúp đỡ nhiều hơn cho mẹ và ba anh chị em 23, 15 và 8 tuổi. Theo các cuộc phỏng vấn và khảo sát khoảng 100 người lao động Gen Z từ Tháng Mười Một đến Tháng Một do Conference Board thực hiện, an ninh tài chính rất quan trọng đối với những lao động trẻ. Cuộc khảo sát 2022 Deloitte phát hiện có khoảng một nửa số Gen Z và Millennials cho biết họ sống bằng đồng lương và khoảng 30% không thấy an toàn về tài chính. Năm ngoái, Brandi Jones, giáo viên dạy khiêu vũ và lễ tân tại một phòng khám nha khoa kiếm được khoảng $25,000 một năm và sống cùng gia đình. Nay cô đã bỏ cả hai công việc cũ vào Tháng Bảy, 2022 để tìm một công việc khác có thể trang trải bảo hiểm y tế và đủ tiền mua một căn hộ riêng.
Để đạt mục tiêu này, Jones, hiện 26 tuổi, đã lấy chứng chỉ vận hành phần mềm quản lý quan hệ khách hàng của Salesforce để xin vào làm việc tại một tổ chức phi lợi nhuận dùng phần mềm này.
“Đôi khi tôi phải học 10 tiếng mỗi ngày để vượt qua kỳ thi. Sau khi lấy được chứng chỉ, tôi nộp đơn xin hơn 20 công việc trong hơn sáu tháng. Nhận thức được những định kiến phổ biến về các lao động trẻ, tôi chủ động đặt câu hỏi trong các cuộc phỏng vấn xin việc về văn hóa công ty để biết nhà tuyển dụng hiểu thế nào về ‘sự đa dạng về thế hệ’ và cách họ định nghĩa một nhân viên thành công. Cuối cùng tôi tìm được công việc tại một tổ chức phi lợi nhuận với mức lương khoảng $100,000 một năm. Không còn phải làm việc vào cuối tuần, ban đầu tôi rất thích thú vì có nhiều thời gian rảnh hơn. Nhưng sau đó tôi dùng thời gian rảnh rỗi nghiên cứu các công cụ an ninh mạng vì tôi đang cân nhắc học lên thạc sĩ. Tôi muốn tiến xa hơn nữa.”
—
Đọc thêm