Trần Dũ – ông chủ chợ ‘wholesale’ đầu tiên ở Little Saigon

Hình chụp Tháng Ba 2023 tại văn phòng công ty Delta Foods, ông Trần Dũ ở tuổi 80, vẫn đang điều hành công ty do ông lập ra (ảnh: Đoan Trang)

Lúc sinh thời, ký giả kịch trường Ngọc Hoài Phương từng nhận xét về một doanh gia Việt: “Mỗi đời người là một dòng sông, và dòng sông của doanh gia Trần Dũ có nhiều điểm thật đặc biệt để người thế gian chiêm ngưỡng và noi theo.”

Tự do hay là chết!

Gặp chúng tôi là một người đàn ông tầm thước, ngoài 80, nhưng vẫn nhanh nhẹn, vẻ bề ngoài còn khá phong độ. Ông là doanh gia Trần Dũ, người được xem là chủ chợ bán sỉ đầu tiên ở vùng Little Saigon.

Trần Dũ kể, ông xuất thân trong một gia đình nghèo khổ ở Sóc Trăng, Nam phần Việt Nam. Năm bốn tuổi, ông phải đến ở nhờ nhà người bác bởi sự nghèo khó của gia đình. Nhưng sau đó, người bác lại đem ông đến một gia đình khác nuôi. Cho đến năm lên sáu, ông được anh chị cho đi học. Chẳng được bao lâu sau, cả người anh và người chị lần lượt qua đời.

Xã hội đón nhận một cậu bé với tiếng rao bán bánh, bán báo ở vỉa hè, mời mọc khách qua đường, nhủ lòng thương. Cho đến năm 18 tuổi, Trần Dũ quyết tâm rời khỏi tỉnh lỵ để lên Sài Gòn lập nghiệp. Làm ăn với các Hoa thương bằng tính cần cù, kiên nhẫn và đặc biệt là chữ tín, ông được giới doanh nhân quý mến và giúp đỡ. Không lâu sau, Trần Dũ trở thành ông chủ xuất nhập cảng tên tuổi ở Chợ Lớn.

Chợ bán buôn đầu tiên Little Saigon Supermarket trong ngày khai trương (ảnh chụp lại qua tư liệu do ông Trần Dũ cung cấp)

Khi đó, ông Nguyễn Tấn Đời – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tín Nghĩa Ngân Hàng, do muốn phát triển thêm nghiệp vụ ở khu vực người Hoa tại Chợ Lớn nên mời doanh gia Trần Dũ làm Giám đốc Thương mại. Sau, vì có sự bất đồng giữa Tín Nghĩa Ngân Hàng và Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Trần Dũ rời khỏi Tín Nghĩa Ngân hàng, lập xưởng sản xuất xe đạp. Xưởng làm ăn uy tín, ngay cả Cơ quan viện trợ Hoa Kỳ (USAID) cũng gửi đặt mua trên 10,000 chiếc xe đạp cho nhân viên.

Công việc đang tiến triển thì biến cố 30/4 xảy ra, miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản. Toàn bộ tài sản do mồ hôi nước mắt của ông làm ra bỗng chốc bị biến thành “tài sản của nhân dân”. Sau ba năm cắn răng chịu đựng, năm 1978, ông lo cho hai người con vượt biên trước, rồi nhanh chóng đặt canh bạc cuối, khi cùng vợ và bốn người con còn lại lên một chiếc thuyền nhỏ vượt biển! Lòng tự nhủ “tự do hay là chết”, nhưng may mắn chiếc thuyền nhỏ lướt sóng trùng khơi mà không gặp hiểm nguy, để rồi sau thời gian ở trại tị nạn, ông và cả gia đình được người em vợ bảo lãnh về San Diego, Nam California.

Là một trong hàng triệu người Việt tị nạn, ông đặt chân lên đất Mỹ khi đã ở tuổi tứ tuần và với đôi bàn tay trắng. Không ai nghĩ một người đàn ông có trình độ chỉ vừa hết lớp Ba ở Việt Nam, sang Mỹ học bập bẹ vài câu Anh ngữ ở nhà thờ dạy miễn phí, vậy mà nhờ ý chí, lòng nhẫn nại, ông học xong đại học cộng đồng Paloma College, học sửa tivi và lấy được bằng kỹ thuật viên điện tử.

Thấy người Việt siêng năng, cần cù, một số chủ tiệm sửa tivi của Mỹ thường vào nhà trường tuyển thợ. Lần đó, lớp ông có 11 người, họ chỉ chọn mình ông. Lương tối thiểu lúc đó $3/giờ, ông được trả $7/giờ. “Tôi đi học còn được lãnh tiền, con cái đi học không phải đóng học phí, vợ tôi cũng đi làm hãng, tôi có xe hơi chạy, tự do, sướng quá,” ông Dũ kể. “Nhưng chỉ được khúc đó thôi, vì không lâu sau, chỗ tôi làm, họ gom ba tiệm làm một. Phải làm nơi xa, không có xe tốt, tôi xin nghỉ.”

Thị trưởng thành phố Westminster Chuck Smith (bìa phải) phát biểu trong ngày khai trương Little Saigon Supermarket. Ông Trần Dũ đứng thứ hai, từ trái (ảnh chụp lại qua tư liệu do ông Trần Dũ cung cấp)

Từ người giao hàng…

Người em của ông làm nghề giao rau cải cho các nhà hàng, ông đi theo thấy nhiều nơi mở chợ. Có lần đi thăm những người trồng hồng trên Escodido, được họ bẻ cho ăn, hoặc bán rất rẻ, ông chợt nghĩ, sao mình không mua rồi bỏ mối lại cho các chợ. Nghĩ là làm. Nhờ vậy mà ông học được cách mua bán ở Mỹ như thế nào. Hết mùa hồng, ông bán cam, hết cam, ông bán rau cải.

Ba năm sau ngày tới Mỹ, gia đình ông dời về Orange County cho tiện việc chuyển, giao hàng. “Nhà hàng cần gì tôi bỏ cái đó. Tôi lên tận chợ đêm trên Los Angeles lấy hàng về bỏ mối, ngày nào cũng vậy, từ 2 giờ sáng tôi đã có mặt trên đó, đem về giao hàng cho chợ Nam Hoa, chợ Mê Kông, chợ Hòa Bình, chợ Dân Tiếp Vụ chỗ Home Depot trên đường Westminster,” ông kể.

Nhưng, thương trường không khác chiến trường. Các thương gia bắt đầu tranh giành nhau về giá cả và phẩm chất, họ tính toán từng cent. Cũng vào thời gian đó, đường Bolsa bắt đầu phát triển khi nhiều người tị nạn người Việt chọn làm nơi sinh sống. Ông Dũ kể:

“Sự phát triển bộ mặt khu thị tứ của người Việt, ngoài những người trong ban lãnh đạo cộng đồng, phải kể đến ông Triệu Phát và ông Quách Nhứt Danh, đã đem tinh thần và vốn liếng đầu tư để xây dựng những khu thương mại mang sắc thái mới trước con mắt ngạc nhiên và thán phục của người ngoại quốc, mỗi khi họ có dịp chạy ngang con đường huyết mạch Bolsa này.”

Đến năm 1982, ông mướn được kho ở số 1942, đường Moran để chứa hàng. Ban đầu kho chỉ rộng 4,000 sqft, ông thuê với giá $2,000/tháng (tương đương khoảng $8,000 giá hiện hành). Do Orange County ngày càng có nhiều chợ, nên hàng bán buôn của ông Dũ ngày một nhiều, nhưng như ông kể, hầu như doanh thương nào khởi sự ban đầu đều trong cảnh thiếu vốn. Tiền lời phải đổ vào hàng, và đồng tiền luân lưu không thể nằm cố định trong túi. Vốn và lời, tất cả nằm trong hàng hóa. Nếu hàng không bán được, chỉ còn cách “bán lúa giống đi mà ăn”.

Cựu Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Dan Quayle (trái) ghé thăm Little Saigon Supermarket của ông Trần Dũ (ảnh chụp lại qua tư liệu do ông Trần Dũ cung cấp)

Trong hoàn cảnh đó, giá thuê kho lại càng ngày càng tăng. Bị chủ phố làm khó dễ, nên suy đi tính lại, ông vay mượn tiền, mua luôn kho hàng. Không ngờ giá nhà sau đó tăng vọt gấp ba, bốn lần, ông nảy sinh ý định làm địa ốc.

“Hồi đó tôi bỏ tiền mua 10 mẫu đất ở Lancaster, giá $200,000 mà tôi chỉ down có 10% là $20,000 thôi,” ông Dũ kể về vận may khi bước vào kinh doanh địa ốc. “Không lâu sau, chính phủ có dự tính xây phi trường để dời phi trường Los Angeles (LAX) lên đó. Ngay gần khu đất tôi mua, người ta mở Home Depot, nên đất của tôi được ‘đẩy’ giá lên.

Có mấy người hùn nhau kêu tôi bán lại cho họ với giá $400,000. Tự nhiên có $200,000, dại gì không bán. Tôi đồng ý liền, nhét túi $200,000. Sau đó, tôi lên Lake Elsinore thấy người Việt trồng rau nhiều quá, nên mua 17 mẫu, rồi hùn với ông thầy dạy kiến trúc cho con tôi, cất được 20 căn nhà, bán lấy lời chia đôi. Nhờ thế tôi mới có tiền đầu tư ở khu Bolsa.”

… Đến chủ chợ Little Saigon

Ông Dũ kể tiếp, khi công ty địa ốc Russel Invester khởi đầu xây dựng khu shopping ở góc đường Brookhurst-Bolsa, ông vội đặt ngay tiền cọc để lấy một gian. “Lúc đầu tôi chỉ nghĩ đơn thuần là mình đang phân phối hàng đi khắp các chợ, nay chỉ cần bỏ thêm một số tiền để trang bị cho ngôi chợ, hàng hóa lại có sẵn, thay vì để trong kho thì bán cho bạn hàng, cũng không mấy khác biệt,” ông nói. “Hơn hữa, là chủ hàng bán buôn nên giá hàng hóa của tôi rẻ hơn các chợ khác phần nào.”

Không may, sau khi ông Dũ đặt cọc lấy gian chợ trong khu shopping, xảy ra tình trạng suy thoái kinh tế. Tất cả các ngành đều khựng lại, nhu cầu ăn uống dù là thiết yếu hàng ngày cũng giảm sút. Ông Dũ trầm ngâm: “Lúc đó tôi 48 tuổi đầu, tám năm trời làm việc không ngưng nghỉ từ khi đặt chân đến nước Mỹ, chẳng lẽ tay trắng lại hoàn trắng tay! Nghĩ vậy, nhưng trước mắt tôi và các nhân công vui vẻ làm việc một cách hồn nhiên. Phải chăng, hạnh phúc thật sự chính là những điều hết sức gần gũi trước mắt mình, trong tầm tay của mình, chứ không phải ước vọng cao xa để cuối đời ngụp lặn, đắm mình trong đó.”

Từ ngày công ty địa ốc khởi công cho đến khi hoàn thành ngôi chợ của ông cũng hơn một năm, chính xác là 15 tháng. Đến ngày nhận bàn giao, mọi thứ không thể chần chừ, bằng mọi giá, ông đặt một canh bài cạn sạch vốn liếng, tính toán mọi thứ cho ngày khai trương. Nhà cửa cầm cố cho nhà băng hết rồi. Phóng lao thì phải theo lao thôi. “Lúc mở chợ, tôi nghĩ ra 17 cái tên để đặt, rồi đem hỏi ý kiến anh Tony Lâm ở Phòng Thương mại Việt Nam tại Orange County và Thị trưởng thành phố Westminster Chuck Smith, hai người nói chọn tên ‘Little Saigon’ đi,” ông Dũ kể.

Cùng với việc chuẩn bị khai trương, ông cho quảng cáo rầm rộ trên báo, rằng sẽ tặng mấy ngàn bao gạo cho khách hàng  đầu tiên đến ủng hộ. Cuối cùng, ngày trọng đại nhất của một thương gia có sự nghiệp “bảy chìm, ba nổi” cũng đến.

Ngày 25 Tháng Giêng 1990, ngôi chợ mà ông tin là một kiểu mẫu trong cộng đồng Việt được khai trương. Ông tả, hôm đó có cả một rừng người trong khu chợ nhỏ. Mọi người đứng xếp hàng dài, chờ để được vào mua hàng. “Đêm hôm ấy, trở về nhà, lần đầu tiên tôi thức trắng. Tôi không ngủ được, không phải vì lo lắng, mà vì quá hãnh diện, sung sướng tràn ngập tâm hồn.”

Ông Trần Dũ thành lập Vanco, Inc. chuyên xuất nhập cảng dầu ăn và hàng hóa bán sỉ. Ông giải thích “Vanco” là tên ngôi làng nơi ông được sinh ra: Văn Cơ, Sóc Trăng; nơi ông nội của ông là phú hộ nổi tiếng, người cha là một đại công tử và ông là một “thiếu gia” chỉ biết ăn sung mặc sướng. Thời vận xô đẩy khiến phải chịu nhiều bất hạnh nhưng ông bền chí nỗ lực để có thể thành công nơi xứ người.

Công ty Vanco, Inc của ông Trần Dũ quảng cáo trên bìa 4 Danh bạ doanh thương Việt Nam thuộc Nam California xuất bản năm 1989 (ảnh chụp lại qua tư liệu do ông Trần Dũ cung cấp)

Cuối những năm 1980, Vanco, Inc. nổi tiếng bán sỉ dầu ăn hiệu VANCO nguyên chất tự đóng chai, vào thùng, và cung cấp tất cả thực phẩm Á Đông cho các chợ, hãng supply nhà hàng. Còn Delta Foods hoạt động cho đến ngày hôm nay, cũng cung cấp hàng sỉ cho các chợ, những mặt hàng như rau cải tươi, trái cây tươi, đồ hộp, đồ đông lạnh,…

Như đền đáp những mất mát, thua thiệt, kém may mắn ở tuổi thanh niên, sự nghiệp kinh doanh của ông Trần Dũ càng ngày càng phát triển. Ông có tất cả bốn chợ. Ngoài chợ đầu tiên là Little Saigon Suppermarket rộng 20,000 sqft (nay là khu bánh cuốn Tây Hồ, Lục Đỉnh Ký); chợ thứ hai là Vanco Foods I (nay là chợ Song Hỷ); chợ thứ ba là Vanco Foods II (nay là chợ Green Farm); chợ thứ tư là Saigon City hùn với ông Nguyễn Văn Chiêu, chủ bánh cuốn Tây Hồ.

Ông Trần Dũ ở tuổi 80 (hình chụp Tháng Ba 2023 tại văn phòng công ty Delta Foods – ảnh: Đoan Trang)
Ở tuổi 80, ông Trần Dũ vẫn làm việc (ảnh: Đoan Trang)

Tên tuổi của doanh gia Trần Dũ được giới chính trị gia Hoa Kỳ để ý tới. Ông James Danforth Quayle, khi đó là Phó Tổng Thống Hoa Kỳ có ghé Little Saigon Supermarket trong chuyến thăm cộng đồng người Việt ở Orange County.

Sau này khi các con đã trưởng thành, ông bán lại hết các chợ, chỉ giữ lại kho hàng trên đường Moran, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại là Delta Foods. Đây cũng chính là cửa hàng bán sỉ thực phẩm của người Việt đầu tiên và lớn nhất ở Orange County.

Giờ đây, ở tuổi bát thập đắc hi hỉ, ông Trần Dũ vẫn tự điều hành công việc tại công ty mà mình dày công xây dựng mấy chục năm qua và lấy đó làm niềm vui.

____________

Bài viết được thc hin t các cuc phng vn ông Trần Dũ đu năm 2023, trong khuôn kh chương trình NA TH K LITTLE SAIGON ca Saigon Nh.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: