Vương, Trần, và ‘Bound’ – Những nút thắt của số phận

Karen Vương, nghệ sĩ Opera người Mỹ mang hai dòng máu Việt, Hoa hoá thân nhân vật có thật về một bi kịch gia đình của người Việt nhập cư trong nhạc kịch 'Bound'
Share:
Karen Vương (góc phải, bên dưới) vai Diane Trần trong nhạc kịch “Bound”. (Ảnh chụp từ video Bound)

Vương là Karen Vương.

Trần là Diane Trần.

‘Bound’ là tên vở nhạc kịch do Chu Bảo Long – Giám đốc Viện Houston Endowment viết kịch bản và Hoàng Nhược Đồng (Huang Ruo) đạo diễn.

Ngày 31 Tháng Năm, năm 2012, sau phản ứng mãnh liệt của công chúng và đơn kiến nghị hơn 150,000 chữ ký, Thẩm Phán Lanny Moriarty của Texas phải bác bỏ cáo buộc tội “khinh thường” đối với Diane Trần, một nữ sinh trung học 17 tuổi, trả tự do cho cô.

Thẩm phán Lanny Moriarty trong ngày tuyên bố bãi bỏ cáo buộc đối với Diane Trần. (Ảnh chụp màn hình tường thuật phiên xử.)

Diane Trần, học sinh lớp 11 trường Willis High School, bị kết án tù 24 giờ ở nhà tù Montgomery County và đóng $100 tiền phạt vì tội “truancy – trốn học.” Luật của Texas chỉ định, học sinh được phép vắng mặt không quá 10 ngày trong sáu tháng. Theo bản ghi nhớ của trường, Diane đã nghỉ 18 ngày trong năm học đó. Cũng chính Thẩm Phán Lanny Moriarty trả lời CBS Atlanta sau khi giam giữ Diane rằng ông ta muốn đây là trường hợp “làm gương”: “Nếu chúng ta để một người muốn làm gì thì làm, thì những người còn lại sẽ như thế nào?”

Mọi chuyện đều có lý do của nó. Cha mẹ của Diane chia tay. Cả hai đều bỏ đi nơi khác sinh sống. Cô gái tuổi vị thành niên bỗng dưng trở thành “mẹ” của một người anh đang học Texas A&M University và một người em đang sống nhờ người thân. Cô gánh vác tất cả những gì cần phải có cho một gia đình. Diane làm việc toàn thời gian trong một cửa hàng giặt ủi và bán thời gian cho công ty tổ chức tiệc cưới. Dựa theo luật hiện hành cho trẻ vị thành niên của Texas, Diane đã bị cảnh cáo về những ngày vắng mặt ở lớp – một tội nhẹ theo luật tiểu bang.

Ngay sau khi truyền thông đưa tin về phiên xử Diane Trần, câu chuyện đáng thương của cô gái 17 tuổi trở thành một hiện tượng trên Internet. Nhiều tổ chức gây quỹ và các trang web được mở ra để giúp cô và kêu gọi ký đơn kiến nghị trên Change.org. Thậm chí một trang web có tên HelpDianeTran.com do Liên Minh Giáo Dục Trẻ Em Louisiana thành lập trong vòng chưa đến một tuần đã huy động hơn $100,000 từ khắp thế giới gửi vào tài khoản dưới tên Diane Trần.

Diane Trần (trái) xúc động khi biết phán quyết của toà Texas. (Ảnh chụp màn hình phóng sự của đài truyền hình KOU)

Hai năm sau, năm 2014, câu chuyện mang đầy bi kịch xã hội của một gia đình nhập cư được chuyển thành nhạc kịch trên sân khấu Seattle Opera với tên “Bound.”

Kịch bản của “Bound” do Chu Bảo Long, Giám đốc Viện Houston Endowment, Texas viết. Người diễn lại cuộc đời của Diane Trần là nữ nghệ sĩ Opera người Mỹ mang hai dòng máu Việt, Hoa: Karen Vương. Ngoài những tính chất chung như làm việc chăm chỉ, thông minh, người Mỹ gốc Việt thế hệ thứ hai, Karen Vương hoàn toàn không có điểm tương đồng nào với Diane Trần.

Karen bước ra từ một gia đình học thức ở Los Angeles. Thuộc dòng dõi Trung Hoa, nhưng cha mẹ của Karen sinh ra ở Việt Nam, tốt nghiệp Đại học University of Tokyo, và Karen mô tả họ “rất châu Á” dù rời quê hương giữa những năm 70.

Cho dù lớn lên trong sự dạy dỗ nề nếp của gia đình, luôn đòi hỏi mọi thứ phải “excellent”, Karen Vương tự nhận cô không hoàn hảo. Là một người đam mê âm nhạc, Karen có thể hát Phantom of the Opera vào những lúc không thích hợp và hơi “ngông”, quậy phá ở những năm trung học. Tuy nhiên, ở những cột mốc quan trọng trong cuộc đời, Karen luôn có cha mẹ bên cạnh để nhắc nhở. Khi nhận thấy cô có đủ tài năng và cơ hội để trở thành một ca sĩ Opera, họ đã giúp cô biến tình yêu âm nhạc thành sự nghiệp.

Từng bị giằng xé giữa âm nhạc và nghề bác sĩ thú y, Karen đã chọn âm nhạc. Một khi đã đưa ra quyết định, Karen theo đuổi nó bằng cả trái tim và khối óc, đặc biệt sau khi cha mẹ cô cảnh báo, nếu đã chọn, cô phải kiên trì theo đuổi. Từ đó, Karen vào học những trường dành cho học sinh năng khiếu và trường nhạc.

Cô nhận Artist Diploma Program danh tiếng của Juilliard. Sau đó, cô được nhận vào Los Angeles Domingo-Thornton Young Artists trong hai năm; tốt nghiệp âm nhạc trường UCLA. Từ năm 2013-2019, Karen là nghệ sĩ của nhà hát Oper Frankfurt ở Đức, hát và diễn qua rất nhiều vai. Karen Vương giành giải lớn nhất của cuộc thi Marilyn Horne Lieder Competition năm 2011 và giải Eastern Regional Metropolitan Opera Council Auditions 2013.

Nghệ sĩ Opera Karen Vương trong một vở diễn. (Ảnh: www.karenvuongsoprano.com)

Tất cả những vì sao may mắn đó không rơi vào bổn mệnh của Diane Trần – nhân vật thật ngoài đời của tác phẩm “Bound.” Tuy nhiên, Karen vẫn cảm nhận được sợi dây đồng cảm vô hình. Cô nói:

“Tôi rất cảm mến cô ấy (Diane). Tôi thấu hiểu. Khi bạn là con của những người nhập cư, bạn ý thức rất rõ về những gì gia đình bạn đã trải qua để mang đến cho chúng ta cơ hội. Bạn không bao giờ quên tầm quan trọng của giáo dục, hoặc tầm quan trọng của sự cố gắng vượt qua nghịch cảnh trong lúc khó khăn.”

Karen xuất hiện xuyên suốt 60 phút trong vở nhạc kịch. Cô hát trong tất cả phân đoạn, diễn xuất thần khi gặp lại người mẹ trở về sau nhiều năm đi xa, do Nina Yoshida Nelsen đóng.

Diane Trần gặp lại người mẹ sau nhiều năm biệt tăm trong một phân cảnh của ‘Bound’. (Ảnh: chụp từ video Bound)

Kịch bản “Bound” của Chu Bảo Long qua tiếng đàn tranh của Vân-Ánh Vanessa Võ đã thể hiện cuộc đời của một Diane Trần bị giằng xé, cô đơn, phẫn uất, nhưng luôn thèm khát tình mẫu tử. Cảnh quang sân khấu đơn giản, thuần chất nhạc kịch. Đặc biệt, phân đoạn người mẹ trở về sau nhiều năm biệt tăm, quỳ lại bàn thờ có di ảnh cha mẹ của bà, có chút gì gợi nhớ “Dạ cổ hoài lang” năm xưa.

Mặc dù Karen rất toả sáng, cháy bỏng trong những vai diễn Opera của Hoàng Nhược Đồng, nhưng cô vẫn mong muốn đi tìm một vị trí mới cho mình. Cô không muốn nhốt bản thân vào một chiếc hộp mặc định nào đó. “Tôi cố gắng tìm vị trí của mình trong các phân đoạn người Mỹ.”

“Làm thế nào để chúng ta kể lại một câu chuyện mà không phải tuân theo khuôn mẫu? Nó có rất nhiều phần để có thể biến tấu. Có lẽ tôi sẽ tìm một đạo diễn nào có cùng tinh thần đó.” Karen Vương muốn nói đến vở nhạc kịch Madama Butterfly của Giacomo Puccini.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: