‘Làn sóng’ người Mỹ gốc Việt tham chính, từ ‘ao cộng đồng’ ra ‘biển lớn’

Luật sư Trần Thái Văn bắt tay những người ủng hộ trong một bữa ăn trưa nhỏ vào ngày 3 Tháng 11, 2004, mừng ông trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên đắc cử Dân biểu tiểu bang, trở thành người Việt đầu tiên được bầu vào Quốc hội California. Người phụ nữ mặc áo hồng bìa trái là nha sĩ Dư Thị Mỹ Lan, mẹ của luật sư Văn. (ảnh: Allen J. Schaben/Los Angeles Times via Getty Images)

Năm 2000, lúc đã ‘có tên tuổi, có tiền, có nhà đẹp, xe sang, tôi không muốn ra tranh cử, bon chen chi cho nhức đầu, nhưng khi đó, cộng đồng Việt Nam của mình chưa mạnh, nhu cầu có đại diện để góp thêm tiếng nói là có thật, là không thể tránh né, nên tôi đã suy nghĩ lại,” luật sư Trần Thái Văn bắt đầu câu chuyện như thế khi nhắc lại kỷ niệm về một “làn sóng” những người Mỹ gốc Việt tham chính, mà hơn một nửa trong số những người trúng cử, được ông hậu thuẫn, tư vấn, hoặc trực tiếp giúp đỡ.

Luật sư Trần Thái Văn mở văn phòng luật vào năm 1995, tại thành phố Westminster, ngay trong khu Little Saigon, nơi có khá đông người Việt làm ăn và sinh sống. Khi ấy, ông là một trong những “nhân tố sáng giá.”

Giúp cử tri đi bầu

Ông cũng là người trẻ nhất trong số nhân sĩ có uy tín trong cộng đồng, như giáo sư Trần Đức Thanh Phong, giáo sư Lưu Trung Khảo, cựu đại tá Trần Minh Công, cựu sĩ quan Không quân VNCH Nguyễn Văn Chuyên, nhạc sĩ Nam Lộc, ông Phạm Đỗ Thuận, ông Phạm Khôi,…

“Thông thường cứ vào mùa bầu cử, các chú các bác hay tới văn phòng luật sư của tôi để phổ biến thông tin liên quan đến bầu cử cho cư dân, kêu gọi ghi danh bầu cử và đến ngày bầu cử thì giải thích cho cư dân và cử tri trên radio,” luật sư Văn kể. “Những thông tin này nhằm đem lại lá phiếu và sức mạnh cho cộng đồng Việt Nam. Khi đó cộng đồng mình có Liên Minh Cử Tri Người Mỹ Gốc Việt (Vietnamese American Voters Coalition-VAVC) do tôi là giám đốc điều hành, với hàng chục thành viên rất nhiệt tình làm việc, hết lòng giúp đỡ cộng đồng.

Trần Thái Văn tại văn phòng địa phương ở Garden Grove thời gian làm phụ tá cho Dân biểu liên bang Robert Dornan. (ảnh: Trần Thái Văn cung cấp)

VAVC là tổ chức không đảng phái, dù trong liên minh đa số ủng hộ Đảng Cộng Hòa, cũng có các vị ủng hộ Đảng Dân Chủ, nhưng khi bàn về vấn đề ghi danh bầu cử hoặc khuyến khích người dân đi bầu, không ai đi vào vấn đề đảng phái, miễn sao cư dân hiểu được các dự luật, biết chọn đúng người, có nhiều cử tri đi bầu, là đạt được yêu cầu rồi!”

Vào thời thập niên 1990-2000 những người tham gia phong trào kêu gọi ghi danh bầu cử, có nhiều cơ hội để lên radio, truyền hình, để giải thích các dự luật của tiểu bang, cũng như giới thiệu các ứng cử viên. Văn phòng luật sư của ông Văn và văn phòng luật sư Nguyễn Quốc Lân kế bên là những nơi có thiết lập các bàn điện thoại để giải đáp thắc mắc cho cử tri, mỗi văn phòng có hai, ba đường dây.

“Vào các kỳ bầu cử năm 1996-1998-2000, người dân gọi vào… cháy máy luôn, họ hỏi nhiều lắm, toàn những câu căn bản. Cách đây hơn 20 năm không có chuyện bầu online hoặc bằng thư, thịnh hành như bây giờ, và cũng không có gì tự động như thời COVID-19. Nhiều cử tri gọi vào thắc mắc đủ thứ, dù mình giải thích trên radio hay truyền hình, họ vẫn chưa hiểu vì nhìn phiếu bầu là lòa mắt rồi, mà đâu phải ai cũng mở radio ra nghe giải đáp. Cũng có cô bác không biết bầu ở đâu thì cho zipcode, người trực máy lên internet tìm điểm đi bầu theo đúng zipcode, rồi thông báo cho họ biết. Nếu ai không có phương tiện thì các thiện nguyên viên tới tận nhà chở đi bầu,” luật sư Văn kể.

Tranh cử!

Ông Văn nhớ lại, dù khi đó tỷ lệ dân số người Việt sống ở Garden Grove chưa tới 25%, nhưng do nhìn thấy tiềm năng về lá phiếu và kinh tế trong tương lai của cộng đồng Việt, nên vào khoảng Tháng Tư năm 2000, Thị trưởng Bruce Broadwater và Phó thị trưởng Mark Rosen của thành phố Garden Grove (đều thuộc Đảng Dân Chủ) mời luật sư Văn đi ăn ở nhà hàng Denny’s trên Đại lộ Harbor, Garden Grove (trước chợ AA hiện tại) để… hỏi thăm, động viên ông ra tranh cử.

Cả hai vị dân cử này đều có tham dự đại nhạc hội Rock N Vote do luật sư Văn đứng ra tổ chức vào cuối năm 1999. “Họ thấy được tiềm năng sức mạnh của cộng đồng Việt chúng ta,” Văn nói. “Người Mỹ rất thực tế, và là các chính trị gia khôn khéo nên họ biết tương lai của họ lệ thuộc vào cộng đồng hoặc khối cử tri có nhiều phiếu mà họ có hậu thuẫn, có khả năng thu hút được. Lúc đó tôi rất cảm kích, vì họ tự đi kiếm mình – là người theo Đảng Cộng Hòa. Có lẽ họ cũng kiếm người của Đảng Dân Chủ, nhưng không tìm được ai sáng giá.”

Trước đó, tên tuổi của luật sư Văn được nhiều người biết tới, khi ông có thời gian làm liên lạc viên cho cộng đồng Việt Nam tổ chức Hội chợ Tết ở Garden Grove Park. Thấy Văn là người trẻ, nói thông thạo Anh ngữ và Việt ngữ, nên dù biết luật sư gốc Việt này theo Đảng Cộng Hòa nhưng không quá khích, cực đoan, mà có lập trường rõ ràng, nên thị trưởng thành phố bổ nhiệm ông với chức vụ Ủy viên quy hoạch, nhiệm kỳ 1999-2000.

Theo luật sư Văn, chức vụ này tuy có người nói “làm cho vui” nhưng khá quan trọng vì liên quan đến xây cất,  giấy phép quy hoạch, phát triển thành phố. Vào thời kỳ đó, luật sư Văn là người gốc Việt đầu tiên “có chân” trong Hội đồng Thành phố.

“Vì đã làm việc cho một số vị dân cử bản xứ trong quá khứ, thật tình tôi không muốn ra tranh cử, bon chen chi cho nhức đầu,” luật sư Văn tâm sự. “Do đã trải qua biết bao nhiêu cuộc tranh cử từ năm 1985, lúc còn học năm hai tại UC Irvine, thời điểm đó, kinh nghiệm của tôi về tranh cử là hơn ai hết, nhưng tôi biết vô con đường chính trị sẽ rất cực, không có nhiều thời gian cho cuộc sống riêng tư, chẳng những phải ‘làm dâu trăm họ’ mà là ‘mấy trăm ngàn họ’, vì thành phố Garden Grove lúc đó có tới 170,000 cư dân, nhiều gần gấp đôi thành phố Westminster về dân số.”

Nhưng sau khi hội ý với các bác, các chú, là khi cộng đồng Việt chưa mạnh hoặc tiếng nói bị vô hiệu hóa, thì cần phải có người đại diện, lúc đó Văn đã suy nghĩ lại.

Tới đây, không thể không nhắc tới hiện tượng Trần Trường – một biến cố xảy ra ngay trong lòng cộng đồng Việt nhưng không có tiếng nói đại diện diện nào trong chính trường, không có một dân cử người Việt nào đứng lên bảo vệ nguyện vọng cho cộng đồng, mà phải nhờ vào tiếng nói của các dân cử bản xứ. Vì lẽ đó, luật sư Văn, sau nhiều đắn đo suy nghĩ, đã quyết định ra thông báo tranh cử chức nghị viên của Hội đồng Thành phố Garden Grove.

Cuộc biểu tình Trần Trường, Westminster, California, ngày 21 Tháng Hai 1999 (ảnh: David Mcnew/Getty Images)

“Tôi suy nghĩ hoài, và khi quyết định rồi thì thông báo trễ lắm,” luật sư Văn kể. “Tôi nhớ hôm tôi thông báo tranh cử là chỉ còn hơn hai tháng nữa tới ngày bầu cử, nhưng chỉ ngần ấy thời gian, do được bà con ủng hộ rất nhiệt tình, nên tôi gây quỹ cũng được hơn $100,000.

Trong chín ứng cử viên cho hai ghế, một ghế là vị đương kim phó thị trưởng Mark Rosen tái tranh cử. Theo luật thì ai được phiếu cao nhất trong chín người, là đắc cử. Tôi may mắn được cư dân tin tưởng, nên nhận được số phiếu nhất, gần 18,000 phiếu, nhiều hơn ông Mark Rosen hơn 3,000 phiếu. Cô thư ký của thành phố nói tôi là người phá kỷ lục trong lịch sử bầu cử nghị viên thành phố. Tôi nghĩ từ đó đến nay chắc không có ai nhiều phiếu như thế, vì trước kia bầu cử là từ cử tri của cả thành phố, chứ chưa chia thành nhiều địa hạt như bây giờ.”

Với gương mặt tràn đầy niềm vui, ông Văn nói: “Tôi hãnh diện cho cộng đồng Việt, khi là người Việt Nam đầu tiên bước vô ‘city hall’ làm việc, thái độ của các nhân viên thay đổi, một phần họ thấy lá phiếu của mình cao quá, hai nữa, họ nghĩ người Việt làm sao có thể đắc cử, vậy mà mình làm được. Cuộc bầu cử đó là dấu ấn, là thông điệp rất mạnh cho cộng đồng bản xứ biết rằng, ‘cộng đồng Việt Nam tới thời rồi đó!’”.

Nghị viên gốc Việt của thành phố Garden Grove Trần Thái Văn đắc cử năm mới 36 tuổi. Bốn năm sau, năm 2004, ông trúng cử dân biểu tiểu bang, trở thành người Việt đầu tiên được bầu vào Quốc hội California.

Thị Trưởng Thành Phố Garden Grove Bruce Broadwater (bìa trái) và nghị viên Trần Thái Văn (giữa) trong buổi họp báo tại trung tâm hội họp Cộng đồng Garden Grove vào Thứ Tư, ngày 28 Tháng Tư 2004. (ảnh: Geraldine Wilkins/Los Angeles Times via Getty Images)

Bài học đầu tiên

“Có một nghị viên ngồi lâu trong Hội đồng Thành phố cho tôi bài học, là phải làm việc theo đội nhóm,” Luật sư Văn kể. “Ông ấy nói với tôi, ‘anh làm sao thì làm, điều gì cũng phải đếm ‘tới số 3’, mới được việc!’. Ông giải thích, lý do phải là ‘tới số 3’ vì trong hội đồng thành phố có 5 người, kể cả thị trưởng, nếu bạn chỉ ở số 2, thì không phải là đa số.

Từ đó đến giờ, trong quá trình làm việc, cũng như chính sách cá nhân, tôi luôn nghĩ chính trị dân chủ là phải làm việc như một đội nhóm trong tinh thần tương nhượng và yểm trợ lẫn nhau, thì mới đạt kết quả. Đó là một trong những bài học đầu tiên mà tôi học được khi tham gia chính trường.”  

Ông Văn giải thích thêm, ở Mỹ, trong mọi sinh hoạt, từ quốc hội Hoa Kỳ, quốc hội California, Hội đồng giám sát Quận hạt, hay Hội đồng Thành phố, nếu không nắm được đa số thì không làm được chuyện gì. Dù chính sách hay đến đâu mà không có sự hậu thuẫn tối thiểu của người “cùng phe” để đạt được đa số, thì đừng nghĩ sẽ làm được việc.

“Nhưng bài học quan trọng hơn hết, có ảnh hưởng đến ngày hôm nay, là ‘team sport’, rất đúng với cộng đồng ‘sanh sau đẻ muộn’, ‘thấp cổ bé họng’, không có tiếng nói như cộng đồng Việt Nam,” luật sư Văn nói thêm. “Nếu không biết giúp đỡ lẫn nhau thì không làm được gì. Tôi luôn nghĩ đến những người đã giúp đỡ để tôi có thể giữ được các chức vụ của thời ấy, họ đã cho mình cơ hội làm việc, từ trong văn phòng dân biểu liên bang, rồi phụ tá cho thượng nghị sĩ tiểu bang California, và trên con đường để thành nghị viên thành phố Garden Grove, biết bao nhiêu người bảo trợ, cố vấn, giúp đỡ mình, nên khi vào Hội đồng Thành phố rồi, mình tự nghĩ là phải có trách nhiệm giúp người đi sau.”

Truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” thấm sâu vào gia đình người Việt, trong đó có gia đình luật sư Trần Thái Văn, khi ông được người cha quá cố từng dạy “phải sống đúng đạo đức, lễ nghĩa”.

Trách nhiệm

Vì mỗi nghị viên đều có quyền bổ nhiệm một số chức vụ trong thành phố, nên khi trở thành nghị viên thành phố Garden Grove, luật sư Văn tiến cử hai người đầu tiên là luật sư Nguyễn Quốc Lân vào vị trí Ủy viên quy hoạch, và Ủy viên giao thông là cô Janet Nguyễn. Nhiều người gốc Việt khác cũng được luật sư Văn bổ nhiệm vào các chức vụ trong thành phố để cộng đồng có thêm tiếng nói. Không chỉ ở thành phố nơi ông đắc cử, luật sư Văn còn cố vấn, hậu thuẫn, để ông Andy Quách sau lần tranh cử năm 2000 bị thất bại, lại ra tranh cử và trúng cử chức nghị viên vào năm 2002 ở thành phố Westminster.

Cũng vào mùa bầu cử năm 2002, luật sư Nguyễn Quốc Lân khi đương nhiệm chức vụ Ủy viên quy hoạch, là… vui rồi, nên dù được mọi người động viên, ông vẫn không muốn ra tranh cử. Nhưng nhận thấy thành phố cần thêm dân cử là người gốc Việt, vào Thứ Sáu, ngày cuối cùng để các ứng cử viên điền tên tham gia ứng cử, Văn rủ Lân đi ăn trưa, sau đó “lôi” ra xe để chở tới văn phòng ghi danh bầu cử ở Santa Ana.

“Tới nơi cũng khoảng 2, 3 giờ chiều, mà văn phòng ghi danh đóng cửa lúc 5 giờ chiều, nên Lân kịp ghi danh, ra tranh cử, và đắc cử vào chức vụ Ủy viên Giáo Dục Khu Học Chánh Garden Grove,” Luật sư Văn đắc chí kể lại. “Có thể nói anh Lân là vị dân cử thâm niên nhất từ trước đến nay, từ năm 2002 cho đến bây giờ, 22 năm!”

Những năm sau đó, luật sư Văn tiếp tục giúp đỡ nhiều người gốc Việt ra tranh các chức vụ dân cử khác. Hơn một nửa dân cử tiểu bang California thành công trên con đường tranh chức đều có “dấu ấn” của luật sư Trần Thái Văn, khi được ông cố vấn, bảo trợ, hoặc giúp đỡ.

Hơn 20 năm trôi qua, bây giờ ngồi nhìn lại, vui có, tự hào có, hãnh diện có, nhưng luật sư Văn vẫn không dấu được nét buồn, khi nói về những người phản lại mình. “Nhiều người không hiểu được thế đứng của mình, lấy chuyện tư ra làm chuyện công, làm những chuyện chỉ hại cộng đồng mà thôi, đó là về phương diện đạo đức, hai nữa là họ không được huấn luyện, không được học hỏi về vấn đề chính trị. Chính trị mà mình nói là ‘chính trị dân chủ’ chứ không phải cầm súng đàn ép người dân,” luật sư Văn nói.

Luật sư Nguyễn Quốc Lân, Ủy viên Giáo dục Học Khu Garden Grove. (ảnh: Đ.Trang)

Sứ mạng

Sự dấn thân của người trẻ rất quan trọng. Trong thời gian hoạt động chính trị, luật sư Văn còn mang bên mình một trọng trách mà ông gọi là “sứ mạng”, đó là đi loan truyền tiếng nói của cộng đồng người Việt Nam. Trẻ trung, phong độ, lại giỏi giang, ông được mời đi nhiều nơi để nói chuyện, trong đó phải nhắc tới Project Ngọc – tổ chức đầu tiên của sinh viên với mục tiêu duy nhất là bảo vệ quyền lợi cho thuyền nhân tại Đông Nam Á và Hong Kong, do ông làm chủ tịch đầu tiên vào năm 1987. Những năm đó, Văn đại diện cho hội đi nói chuyện khắp nơi.

Khi giữ chức nghị viên, ông cũng được mời đi Texas, Florida, New York, Michigan, Washington,… những nơi có cộng đồng Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm. Không riêng gì cộng đồng Việt Nam, năm 2002, Văn còn được mời tham dự hội nghị đại diện các dân cử toàn quốc do tổ chức sinh hoạt dân quyền đại diện cho cộng đồng người Mỹ gốc Á Thái Bình Dương, có trụ sở tại Washington D.C., tổ chức.

Ông kể: “Tôi nhớ một bữa tối do Bộ Trưởng Bộ Giao Thông Norman Mineta đãi khoảng tám dân cử địa phương. Ông Mineta là người Nhật, sanh ở Mỹ, có bề dày kinh nghiệm hoạt động chính trị từ thị trưởng thành phố San Jose, California, cho tới dân biểu liên bang, rồi làm bộ trưởng khi chưa tới 60 tuổi. Bữa đó, vừa ăn ông vừa chuyện trò rất chân tình.

Ông nói: Với kinh nghiệm tranh đấu biết bao nhiêu thập niên cho cộng đồng Á châu, tôi khuyên các vị, dù cho các vị đắc cử ở bất cứ vị trí nào, dù cho quý vị ngồi họp trong một cái bàn gồm các viên chức Chính phủ, và dù không nói một lời nào, nhưng sự hiện diện của quý vị cũng đã làm thay đổi không khí buổi họp đó rồi.’

Sau này tôi cũng chia sẻ với các anh em, đại diện cộng đồng thiểu số gốc Á chúng ta phải có ghế ngồi tại hội nghị của các nhà lập pháp. Như lời ông Mineta, chúng ta hiện diện để tham gia quyết định chính sách, ngân sách của thành phố, của tiểu bang. Nếu không là thực khách danh dự ngồi trong bàn tiệc chính sách, thì chúng ta sẽ trở thành thực đơn trong bàn tiệc đó.”

Từ ‘cái ao cộng đồng’, phải ra ‘biển lớn’

Bây giờ, những ai có dịp đến thăm Little Saigon, sẽ được chào đón bằng hai tấm bảng “Welcome to Little Saigon”, dựng trên đường Brookhurst, mỗi bảng cách nhau 1.5 dặm, từ phía Nam và một bảng ở góc Hazard và Brookhurst, phía Bắc gần xa lộ 22. Đó được xem là “thành quả” của luật sư Văn khi ông còn giữ chức nghị viên thành phố Garden Grove.

Nhớ lại năm 1988, với tư cách phụ tá Thượng nghị sĩ tiểu bang Ed Royce, luật sư Văn đến hội đồng thành phố Garden Grove xin được ủng hộ để treo bảng “Welcome to Little Saigon” trên xa lộ 22 và 405, nhưng bị từ chối khéo. Đúng 12 năm sau, ông trở lại Garden Grove và tự nhủ, dứt khoát phải đặt được bảng ngay trong lòng thành phố.

Tấm bảng “Little Sài Gòn” được dựng lên ở Orange County chỉ là tấm biển chỉ đường nhưng có ý nghĩa biểu tượng và cảm xúc to lớn đối với nhiều thành viên trong cộng đồng người Việt. (ảnh: Alex Garcia/Los Angeles Times via Getty Images)

Trên cương vị là nghị viên, ông kêu gọi được khoảng 20 doanh gia, thương gia đóng góp để xây hai cột mốc xi măng ấn định địa giới Little Saigon. “Thời gian đó tôi rất vui vì được các chú, các bác hiểu công việc rằng mình làm, là cần có dấu mốc – sự hiện diện của cộng đồng ngay trong thành phố,” Văn cho biết. Để thực hiện việc này, ông lập ra một ủy ban gồm các doanh gia trong cộng đồng có cơ sở thương mại ở Garden Grove, hoặc có liên hệ với thành phố.

Nội dung hai bảng có nhiều ý nghĩa, được khai trương năm 2003 với một buổi lễ tưng bừng. Mặt trước tấm bảng là hàng chữ “Welcome to Little Saigon-Garden Grove-California” với ba cây trúc và lá cờ vàng ba sọc đỏ, nói lên được nguyện vọng, ước vọng của cộng đồng Việt Nam ở thời điểm đó, mặt sau có hàng chữ “Đoàn kết và Xây dựng”.  

Hai bảng được dựng lên, cộng đồng Việt Nam rất hãnh diện, vì thành phố không phải chi ra đồng nào. Sau đó, luật sư Văn gợi ý và hối thúc nghị viên Thành phố Westminster Andy Quách làm tương tự bảng chào đón như vậy. Có lẽ vì thế nên hai bảng ở hai thành phố nhìn hơi hơi giống nhau, chỉ khác huy hiệu.

“Trong cộng đồng, có một số người nghĩ môi trường chính trị đầy tiêu cực, dân cử cứ ngồi lại với nhau là cùng phe cùng đảng. Nhắc lại bài học đầu tiên của tôi, nếu phe đảng mà chưa đếm tới ba, cũng không làm được gì,” Luật sư Văn nói. “Thứ hai, đã là dân cử phải có trách nhiệm. Ngoài ra, không ai thương mình bằng chính mình. Dù ông Việt lấy vợ Mỹ biết ăn nước mắm, thích ăn phở, người vợ cũng không thể hiểu thấu lịch sử tị nạn cộng sản mà ông chồng trải qua thế nào. Đó là thực tế!

Đó cũng là lý do tôi vẫn luôn cố gắng tìm cách giúp đỡ, hỗ trợ những người trẻ nào muốn dấn thân đóng góp cho cộng đồng, trong tinh thần tương nhượng, bao dung, để giúp đỡ cộng đồng. Không thể nào ra tranh cử để ăn trên ngồi trước, là không còn nhớ gì những người từng cưu mang mình. Chuyện đó không thể chấp nhận được!”

Với thế hệ hậu duệ, luật sư Văn cho rằng nếu trước đây mọi người sinh hoạt trong “cái ao cộng đồng”, thì bây giờ người trẻ, muốn đi đường nào thì đi, phải ra dòng chính, ra biển lớn. Những năm qua, cộng đồng Việt đã thấy được sự cần thiết, quan trọng của những chức vụ mà mình cần phải có mặt, phải ra tranh cử để có cơ hội đóng góp thực tế và lớn lao hơn.

Luật sư Văn tâm sự: “Rời quê hương từ khi còn tấm bé, Việt ngữ không giỏi bằng Anh ngữ, nhưng tôi luôn tự hào, tự tin, hãnh diện mình là người gốc Việt, mang yếu tố truyền thống gia đình (là gốc rễ) và sự nuôi dưỡng (được tưới nước, chăm bón), mà sự dưỡng nuôi rất mất công sức và thời giờ. Giống như Little Saigon, để được như hôm nay, trải qua biết bao nhiêu biến chuyển và tranh đấu.  Ai cũng nói cộng đồng Việt nhỏ mà phức tạp, mâu thuẫn, chia rẽ, nhưng không thể nào phủ nhận sự phát triển của một cộng đồng, chỉ sau nửa thế kỷ. Nếu so với các cộng đồng khác, mình đã đi rất nhanh!” 

Bài viết được thực hiện từ các cuộc phỏng vấn ông Trần Thái Văn vào Tháng Tư 2023, trong khuôn khổ chương trình NỬA THẾ KỶ LITTLE SAIGON của Saigon Nhỏ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: