Festival Việt Montreal – một thế hệ trẻ gốc Việt và sứ mệnh văn hóa

Festival Viet 2022, Montreal, Canada. Ảnh: (Kalynh Ngô)

Sân vận động Olympic Stadium tại Montreal, Canada đầu Tháng Chín năm 2022 đón chào hai sự kiện lớn trong cùng một ngày, đó là Festival Việt 2022 và Festival First Fridays (FFF) – một lễ hội ẩm thực ‘food trucks’ lớn nhất Canada. FFF chỉ diễn ra Thứ Sáu đầu tuần của mỗi tháng, từ Tháng Sáu đến Tháng Mười hàng năm. Trở lại sau hai năm bị gián đoạn vì Covid-19, Festival Việt 2022 diễn ra ngày 2 Tháng Chín năm 2022, thu hút hàng ngàn người tham dự, ghi dấu ấn một lễ hội tôn vinh mang tính văn hóa do thế hệ trẻ gốc Việt tổ chức.

Lễ hội thu hút giới trẻ về cội nguồn

Sinh ra và trưởng thành ở Montreal, Canada, nói tiếng Việt không sõi, ngôn ngữ chính là tiếng Anh và tiếng Pháp, nhưng các bạn trẻ gốc Việt thế hệ thứ ba ở Canada là những người đứng ra đảm nhiệm phần văn nghệ. Phong Lê, sinh năm 1981, người phụ trách chính (director) của Festival Việt 2022 cho biết, “tinh thần lễ hội năm nay thay đổi và do các bạn thế hệ trẻ thực hiện.”

Gian hàng Sài Gòn tại lễ hội Festival Việt Montreal 2022. (Ảnh: Kalynh Ngô)

Chính vì vậy, Festival Việt 2022 đã mang nhiều màu sắc mới, trẻ trung. Nếu phần văn nghệ của lễ hội năm 2019 là những bản nhạc “vàng” bolero thì năm 2022 là các tiết mục rap, hiphop, biểu diễn áo dài…, hoàn toàn do các bạn thế hệ 1.5, thế hệ thứ hai thực hiện. Các bạn tìm gặp những người tổ chức lễ hội năm trước và từ trong chính cộng đồng của mình để hiểu biết thêm về văn hóa truyền thống.

Theo Kiệt Nguyễn, anh kỹ sư sinh năm 1987, định cư ở Quebec, Canada từ năm sáu tuổi, hiện là giám đốc Canadian Registration Board of Occupational Hygienists bang Quebec, mục đích lớn của Festival Việt 2022 là “thu hút giới trẻ Canada gốc Việt.” Kiệt cũng là một thành viên ban tổ chức lễ hội năm nay. Là một trong những thế hệ trẻ trưởng thành ở Montreal, Kiệt hiểu những người như anh đang có sự ảnh hưởng của hai nền văn hóa. Kiệt nói: “Đó là những người vẫn nhớ về cội nguồn Việt Nam, vẫn muốn biết về văn hóa Việt Nam, nên mình tổ chức lễ hội này để thu hút những người trẻ.”

Kiệt Nguyễn, kỹ sư sinh năm 1987, định cư ở Quebec, Canada từ năm sáu tuổi, hiện là giám đốc Canadian Registration Board of Occupational Hygienists bang Quebec. Ảnh: Kalynh Ngô

Đúng như tâm ý của những người tổ chức, một góc của sân động vận động Olympic Stadium hôm ấy đậm chất Việt Nam. Các quầy ẩm thực đa dạng phong phú với món ăn thuần Việt. Bảng hiệu một quầy ăn uống “street-food” với chữ Sài Gòn cách điệu cùng bảng đồ chữ S và nón lá nổi bật ngay cổng vào. Nước mía, nước dừa, gỏi cuốn, gỏi đu đủ… tất cả là những món ăn gợi nhớ một văn-hóa-hàng rong không thể lẫn vào đâu được của miền Nam – Sài Gòn.

Khoảng 5 giờ chiều hôm ấy, Montreal vẫn còn nắng chói chang trên đỉnh đầu. Những chiếc nón lá bắt đầu lấp ló trong đám đông. Nhiều thanh niên to cao, tóc vàng bồng bềnh, mồ hôi ướt đẫm áo, vẫn háo hức xếp hàng để chờ mua dừa tươi. Tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Việt lẫn lộn trong bầu không khí rất Việt Nam. Phần lớn người đứng bán ở các quầy hàng ẩm thực là các bạn trẻ. Vừa cảm ơn một người khách bằng tiếng Pháp, họ quay sang hỏi một bác cao niên bằng tiếng Việt trọ trẹ: “Dạ ông mua mấy ổ bánh mì?”

Một thế hệ không quên tiếng Việt

Với những sự kiện như ẩm thực, văn nghệ đậm chất truyền thống, Kiệt Nguyễn và ban tổ chức hy vọng dần dần, các bạn trẻ gốc Việt sẽ bước vào cộng đồng của mình nhiều hơn. Chia sẻ thêm về câu chuyện cá nhân, Kiệt cho biết dù rời Việt Nam từ nhỏ, nhưng gia đình gồm ông bà, cha mẹ luôn nuôi dưỡng anh bằng những kỷ niệm quê nhà, dạy cho anh tiếng Việt, giữ trong tâm hồn anh nét đẹp của nền văn hóa hào hùng miền Nam. Do thế, Kiệt giải bày về hai chữ “tự do” khá rành mạch, do “từ nhỏ, em đã được thấm từ từ vào.”

Festival là dịp giới trẻ gốc Việt gặp gỡ và chia sẻ những giá trị truyền thống. Ảnh: Kalynh Ngô

Một lý do nữa để Kiệt tham gia tích cực vào những hoạt động duy trì văn hóa như Festival Việt 2022 xuất phát từ một lần anh đi xa nhà. Còn hơn một giờ nữa lễ hội mới bắt đầu, Kiệt có thêm thời gian kể lại cột mốc đáng nhớ đó.

“Khoảng 2017, cuộc sống đã đưa em đi rất xa Montreal. Nơi em làm chỉ có người ở Quebec qua thôi, và không có người Việt Nam. Lúc đó, em nhớ nhà và biết cảm giác nhớ Việt Nam như thế nào. Khi em về lại Montreal, em quyết định giúp những người Việt trở về nguồn gốc.”

Kể từ khi tham gia Festival Việt đầu tiên năm 2019, Kiệt nhận thấy thế hệ trẻ gốc Việt ở Montreal thật sự không được tiếp cận nhiều với văn hóa truyền thống của người Việt. Họ lớn lên của Canada, ngôn ngữ chính của họ không phải là tiếng Việt nữa. Cũng như bản thân anh, sở dĩ Kiệt còn có thể nghe, hiểu và bày tỏ đôi chút bằng tiếng Việt vì anh có nền tảng từ gia đình.

Bức tường vô hình

Người chịu trách nhiệm chính của Festival Việt 2022 là Phong Lê cũng nhìn nhận rằng, những người trẻ gốc Việt, trong đó có anh, như những cái cây được chăm bón bằng văn hóa Quebec. Có những người trong số họ đến trường học tiếng Pháp, hoặc tiếng Anh, hoặc song ngữ. Tiếng Việt trở thành ngôn ngữ phụ, chỉ dùng ít ỏi trong gia đình. Quan trọng hơn, theo Phong, đó là: “Những người trẻ chúng tôi không nhìn sự việc xung quanh bằng quan điểm của thế hệ cha mẹ mình.”

“Thế hệ trẻ gốc Việt ít nói tiếng Việt, có thể vì họ không muốn tập. Mọi người trong nhà hiểu sai ý của nhau. Không giao tiếp được, thêm vào nữa là người trẻ nghe nhạc khác cha mẹ của họ, thể loại sách báo họ đọc cũng khác. Rất nhiều sự khác biệt bắt nguồn từ khác biệt ngôn ngữ.”

Đàn cò trong lễ hội, do một thanh niên gốc Việt biểu diễn. Ảnh: Kalynh Ngô

Sự đa dạng ngôn ngữ, hay khác biệt ngôn ngữ ở Montreal theo cách lý giải của Phong, có thể được thấy ngay khi bước chân vào sân vận động Olympic Stadium. Trừ những người cao niên đến lễ hội, tất cả những cuộc hội thoại diễn ra giữa các bạn trẻ của ban tổ chức cũng như khách tham dự, từ đội ngũ kỹ thuật sân khấu cho đến bộ phận hậu cần của sự kiện, đều là tiếng Pháp. Cô gái trẻ điều hợp chương trình, Thảo Vy, sinh năm 1994 cũng thế. Cô khai mạc lễ hội, chào mừng mọi người bằng tiếng Anh và tiếng Pháp.

Khoảng hơn mười năm trước, Vy hoàn toàn xa lạ với cộng đồng Việt, văn hóa Việt. Cô thú thật cô đã từng nghĩ “không có gì thú vị khi mình là người Việt.” Thảo Vy từng ngại ngùng khi lấy từ trong cặp sách ra phần cơm trưa do mẹ cô chuẩn bị. Vy thật thà nói thêm: “Em thấy xấu hổ tại sao mẹ lại làm cơm cho em! Em chỉ muốn ăn sandwich như các bạn ‘trắng’ của em thôi. Em từng xấu hổ vì cô giáo cứ đọc tên của em sai. Vy mà đọc thành “Vai”. Bạn bè cười. Em nghĩ tại sao tên em không là ‘Sarah’ chẳng hạn?”

MC Thảo Vy khai mạc lễ hội, chào mừng mọi người bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Ảnh: Kalynh Ngô

Nhưng đó là chuyện của mười năm trước. Bây giờ, Vy cũng xấu hổ nhưng là xấu hổ vì sao lúc đó mình có suy nghĩ như thế. Bây giờ Thảo Vy là một trong những người trẻ đang tìm cách hòa vào văn hóa truyền thống Việt Nam, xóa đi sợi dây vô hình khác biệt to lớn. Cầm trên tay chai nước suối, phong cách nhanh nhẹn, mạnh mẽ, Vy nói với sự hãnh diện:

“Em luôn cảm thấy rào cản ngôn ngữ là nguyên nhân làm cho cha mẹ không hiểu chúng em. Đặc biệt, ở đây, tiếng Pháp là ngôn ngữ khó học hơn tiếng Anh. Em không nói về những câu hỏi nhau đơn giản như ‘con ăn cơm chưa?’; ‘con khoẻ không?’… Điều em muốn nói ở đây là vấn đề lớn, ví dụ như ‘cha mẹ nghĩ gì về người đồng giới?’ hay ‘cha mẹ nghĩ gì về việc phá thai?’.

Những đề tài mang tính xã hội như thế rất bình thường với Thảo Vy nhưng đã không thể trao đổi với cha mẹ thì làm sao “chúng em có thể nói những vấn đề hay thảo luận về nhân vật chính khách nào đó?” – cô tự hỏi.

Điều mà Phong Lê nói hay Thảo Vy chia sẻ từ lâu được xem là bức tường vô hình và không dễ vượt qua của bất kỳ gia đình Việt nào trên xứ người. Và một trong những cách mà Thảo Vy nghĩ rằng có thể giúp cô, cũng như những bạn trẻ gốc Việt khác đập bỏ bức tường cách biệt vô hình đó, là bản thân họ tìm về cội nguồn văn hóa của mình. Để bước đầu thực hiện điều đó, theo Phong Lê nói, “những buổi lễ hội văn hóa như Festival Việt Montreal 2022 là rất quan trọng”. Anh hy vọng, ít nhất mỗi năm một lần, anh và các bạn có thể tổ chức những lễ hội tương tự, để những người trẻ từ khắp nơi đến, gặp gỡ nhau, tự hào nói với nhau: “Chúng ta là người Việt Nam.”

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: