Có những người bạn, lâu lắm anh không gặp, nhiều người có lẽ từ ngày rời nước ra đi. Khi gặp nhau, anh và họ thường dùng những giây phút đầu, nhìn nhau từ đầu tới chân, rồi cả hai cùng thốt lên: “Trông vẫn thế, không thay đổi gì cả”, nghĩa là Việt Nam vẫn hoàn toàn Việt Nam.
Sự thật, qua nhiều năm trời xa xứ, anh và mọi người cũng không thay đổi là bao. Tuy tóc anh có nhiều sợi bạc thêm, mặt anh có nhiều nếp nhăn hơn, và dù anh có ăn nhiều bánh mì, nhiều thịt cá Mỹ hơn, nhưng cũng chẳng giúp anh giống Mỹ thêm được chút nào.
Ngay cả cách sống, khi bước vào nhà, trong nhiều năm, có thể thấy ngay những bức tranh trên tường, những tấm lịch dù có thay đổi hàng năm, nhưng vẫn là những hình ảnh muôn đời của Việt Nam. Vẫn những hàng thùy dương trên cửa Thuận An, Sa Huỳnh, Đại Lãnh, Nha Trang, Vũng Tàu…
Vẫn những đồng lúa xanh của miền Nam với sóng lúa chẫy vờn nhau tới mãi chân trời. Vẫn những con thuyền nhỏ nặng trĩu trái cây, xuôi dòng bình yên giữa hai hàng cây xanh bên bờ kinh lạch đỏ đất phù sa. Vẫn những cồn cát mênh mông, óng ả không dấu chân người. Vẫn những thắng tích: Hòn Phụ Tử Hà Tiên, Lăng Ông, Chợ Bến Thành, Thánh Thất Cao Đài, Tháp Bà, Cầu Đá, Hòn Chồng, Lăng Tự Đúc, Cột cờ Đông Ba, Suối Vàng, Hồ Than Thở, Thác Cam Ly… Còn nữa, còn thêm nữa, những cảnh Tháp Rùa, Hồ Hoàn Kiếm, Chùa Một Cột, cánh buồm trên vịnh Hạ Long…
Vẫn hình ảnh những cụ già tóc trắng như tiên, những bà mẹ hiền lòng bao la như biển cả. Những trẻ thơ ngoan ngoãn, hy vọng tựa măng non. Những thiếu nữ trong sáng bên hoa đào ngày xuân. Những nông dân say sưa đập lúa trong ngày mùa. Những dân chài mình trần bóng nhẫy, kéo lưới buổi bình minh. Những chiến sĩ phong sương, kiêu hùng. Những cô phụ với giọt nước mắt long lanh ướt chiếc thẻ bài.
Tại phòng khách, có thể tìm thấy một vài số báo Việt ngữ, với các tin tức của cộng đồng Việt Nam tại các địa phương, những tin tức từ Việt Nam, từ các nơi khác trên thế giới, những truyện ngắn, những bài thơ… Cũng không khó khăn gì khi muốn tìm một vài cuốn tiểu thuyết tiền chiến hay hiện đại.
_____________________
Gần đến bữa ăn, tiếng xào nấu trong bếp nghe rào rào. Tiếng giục giã, tiếng chuyện trò như pháo rang, vui tựa ngày giỗ, ngày Tết. Rồi mùi thơm tỏa ra, vẫn cái mùi thơm mà khứu giác anh đã quen thuộc từ thuở ấu thời, hàng ngày, hàng bữa khi tan học về, chờ bữa cơm chiều.
Nếu không ăn ở nhà, đầu óc mọi người thường tự động nghĩ ngay đến các quán ăn Việt Nam hay Tàu. Anh quên hẳn các tiệm ăn Mỹ đầy rẫy hai bên đường, ngày hai buổi đi làm vẫn đập vào mắt anh. Tại các tiệm Việt Nam, vẫn những thực đơn tiếng Việt, vẫn những món ăn như thuở nào. Vẫn những chủ quán tiếp khách như tiếp người nhà và vẫn những câu chuyện ngồi chờ cà phê nhỏ giọt ngày xưa.
Những diễn biến và cách sống hàng ngày đó tiếp diễn liên tục không ngừng đã giúp anh và mọi người vẫn sống với cách sống Việt Nam. Các câu chuyện tình tự vẫn Việt Nam, các nhu cầu vẫn Việt Nam, ý nghĩ vẫn Việt Nam. Con người toàn diện của anh và đồng bào anh với thể xác vẫn Việt Nam, đầu óc vẫn Việt Nam và nhất là trái tim vẫn hoàn toàn Việt Nam.
Đi ngoài đường hay trong đám đông, nhiều người có thể nhận ra anh là người Việt Nam. Nhất là cái họ của anh vừa khó viết lại vừa khó đọc, nhưng họ biết ngay nó là của Việt Nam và chỉ Việt Nam mới có.
Anh nghĩ rằng, cho dù anh và đồng bào anh có sống ở đây đến trăm năm, ngàn năm đi nữa cũng không có thể làm mất cái chất Việt Nam đi được. Mọi người như anh đã được tôi luyện trong cái khí thiêng của sông núi, trong cái hào khí của tiền nhân. Cái chất sắt đá của Việt Nam đó đã được đem thử với bao ngọn lửa độc bạo tàn, ngàn năm của Bắc phương, trăm năm của Tây phương, rồi sự đồi trụy của Tư Bản, sự bần cùng hóa của Cộng Sản, nhưng mọi người vẫn lì, vẫn trơ, vẫn ngạo nghễ, vẫn tung hoành dù có bị tản mác khắp nơi, và có dù bị nhồi lên dìm xuống.
_____________________
Việt Nam, không những chỉ là tiếng nói khi vào đời, cho tới khi lìa đời, như trong một bài ca nào đó, mà Việt Nam tiếng ấy ngày nay đã được mọi người trên thế giới nhắc đến hàng ngày, hàng tuần trên đài truyền thanh, truyền hình, trên báo chí, trên miệng mọi người khác giòng giống với anh.
Anh nghĩ rằng hai tiếng Việt Nam sẽ không bao giờ bị lãng quên trong đầu óc của nhân loại. Mỗi lần họ thốt lên, họ viết ra, anh được nghe thấy, anh được nhìn thấy là một lần anh được đánh thức anh là người Việt Nam.
Việt Nam được nhắc đến khi trẻ em Việt đứng hàng đầu tại các học đường anh thấy hãnh diện. Việt Nam được nhắc đến khi đồng bào anh vượt biển bị hải tặc lộng hành, anh thấy căm phẫn, xót thương. Và khi Việt Nam bị đem ra bôi xấu, đe dọa, anh lại càng cảm thấy cần có sự hiện diện của mọi người để chặn đứng cơn lốc, để làm sáng danh lại hai chữ Việt Nam.
Việt Nam, tất cả đã thường trực trong không gian anh thở, trong thời gian anh sống. Từng giây, từng phút đã giúp anh nối chặt với đồng bào anh tại các tiểu bang của Hiệp Chủng Quốc, với đồng bào anh khắp thế giới, với quê hương xa cách ngàn trùng, với những người ở lại, với những người đã nằm xuống và với tiền nhân vẫn theo anh phảng phất đâu đây.
Anh và mọi người đang đứng ở biên cương mới, đang đứng ở đầu ngọn gió, lại càng phải đứng vững hơn bao giờ hết. Anh và mọi người càng phải thấy mình là Việt Nam hơn nơi nào hết và hơn lúc nào hết.
*****
Trong lúc mọi người đang ngồi ở bàn ăn, tiếp nhau từng miếng, khen nhau từng câu, hàn huyên những chuyện ngày xưa; thì có tiếng trẻ lao xao bên ngoài, tiếng cửa mở mạnh và tiếng chân chạy xầm xập lên lầu như đàn ong vỡ tổ. Việt Nam đã và đang thay đổi bắt đầu từ đây, ở những người Việt Nam thơ dại nầy. Chúng đến chào cha mẹ và bạn bè anh. Vẫn bằng tiếng Việt với những ngôn từ thông dụng. Da chúng vẫn vàng, tóc chúng vẫn đen, mắt chúng vẫn nâu. Có cái gì thay đổi?
Khi chúng nói chuyện với nhau, với bạn bè của chúng, chúng nói bằng tiếng Mỹ. Cử chỉ của chúng đã thấy tự do hơn. Chúng đã thích hamburger, french fries, pizza, fried chicken… hơn là đi ăn những món ăn ở nhà hàng Việt Nam hay Tàu. Thỉnh thoảng, đưa chúng đi xem đại nhạc hội Việt Nam, các danh hề chọc cười, chúng ngồi yên như mấy người Mỹ ngồi chịu trận vì quá nể lời bạn đi xem người Việt trình diễn văn nghệ. Nhiều bài hát, chúng đã không nghe được và không thấm được ý. Đọc truyện Việt Nam đã bắt đầu không hiểu, chưa nói đến các vấn đề khác trên báo chí.
Nhưng khi nghe những truyện “joke Mỹ” trên tivi, chúng cười như nắc nẻ. Báo “comics” chúng mua chất đống trong nhà. Vài năm nay, rủ được chúng đi đến các buổi văn nghệ, tế lễ, chùa chiền là một chuyện khó khăn. Đó là chưa đo lường được xem trong đầu óc chúng, trong trái tim chúng, đã thay đổi như thế nào. Nếu đem so sánh với một đứa trẻ ở Việt Nam cùng tuổi thì chắc chắn có những sự khác biệt hiển nhiên; và có thể nó đã vượt quá xa so với mọi người thường nghĩ.
Một người bạn cho biết, đã không lấy làm ngạc nhiên lắm, khi có một số đông trẻ em Việt Nam chiếm ưu hạng tại bậc trung học. Anh nghĩ rằng, nếu đem so sánh hai nền giáo dục tiểu học, trung học và cách học của học sinh của Việt Nam và Hoa Kỳ thì có nhiều điểm khác nhau, và nếu đem được các trẻ em còn kẹt lại sang được đây, sĩ số ưu hạng còn có thể cao hơn nhiều so với các sắc dân khác. Nhưng nhìn về con đường dài, nhiều người tự hỏi, không hiểu các học sinh đó có giữ được phong độ đến cuối chặng đường như các trẻ em Mỹ ở đây không?
Nhưng dầu sao thành tích đó, trong một thời gian kỷ lục, đã khiến nhiều nhà giáo dục Hoa Kỳ lên tiếng đòi xét lại nền giáo dục tại đây. Báo chí, tại các địa phương, mỗi năm mãn khóa đều đăng những bài báo, hình ảnh sinh viên, học sinh Việt Nam xuất sắc gần như một cách định kỳ. Một tờ báo lớn trong vùng anh ở, đăng liên tiếp mấy ngày liền, nói về thành quả của học trò Việt Nam. Anh đọc bài và nhìn hình hai em học sinh ưu tú, gương mặt hai em tỏa ra sự tự tin rạng rỡ. Anh tin rằng, những học sinh Việt Nam nầy sẽ còn chiếm ưu hạng trong những năm tới ở bậc đại học.
Nhưng có một đoạn trong bài báo đó ghi lại lời phát biểu của một em làm anh suy nghĩ: “Tôi đã ở đây nhiều năm và tôi cảm thấy tôi là người Mỹ. Tôi nói tiếng Mỹ thạo hơn tiếng Việt”.
Rồi một ít năm nữa đây, con cháu của anh và đồng bào anh sẽ sống ở đây lâu hơn, sẽ là hai mươi năm, ba mươi năm, bốn mươi năm… Chúng ta cũng đừng ngạc nhiên khi những đứa con mà chúng ta đem từ lòng quê hương đi, chúng sẽ không nói đến cái cảm nghĩ nữa, không nói đến sự so sánh nữa, mà thẳng thắn phát biểu: “Tôi là người Mỹ, tôi không nói được tiếng Việt”.
Anh chưa dám nghĩ tới các thế hệ thứ hai, thứ ba, những trẻ em được sinh trưởng ở đây, những người Việt Nam chưa một lần được nhìn thấy quê hương, chưa một lần đặt chân lên mảnh đất của tổ tiên đã rời bỏ. Càng nghĩ anh càng cảm thấy ê ẩm trong lòng. Anh đem chuyện trên thảo luận với một số bạn, trong đó có người không phải là Việt Nam, họ đều qui trách nhiệm cho cộng đồng, cho những người lớn chúng ta và chính anh cũng lãnh một phần trong đó.
_____________________
Một ngày cuối tuần, anh ra thư viện thành phố. Trong cái rừng sách tràn ngập, anh muốn lần theo vết chân của các sắc dân Á Châu giống như anh, đã đến đây từ thế kỷ trước. Anh muốn xem họ và con cháu họ đã bắt đầu từ đâu, đã đi được đến đâu và qua chặng đường dài đó, họ đã thay đổi như thế nào? Họ có còn giữ được giấc mơ lúc ban đầu không? Anh nói chuyện với người quản thủ thư viện về ý định của anh. Một lúc sau họ mang đến cho anh hàng chồng sách. Trong cái yên lặng trầm ngâm, anh chọn ra mấy cuốn và lần giở từng trang…
Về người Nhật, anh thấy cuốn “Nisei” (thế hệ thứ hai của Nhật Bản), cuốn sách nầy được tái bản ít nhất là ba lần. Tác giả Bill Hosohawa trong chương “The Search for Identity” (Đi tìm bản sắc) đã viết về Nisei những mẩu chuyện như sau:
Những Nisei, được sinh trưởng ở đây, là công dân Mỹ có máu Nhật, họ đang đi tìm bản sắc cho chính họ. Các Isei (thế hệ đầu di dân Nhật) thì băn khoăn về tương lai của con cháu họ, không biết có những gì không hay sẽ xẩy ra cho các Nisei sau này”.
Trong chương này, một thiếu niên Nisei đã nói về đời sống hòa hợp giữa hai nền văn hóa trong gia đình của em như sau:
Đời sống trong gia đình tôi là một sự hỗn hợp kỳ dị giữa Đông và Tây. Tôi ngồi ăn bữa điểm tâm Mỹ và ăn bữa trưa của Nhật. Phần ăn của tôi được khai triển dị thường giữa cơm, thịt bò và bắp cải. Tôi đã thành thạo trong việc dùng dao, nĩa và đũa như nhau. Tôi đọc lời nguyện bằng tiếng Nhật trước mỗi bữa ăn, và đọc kinh bằng tiếng Anh trước khi đi ngủ. Ngày lễ Giáng Sinh, tôi treo vớ trên lò sưởi; ngày đầu năm của Nhật, tôi nướng bánh dày và thưởng thức một cách ngon lành. Tôi nói với cha tôi bằng tiếng Anh, bằng tiếng Nhật hay bằng một thứ tiếng hỗn hợp lạ lùng mà tôi cảm thấy tiện lợi.
Nisei này đã đi đến một sự dung hòa tuyệt diệu, bình thản giữa hai nền văn hóa trong đời sống của em. Một cuộc đời mà em vừa phải sống để tranh đua với xã hội bên ngoài, vừa phải sống để giữ gìn các phong tục, nối tiếp với thế hệ trước em.
Nhưng tác giả cho đây không phải là một trường hợp bình thường, điển hình cho tất cả Nisei đang gặp phải trong đời sống của họ. Tác giả viết tiếp:
Nhiều thiếu niên Nisei Nhật đã được dạy từ thuở ấu thời, họ sẽ là nhịp cầu nối qua Thái Bình Dương giữa hai nền văn hóa Đông và Tây, giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, giữa nơi họ sinh trưởng và di sản của tổ tiên. Nhiều Isei nghĩ rằng, con họ sẽ không bao giờ chấp nhận nhập vào đời sống Mỹ một cách hoàn toàn, nên dạy cho các Nisei một số hiểu biết về Nhật Bản và khuyến khích Nisei về thăm lại quê hương.
Trong một chuyến về thăm Nhật được tổ chức năm 1925 cho các Nisei, một thiếu nữ đã phát biểu sự bối rối của cô về tương lai trong một buổi tiệc do các nhà lãnh đạo Nhật thết đãi:
“Tôi kính trọng nước Nhật, đó là đất của tổ tiên tôi, nhưng tôi không biết gì về nước Nhật, tôi không nói được tiếng Nhật, mặc dầu chúng tôi có những khó khăn tại Mỹ, tôi vẫn yêu nước Mỹ. Tôi muốn hết lòng phụng sự đất Mỹ hơn.”
Để đáp lời, vị Đô đốc chủ tọa đã ôn tồn nói với cô:
“Cô hãy trở về Mỹ để trở thành một người học trò giỏi nhất, một chuyên viên tốt nhất trong ngành cô chọn, một người vợ thảo nhất khi cô lập gia đình, một người mẹ hiền nhất và một người công dân Mỹ tốt nhất như cô muốn. Tôi chắc rằng, nước Mỹ sẽ vui lòng được có cô, và chúng tôi ở Nhật cũng sẽ hãnh diện vì cô đã tỏ ra là một công dân tốt của Hoa Kỳ.”
Sau đó, nhiều chính giới Nhật cũng khuyến khích cô thành một công dân tốt nơi cô sinh trưởng và họ còn khẳng định: “Không ai có thể sống tích cực và thành công được khi mà lòng trung thành còn bị phân xẻ.”
Đó là lời lẽ của các nhà lãnh đạo trong buổi lễ chính thức. Nhưng trong thời gian cô lưu lại Nhật, làm việc cho một cơ quan văn hóa quốc tế tại Tokyo, cô đã nhận chân ra mặt trái của sự thật, và cô đã mạt sát thậm tệ:
“Hầu hết các nhà giáo dục và lãnh đạo Nhật đều tồi tệ. Họ khinh bỉ Nisei về lối sống Mỹ và sự thiếu hiểu biết về văn hóa và nghi lễ Nhật. Họ coi Nisei không có khả năng nói tiếng Nhật đúng cách và chỉ là con cháu của giai cấp bần nông thấp kém đã phải bỏ xứ đi tha phương cầu thực”.
Ít lâu sau, cô trở về Mỹ. Cô đã bị dân Nhật ghét bỏ. Cô đã mạt sát họ và trớ trêu thay dù cô có tuyên bố yêu nước Mỹ đến thế nào, thì 20 năm sau, chắc gì cô đã thoát khỏi cảnh bị chính quyền Mỹ đưa vào trại tập trung khi hạm đội Nhật tấn công Trân Châu Cảng trong Thế chiến thứ hai. Kiếm việc làm ở Mỹ thì bị khó khăn vì nạn kỳ thị; khi trở về Nhật, muốn phục vụ, lại càng khó khăn hơn, khi muốn tìm một chỗ đúng.
Nhiều Nisei tình nguyện về thăm, theo các chương trình khảo cứu hay du học ở Nhật. Họ đã nhiễm văn hóa Mỹ, nên gặp nhiều khó khăn để điều chỉnh cách sống, đó là chưa kể đến sự khinh thị, nhạo báng của những người cùng dòng máu với họ. Những điều đó khiến các Nisei chán ghét Nhật Bản đến nỗi họ đếm từng ngày để trở lại Hoa Kỳ.
Một số Nisei thuộc tuổi học trò đã được cha mẹ gửi về Nhật sống với ông bà hay thân thuộc để được thụ huấn khuôn mẫu của Nhật. Những Nisei này đang học dở dang nền giáo dục Hoa Kỳ, nay lại phải hướng về nguồn gốc Nhật. Vì các Nisei là công dân Mỹ, nên đến tuổi trưởng thành họ trở lại Hoa kỳ với ước vọng của cha mẹ là con mình còn giữ được bản chất của người Nhật.
Nhưng oái oăm thay, khi về Mỹ, họ lại thấy hoàn toàn không hợp với các Nisei cùng lứa tuổi ở Mỹ. Họ cảm thấy lạc lõng, y như lúc ở Mỹ về Nhật. Cảm nghĩ của họ bây giờ theo lối Nhật, tiếng Mỹ lại cặp quặng. Họ lại trải qua bao khó khăn, không biết đến bao giờ mới nhập lại được vào đời sống Mỹ, cùng với các Nisei khác. Thành thử, suốt đời họ gặp toàn cảnh bối rối, luôn luôn lo điều chỉnh cuộc sống, luôn luôn tìm hiểu mình là gì trong đám người mình muốn nhập bọn.
Anh nhớ đến mấy hôm trước đây, một Sansei (người Nhật thuộc thế hệ thứ ba) đến thuyết trình về đề tài sự hội nhập văn hóa của người di dân. Sau phần trình bày, một câu hỏi được đặt ra cho Sansei này là: “Anh nghĩ thế nào về nước Nhật, anh có hãnh diện về nền kinh tế hùng cường của Nhật không?”. Sansei này thản nhiên trả lời: “Tôi không có cảm nghĩ gì cả.”
_____________________
Nói về người di dân Trung Hoa, trong cuốn “The Story of Chinese in America” (đã được tái bản nhiều lần), tác giả Betty Lee Sung đưa bốn mảnh đời trong chương “Joining the Mainstream” (Nhập vào dòng chính) như sau:
Cô Lila Huey, sinh tại Mỹ, đã nổi giận khi mọi người gọi cô là Tàu. “Đừng gọi tôi là Tàu, tôi là Mỹ. Cha tôi tuy sinh ra ở Trung Hoa, nhưng đã ở đây trên ba mươi năm. Mẹ tôi sinh ra ở xứ sở này và chúng tôi đã là công dân Mỹ. Tôi không có liên hệ gì với nước Trung Hoa và điều làm tôi khó chịu khi có người hỏi tôi “cô là Tàu hay Nhật”. Tôi thường trả lời bằng cách hỏi ngược lại, “Ông là người Ý, người Hy Lạp hay người gì?…
Lila sau này tốt nghiệp University of Washington, Seattle, và tìm được việc một cách dễ dàng. Lần đầu tiên trong đời, cô cảm thấy không phải là người Mỹ hoàn toàn, khi cô bắt đầu yêu một thanh niên Trung Hoa. Cô thú nhận: “Tôi muốn kết hôn với người cùng giòng giống tôi. Tất cả những thanh niên khác trong vùng Seattle và Porland mà tôi quen ở đại học đều không hợp với tôi”.
Harry Dear không để ý khi bị người ta gọi là Tàu. Anh ta nói: “Tôi là Mỹ. Tôi hãnh diện về dân tộc tôi, về di sản của tổ tiên tôi. Tôi tới Mỹ từ lúc còn bé, lớn lên ở chợ Tàu New York. Tôi không nói được tiếng Mỹ trước khi tôi đi học trường công. Mẹ tôi góa chồng. Mẹ tôi đi may thuê để nuôi tôi. Mẹ tôi không nói được một tiếng Anh nào, ngay cả bây giờ cũng thế. Tất cả bạn bè tôi ở chợ Tàu đều nói tiếng Anh theo kiểu “chop sui”. Tôi không bao giờ được điểm cao quá “C” về Anh văn. Khi vào đại học, tôi vẫn còn bị bạn bè cười vì tiếng Anh “chop sui” của tôi cứ vô tình tuôn qua cửa miệng”.
Sau này, Harry trở thành một kỹ sư trưởng trong một công ty.
Raymond Eng, tốt nghiệp Đại học Tôn Dật Tiên tại Quảng Đông. Đến Mỹ năm 1937, anh làm báo để truyền bá tư tưởng quốc gia và chống cộng sản. Anh tham gia cộng đồng, họp mặt với các lãnh tụ trong chợ Tàu. Anh được mọi người kính nể và thường giữ vai trò hòa giải và cố vấn cho cộng đồng. Sau này, anh bỏ nghề làm báo và chuyển sang địa hạt địa ốc, bảo hiểm, thuế, thông dịch. Anh kết hôn với Tze Chun, nữ sinh viên Trung Hoa du học bị kẹt lại khi Trung Cộng chiếm lục địa. Cả hai sau này trở thành công dân Mỹ, nhưng cứ đến ngày Song Thập, anh đều lên diễn đàn hô hào đuổi cổ Cộng Sản ra khỏi Trung Hoa yêu dấu của anh.
Man Fook Liu, theo chân cha đi tới Mỹ để tìm vàng. Giấc mơ của Man Fook Liu là làm việc cật lực, để dành từng xu và trở về Tàu với túi đầy vàng. Trước khi anh đi, gia đình cưới vợ cho anh. Anh đã có một con trai để nối giõi và là một cái cớ để nhắc anh phải trở về. Anh tới Mỹ, như lời đã hứa, làm không nghỉ và mong kiếm được một mớ để trở về quê hương. Nhưng giấc mơ đó đã không bao giờ tới.
Túi mãi không đầy vàng và Trung Hoa thì mất vào tay Cộng Sản. Anh cố tìm cách gửi tiền về nhà, nhưng được tin vợ anh đã chết từ lâu, còn con anh chạy lạc sâu vào nội địa, khi bị Nhật Bản chiếm. Hiện giờ Man Fook Liu đã hơn sáu mươi tuổi, không biết mình có nên trở lại quê hương nữa hay không, và cũng không biết mình muốn gì bây giờ. Còn tương lai thì chỉ mong khỏi mất cái việc phụ thợ giặt mà ông đang làm.
Bốn hình ảnh trên, tác giả nêu ra tượng trưng cho các di dân Trung Hoa tại Mỹ. Lila mong mỏi hoàn toàn đổi thành Mỹ. Harry thành công khi hội nhập vào xã hội Mỹ và vẫn tự hào về nguồn gốc của mình. Raymond gắn liền đời mình với cộng đồng. Anh phục vụ cộng đồng và tìm sự kính nể ở đó. Còn Man Fook Liu là một kẻ tạm lưu cư, dù rằng đã sống gần trọn đời tại Mỹ, nhưng đầu óc và tâm hồn vẫn không rời Trung Quốc…
_____________________
Về người di dân Phi Luật Tân, trong cuốn “Asian American – Psychological Perspective” gồm nhiều bài nghiên cứu của giáo sư tại các đại học do Stanley Sue, Ph. D và Nathaniel N. Wagner, Ph. D biên soạn. Tác giả Fred Cordova đã phẫn nộ trong chương “Filipino Americans: There’s Always an Identity Crisis” (Người Phi-Mỹ luôn luôn có một khủng hoảng bản sắc) như sau:
Rất nhiều người Mỹ, không phải chỉ có Mỹ trắng không biết đến người Phi, và một điều đủ để ngạc nhiên là chính người Phi cũng không biết họ là gì nữa. Có hai điều hiển nhiên là có những định chế kỳ thị trong xã hội người da trắng và sự tự quên dần mất bản sắc của chính người da nâu.
Người Phi tự gọi họ là người da nâu, không giống như những dân da vàng của Á Châu như Tàu và Nhật. Nhiều năm trước, trong các cuộc thống kê dân số, họ thường bị đặt vào loại “other” – người khác) trong loại “Oriental or other” (người Phương Đông hay người khác). Phi Luật Tân có 87 ngôn ngữ chính và hầu hết di dân Phi đều có tên lấy theo chữ Tây Ban Nha. Họ cứ bị nhầm lẫn hoài: khi thì Nhật, khi thì Tàu, khi thì Hạ Uy Di, khi thì dân da đỏ, khi thì Mễ Tây Cơ… Khi thì là dân da đen vì màu da sậm và cùng có thị hiếu như thích nghe nhạc dậm dật, khi thì da trắng vì có tôn giáo, học vấn và đời sống giống họ.
Sự nhầm lẫn nầy đã khiến một giáo sư người Phi tại Seattle University nói:
“Tôi luôn luôn bị vật lộn với sự khủng hoảng bản sắc. Khi thì tôi là người Phi Mã Lai, khi thì là người Phi Tây Ban Nha, rồi lại là người Phi Mỹ và sau này thì lại là người Mỹ Phi”. Cuối cùng, giáo sư này phải nổi quạu: “Nhưng, hãy nhớ có một sự bất biến là cha mẹ tôi, các con tôi và tôi đều được tạo ra từ Adam và Eva. Để tóm lại, tôi nghĩ tôi là người Mỹ Phi da đen-Mã Lai-Đông Dương-Tây Ban Nha-Nhật… và tôi là loài người!”
_____________________
Anh không có thì giờ đọc hết chồng sách mà người quản thủ thư viện đưa cho anh. Anh biết rằng trong đó có biết bao nhiêu cuộc đời của những người di dân, tị nạn từ bên kia Thái Bình Dương đến. Có những giấc mơ đã thành, nhưng có bao nhiêu giấc mơ tàn lụi theo cuộc đời của họ. Có bao nhiêu tấm lòng hoài vọng cố hương, về miền Dương Tử, về miền Tô Châu, về miền Hoa Nam của lục địa, và những hòn đảo đầy hoa đào trên biển Nhật Bản lạnh giá hay trên biển Nam Hải nắng ấm xa xưa…
Tối đó, anh trở về nhà, nằm thao thức không ngủ. Nghĩ đến ngày trở về quê hương, sao mà thấy khắc khoải; có lúc, biết bao nhiêu người đều muốn rời bỏ quê hương; “ngay cả cái cột đèn nếu biết đi còn muốn bỏ nước ra đi”, tự nhiên anh thấy thấm đau hơn. Anh nghĩ đến những đứa con anh đem đi từ bên kia Thái Bình Dương, và những đứa con của chúng sau này. Chúng sẽ là cháu, là chắt… của anh.
Chúng có sẽ bị trận cuồng phong kéo đi mất hay không? Chúng có còn muốn giữ nguồn gốc không? Chúng có tìm được bản sắc của chúng không? Chúng có bị bỏ quên không? Chúng có bị nhìn lầm không? Chúng có thể hội nhập vào dòng chính mà vẫn tự hào về di sản của tổ tiên? Chúng có còn muốn trở về quê hương Việt Nam không? Chúng sẽ là kẻ lạ trên chính quê hương của tổ tiên chúng?
Ngay cả chính anh nữa, anh vẫn tin là anh vẫn không thay đổi so với ngày rời nước ra đi, nhưng chắc chắn đời sống vật chất và sinh hoạt mấy chục năm qua ở quê hương thứ hai này cũng đã ảnh hưởng đến anh và mọi người không ít. Trong khi đó, những người ở lại có còn giống nhau như trước ngày mình rời nước ra đi hay không? Những cảm nghĩ của họ và của anh có còn giống nhau sau hàng mấy chục năm trời xa cách? Nhất là chưa nói đến những người thù nghịch miền Bắc đã gây nên biết bao thù hận, không hiểu đã gột rửa được những u mê chủ nghĩa giáo điều, chừng nào thoát khỏi cái kiếp tôi đòi Bắc phương, và đưa đất nước vào quỹ đạo của thế giới tự do?
Thế giới ngày càng nhỏ hẹp lại, nhưng cái khoảng cách giữa anh và con cháu anh ngày càng cách xa hơn.
Anh không muốn nghĩ thêm nữa, và choàng dậy gọi điện thoại cho một người bạn. Người bạn này thân với anh hồi còn trung học, sau này thành giáo sư, suốt đời chỉ vùi đầu vào những chồng sách cổ. Người bạn mà được anh coi như một cây tra cứu, mỗi lần anh muốn tìm dấu vết của các vấn đề cổ xưa. Sau khi sang đây, bạn anh vẫn say mê với cái thú đó; sách vở tàng trữ trong nhà ông như một cái thư viện nhỏ.
Người bạn bị đánh thức, càu nhàu, nhưng khi nghe anh đề cập đến vấn đề đi tìm bản sắc, bản chất và nguồn gốc của người Việt, thì anh ta tỉnh hẳn ngủ. Như một cái máy, anh ta trở ngược lại bốn ngàn năm. Từ cái thuở rồng tiên gặp nhau, đời Xích Quỷ, Kinh Dương Vương, gặp Long Nữ, từ dấu chân Bách Việt, Tây Tạng theo sông Hồng Hà đi xuống, từ Nam Dương vượt biển đi lên… miên man bất tận đưa anh xuôi đường vào dòng lịch sử.
Anh phải chặn ngay bạn lại, vì sợ bạn kéo dài hết đêm và nghĩ đến ngày mai cả hai phải dậy sớm đi làm. Anh ngỏ ý là anh muốn tìm lại hình ảnh của người Việt Nam với bản sắc, bản chất từ những tài liệu đáng tin cậy để anh và con cháu có thể giữ được ở cái đất nước nầy. Thế là ông bạn khảo cổ của anh có công việc làm, và đó lại là một trọng trách nữa. Tự nhiên anh thấy thương bạn, đôi kính dày, cặm cụi, hăng say…
Chắc cả đêm nay, nếu có chợp mắt được lúc nào, thì hồn ông ta sẽ bay bổng về thời Văn Lang, Hồng Bàng qua Đinh, Lê, Lý, Trần… hay lẩn quẩn bên các kệ sách trong phòng. Anh mong bạn, ngày mai đầu óc đừng có để đâu đâu, đến sở làm nhìn việc này ra việc khác thì phiền lắm.
*****
Hai hôm sau, khi đi làm về, nghe tiếng điện thoại, anh chắc là của bạn. Khi anh vừa lên tiếng trả lời thì bạn anh bắt đầu ngay như một bài luận thuyết:
“Tôi muốn nói với ông điều này, trước khi đi tìm bản sắc cho con ông, cho cháu ông, cho chắt ông và cho cả ông nữa, để khỏi bị nhận lầm, để sống và có thể ngẩng mặt được ở xứ nầy, để có thể hòa hợp với những người Việt trên thế giới được, thì phải bàn đến mấy vấn đề căn bản trước.”
“Nói đến bản sắc thì phải nói đến văn hóa, văn hóa và bản sắc thường đi liền với nhau, văn hóa tạo ra bản sắc và bản sắc duy trì văn hóa. Cho nên phải biết bản sắc và văn hóa là gì. Còn tài liệu Việt Nam mà tôi nghĩ ông có thể tin cậy được là của hai học giả Trần Trọng Kim và Đào Duy Anh.”
“Trước hết nói về văn hóa, xem Mỹ định nghĩa ra sao. Theo E.B. Taylor, một nhà nhân chủng học hiện đại trong cuốn Primitive Culture 1981:
“Văn hóa là một tổng hợp hỗn tạp gồm kiến thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, luân lý, luật lệ, phong tục và những khả năng khác cùng tập quán đòi hỏi ở một người để thành một phần tử của xã hội đó.”
Theo James A. Bank, một nhà đa chủng học, trong cuốn Social Education 1983, đưa đến định nghĩa gần với bản sắc hơn:
“Văn hóa là những giá trị, những biểu tượng, những cách sống, những định chế do con người tạo ra để phân biệt giữa những nhóm người này với nhóm người khác.”
Theo học giả Đào Duy Anh, trong cuốn Việt Nam Văn Hóa Sử Cương 1938, trong chương “Văn hóa là gì?” ông đi đến một định nghĩa rất là giản dị và bao quát sau khi đưa ra các dẫn chứng:
“Hai tiếng văn hóa chẳng qua là chỉ chung tất cả các phương diện sinh hoạt của loài người cho nên ta có thể nói rằng: Văn hóa tức là sinh hoạt.”
Anh sợ bạn đi từ định nghĩa này đến định nghĩa khác, sẽ bỏ bữa cơm chiều. Anh định ngắt lời nhiều lần, nhưng không được. Bạn anh cũng hiểu ý và chặn ngay: “Ông đã biết rằng một nền văn hóa được tạo thành cũng phải trải qua hàng trăm, hàng ngàn năm. Khi nói chuyện về văn hóa và bản sắc mà ông vội vàng như thế làm sao thảo luận được. Ông cũng biết tạo ra con người thì dễ, nhưng cho con người đó có một bản sắc riêng biệt không phải là một chuyện trong thời gian ngắn.
“Phải biết kiên nhẫn, phải biết bắt đầu đi từ đâu, phải biết những gì mình cần bỏ đi và cần tìm thêm.”
“Ông có biết văn hóa của chúng ta có những đặc tính gì không? Trong chương tổng luận cuốn Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, học giả Đào Duy Anh đã nêu ra năm đặc tính của nền văn hóa Việt Nam:
“Thứ nhất văn hóa lấy nông nghiệp làm nền móng.
“Thứ hai lấy gia tộc làm cơ sở, cá nhân chìm trong gia tộc.
“Thứ ba là an cư lạc nghiệp, ưa chuộng hòa bình, không muốn cạnh tranh.
“Thứ tư là lưu tự, lưu truyền dòng giống, tiếp nối sự nghiệp tổ tiên.
“Thứ năm là thường tồn, không thay đổi, quá khứ lẫn trong hiện tại.
“Cũng theo học giả, năm đặc tính kể trên đã có một kết quả tốt trong cái xã hội nông nghiệp. Sau đó bị va chạm với nền văn hóa “động” của Tây Phương, của kỹ nghệ thì cái văn hóa “tĩnh” của chúng ta đã bị lung lay, không thể đứng vững được, mà phải biến đổi. Đến nay, ông thử nghĩ xem, không phải mình chỉ có va chạm, mà mình bị bật gốc, bị đem đi khỏi cái nền móng cũ, sống lạc lõng trong một xã hội điện tử, thành dân thiểu số trong đa số thì ông sẽ tưởng tượng mình sẽ phải ứng biến đến mức độ nào. Thôi tôi sẽ nói ngay về bản sắc và tìm cho ông hình ảnh của người Việt Nam mà ông muốn tìm.”
“Nhưng ông có biết bản sắc được định nghĩa là gì không? Tôi có ba cuốn tự điển tiếng Việt trong nhà. Trong cuốn của hội Khai Trí Tiến Đức, tôi tìm không thấy. Cuốn của Lê Ngọc Trụ và một số tác giả thì “Bản sắc là màu sắc tự nhiên của một vật, màu sắc tượng trưng tính chất của một sự việc, một người: bản sắc quốc gia, bản sắc nghệ thuật.” Trong cuốn Hán Việt Tự Điển của Nguyễn Văn Khôn thì “Bản sắc là chân tướng “và “chân tướng là bản tướng tướng mạo thật”.
“Những định nghĩa này thật sơ sài, có lẽ vì trước kia chúng ta sống trên đất nước của mình nên vấn đề này không được đặt nặng.”
“Hãy lấy một định nghĩa có tính cách khoa học hơn trong cuốn tự điển The American Heritage Dictionary thì chữ “Identity” là “Toàn bộ phẩm hạnh hay nhân cách mà một cá nhân được thừa nhận là phần tử của một nhóm người.”
“Ông đã biết những định nghĩa trên thì đi tìm hình ảnh của người Việt Nam cũng không khó khăn lắm. Từ xưa, người Việt vẫn tin mình là giống dân Giao Chỉ. Lúc tôi còn nhỏ, khoảng 11 tuổi, họa hoằn tôi thấy được một vài dân quê ở miền Bắc có bàn chân mà hai ngón cái tỏe ra. Khi hỏi thầy giáo thì được dạy đó là bàn chân Giao Chỉ, hai ngón chân cái giao với nhau. Ngày nay, chắc ít ai muốn có cái bàn chân nguyên thuỷ đó nữa; đó là một lẽ tự nhiên chẳng cần bàn”.
“Tôi có tìm được một đoạn, tả về người Việt Nam trong cuốn Việt Nam Sử Lược của học giả Trần Trọng Kim, nghe xong nếu có những điểm không ưa thì cũng đừng bất bình. Tôi cũng xin ông bình tĩnh để cùng nghe cả đoạn này để cùng suy ngẫm:
“Người Việt Nam thuộc về loại da vàng, nhưng mà người nào phải đi làm lụng dầm mưa dãi nắng lắm, thì nước da ngăm ngăm đen, người nào nhàn hạ phong lưu ở trong nhà luôn thì nước da trăng trắng như màu ngà cũ.”
“Trạc người thì thấp nhỏ hơn người Tàu, mà lăn lẳn con người, chứ không to béo. Mặt thì xương xương, trông hơi bèn bẹt, trán thì cao và rộng, mắt thì đen và hơi xếch về đàng đuôi, hai gò má thì cao, mũi hơi tẹt, môi hơi dầy, răng thì to mà lại nhuộm đen. Râu thì thưa mà lại ít, tóc thì nhiều và dài, đen và hơi cứng. Dáng điệu đi đứng thì nhẹ nhàng và xem ra vững chắc.”
“Áo quần thì dài rộng, đàn ông thì búi tóc và quấn khăn vành rây, áo mặc dài quá đầu gối, tay áo thì chật, ống quần thì rộng. Đàn bà ở Bắc Việt và phía Bắc Trung Việt thì đội khăn, mà ở chỗ thành thị thì mặc quần, còn ở nhà quê thì hay mặc váy. Ở phía Nam Trung Việt và Nam Việt thì đàn bà mặc quần và búi tóc, chứ không đội khăn bao giờ.”
“Về đàng trí tuệ và tính tình, thì người Việt Nam có cả các tính tốt và các tính xấu. Đại khái thì trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, nhiều người sáng dạ, nhớ lâu, lấy sự nhân, nghĩa, lễ, trí, tín làm năm đạo thường cho sự ăn ở. Tuy vậy cũng hay có tính tình vặt, cũng có khi quỷ quyệt, và hay bài bác chế nhạo. Thường thì nhút nhát, hay khiếp sợ và muốn sự hòa bình, nhưng mà đã đi trận mạc thì cũng có can đảm, biết giữ kỹ luật.”
“Tâm địa thì nông nổi, hay làm liều, không kiên nhẫn, hay khoe khoang và ưa trang hoàng bề ngoài, hiếu danh vọng, thích chơi bời, mê cờ bạc. Hay tin ma, tin quỷ, sùng sự lễ bái, nhưng mà vẫn không nhiệt tin tôn giáo nào cả. Kiêu ngạo và hay nói khoác, nhưng có lòng nhân, biết thương người và hay nhớ ơn.”
“Đàn bà thì hay làm lụng và hay đảm đang, khéo chân, khéo tay, làm được đủ mọi việc mà lại biết lấy việc gia đạo làm trọng, hết lòng chiều chồng, nuôi con, thường giữ được các đức tính rất quí là tiết, nghĩa, cần, kiệm.”
Người Việt Nam từ Bắc chí Nam, đều theo một phong tục, nói một thứ tiếng, cùng giữ một kỷ niệm, thật là cái tính đồng nhất của một dân tộc từ đầu nước đến cuối nước.”
“Đoạn văn trên của cụ Trần Trọng Kim đã tả người Việt Nam trước 1930 về phong diện, y phục và đủ các tính tốt và xấu. Đến nay, qua hơn nửa thế kỷ, người Việt đã thay đổi những gì? Sự dinh dưỡng có tốt hơn để thay đổi được tướng mạo không? Y phục thì đã gần như thay đổi hoàn toàn. Những điều Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín và Tiết, Nghĩa, Cần, Kiệm có còn giữ được và phát triển thêm không? Các tính xấu có bớt đi hay đã tăng thêm?”.
“Một điều ông phải lưu ý con người Việt Nam nói trên đã sống trong cái xã hội hoàn toàn Việt Nam, chắc không có nhiều sự so sánh lắm. Nay đem ra sống trong một quốc gia tạp chủng, giữa đám người từ khắp nơi trên thế giới đến thì sự so sánh và cái nhìn sẽ có nhiều khác biệt.
“So với các sắc dân tại Hoa Kỳ thì người Việt đã nổi tiếng về hiếu học, minh mẫn, lanh lẹ và trọng đạo đức. Có một vài tính xấu nếu đem ra so ở đây thì chắc cũng chẳng xấu lắm. Như quỷ quyệt thì chắc không thể nào so sánh với sự quỷ quyệt khoa học của dân tạp chủng. Tiếng Mỹ thì chưa thông, ngôn từ không đủ thì sao có thể chế nhạo, bài bác hay khoác lác với ai được.
Cả đến “khoe khoang, trang hoàng bề ngoài, thích danh vọng” thì có thấm vào đâu với các anh Mỹ nhà giàu quyền thế. Này ông bạn, ông có thấy rất nhiều người gửi đi xin việc, được phỏng vấn, nhưng số đông được trả về vì quá lễ phép, quá khiêm tốn, đã không biểu lộ được cái khả năng thường nhật của mình, nói chi đến sự phô trương, khoác lác.”
“Ông có thấy, các tính xấu mà cụ Trần Trọng Kim gọi là cái xấu trong cái xã hội của mình nó đã không phát hiện ra bên ngoài xã hội Mỹ, mà phiền thay, nó vẫn lẩn quẩn trong cộng đồng chúng ta để đục phá lẫn nhau, để bài bác, kiêu ngạo, khoác lác, khoe khoang với nhau.”
“Tôi nói những điều trên không phải muốn luân lý giáo khoa với ông. Nhưng để chứng minh một điều, mình mới đến đây, chưa có kinh nghiệm va chạm nhiều, nên trong vấn đề đi tìm bản sắc, hay trở về nguồn, những cái hay, tốt riêng biệt của người mình thì cố giữ. Nhưng trong những cái hay đó, không chắc mọi điều được coi là hay ở xứ này, mà mình cứ cố giữ thì cũng hoài công phí sức. Ngay cả cái dở của mình, chưa chắc nó đã hoàn toàn dở mà mình phải bỏ, có điều mình phải điều chỉnh làm sao cho thích hợp.
“Theo ý tôi, đi tìm bản sắc không chỉ có nghĩa thụ động, để họ phân biệt được và nhìn mình là người Việt Nam. Tuy trong cái thụ động này, thật sự nó cũng đã có bao nhiêu cố gắng, yên lặng hay ồn ào để duy trì liên tục bản chất Việt Nam.”
“Đi tìm bản sắc còn bao hàm ý nghĩa không những tự tồn mà còn phát triển cho từng cá nhân và cho cả tập thể liên hợp. Hiệp chủng quốc là một quốc gia tiến bộ không ngừng, thay đổi rất nhanh, đào thải những kẻ đứng lại, những kẻ đi ngược dòng. Cái khó khăn của chúng ta là phải vừa theo kịp nhịp độ của họ mà vẫn giữ được bản sắc của ta.”
“Trong vấn đề văn hóa và bản sắc tại đây, người ta thường đặt ra hai vấn đề: Một là đồng hóa, hai là thích hợp hóa. Đồng hóa được Weinstock S. Alexander trong cuốn Acculturation and Occupation 1969 định nghĩa như sau:
“Đồng hóa là sự mất hết văn hóa và bản sắc nguyên thủy của một cá nhân hay một tập thể để bị thu nhập vào một nền văn hóa đang thống trị.”
“Người Việt chúng ta không ai muốn bị đồng hóa, mà dù có muốn cũng không được. Hãy đem đổ những hạt đậu trắng, đậu đen, đậu vàng vào một cái tô và trộn lẫn đến trăm lần, người ta vẫn có thể nhặt ra đậu đen, đậu vàng và đậu trắng riêng biệt.”
Những người dân da trắng từ Âu châu đến Hoa Kỳ, chỉ ít năm sau là họ trở thành Mỹ đặc. Còn chúng ta, dù trải qua bao nhiêu thế hệ, vẫn sẽ chỉ là những hạt đậu vàng trong tô đậu hỗn hợp trên mà thôi.”
“Quốc gia Hoa Kỳ trước kia thường chủ trương và thúc giục mọi người đồng hóa như một “melting pot”. Từ khi làn sóng di dân của nhiều quốc gia tràn đến, họ đã bắt đầu thay đổi một số quan niệm, và thêm vào đó là sự thích hợp hóa, và nay lại đề cao sự đa dạng của văn hoá “Salad bowl và Cultural Diversity”.
“Gác bỏ sự đồng hóa, vấn đề của chúng ta ở đây là trong cái đám đậu vàng đó, mình không bị nhận lầm là người Tàu, người Nhật hay người Phi và làm sao để các sắc dân khác trọng nể mình.”
“Nói về thích hợp hóa, đó là sự diễn biến của sự học hỏi và điều chỉnh dần của các cá nhân sống trong một xã hội có những dị biệt văn hóa. Thích hợp hóa là cả một nghệ thuật sống của người di dân, nhất là di dân Á Châu. Những giá trị của đời sống, những định chế xã hội, những phong tục tập quán, đời sống văn hóa, ngôn từ ngôn tự, thực phẩm, y phục và phải nói đến cả văn chương nghệ thuật v.v… của cả hai nền văn hóa, chúng ta đều cần thấu hiểu cho cuộc sống mới, mà lúc nào cũng có thể giữ được bản chất đặc thù của mình.”
“Thích hợp hóa không phải là đem hai nền văn hóa trộn lẫn với nhau. Cũng không phải cố giữ mức thăng bằng điều hòa của hai đời sống Đông và Tây. Nó là cả một sự hỗn hợp của chiến lược, chiến thuật của trường kỳ và đoản kỳ, lúc tiến, lúc lui, lúc hòa, lúc phá, lúc thoát, lúc nhập… trong từng môi trường, trong từng hoàn cảnh, từng thời gian để nắm lấy phần ưu thắng, để ẩn mình an toàn và cũng để chung sức và chia sẻ hạnh phúc cũng như gian khổ với mọi người. Nó cũng không phải là một công thức cứng nhắc, cuồng tín hay khiếp nhược và tự mình phải đặt một lằn ranh cuối của mức lùi, mức mất và một lằn ranh không vượt quá để còn có thể thắng lại được…”
“Nói đến người di dân tại Hoa Kỳ, nhiều người cho rằng mức độ đồng hóa càng cao thì càng có nhiều cơ hội thành công, và cũng như thế, mức độ thích hợp hóa càng cao thì mức độ của đời sống kinh tế và xã hội cũng thấy rõ rệt khá hơn.
“Khi nghiên cứu về bản sắc, nó đem lại cho ta nhiều ý nghĩa. Con cháu chúng ta sẽ trả lời được những câu hỏi “Tôi là ai?”, “Tại sao tôi lại phải đổi tên?”, “Tại sao tôi lại là dân Mỹ?”, “Tại sao tôi không phải là một kẻ tị nạn chính trị mãi mãi?”. Đi tìm bản sắc không những nó cho thấy bản ngã của ta, mà nó sẽ đem lại cho ta những niềm tự kiêu hãnh và tự kính mến mình.
Ông có nhớ Alex Haley, tác giả da đen nổi tiếng trong cuốn “Roots”, và sau này thành một cuốn phim trường thiên chiếu trên các đài truyền hình không?”
“Ông đã mất bao năm lần mò về cội nguồn của mình. Từ bao thế hệ nông nô tại Mỹ, ngược dòng về bộ lạc tổ tiên ông trong rừng già ngày xưa. Ông đã đưa những hình ảnh từ ngày Kunta Kinte, người thiếu niên, tổ tiên của ông sống tự do trong cảnh trời đất sơ khai, ngày bị sa lưới nhốt trong cũi. Những ngày bị trói và xếp như cá hộp trong hầm tầu vượt Đại Tây Dương khổ hơn kiếp súc vật. Ngày bị đem ra bán đấu giá, và những chuỗi ngày dài làm nô lệ trong các nông trại trồng bông miền Nam…”
“Alex Haley đã cho mọi người biết dù là dân da đen, dù bị làm nô lệ, họ vẫn có đủ các thiên tính của con người mà Thượng đế đã tạo ra. Họ vẫn có đầy đủ các đức bao dung, nhân ái, tự trọng. Họ cũng ham muốn tự do và cũng đủ sức chịu đựng như Chúa đã chịu đóng đanh trên thánh giá. Cuốn “Roots” không những có giá trị về văn học mà nó còn giúp cho mọi người nhận chân được cội nguồn và phẩm giá của dân da đen. Nó cũng đã giúp phá bỏ được phần nào sự khinh thị và mặc cảm vẫn bao trùm lên giống dân của ông.”
“Nếu bản tướng, chân tướng là của một cá nhân thì bản sắc phải do mỗi người trong tập thể cùng có chung. Có bản sắc, như có một cái khiên, cái mộc để bảo vệ cho tất cả mọi người trong cộng đồng. Nhiều vấn đề, người ngoài họ phải e dè, nếu khi chạm đến một người, tức là chạm đến cả cộng đồng. Các cá nhân dù có sống đơn độc ở nhiều nơi, họ cũng được cái dù vô hình ấy che chở.”
“Một điều quan trọng nữa cho tất cả người Việt Nam của chúng ta, trong vài ba thập niên nữa, nếu chúng ta không tìm ra được cái bản sắc chung, thì mấy triệu người Việt kiều tị nạn hải ngoại trên khắp thế giới sẽ thành Việt Mỹ, Việt Gia Nã Đại, Việt Pháp, Việt Đức, Việt Anh, Việt Ý , Việt Úc…
Và nay còn cả một khối hàng trăm ngàn người trong nước xuất cảng lao động tìm cách ở lại, họ sẽ thành Việt Nga, Việt Hung, Việt Tiệp. Hàng ngàn cô gái nông thôn muốn thoát khỏi cảnh lầm than ra đi để lấy chồng ngoại quốc, họ sẽ thành Việt Hàn, Việt Đài Loan, và sẽ là Việt gì gì thêm nữa.
Hàng chục ngàn sinh viên du học, có bao nhiêu người muốn trở về để mong được sử dụng tài năng giúp đất nước. Con cái của chúng ta tự hỏi có điều gì giữ họ ngồi được với nhau, có cái gì giúp họ nhận ra là anh em, đồng bào, nếu không chỉ còn là một đống xà bần không tên. Còn thêm nữa, với bao nhiêu dị biệt và văn hóa bên ngoài, bao nhiêu pha trộn làm sao có những điểm chung với những người Việt Nam trên quê hương mấy chục năm sau.
“Chúng ta hãy nhìn những người di dân Trung Hoa. Với kinh nghiệm của họ, họ di dân không ngừng, họ định cư khắp thế giới, và trải qua bao nhiêu thế hệ, dù ở đâu họ vẫn giữ được hình ảnh của họ liên tục.
“Còn di dân Nhật Bản, họ là những người chịu nhiều sự đau khổ về bản sắc với quốc gia của họ nhất. Vì biến cố lịch sử của Thế chiến Thứ hai, Chính phủ Mỹ đã cấm di dân Nhật, và cũng đương nhiên cắt đứt sợi dây liên lạc giữa họ với quê hương họ. Không phải họ không có tinh thần quốc gia, mà chính vì lòng quốc gia quá mạnh và cũng vì sự kỳ thị giai cấp quá nghiệt ngã của dân Nhật đối với những người cùng đinh di dân Nhật mà chính họ đã lãnh hậu quả khủng hoảng về bản sắc như vậy.”
“Tôi cũng lo ngại rằng, khi mà các trại tị nạn trong vùng Đông Nam Á đóng cửa, khi mà những người tị nạn cuối cùng bị cưỡng hồi hương, khi mà làn sóng di dân Việt Nam bị cắt đứt, khi mà hận thù vẫn chưa xóa mờ được, khi mà cách đối xử của chính quyền trong nước với người Việt hải ngoại không thành thực, còn nhiều nghi ngại thì tôi nghĩ rằng tình trạng sẽ cũng không khác gì cho các thế hệ sắp tới như những kinh nghiệm của di dân Nhật Bản tại Hoa kỳ, ngoại trừ cộng đồng Việt Nam hải ngoại phải được xây dựng một cách vững chắc.”
“Thôi bây giờ, ông không cần phải ngắt lời tôi, tôi cũng nên ngừng. Đầu óc ông đã đầy những băn khoăn, tôi không muốn làm ông bối rối thêm nữa. Mọi chuyện cứ từ từ giải quyết, đây là một vấn đề trường kỳ và liên tục. Điều cần nhất là mọi người phải biết mình muốn cái gì? Muốn đi đến đâu? Muốn cái hình ảnh của con cái mình như thế nào ở cái thế hệ thứ hai, thứ ba…?
*****
Anh bỏ điện thoại xuống. Bữa cơm tối cũng vừa xong. Anh bước ra bao lơn để cần một chút gió. Đêm đã xuống từ lâu, trên trời lờ mờ, lác đác vài ngôi sao. Đêm hè ở đây đã khác xa với vùng trời miền nhiệt đới. Anh nhớ lại những đêm hè ở quê hương, trời đầy sao vằng vặc, giải ngân hà rõ mồn một chạy ngang trời. Ngày còn nhỏ, anh thường cùng với anh chị em ngồi trong sân, ngửa mặt thi đếm sao, nhưng đếm chẳng bao giờ hết được, và chỉ ngưng khi tất cả đều mỏi cổ.
Tự nhiên anh liên tưởng đến anh và mọi người ở đây, như đang đứng trong đêm tối, đang cùng nhau cố tìm một vì sao định hướng, chỉ đạo cho một cuộc hành trình mới.
Một lần, anh được mời đến dự buổi tiếp tân Kiều Chinh, người nữ tài tử điện ảnh đã bao năm đóng góp cho nền điện ảnh Việt Nam. Nay cô vẫn còn tiếp tục sự nghiệp trên đất Mỹ. Cô đã tâm sự, cô luôn luôn bị giằng co giữa con người Việt Nam và những vai trò mà các hãng phim giao phó. Cô đã từ chối nhiều hợp đồng vì không muốn con người Việt Nam bị hiểu lầm và bị bôi nhọ. Nhiều người đã phát biểu tán thưởng hành động của cô, nhưng người Mỹ thì họ không đặt nặng vấn đề này và thường phiền trách cô rằng “Cô hãy quên con người Việt Nam của cô đi”. Chắc một số người cũng đã quên vì vài lý do thực tế nào đó. Còn cô thì nhất định không chịu quên.
Anh lại nhớ đến một chiều đi dự lễ “Ngày học sinh Việt Nam”, được tổ chức nhân dịp cuối năm học. Khác với năm xưa, ngoài việc nêu danh và trao tặng phẩm cho các học sinh tốt nghiệp trung học, ban tổ chức thêm vào việc giới thiệu các lớp Việt ngữ và có một ước vọng là tập họp được tất cả học sinh Việt Nam trong vùng để gây một ý thức cộng đồng cho các em.
Hội trường tuy còn trống chỗ nhưng nhiều người đã đến dự. Trên hàng ghế chính, có nhiều quan khách Mỹ, họ ngồi cho đến khi lễ tất. Chung quanh anh, hầu hết là học sinh trung học. Anh đã sống lại đôi phút những hình ảnh của thuở thiếu thời khi xưa trong những ngày hè mãn khóa. Anh mỉm cười nhìn một số em nhỏ vỗ tay, huýt gió khi các em nhỏ nữ sinh lên nhận lãnh phần quà. Trong khung cảnh náo nhiệt đó, nhiều em khác ngồi yên lặng, một số em ngồi một mình trên những hàng ghế trống, không bạn bè, không phụ huynh.
Anh cũng mong các em sẽ đến đông hơn để vui đùa, huýt gió, để hò hét làm vỡ hội trường và sống như cái thời anh đã sống trước kia trong các ngày mãn khóa. Chúng ta đã có bao nhiêu bạn bè ở đó, những bạn bè như những sợi dây kỷ niệm kéo về trường xưa, làng cũ. Anh muốn các em cũng có những người bạn của thời trung học như anh, dù có phải phiêu bạt khắp phương trời, tấm tình bằng hữu vẫn mãi mãi không phai.
Anh mong muốn thấy, mọi người chúng ta cùng đến, đến không phải chỉ nhìn thấy chúng ta chia tay mùa hè mà để ân cần khuyến khích con cháu ta gặp lại nhau, tập hợp nhau và nhất là giúp chúng thành những người bạn đồng hành với nhau sau nầy.
Hôm đó anh cũng được chứng kiến hình ảnh những em hăng hái, tự tin đứng trước hội trường phát biểu ý kiến. Anh cũng nghe thấy những diễn giả khuyến nhủ con cháu mình cố gắng học và đừng quên nguồn gốc Việt Nam. Anh cảm thấy bao chứa chan hy vọng, khi nghe một em bé sáu tuổi đọc bài cảm tưởng là trước kia đã quên hết tiếng Việt, sau ba tháng học, em đã biết đọc, tuy còn rất nhiều chữ em đọc không có dấu. Anh còn cảm động hơn, khi chương trình Việt ngữ giới thiệu một nữ giáo viên, một thiếu phụ đơn độc đến Mỹ với ba con nhỏ, vẫn cố bỏ thời giờ âm thầm, dìu dắt các em nhỏ về nguồn.
Mặt khác, anh thấy bao nhiêu điều phấn khởi khác hiển hiện tích cực ở nhiều vùng, như trong các tiệm sách, những tác phẩm cũ và mới, các tạp chí bằng tiếng Việt ngày một tràn ngập trên các kệ. Báo hàng ngày, hàng tuần ê hề được phát không trong các siêu thị. Trên mạng điện tử tràn ngập trang tiếng Việt. Những buổi trình diễn văn nghệ, giới thiệu sách mới, hội họp chính trị…, rạp không còn chỗ.
Chùa chiền, nhà thờ không thiếu một nơi nào. Những bài kinh, những lời giảng vẫn bằng tiếng mẹ đẻ thuở xưa. Chợ Tết tưng bừng khai trương ở nhiều nơi. Những Little Saigon như những nôi nuôi dưỡng phát triển văn hóa cũng như bản sắc cho người Việt hải ngoại, không những chỉ có tính cách đặc thù cho Hiệp Chủng Quốc, cho các quốc gia khác có người Việt định cư, mà còn đối biệt với những gì đang xẩy ra trong nước. Thế hệ trẻ đang mạnh mẽ tiến vào chính trường Mỹ…
Nhưng sao nhiều người, trong nỗi hân hoan nhìn thấy con mình sải cánh bay về tương lai, thành công trong dòng chính, về kinh tế cũng như chính trị, vẫn băn khoăn thấy có một khoảng trống ngày càng cách xa với những hoạt động nói trên. Còn bao nhiêu tính chất Việt Nam trong con cháu họ, khi mà trình độ ngôn ngữ ngày càng khác biệt trầm trọng. Từ biết nói, đến biết đọc và hiểu được bài văn là một chặng đường xa, nếu không có ý chí và môi trường hỗ trợ. Có người đặt câu hỏi rằng tiếng Việt có phải là một yếu tố sống còn để giữ gìn bản sắc, tinh thần cho các thế hệ sắp tới của người Việt hải ngoại hay không?
Người già luôn luôn bị quá khứ kéo lại, người trẻ thì bị tương lai kéo đi, mà trong cái xã hội siêu điện tử này, sức kéo gia tốc ngày càng mạnh. Văn hóa Việt Nam viết bằng ngoại ngữ để đưa lên truyền thông cho các thế hệ hiện tại lẫn tương lai biết đến vẫn còn yếu kém, chập chững, do dự. Những vấn đề của họ vẫn chưa có chỗ tương xứng trong chương trình nghị sự của cộng đồng. Tương lai chưa thăng bằng với quá khứ, và nhiều mục tiêu đã bị lãng quên.
Nhiều người cho rằng những hoạt động văn hóa, nhất là báo chí ồn ào hiện nay cũng sẽ chỉ là những âm ba rồi sẽ lịm dần trong mảnh ao tù trong những thập niên tới, nếu không có gì nối được quãng đứt gián đoạn hiện nay với những thế hệ sắp tới, và đó là lẽ đương nhiên tiến hóa trong lịch sử di dân của nhân loại.
Đó là chưa nói đến cái bản sắc nói chung cho người Việt hải ngoại khắp nơi trong cộng đồng thế giới với biết bao dị biệt. Ngay như tại Hoa Kỳ, đất nước cũng mênh mông, không phải tiểu bang nào cũng sống như thủ phủ Little Saigon tại Cali. Họ sẽ được giáo dục, có văn hóa, và có tiếng nói khác nhau. Quê hương đáng lẽ phải là những điểm chuẩn chung để mọi người còn có một cái gì để tìm về.
Đó là niềm kiêu hãnh, là tình tự dân tộc, là đạo đức chính trị, là văn hóa truyền thống, là đạo đức kinh doanh…, nếu không thay đổi, chỉ thấy cái thua kém, tồi tệ với thế giới bên ngoài, còn cố nuôi lòng thù hận, con người mất nhân bản và ô nhiễm mọi mặt, thì có lẽ đã muộn rồi cho dù rằng cái chế độ đương thời thay đổi, thì những con người ấy trong cái xã hội ấy không biết đến mấy chục năm sau mới gột rửa được những xấu xa, lấy lại lòng nhân bản bình thường, chưa nói gì đến thiện tâm.
Những người tị nạn, những di dân như đàn cá hồi khi ra biển rộng, lúc tìm đường về, nhưng cái tổ cũ đã bị phá bỏ, các kinh rạch cũ đã bị rác rưởi lấp kín, thì chắc là lại ra đi, về vùng vẫy tự do ở vùng biển rộng trời cao. Thế hệ tiếp nối của con cháu chúng ta rồi chắc cũng sẽ phải lần mò đi tìm bản sắc riêng cho mình hay tự quên đi để mặc trôi vào dòng chính nơi chúng sinh ra và trưởng thành.
Dù vậy, anh nghĩ rằng trong cái mất, vẫn có sự đi tìm. Trong cái quên vẫn có cái nhớ. Trong yên lặng vẫn có tiếng kêu. Trong đám tro vẫn có ngọn lửa. Trong cơn lốc vẫn có người chống gió. Trong u mê vẫn có sự thức tỉnh. Trong cảnh chợ chiều vẫn có người họp, vẫn có người đến, đến để chờ những người đang đứng nhìn để cùng nhau biến buổi chợ chiều thành phiên chợ sáng mai trong ánh bình minh rạng rỡ.
Tác giả gửi Saigon Nhỏ, 2023
_____________________
Thư Mục Tham Khảo:
Sách Anh Ngữ:
-Nisei: The Quiet American, tác giả Bill Hosohawa, nhà xuất bản New York W. Morrow, 1969
-The Story of Chinese in America, tác giả Betty Lee Sung, nhà xuất bản New York, Collier 1971
-Asian American-Psychological Perspective, tác giả Ben Lomond, Stanley Sue, Nathaniel N. Wagner, nhà xuất bản California, Science and Behavior Books, 1973
-Primitive Culture, tác giả E.B. Taylor, 1981. Social Education, tác giả James A Bank, 1983
-American Heritage Dictionary, nhà xuất bản New York NY Dell, 1983
-Acculturation and Occupation, tác giả Weinstock S. Alexander, 1969
-Roots, tác giả Alex Haley, nhà xuất bản Boston G. K. Gill, 1979
Sách Việt Ngữ (Tái bản tại hải ngoại):
Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, tác giả Đào Duy Anh
Việt Nam Sử Lược, tác giả Trần Trọng Kim
Tự Điển Việt Nam, Hội Khai Trí Tiến Đức
Tự Điển Việt Nam, tác giả Lê Ngọc Trụ
Hán Việt Tự Điển, tác giả Nguyễn Văn Khôn
Tự Điển Tiếng Việt, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, Việt Nam, 1994