‘Tỷ phú tương ớt’ David Trần (1)

Bài 1: Từ Pepper Sa-te tới Sriracha
Ông David Trần, chủ sở hữu của Huy Fong Foods Inc. chuyên sản xuất tương ớt Sriracha nổi tiếng (ảnh: Irfan Khan/Los Angeles Times via Getty Images)

Dù không phải là người thích ăn ớt, bạn cũng có thể cay mắt trước câu chuyện cảm động, đầy kịch tính của David Trần, giám đốc điều hành Huy Fong Foods – nhà sản xuất tương ớt Sriracha nổi tiếng – một thuyền nhân ra đi vào năm 1979 và thành công trên đất Mỹ.

David Trần, một thiếu tá quân đội VNCH, trốn thoát khỏi Việt Nam trên một chiếc thuyền Đài Loan tên Huey Fong – cái tên gắn liền với cuộc đời ông, cho tới bây giờ, sau 45 năm.

Sóc Trăng là nơi chôn nhau cắt rốn của David Trần. Đó là năm 1945, lúc cha ông đang là một thương gia, còn mẹ – như bao phụ nữ Việt Nam khác vào thời ấy, là nội trợ, ở nhà sanh đẻ và nuôi nấng con cái. David có tám anh chị em tất cả. Ở quê, cậu bé chỉ mới học xong tiểu học rồi ngưng. Đến năm 1961, chàng trai 16 tuổi quyết định lên Sài Gòn, theo người anh làm việc tại một cửa hàng bán hoá chất. Nhưng sau đó, anh quay lại Sóc Trăng để học trung học và gia nhập quân đội, cho tới năm 1975.

Sau khi xuất ngũ, ông David cùng người anh trai trồng ớt trên mảnh đất gia đình, lúc này ở phía Đông Bắc Sài Gòn, để làm tương ớt, vì thấy các loại tương ớt khác trên thị trường không đủ cay hoặc thiếu hương vị.

Năm 1975, áp dụng kiến thức của mình khi làm việc ở cửa hàng bán hóa chất, cũng như thời gian phục vụ trong nhà bếp quân đội, David làm tương ớt, lấy tên là Pepper Sa-te, sản xuất tại Việt Nam. Khi đó, ông đóng chai tương ớt của mình trong các lọ thủy tinh đựng thức ăn trẻ em tái chế, sau đó bán và vận chuyển sản phẩm trên chiếc xe đạp cọc cạch.

Có trăm kiểu, ngàn thứ để kinh doanh, sao lại làm tương ớt? Ông giải thích: “Giá ớt lên xuống bất thường, mình làm tương ớt để ai cũng có ớt tươi ăn, mà giá không thay đổi.”

Theo nhà sử học Gareth Porter, năm 1978, chính quyền Cộng sản Việt Nam bắt đầu đàn áp người gốc Hoa ở miền Nam Việt Nam, vì tin rằng Trung Quốc sử dụng người nhập cư để gây bất ổn và làm suy yếu nền kinh tế của đất nước. Sự nghi ngờ và việc đàn áp người nhập cư Trung Quốc gia tăng khi Chiến tranh Trung-Việt bùng nổ vào năm 1979.

Nhận định tình hình không ổn, Tháng Mười Hai năm 1978, David Trần và 3,000 người tị nạn khác lên chiếc thuyền chở hàng Huey Fong đến Hong Kong. Lúc này ông đã 33 tuổi, có ít vốn trong tay, là 100 ounce vàng (khoảng 83 lượng) giấu trong lon sữa bò, thời bấy giờ trị giá khoảng $20,000. Ông ở trại tỵ nạn Hong Kong tám tháng, được cấp quy chế tỵ nạn và nhập cư ở Boston vào cuối Tháng Giêng 1979.

Nhà máy tương ớt cay Sriracha của Huy Fong Foods, Inc. rộng 68,000 foot vuông. Việc sản xuất tương ớt từng bị một số người hàng xóm phàn nàn về mùi hôi phát ra từ nhà máy (ảnh: Ted Soqui/Corbis via Getty Images)

Định cư tại Mỹ, ông vẫn nuôi ý tưởng làm tương ớt, nên năm 1980, khi nghe người anh rể nói có thể tìm thấy ớt tươi ở California, ông liền bay sang Los Angeles, bán vàng và mua một tòa nhà rộng 5,000 sqft ở khu phố Tàu. Tại đây, ông thành lập doanh nghiệp vào Tháng Hai 1980 – Huy Fong Foods – tên chiếc tàu chở hàng đưa ông tới Hong Kong, chuyên sản xuất một loại nước tương cay mà ông đặt là Sriracha. Ông lựa chọn biểu tượng cho nhãn hàng của mình là một con gà trống, vì ông tuổi Dậu.

Lúc đầu, ông làm tương bằng tay, rất thủ công và giao thành phẩm cho các nhà hàng và chợ Á châu ở Los Angeles, San Diego. Thỉnh thoảng ông lên miền Bắc, ở San Francisco, giao hàng bằng chiếc xe Chevy màu xanh lam. Khi có xe tải giao hàng, ông tự mình sơn logo lên xe. Ông sản xuất một số loại tương ớt và bột ớt bao gồm Pepper Sa-te, Sambal Oelek, Chili Garlic, Sambal Badjak và Sriracha Hot Sauce. Ông nói với phóng viên báo Los Angeles Times: “Giấc mơ Mỹ của tôi không bao giờ là trở thành tỷ phú. Khởi nghiệp với món này, vì chúng tôi thích tương ớt tươi, mê ăn cay. Mọi thức ăn sẽ ngon hơn khi có Sriracha, nên ngày nào tôi cũng ăn tương ớt.”

Vào những năm 1980, ông David Trần ký một thỏa thuận với Craig Underwood thuộc trang trại gia đình Underwood để cung cấp ớt jalapeno cho loại tương của mình. Ban đầu ông ký hợp đồng 50 mẫu đất nông nghiệp, nhưng vài năm sau, hợp đồng của ông ký với Underwood lên tới 1,700 mẫu ớt jalapeno đỏ tươi, trải dài khắp quận hạt Ventura đến Kern, Nam California. Bảy năm sau, Huy Fong Foods chuyển đến một cơ sở khác, rộng 68,000 sqft ở Rosemead, cũng thuộc quận hạt Los Angeles, và cuối cùng chọn xây dựng cơ sở sản xuất và trụ sở chính rộng hàng trăm ngàn sqft tại Irwindale, thuộc thành phố San Gabriel Valley, California vào năm 2010, cho đến nay.

Sriracha nổi lên như một hiện tượng ở San Gabriel Valley sau đó lan rộng toàn nước Mỹ, sang Canada và Mexico cùng hơn mười quốc gia khác vào năm 2009. Năm 2012, Huy Fong Foods mang lại doanh thu $60 triệu từ các sản phẩm tương ớt. Hoạt động của công ty luôn tăng trưởng với tốc độ 20%/năm. Năm 2009, tương ớt Sriracha được Bon Appétit – nguyệt san về giải trí và ẩm thực có trụ sở tại New York, vinh danh là “Ingredient of the Year” và là nguồn cảm hứng cho các bộ phim tài liệu, sách dạy nấu ăn, triển lãm nghệ thuật, thậm chí những bài ca trên Internet.

Nhưng cùng với tốc độ phát triển nhanh chóng của công ty, lại xuất hiện những thách thức.

Ông David Trần, người sáng lập và sáng tạo Sriracha, mở rộng công ty Huy Fong Foods đến một cơ sở lớn ở Irwindale, California. Nhà kho xếp hàng dãy thùng ớt tươi dùng để làm tương ớt (ảnh: Gina Ferazzi/Los Angeles Times via Getty Images)

Những thách thức gì?

Năm 2013, thành phố Irwindale kiện Huy Fong Foods bởi mùi ớt phát ra từ nhà máy của công ty, cho rằng công ty gây ra “sự phiền toái” trong cộng đồng dân cư. Chính quyền cho biết họ nhận được nhiều đơn của cư dân trong khu vực, cáo buộc khói từ nhà máy gây đau đầu, chảy máu cam, ợ chua và nhiều bệnh về đường hô hấp. Vụ kiện gây ra một cơn bão tranh luận vào thời điểm đó. Vốn là người rất ít xuất hiện trước công chúng cũng như trả lời truyền thông, nhưng nhờ có vụ kiện, người ta mới thoáng thấy mặt chủ nhân hãng tương ớt nổi tiếng, khi ông David Trần cho mở cửa nhà máy để công chúng tham quan, nhằm khẳng định Huy Fong Foods không hề gây phiền toái gì. Đến tháng Năm 2014, thành phố Irwindale hủy bỏ vụ kiện.

“Một trong những điều khiến Trần trở nên hấp dẫn là ông sống khép kín, miễn cưỡng chia sẻ câu chuyện của mình cho bất kỳ ai,” Griffin Hammond, nhà làm phim tài liệu, người làm bộ phim về Sriracha năm 2013, cho biết. “Tất cả những gì ông quan tâm, là điều hành công việc kinh doanh cho thật tốt.”

Thành công vang dội của Sriracha khiến những kẻ làm hàng giả tung ra những chai tương ớt Sriracha được thiết kế y chang biểu tượng con gà trống, nhưng là Sriracha giả, con gà trống nhái. Chưa hết, một thách thức lớn khác ập đến, là vào năm 2017, khi mối quan hệ giữa Huy Fong Foods và Underwood Ranches đổ vỡ, “cơm không lành, canh không ngọt”, và dẫn đến một cuộc chiến pháp lý.

Underwood Ranches là nhà cung cấp ớt jalapeno độc quyền cho Huy Fong Foods từ năm 1988. Trong nhiều năm, nông trại này sản xuất 100 triệu pounds ớt mỗi năm trên 1,700 acre ruộng ở hai quận hạt Ventura và Kern. Đây cũng là công ty trồng ớt tươi jalapeno lớn nhất nước Mỹ. Khởi đầu, Huy Fong kiện Underwood, cho rằng nhà cung cấp này không hoàn trả khoản thanh toán vượt mức $1.4 triệu từ mùa trồng trọt trước đó. Nhưng Underwood kiện ngược lại, cáo buộc Huy Fong vi phạm hợp đồng là thu mua ớt từ người trồng khác vào năm 2016.

Vụ kiện tụng dây dưa, kéo dài suốt năm năm, khiến ông chủ Sriracha càng muốn sống ẩn dật. Mãi đến năm 2021, tòa phúc thẩm ở California yêu cầu Huy Fong bồi thường thiệt hại cho Underwood $23 triệu. Giữa năm 2022, bởi đại dịch COVID-19, công ty phải tạm dừng sản xuất trong một khoảng thời gian các sản phẩm được ưa chuộng như Sriracha Hot Chili Sauce, Chili Garlic và Sambal Oelek, do mất mùa và thiếu nguồn cung ớt trầm trọng. Khi hoạt động trở lại, là lúc vật giá leo thang chóng mặt, tuy vậy, ông David vẫn giữ nguyên thành phần trong Sriracha kể từ khi ông bắt đầu bán nó lần đầu tiên vào năm 1980. Đó chính là ớt, đường, muối, tỏi và giấm.

Trong hơn bốn thập niên, đó là công thức giúp Huy Fong thành công. “Tôi hoàn toàn có thể sử dụng những nguyên liệu ít tốn kém hơn hoặc quảng bá sản phẩm của mình rầm rộ để kiếm thêm thật nhiều tiền. Nhưng tôi không làm thế”, ông David Trần nói.

Sriracha của công ty do người Việt làm chủ, không chỉ “Mỹ hóa”, mà là “quốc tế hóa”, được sử dụng cho nhiều món ăn khác nhau, như mì ống, pizza, xúc xích, hamburger, mì xào… Có vô số huyền thoại về chai tương ớt mà những người trong ngành ẩm thực, hoặc ngay cả những nhân viên của ông Trần, nói đến cái gọi là “secret sauce.”

________

CÒN TIẾP

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: