TômTex, vải da bằng vỏ tôm của cô gái gốc Việt 

Mẫu trang phục của TômTex được trình diễn trên sàn catwalk – Ảnh: Crain’s New York Business

Bài viết trên Tuổi Trẻ ngày 27 Tháng Hai 2023 kể về công ty khởi nghiệp ở New York, Hoa Kỳ, của cô gái gốc Việt tên Uyên Trần, 30 tuổi. Công ty của Uyên Trần khởi nghiệp với ý tưởng tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp như vỏ tôm, chất thải nấm…. để tạo ra loại vật liệu sinh học thay thế da, hướng tới sản phẩm thời trang thân thiện với môi trường.

Mô hình của TômTex giải quyết hai vấn đề cùng một lúc: Tìm nguyên liệu có thể phân hủy sinh học cho các nhà sản xuất hàng may mặc và tái chế hàng núi rác có nguồn gốc từ biển. Năm 2021, sản lượng tôm toàn cầu vượt 4.5 triệu tấn, tăng khoảng 50% so với năm 2015, trong đó, khoảng một nửa khối lượng bao gồm vỏ tôm được loại bỏ dưới dạng phụ phẩm.

Năm 2023, TômTex, tiếng Việt nghĩa là “dệt tôm”, có kế hoạch tăng công suất sản xuất vải da bằng vỏ tôm lên 9,300 m². Dù chỉ mới thành lập được hai năm nhưng công ty này đã huy động được gần $2 triệu của các công ty đầu tư mạo hiểm SOSV và Portfolia.

Với số lượng 9,300 m² vải da từ tôm, TômText sản xuất khoảng 2,000 chiếc áo khoác da. Tuy nhiên, hiện tại TômTex chủ yếu sản xuất các mẫu vải và thiết kế theo yêu cầu của các khách hàng thời trang, chẳng hạn như thương hiệu quần áo nữ Di Petsa của Anh. Khi thương hiệu này trình diễn tại Tuần lễ thời trang London vào Tháng Hai, vật liệu sinh học từ vỏ tôm của TômTex đã được giới thiệu trong một chiếc váy dài có kiểu dệt giống da rắn. Các người mẫu trong buổi trình diễn của Peter Do tại Tuần lễ thời trang New York hồi Tháng Chín 2022 cũng đã mặc trang phục da làm từ vỏ tôm của TômTex.

Chloe Uyên Trần, CEO và đồng sáng lập TômTex, người đã đưa vải làm từ vỏ tôm lên sàn thời trang New York. – Ảnh chụp màn hình

Không giống các vật liệu tổng hợp phải mất hàng chục năm – nếu không muốn nói là hàng thế kỷ – để phân hủy tại các bãi chôn lấp, Uyên cho biết vải bằng vỏ tôm của công ty có thể dùng làm phân trộn sau khi thải ra, không gây hại cho môi trường. 

Theo Tuổi Trẻ, Uyên đến Hoa Kỳ vào năm 2012 để lấy bằng cử nhân thiết kế thời trang tại Academy of Art University ở San Francisco và sau đó được làm việc cho các thương hiệu lớn như Ralph Lauren và Alexander Wang.

Năm 2019, Uyên bắt đầu học kỹ sư dệt may tại trường Thiết kế Parsons ở New York và thử nghiệm với các loại vải làm từ tảo, sau đó chuyển sang da làm từ rễ nấm và vỏ tôm.

Năm 2020, Uyên đồng sáng lập TômTex với Atom Nguyen, một người gốc Việt khác trước đây làm việc tại Gap Inc., với tư cách là chuyên viên tiếp thị, rồi sau đó họ kết nối với Ross McBee, khi đó đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành sinh học tại một “vườn ươm khởi nghiệp” ở ĐH Columbia. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ vào năm 2022, anh McBee tham gia vào TômTex với tư cách là người đồng sáng lập.

Chloe Uyên Trần có tên trong danh sách U30 Forbes Việt Nam 2022, và trong bài viết mà Forbes Việt Nam xuất bản từ 11 tháng trước, Uyên bộc lộ: Quá trình nghiên cứu giúp Uyên nhận thấy có thể tận dụng nguồn chitosan – chất dẻo sinh học (bio polymer) có trong vỏ hải sản hoặc nấm để tạo ra loại vật liệu mới có thể thay thế cho da tự nhiên và da nhân tạo. Nếu thành công, ứng dụng của vật liệu này có thể vượt ra khỏi lĩnh vực thời trang, áp dụng trong sản xuất bao bì, nội thất hay các thiết kế công nghiệp khác. Khi thành phẩm từ vật liệu hết tuổi thọ, nó có thể được tái chế hoặc phân hủy sinh học, hạn chế được tác hại tới môi trường. 

Ảnh: Forbes Việt Nam

Sản xuất thành công mẫu vật liệu đầu tiên trong phòng thí nghiệm của trường Parsons, Uyên đưa ý tưởng này vào luận văn tốt nghiệp thạc sĩ và tham gia một số cuộc thi về đổi mới sáng tạo ở Hoa Kỳ. Ý tưởng mang tính ứng dụng cao và có thể giải quyết được bài toán môi trường giúp cô lọt vào vòng chung kết LVMH Innovation Award 2021 (giải thưởng từ tập đoàn LVMH ủng hộ các sáng kiến mới có sáng tạo, đổi mới và tinh thần kinh doanh trên thế giới).

Đồng thời, loại vải sinh học thay thế da cũng nhận huy chương vàng tại IDEA (Idea Sustainable Award) – giải thưởng dành cho các thiết kế trong nhiều lĩnh vực, bao gồm chiến lược thiết kế, xây dựng thương hiệu và tương tác kỹ thuật số.

Trao đổi với tạp chí L’OFFICIEL Vietnam ngày 29 Tháng Bảy 2021, Uyên trải lòng cô sinh ra và lớn lên ở thành phố Đà Nẵng, nơi có rất nhiều rác thải ra từ ngành dệt may cũng như quần áo cũ. Sau khi chuyển đến học ở Hoa Kỳ vào năm 2012 và sau đó làm việc cho Alexander Wang, Peter Do, cô đã chung sống và trải nghiệm chất liệu vải tổng hợp, nhưng chưa bao giờ ngừng suy nghĩ về Đà Nẵng và những loại rác thải mà quê nhà sẽ phải hứng chịu. Tất cả đã thôi thúc Uyên bắt đầu dự án thiết kế với chất liệu sinh học. 

Theo Uyên, mỗi năm có 17 triệu tấn rác từ hải sản và bã cà phê bị đẩy ra những bãi đất trống và vô tình, chúng trở thành những bãi rác khổng lồ. Cách con người xử lý chất thải vẫn rất vụng về và thiếu sự tổ chức, nhưng thiên nhiên lại có khả năng trả lại những thứ con người nghĩ là “rác thải” cho hệ sinh thái, mang đến một “sự sống” mới cho một nguồn nguyên liệu hữu cơ mà từ trước đến nay luôn bị coi là rác thải.

Với Uyên, khi nói về TômTex, ba danh từ sau theo cô là hợp lý: sự cải tiến, sự bền vững và hệ sinh thái.

Tất nhiên, để đưa chất liệu thay thế da của Tômtex trở thành loại vải được ưa chuộng và sử dụng phổ biến trong đời sống còn là một hành trình rất dài.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: