Câu chuyện một thuyền nhân mở trường y, thành công trên đất Mỹ (1)

Kỳ 1: Lập nghiệp từ đôi bàn tay trắng
Hình 2: Bà Kim Đặng (đứng, thứ hai, từ trái) cùng cha mẹ và ba người em. Hình chụp năm 1992. (ảnh: Kim Đặng cung cấp)
Muôn Nẻo Đường Đời
Muôn Nẻo Đường Đời
Câu chuyện một thuyền nhân mở trường y, thành công trên đất Mỹ (1)
Loading
/

Trong làn sóng những người phải vượt biển đi tìm tự do vào đầu những năm 1980, có một gia đình người Quảng Ngãi, sinh sống ở Chợ Lớn, ra đi từ quê nhà, tái lập cuộc đời và thành đạt tại miền Nam California.

Tuổi thơ

Bà Kim Đặng, người con lớn trong gia đình ấy, sau hơn 40 năm, giờ ngồi kể lại, vẫn không giấu được cảm xúc và những ám ảnh trong chuyến vượt biển. “Lúc đó tôi chỉ là cô bé 11 tuổi, nghe mẹ kêu tôi và mấy đứa em, đứa nhỏ nhất mới hơn hai tuổi, sắp đồ lên xe đi Quảng Ngãi, cứ nghĩ được về quê thì thích lắm, nào ngờ đó lại là chuyến đi không biết ngày về,” bà Kim tâm sự. “Nhà tôi ở quê có chiếc tàu, nhỏ thôi, đủ để đưa bà con họ hàng cùng nhau vượt biển. Lúc ra tàu, cảnh sát rượt theo dữ lắm, may mà mấy mẹ con tôi chạy kịp, nhiều người trong họ hàng phải bị ở lại.”

Trong lúc chạy thục mạng vì bị cảnh sát rượt, mẹ của Kim đánh rớt chiếc la bàn, khi tàu chạy thoát, bị mất phương hướng. Hôm ấy trời trở bão, gió đẩy tàu ra biển lớn. Sau tám ngày lênh đênh trên biển, gặp được tàu đánh cá lớn vớt lên, mọi người được đưa tới trại tị nạn Hong Kong. Đó là năm 1980.

“Cho tới giờ, tôi vẫn không thể nào quên tám ngày đêm kinh hoàng ấy. Cả tàu ai cũng ói lên ói xuống vì bị say sóng, mọi người nằm bẹp dí, cứ húp được miếng cháo, lại ói ra hết. Mẹ và mấy chị em tôi bị ám ảnh suốt mấy chục năm qua, nên không bao giờ đi du lịch bằng tàu được,” bà Kim kể.

Bà Kim Đặng (áo trắng) và ba người em. (ảnh: Kim Đặng cung cấp)

Trước đó, vào năm 1978, người cha của bà vượt biên, qua tới Hawaii ở một thời gian thì chuyển sang thành phố Long Beach, quận hạt Los Angeles, nên mấy mẹ con Kim chỉ ở trại tị nạn Hong Kong gần bảy tháng là được ông bảo lãnh sang Mỹ. Cả nhà đoàn tụ và sống tại thành phố biển Long Beach, cách Little Saigon chưa tới 20 dặm, cho đến bây giờ.

Bà Kim nhớ lại, khi ấy, sáu người trong gia đình bà ở trong một căn chung cư hai phòng ngủ trên Long Beach Boulervard. Căn nhà được một hội Công Giáo giúp đỡ trong những ngày đầu lạ nước lạ cái, nơi xứ lạ quê người. Ngôi nhà nhỏ xíu, nhưng giống như “trạm trung chuyển”, là nơi ở cho các gia đình bà con nhà Kim sang nhập cư ở tạm, trước khi chuyển sang các tiểu bang khác, hoặc dời xuống Little Saigon. Cứ thế, hết người này tới rồi đi, người khác lại tới.

Nhưng gia đình nhà Kim cũng đâu khá giả gì, họ ra đi với đôi bàn tay trắng, bỏ lại tất cả, phải làm lại cuộc đời bằng cách kiếm từng đồng xu trên đất Mỹ. Lúc đầu, ba của bà Kim làm ở trạm xăng, được trả $3.35/giờ, nuôi vợ và bốn đứa con, vừa đi học về ngành điện, và làm nghề này từ đó đến nay. Mẹ của bà Kim ở nhà làm may, cắt chỉ, nhưng thu nhập chẳng là bao, bà cố gắng học nhanh để lấy được bằng tóc và nail. Trải qua bao tháng ngày cực khổ như vậy, bà mới cùng chồng nuôi được con cái ăn học thành tài.

Kim là chị lớn nhất trong nhà, nên ba mẹ muốn con gái làm gương cho các em. Mới sang không biết tiếng, Kim không thể giao tiếp, nên mẹ của Kim bắt con gái phải chú tâm học Anh ngữ, bà nói với con: “Qua Mỹ được là có cơ hội rồi, con phải học cho thiệt giỏi nghe chưa!” Kim vâng vâng dạ dạ, nhưng cô học sinh lớp Bốn vẫn bị sốc vì trong trường chẳng có bạn nào nói tiếng Việt với mình. Mãi hơn một năm sau Kim mới quen được cuộc sống mới, nói tiếng Anh lưu loát, và học giỏi nhất là môn Toán.

Duyên nợ với nghề y

Tốt nghiệp trung học xong, Kim được UC Irvine và Cal Sate Long Beach (California State University Long Beach) nhận, nhưng vì UC Irvine xa nhà, nên Kim chọn Calstate Long Beach.

Vào những năm 1980, ở Việt Nam hay nói “Nhất y, nhì Dược, tạm được Bách khoa”. Như nhiều bậc phụ huynh muốn con mình phải là người trí thức, thành đạt, ba mẹ của Kim cũng ép buộc con gái mình phải theo ngành y hoặc dược. “Tôi nghe lời ba mẹ, dù thật tình khi ấy chẳng biết có thích hay không, có điều trong đầu luôn nghĩ là sẽ không bao giờ làm kinh doanh. Không bao giờ!” bà Kim nói.

Sau hai năm học các môn về y khoa, Kim nhận ra hướng đi này không đúng đường mình chọn. Chương trình học rất khó, Kim nghĩ, khó mà thích thì mình ráng được, nhưng khó mà không thích thì… thua! Kim chán nản, đi… lấy chồng năm 25 tuổi, và cùng chồng làm kinh doanh cho đến nay. Chồng của bà Kim là Mục sư Gregory A. Johnson, từng sở hữu một ngôi trường, nhưng vì nhiều lý do nên phải tạm bỏ. Thấy chồng có kinh nghiệm, bà Kim khuyến khích ông mở lại trường đào tạo về ngành y. Ông chiều vợ. Thế là ngôi trường American University of Health Sciences (AUHS) ra đời. Đó là năm 1994, ngay sau khi bà Kim đổi tên thành Kim-Dang Johnson.

Gia đình bà Kim Đặng Johnson trong ngày lễ tốt nghiệp Master of Nursing của con gái bà Kim Đặng (thứ ba, từ trái). (ảnh: Kim Đặng cung cấp)

Những ngày đầu, AUHS chỉ là một cơ sở giáo dục tư nhân sau trung học cơ sở, được thành lập để đào tạo những sinh viên quan tâm đến nghề nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Và sứ mệnh này vẫn được thực hiện cho đến ngày nay, khi bằng cấp của AUHS được công nhận có giá trị tương đương với nhiều trường đại học danh tiếng khác.

Người cha của bà Kim năm nay đã 90 tuổi, ông vẫn ngày ngày đến AUHS để kiểm tra, chăm sóc hệ thống điện trong khuôn viên nhà trường của con mình. Còn người mẹ tìm nguồn vui bằng cách nấu nướng cho con cái.

“Nhà tôi ăn toàn đồ ăn Việt, kể cả ông chồng người Mỹ nhưng rất mê món Việt, các con cũng vậy, con trai lớn thích món thịt kho trứng, còn cậu út hay đòi ăn canh khổ qua bà ngoại nấu. Nhà tôi chỉ ăn cơm gia đình, mình bận thì bà ngoại nấu giúp, tụi nhỏ không thích ra ngoài ăn, do quen món bà ngoại và mẹ nấu, thức ăn ngoài quán không vừa miệng,” bà Kim kể.

Vợ chồng bà Kim có ba người con, hai trai, một gái, trong đó, cô gái giữa 23 tuổi đang theo nghề mà ông bà ngoại mong muốn, là ngành y, và học ngay ở trường của ba mẹ. Năm 21 tuổi, cô gái tốt nghiệp y tá, sau đó học lên master, và trở thành thạc sĩ y tá trong Tháng Sáu vừa qua.

“Tháng Chín năm nay, AUHS bắt đầu đào tạo tiến sĩ y tá, tôi sẽ khuyên con học tiếp và hy vọng con gái thay mình thực hiện được ý nguyện của mẹ, “ bà Kim tâm sự.

Con gái thứ hai của bà Kim Đặng, trong ngày lễ tốt nghiệp thạc sĩ y tá tại trường AUHS, Tháng Sáu, 2023. (ảnh: Kim Đặng cung cấp)

Những tấm lòng vàng

Mục sư Gregory Johnson có nhiều hoạt động giúp đỡ người vô gia cư suốt mấy chục năm. Còn gia đình Kim khi đặt chân đến Mỹ lại được một hội Công Giáo giúp đỡ để ổn định chỗ ở và cuộc sống hàng ngày, nên khi cả hai về chung một nhà, có chung chí hướng, bà Kim cùng chồng làm từ thiện.

Ở thành phố Long Beach có nhiều người Campuchia là di dân, đa số gặp khó khăn, nên gia đình bà tổ chức phát thực phẩm miễn phí cho người vô gia cư, và các gia đình khó khăn trong khu vực.

Từ năm 2011, AUHS đều mở hội chợ y tế thường niên, khám bệnh miễn phí cho hàng ngàn cư dân, hầu hết là người cao niên. Sinh viên của trường có điều kiện thực tập, phụ khám bệnh cho mọi người, các em rất thích vì làm được điều tốt cho cộng đồng, mà còn có thêm kinh nghiệm.

Hội chợ y tế do USHS tổ chức Tháng Mười 2022. (ảnh: AUHS)

Tính ra, mỗi năm AUHS tổ chức nhiều sự kiện từ thiện, mà nguồn ngân quỹ đều từ gia đình bà Kim. Ngoài chương trình phát thực phẩm, các dịp Easter, Christmas, Thanksgiving,… hàng tháng gia đình bà đều tổ chức hoạt động chăm sóc người vô gia cư, tặng quà cho các gia đình nghèo, phát đồ chơi và sách cho trẻ em, và tặng thưởng cho học sinh giỏi.

“Từ lúc mới ba, bốn tuổi, mấy đứa nhỏ nhà tôi đã theo ba mẹ đi làm từ thiện, theo bố ra công viên nói chuyện với người vô gia cư,” bà Kim kể. “Mỗi năm AUHS còn đi các nước nghèo để giúp đỡ, như Campuchia, Việt Nam, Jamaica, nhưng đi nhiều nhất là các vùng quê nghèo ở Campuchia. Chúa cho mình cơ hội, giúp được ai thì phải giúp thôi.”

Gian hàng phát sách cho trẻ em, tại hội chợ y tế do AUHS tổ chức Tháng Mười, 2022. (ảnh: AUHS)

Năm 2002, bà Kim Đặng được Trường Y khoa St. Luke ở Liberia trao bằng Tiến sĩ Danh dự về Giáo dục Y khoa. Vào năm 2016, bà được Hội đồng Y tá Da đen vinh danh với Giải thưởng Nhân đạo vì những đóng góp của bà cho các cộng đồng kém may mắn ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác.

Ngay trong việc mở trường đào tạo về ngành y, chủ đích của vợ chồng ông bà cũng nhắm tới những gia đình không mấy khá giả, học nhanh để đi làm kiếm tiền. “Tôi muốn đào tạo nghề cho sinh viên học nhanh (học liên tục, không nghỉ hè), ra trường sớm, có việc làm liền,” nhà đồng sáng lập AUHS nói.

“Học về ngành kỹ thuật, nếu kinh tế đi lên thì có việc nhiều, kinh tế xuống dễ bị thất nghiệp, nhưng y tá, hay dược sĩ thì lúc nào cũng cần. Sinh-lão-bệnh-tử, ai cũng đến lúc dùng tới thuốc men, hoặc phải vô nhà thương.”

Buổi phát thực phẩm ngày 12 Tháng Mười Hai 2022 tại AUHS. (ảnh: AUHS)

Với thế hệ trẻ, bà Kim cho biết, bà thường khuyên các bạn ba điều: Thứ nhất, phải có niềm tin, vì đây là điều quan trọng nhất, có niềm tin thì mình thất bại vẫn có thể đứng lên mà đi tiếp. Thứ hai là phải có niềm đam mê để vượt qua mọi khó khăn; và cuối cùng, điều gì mình đã thích được 70% thì ráng theo đuổi, đừng vì 30% khó khăn mà chán nản, thất vọng, thì sẽ không tới đâu.

Đó là lời khuyên của một người đã trải qua hơn 40 năm lăn lộn để vượt qua không biết bao nhiêu khó khăn, vất vả trong quá trình tạo dựng ngôi trường AUHS có được như hôm nay.

Kỳ 2: AUHS, môi trường của “Tin tưởng – Học hỏi – Sáng tạo – Thành công”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: