‘Finding Papa’ và tình yêu gia đình trong truyện của Angela Phạm

Ảnh bìa truyện tranh “Finding Papa” của Angela Phạm Krans.

“Tạm biệt ba!”

“Tạm biệt Mai!”

Mai đứng nhìn dáng của ba xa dần trên con đường làng đất đỏ. Không giống như mọi ngày là ba luôn ngoảnh lại mỉm cười và vẫy tay chào Mai cho đến khi khuất hẳn. Hôm nay, Mai thấy ba khóc. Tối hôm đó, ba cũng không về nhà ăn cơm. Mai tự chơi trò chơi “chomp chomp” một mình…

***

Tình yêu với chữ nghĩa

Với những câu văn ngắn, giản dị, tượng hình, cùng nét vẽ sống động của hoạ sĩ Thi Bùi, câu chuyện của bé Mai và mẹ vượt biển đi tìm ba được Angela Phạm Krans kể lại trong truyện tranh đầu tay của cô: “Finding Papa”. Trong đó Mai cũng có thể là Angela (tức Thiên Hương – tên tiếng Việt của cô khi còn ở Việt Nam) hoặc cũng có thể là bất cứ cô bé cậu bé nào khác của hơn 40 năm trước, từng lênh đênh trên biển với cha mẹ đi bến bờ tự do.

Năm ba tuổi, Angela Phạm theo mẹ đi tìm ba. Cả nhà đoàn tụ ở đảo sau đó cùng định cư ở Georgia. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư, cô đến Florida làm việc một thời gian rồi quay về nơi đã lớn lên.

Công việc chính bận rộn với những cuộc họp, tư vấn cho khách hàng, điều hành dự án vẫn không thể lấy đi của Angela “a call – một tiếng gọi” – đó là viết.

“Vào buổi chiều tối hoặc cuối tuần, khi tôi đã xong việc với khách hàng, đó là lúc tôi thật sự tập trung vào viết. Nhưng, ý tưởng thì có thể đến bất kỳ lúc nào. Đôi lúc khi tôi đang làm việc hoặc đang đối thoại với ai đó, thì chợt loé lên ý tưởng trong đầu, và tôi phải viết xuống ngay trước khi mình quên mất,” Angela tâm sự trong cuộc nói chuyện qua Zoom.

Thật ra, từ khi nhỏ, Angela đã nhận thấy sáng tạo là một phần cuộc sống của mình. Tuổi thơ của cô đã từng gắn bó rất nhiều với viết, từ viết nhật ký cho đến môn “creative writing” ở trường. Angela từng tự viết những câu chuyện nhỏ để dạy cho các em mình đọc và viết bảng chữ cái ABCs. Thậm chí, cô còn viết kịch bản cho những vở kịch ngắn để cùng các em “biểu diễn” cho cha mẹ xem.

Cô nói, mình đã từng thích được viết lách. Cho đến khi vào đại học, lấy bằng kỹ sư rồi lao vào công việc với cuộc sống như bất kỳ người trưởng thành nào. Cô từng nghĩ, có lẽ cô đã rời bỏ cái đam mê viết ấy rồi, đặt nó lại phía sau lưng mình.

“Nhưng đến một ngày, khi đang làm việc, tôi chợt nghĩ, Chúa ơi, tôi thật sự muốn viết gì đó cho trẻ con, và tất cả ý tưởng này chợt ùa đến, rất nghiêm túc,” Angela nói.

Thế là cô kỹ sư bắt đầu lao vào tìm tài liệu, đọc thêm sách, tham dự những buổi hội thảo về viết sách. Tất cả những điều đó nhằm để Angela Phạm thắp lại ngọn lửa đam mê vốn đã ngủ quên trong cô nhiều năm.

Nhưng, vì sao tác phẩm đầu tay là cuốn truyện tranh dành cho thiếu nhi, lứa tuổi từ bốn đến tám tuổi? Mà không phải là một cuốn tiểu thuyết lãng mạn cho tuổi mới lớn? Cô trả lời ngay:

“Vì tôi yêu trẻ con, nhất là ở lứa tuổi ấy. Đó là độ tuổi mà bọn trẻ có nhiều cơ hội học hỏi, thu nhận kiến thức để trưởng thành. Các em thích nghe, thích hỏi, và chúng ta sẽ nhận thấy bọn trẻ thông minh hơn chúng ta nghĩ rất nhiều. Có những việc bọn trẻ làm mà người lớn chúng ta không bao giờ nghĩ rằng có thể.”

Là một người Công giáo, Angela Phạm có cơ hội gần gũi nhiều với trẻ em khi cô dạy giáo lý cho bọn trẻ vào mỗi cuối tuần. Thế giới vô tư hồn nhiên của trẻ thơ thật sự mang đến cho cô từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Nó như chất xúc tác giúp cô hoàn thành truyện tranh đầu tiên, “Finding Papa.”

Tình yêu gia đình

“Finding Papa” là một câu chuyện xảy ra trong bối cảnh gia đình. Trong đó, yếu tố là cách để Angela nhấn mạnh về sự quan trọng của tình yêu gia đình đối với một đứa trẻ, đặc biệt trong lứa tuổi luôn tò mò với những mọi vật xung quanh cuộc sống.

“Tôi muốn tập trung vào chủ đề gia đình và sự can đảm mà mỗi chúng ta có thể có để yêu thương và hy vọng. Tôi cảm thấy có rất nhiều tiểu thuyết dành cho tuổi vị thành niên nhưng không có nhiều câu chuyện đề cập đến góc nhìn của một đứa trẻ. Không có nhiều người thật sự hỏi hoặc lắng nghe câu chuyện của bọn trẻ. Tôi thật sự muốn là một người chia sẻ những góc nhìn của trẻ thơ,” Angela bày tỏ suy nghĩ của mình.

Angela Phạm đọc “Finding Papa” trong buổi ra mắt sách
Angela Phạm ký tặng các độc giả trẻ trong buổi ra mắt sách Finding Papa

Cô thú nhận mình không nhớ chi tiết về chuyến đi tìm ba, vì khi ấy cô chỉ mới ba tuổi. Nhưng khi lớn lên, cô thắc mắc, cô hỏi, “và mẹ tôi nói cho tôi nghe tôi đã làm gì, đã phản ứng thế nào trong hành trình đó.”

Đó là những nỗi sợ hãi trong suốt chuyến đi. Nhưng nỗi sợ không lớn bằng niềm khao khát được gặp ba. Mãi đến khi là một người trưởng thành, có gia đình riêng, Angela hiểu được vì sao cô không nhớ nhiều về những gì đã diễn ra trong những ngày trên biển. Cô nói: “Tôi không nhớ rõ sự việc như mẹ của tôi. Tôi chỉ biết là tôi rất muốn gặp ba. Có lẽ đó là cách mà trẻ con nhìn một sự việc qua lăng kính của riêng mình.”

Vì thế, “Finding Papa” của Angela Phạm được kể lại từ câu chuyện thật. Nhưng có những chi tiết được tác giả chủ động giữ lại, hoặc thay đổi theo hướng nhẹ nhàng hơn, mục đích để phù hợp với lứa tuổi mà cô muốn nhắm đến, từ bốn đến tám tuổi. Cô không muốn độc giả trẻ của cô phải sợ hãi khi đọc truyện, hình dung ra những khung cảnh mà nó đã trở thành nỗi ám ảnh gắn liền với lịch sử của cả một dân tộc.

Angela Phạm và hoạ sĩ Thi Bùi (bên phải) trong buổi ra mắt sách “Finding Papa”

Nhưng trẻ con thông minh và nhạy cảm, như Angela đã nói. Các độc giả nhỏ tuổi liên tục hỏi tác giả sau khi cô thực hiện xong phần đọc truyện trong buổi ra mắt sách “Finding Papa”. Chẳng hạn như: “Chiếc thuyền của Mai đi như thế nào?”; “Họ đã ở trên đại dương bao lâu?”; “Thời gian tôi và ba không gặp nhau là bao lâu?”…

“Bọn trẻ đặt ra những câu hỏi rất thực tế để tìm hiểu về một phiên bản sống động hơn trong câu chuyện,” Angela kể lại.

____________________

____________________

Buổi ra mắt sách dĩ nhiên không thể thiếu “ba mẹ của bé Mai”. Ông bà ngồi phía dưới, nghe Angela đọc truyện. Cô nói, cô thấy đôi mắt của mẹ mình như có nước, “tôi biết rất nhiều ký ức đang quay về với ba mẹ tôi, đặc biệt là mẹ tôi, bà đang nhớ về cuộc hành trình đó.”

Cuốn sách thứ hai của Angela Phạm sẽ ra mắt vào cuối năm nay, “Words Between Us” vẫn là truyện tranh dành cho thiếu nhi với chủ đề gia đình, do một hoạ sĩ trong nước minh hoạ.

Lần này, Angela Phạm Krans sẽ kể về những cuộc đối thoại và tình cảm giữa cậu bé Felix, sinh ra ở Mỹ và bà của cậu, vừa từ Việt Nam sang. Cô bật mí đôi chút: “Các bạn sẽ thấy Felix dạy tiếng Anh cho bà, bà thì dạy tiếng Việt cho Felix. Đây là một hình ảnh thường gặp trong cuộc sống gia đình của người Việt tỵ nạn.”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: