11 Tháng Chín – Lịch sử bí mật của một thất bại

New York City, ngày 13 Tháng Chín 2001 (ảnh: Chris Hondros/Getty Images)
Share:

Tuần báo Time số ra ngày 12-8-2002 trong bài điều tra đặc biệt dài gần 9.000 từ đã phác họa lại bức tranh chi tiết trong Nhà trắng vào giai đoạn chuyển giao giữa chính phủ cũ và chính phủ mới, cùng bối cảnh nước Mỹ vài tháng trước sự kiện 11-9. Ðây không là lần đầu tiên một tờ báo Mỹ làm việc này nhưng bài viết của Time đầy đủ hơn cả, cho thấy Chính phủ Bush từng lên kế hoạch tấn công mạng khủng bố Al-Qeada của trùm Osama Bin Laden nhưng cuối cùng không thực hiện bởi vô số yếu tố chủ quan lẫn khách quan. Như tựa bài báo của Time (“The secret history”), những thông tin này thật sự có giá trị như tư liệu lịch sử…

“Lịch sử bí mật” được viết từ lúc nào?

Lịch sử có khi được tạo thành chỉ bằng một cuộc họp. Cuộc họp như vậy đã được tổ chức tại Nhà trắng vào tuần đầu tiên của tháng 1-2001, như một phần trong công tác chuyển giao từ Chính phủ Bill Clinton sang Chính phủ George W. Bush, được cố vấn an ninh quốc gia nội các Clinton – Sandy Berger – thực hiện. Berger muốn quá trình chuyển giao càng trơn tru càng tốt. Ông còn nhớ Chính phủ George H. Bush đã thực hiện thao tác này hời hợt như thế nào và điều đó không nên lập lại. Berger lập kế hoạch thực hiện 10 buổi “giao ban” cho người kế nhiệm Condoleezza Rice và vị phó Stephen Hadley.

Tuy nhiên, Berger chỉ tham gia một buổi và nội dung chính là bàn về sự đe dọa của khủng bố quốc tế, đặc biệt tổ chức Al-Qeada. Người tường trình trực tiếp là Richard Clarke, từng làm việc thời George H. Bush và thăng tiến dần trong nội các Clinton với chuyên trách chống khủng bố, khi ngồi ghế chủ tịch Nhóm an ninh chống khủng bố. Từ khi vụ hàng không mẫu hạm U.S.S. Cole bị tấn công tại Yemen vào ngày 12-10-2000 (17 người Mỹ thiệt mạng), Clarke đã lập kế hoạch qui mô trả đũa Al-Qeada và tường trình dự án chiến lược cho Berger cùng nhiều viên chức chủ yếu trong bộ phận an ninh quốc gia vào ngày 20-12-2000. Tuy nhiên, Berger quyết định hoãn thực hiện và giao công việc nặng nề cho nội các mới…

Bộ trưởng Bộ Nội an Tom Ridge (phải) và Richard Clarke, thành viên Nhóm đặc biệt chống khủng bố, Tòa Bạch Ốc, ngày 9 Tháng Mười 2001 (ảnh: Mark Wilson/Getty Images)

Trở lại phiên họp có sự tham gia của Berger nói trên. Berger rời phòng trước khi Clarke tường trình với Rice. Clarke đề xuất chiến dịch vây hãm Al-Qeada và cắt đứt nguồn tài trợ. Các nước bị Al-Qeada lộng hành như Uzbekistan, Philippines, Yemen phải được trợ cấp. Quan trọng nhất, Clarke yêu cầu tăng cường chiến dịch mật tại Afghanistan để xóa hang ổ Al-Qeada. Một phần trong chiến dịch là đẩy mạnh hỗ trợ lực lượng Liên minh phương Bắc. Chương trình hành động toàn diện của Clarke không được tân nội các Bush xem xét, cho đến cuối tháng 4-2001, và mất thêm bốn tháng trước khi nó vất vả lọt qua hàng rào thủ tục hành chính để đến bàn làm việc của Bush.

Khi được chuẩn y bởi nhóm an ninh Bush vào ngày 4-9-2001, kế hoạch đã được bổ sung, không chỉ “vây hãm” mà phải xóa sạch Al-Qeada. Dù vậy, người ta trù trừ trong tiến hành bởi chi phí tốn kém. Máy bay không người lái Predator vẫn không nhúc nhích thay vì được phóng vào Afghanistan. Liệu vụ 11-9 sẽ không xảy ra nếu Chính phủ Bush tiến hành cuộc chiến chống khủng bố từ tháng 1-2001? Có lẽ không – tác giả bài báo Time Michael Elliott viết.

Lý do: kế hoạch Berger chủ yếu tập trung tấn công Al-Qeada bên ngoài lãnh thổ quốc gia (mà không bao giờ ngờ rằng thành viên Al-Qeada có thể thực hiện vụ khủng bố ngay trên đất Mỹ). Từ đầu năm 2001, hai kẻ khủng bố (chỉ huy vụ 11-9) Mohamed Atta và Marwan Al-Shehhi đã có mặt ở Florida. Hai tên khác, Nawaf Alhazmi và Khalid Almihdhar, cũng có mặt ở Nam California. Tuy nhiên, còn có một khả năng khác: nếu Mỹ nhanh hơn trong chiến dịch chống khủng bố (theo phác thảo Berger), âm mưu tấn công Mỹ của nhóm Mohamed Atta có thể bị hoãn. Tóm lại, “chúng ta đã không bao giờ nỗ lực. Ðó là lịch sử bí mật của thất bại này” – Michael Elliott viết.

Một số yếu tố chính

Việc Sandy Berger quyết định cung cấp càng nhiều thông tin càng tốt về nguy cơ khủng bố cho người kế nhiệm Rice là một tự thú thất bại. Thời Clinton, nhiều mục tiêu Mỹ từng bị khủng bố nhưng Nhà trắng dường như không có khả năng ngăn chặn. Năm 1993, Trung tâm thương mại thế giới bị tấn công; năm 1996, 19 lính Mỹ bị giết khi Khobar Towers ở Dhahran tại Saudi Arabia bị cài bom; hai năm sau, hai tòa đại sứ Mỹ ở Kenya và Tanzania bị đặt bom; và trước chương trình thiên niên kỷ vào cuối năm 1999, CIA từng cảnh báo có thể có từ 5-15 mục tiêu Mỹ nằm trong nguy cơ bị tấn công. Trong nỗ lực nhỏ nhoi thời Clinton, Mỹ gặp ba lần may mắn: lần thứ nhất, khi Chính phủ Jordan phá một ổ Al-Qeada tại Amman; lần thứ hai, khi Ahmed Ressam (người Algeria ở Montreal) bị bắt quả tang tại biên giới Mỹ-Canada với khối chất nổ dự tính dùng tấn công Phi trường quốc tế Los Angeles; và lần thứ ba, khi vào ngày 3-1-2000, một kế hoạch khủng bố của Al-Qeada vào tàu U.S.S. The Sullivans ở Yemen bị phá vỡ.

Phần mình, CIA không có kế hoạch thuyết phục. Họ dự tính mua chuộc thủ lĩnh địa phương Afghanistan để cung cấp manh mối Bin Laden nhưng lại hoài nghi độ tin cậy những người này. Kế hoạch hai: diệt Bin Laden bằng tên lửa định vị (Tổng thống Clinton ra lệnh hai tàu ngầm túc trực tại phía Bắc biển Arab trong suốt năm 2000, sẵn sàng tấn công Bin Laden bất cứ lúc nào). Kế hoạch này có hai lỗ hổng. Thứ nhất, tên lửa chỉ có thể dùng khi tông tích Bin Laden được xác định; thứ hai, ngay khi mục tiêu được phát hiện, người ta cũng mất nhiều thời gian triển khai.

Tổng thống George W. Bush cùng các thành viên Hội đồng an ninh quốc gia trong Phòng tình huống, ngày 12 Tháng Mười 2001 (theo chiều kim đồng hồ, từ góc trái bên dưới: Giám đốc CIA George Tenet, Chánh Văn phòng Tòa Bạch Ốc Andrew Card, Phó Tổng thống Dick Cheney, Tổng thống Bush, Ngoại trưởng Colin Powell, Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld, Chủ tịch Bộ tổng tư lệnh-tướng Richard Myers, và cố vấn an ninh quốc gia Condoleezza Rice; phía sau góc phải là luật sư Tòa Bạch Ốc Alberto Gonzales (ảnh: Eric Draper/White House via CNP/Getty Images)

Lầu năm góc tin rằng họ có thể dùng tên lửa Tomahawk phóng vào doanh trại Bin Laden trong vòng 6 giờ từ khi có quyết định tấn công nhưng các chuyên gia Nhà trắng cho rằng như vậy là quá chậm. Bất kỳ tên lửa nào bắn vào Afghanistan phải bay ngang Pakistan, trong khi Cơ quan tình báo Pakistan (ISI) lại thân thiện với Taliban. Sandy Berger và Richard Clarke muốn kế hoạch phải táo bạo hơn. Ngày 7-11-2000, Berger gặp Bộ trưởng quốc phòng (lúc đó) William Cohen trong Lầu năm góc. Thời điểm chín mùi rồi – Berger nói – và Ngũ giác đài phải gấp rút tính kế hoạch trừ khử Bin Laden. Berger thậm chí đề nghị tung lực lượng đặc nhiệm vào Afghanistan.

Cohen lắng nghe nhưng ông cùng tướng Hugh Shelton không động chân động tay. Họ sợ lập lại bi kịch chiến dịch “Desert One”, thảm họa hồi năm 1980 khi lực lượng đặc nhiệm bị rỉa xác tại Iran trong nỗ lực bất thành cứu các con tin Mỹ. Không chỉ Lầu năm góc chần chừ, hệ thống chính trị cũng không mặn mà. Sau vụ tàu U.S.S. Cole bị khủng bố, Bộ tư lệnh các chiến dịch đặc biệt phối hợp cũng lập kế hoạch dùng lực lượng Delta Force lẻn vào Afghanistan để thộp Bin Laden. Tuy nhiên, không ai trong Nhà trắng ủng hộ kế hoạch này. Hơn nữa, vào thời điểm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra, có nhiều yếu tố tế nhị. “Nếu làm bất cứ gì, vào hai tuần trước cuộc bầu cử chẳng hạn, chúng tôi có thể bị qui kết giúp (ứng cử viên) Al Gore” – một cựu viên chức thời Clinton nói.

Ảnh hưởng của diễn biến chính trị Nam Á

Còn vài yếu tố khiến Mỹ không thể tiến hành nhanh. Lúc đó, Washington không bang giao tốt với Chính phủ Pervez Musharraf và tiếp tục duy trì lệnh cấm vận Pakistan (từ khi nước này thử nghiệm vũ khí hạt nhân). Tại Afghanistan, tình hình có nhiều bất lợi. Năm 2000, giáo sĩ Mohammed Rabbani, nhân vật quyền lực thứ hai trong hàng ngũ Taliban, chỉ đứng sau Mohammed Omar, đã bí mật móc nối tướng Liên minh phương Bắc Ahmed Shah Massoud, bày tỏ bất mãn trước tình trạng Afghanistan “bị bán đứng cho Al-Qeada và Pakistan” – như lời kể Ahmad Jamsheed, thư ký Massoud.

Tháng 4-2001, Mohammed Rabbani chết vì ung thư gan và kế hoạch lật đổ Taliban của ông bị chết yểu. Vài tuần trước khi Rabbani chết, Pakistan cũng bắt đầu chán Taliban. Trước sự bàng hoàng của thế giới, Taliban đã bắn các tượng Phật 1.700 năm tại thung lũng Bamiyan (Tổng thống Pakistan Musharraf phái Bộ trưởng nội vụ Moinuddin Haider sang can ngăn nhưng bất thành). Trước mùa hè 2001, Pakistan còn giận Taliban bởi một vụ khác, khi Taliban không nộp những kẻ tình nghi thực hiện nhiều vụ ám sát chính trị, tấn công giáo đường và giết giáo sĩ nước mình.

Tháng 4-2001, Ahmed Shah Massoud có mặt trong Nghị viện châu Âu tại Strasbourg (Pháp), trong chuyến công du xin phương Tây trợ giúp Liên minh phương Bắc. “Nếu Tổng thống Bush không giúp chúng tôi, bọn khủng bố sẽ tấn công Mỹ và châu Âu không lâu nữa” – Massoud nói. Massoud không bao giờ nhận được những gì ông cần. Các phái đoàn Liên minh phương Bắc sang Washington chỉ được vài viên chức cấp thấp lạnh nhạt tiếp đón, dù Abdullah Abdullah (ngoại trưởng Liên minh phương Bắc và sau này là ngoại trưởng Chính phủ Hamid Karzai) cuối cùng cũng gặp một số viên chức cấp cao thuộc Hội đồng an ninh quốc gia cùng vài viên chức thuộc Bộ ngoại giao Mỹ, lần đầu tiên, vào tháng 7-2001.

Chỉ một lần Massoud thấy tia hy vọng lóe lên, khi cuối tháng 6-2001, ông có mặt tại Dushanbe (Tajikistan) trong phiên họp có sự tham dự của nhân vật Pashtun lưu vong Abdul Haq và Peter Tomsen – một đại sứ nghỉ hưu, từng là công sứ đặc biệt Bộ ngoại giao Mỹ ở Afghanistan trong quãng 1989-1992. Ngoài ra, còn có James Ritchie, doanh nhân Mỹ từng trải qua thời niên thiếu tại Afghanistan và là một trong những nguồn tài trợ chính cho Liên minh phương Bắc. Mục đích cuộc họp, theo Tomsen, là thăm dò xem Massoud và Haq có thể hợp tác lật đổ Taliban hay không, cùng lời mời Haq về nước lãnh đạo cánh vũ trang tại Ðông-Nam Afghanistan. Vẫn nuôi hy vọng Mỹ giúp, Massoud trao Tomsen tất cả thông tin tình báo về Al-Qeada và yêu cầu đệ trình Washington. Một lần nữa, Bộ ngoại giao Mỹ không hề quan tâm những gì Tomsen mang về…

Chỉ toàn “đập ruồi”

Tháng 2-2001, Richard Clarke (được bà Condoleezza Rice giữ lại làm chỉ huy bộ phận đặc trách chống khủng bố nội các Bush) tiếp tục đánh động Nhà trắng. Ông gặp Phó Tổng thống Dick Cheney nhắc lại bản tường trình nộp cho Rice. Có nhiều ý kiến về cách mà Nhà trắng xử lý thông tin cung cấp từ Clarke. Một số người thuộc nội các cũ (Clinton) có cảm giác Chính phủ Bush nghĩ rằng “bọn Clinton” có lẽ bị ám ảnh kinh niên bởi khủng bố. Nhiều ý kiến khác nói rằng thật ra Chính phủ Bush phủi bỏ hoàn toàn nguy cơ khủng bố (trong nước) bởi mối quan tâm lấn át thời điểm đó chính là việc thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia.

Lầu năm góc cũng chẳng bận lo Bin Laden, vì Bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld còn đang hăm hở phác họa cấu trúc quân lực tương lai. Bộ trưởng tư pháp John Ashcroft lại chú ý chiến dịch phòng chống tội phạm trong khi bà cố vấn an ninh quốc gia Condoleezza Rice còn nhức đầu dàn xếp chuyện tình cảm rạn nứt trong nhóm an ninh quốc gia, trong đó có hai cái đầu nóng Rumsfeld, Cheney và cái đầu nguội Colin Powell. Nói cách khác, với Washington, vấn đề Al-Qeada tạm gác một bên. Trên phạm vi ngoài Mỹ, Afghanistan không nằm trên bàn nghị sự mà là những vấn đề lớn mang tính chiến lược khu vực. Cụ thể, Phòng Nam Á thuộc Bộ ngoại giao ít đề cập Afghanistan mà luôn mồm nhắc Kashmir, về tiềm năng hạt nhân Ấn Ðộ-Pakistan, về tướng độc tài Musharraf…

Chính Bush là người giúp khai thông (một phần) kế hoạch chống khủng bố của Richard Clarke. Mỗi sáng, CIA đệ trình Bush bản báo cáo tuyệt mật gọi là Tóm tắt hàng ngày cho tổng thống (Presidential Daily Brief-PDB) và một lần như vậy (khoảng tháng 2 hay tháng 3-2001), báo cáo CIA đã đề cập vụ săn lùng Abu Zubaydah – chỉ huy trưởng các chiến dịch khủng bố quốc tế của Al-Qeada. Sau khi đọc PDB này, Bush nói với Rice rằng chiến dịch tiếp cận Al-Qeada còn quá rời rạc, rằng ông quá mệt mỏi trước các vụ “đập ruồi” và rằng phải có một kế hoạch toàn diện. Tuy nhiên, dựng kế hoạch là một chuyện và thực hiện là chuyện khác.

Rào cản trước mắt là thủ tục hành chính. Bản báo cáo của Clarke phải lọt qua ba cửa: Ủy ban các vị phó (Deputies’ Committee – gồm một số vị phó quan trọng trong nội các); Ủy ban những vị cao cấp (Principals’ Committee – gồm Phó Tổng thống Dick Cheney, cố vấn an ninh quốc gia Condoleezza Rice, giám đốc CIA George Tenet, Ngoại trưởng Colin Powell và Bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld); và cửa cuối cùng là Tổng thống. Ngày 30-4-2001, gần 6 tuần sau khi nội các bắt đầu phiên họp Deputies’ Committee, Clarke đệ trình chương trình hành động mới, với sự chủ tọa của phó cố vấn an ninh quốc gia Stephen Hadley. Trong phiên họp, có Lewis Libby (chánh văn phòng của Dick Cheney); thứ trưởng ngoại giao Richard Armitage; thứ trưởng quốc phòng Paul Wolfowitz; và viên chức CIA John McLaughlin. Kết quả: đề nghị xem xét cùng lúc ba vấn đề: Al-Qeada; tình hình chính trị Pakistan và quan hệ New Delhi-Islamabad. Báo cáo này không lọt vào Nhà trắng.

Ðó là cái gì, xảy đến khi nào và nổ ra ở đâu?

Giữa năm 2001, tin tình báo về nguy cơ các mục tiêu Mỹ bị tấn công bắt đầu dồn dập. Ngày 22-6-2001, Bộ quốc phòng báo động toàn diện và yêu cầu 6 tàu thuộc Hạm đội 5 (đóng ở Bahrain) dàn ra biển nhằm tránh nguy cơ bị khủng bố chết chùm ở cảng. Quân đội Mỹ tại khắp thế giới (căn cứ NATO ở Incirlik-Thổ Nhĩ Kỳ, Rome, Bỉ, Ðức, Ðông Nam Á…) đều được báo động đỏ. Tuy nhiên, Ngày Ðộc lập diễn ra không có sự cố nào. Lúc đó, Richard Clarke vẫn yêu cầu Ben Bonk – phó giám đốc trung tâm chống khủng bố CIA – báo cáo cho mình. Bonk trưng ra vài bằng chứng mù mờ cho thấy Al-Qeada đang lập kế hoạch “một cái gì rất đặc biệt” nhưng không ai biết đó là cái gì, khi nào xảy đến và nổ ra ở đâu.

Tổng thống George W. Bush nói chuyện với giới báo chí tại Phòng Oval sau cuộc gọi với Thống đốc New York George Pataki, ngày 13 Tháng Chín 2001 (National Archives; Smith Collection/Gado/Getty Images)

Sự hoài nghi này thể hiện trong báo cáo mang tựa Threat of impending Al-Qaeda attack to continue indefinitely. Tuy nhiên, tình hình tiếp tục bình yên và bản báo cáo nội dung không rõ ràng khiến người ta càng ngán thấy “sự hoang tưởng ám ảnh khủng bố” của Clarke và cả giám đốc CIA George Tenet (cách vài ngày, Tenet lại gọi Tom Pickard – quyền giám đốc FBI vào tháng 6-2001, hỏi: “Ông có nghe gì không? Có gì mới không?”). Giữa tháng 7-2001, Tenet dự phiên họp đặc biệt với Condoleezza Rice và vài viên chức cấp cao.

Với bản đồ to trên tường, Tenet chỉ hàng chục điểm có thể bị tấn công, chủ yếu các mục tiêu Mỹ hải ngoại, và một trong những điểm quan trọng nhất là Genoa (Ý), nơi Tổng thống Bush dự cuộc họp thượng đỉnh G-8 vào ngày 20-7-2001. Một lần nữa, lại chẳng có bom nổ. Ngày 16-7-2001, phiên họp Deputies’ Committee kết thúc, trong khi chưa xác định được ngày tổ chức phiên họp Principals’ Committee. Sau nhiều bàn cãi, cuối cùng, thời điểm được chọn là 4-9-2001, tức 9 tháng từ khi Clarke lập kế hoạch chống khủng bố trong báo cáo mình…

Cuối năm 2000 đầu 2001, cơ quan an ninh châu Âu liên tiếp ghi điểm bằng loạt cú đấm vào Al-Qeada, với trợ giúp của CIA. Một ngày sau Giáng sinh 2000, an ninh Ðức tóm cổ bốn kẻ Algeria tình nghi âm mưu cài bom ở các mục tiêu tại Strasbourg. Hai tháng sau, an ninh Anh bắt sáu tên khủng bố Algeria. Tháng 4-2001, cảnh sát Ý phá một ổ khủng bố với âm mưu đánh bom Tòa đại sứ Mỹ tại Rome. Hai tháng sau, cảnh sát Tây Ban Nha bắt được Mohammed Bensakhria (Algeria), từng ở Afghanistan và quan hệ với nhiều chỉ huy Al-Qeada, trong đó có Bin Laden.

Cảnh sát Pháp cho biết Bensakhria chính là chỉ huy trưởng nhóm khủng bố ở Frankfurt trong chiến dịch khủng bố bất thành tại Strasbourg. Quan trọng nhất, ngày 28-6-2001, Djamel Beghal – người Pháp gốc Algeria, từng nằm trong danh sách tầm nã của Chính phủ Pháp từ năm 1997 – bị bắt tại Dubai, trên đường về từ Afghanistan. Beghal tiết lộ âm mưu đánh bom Tòa đại sứ Mỹ tại Paris và cung cấp nhiều thông tin mới về cơ cấu chỉ huy Al-Qeada, trong đó có vai trò lãnh đạo các chiến dịch quốc tế của Abu Zubaydah. Tất cả chi tiết này càng củng cố “niềm tin” rằng Al-Qeada chỉ có thể tấn công mục tiêu Mỹ ở hải ngoại.

Ðỉnh điểm của sự thờ ơ

Trong loạt thờ ơ chết người, sự thờ ơ của Washington đối với FBI là một trong những sai lầm tai hại nhất. Trợ lý giám đốc FBI Barry Mawn khẩn nài nhiều lần việc tuyển dụng thêm nhân viên, chuyên gia ngôn ngữ và nhân viên hành chính nhưng luôn bị hứng gáo nước lạnh. John O’Neill – chỉ huy trưởng Ban an ninh quốc gia thuộc FBI, với hơn 100 nhân viên dưới trướng giàu kinh nghiệm – cũng gặp rối rắm. Văn phòng tại New York City của John O’Neill, nơi chịu trách nhiệm điều tra vụ khủng bố tàu U.S.S. Cole, đã gặp khó khăn ngay từ đầu. Không chỉ bị Chính phủ Yemen từ chối hợp tác, chính đại sứ Mỹ tại Yemen – Barbara Bodine – cũng xua đuổi O’Neill. Cho rằng sự có mặt của nhiều nhân viên FBI khiến tình hình chính trị Yemen bị ảnh hưởng, Bodine thậm chí ngăn O’Neill không trở lại Yemen sau khi ông về Mỹ dự lễ Tạ ơn…

Ngày 6-8-2001, khi đang nghỉ tại Crawford (Texas), Tổng thống Bush nhận được báo cáo tình hình an ninh hàng ngày của CIA. Lần này, báo cáo nhấn mạnh khả năng Al-Qeada tiến hành khủng bố ngay trên đất Mỹ. Ít nhất hai văn phòng FBI đã cung cấp thông tin trên. Lần cảnh báo thứ nhất xuất phát từ văn phòng FBI ở Phoenix (bang Arizona). Ngày 10-7-2001, nhân viên FBI Kenneth Williams tại Phoenix viết bản đệ trình về một số kẻ Hồi giáo học lái máy bay tại Arizona và đề nghị điều tra xem thành viên Al-Qeada có học lái máy bay ở các bang khác trên toàn nước Mỹ không.

Tổng thống George W. Bush nói chuyện với nhóm lính cứu hỏa, New York City, ngày 14 Tháng Chín 2001 (National Archives; Smith Collection/Gado/Getty Images)

Kenneth Williams gửi báo cáo về chỉ huy sở FBI và hai văn phòng FBI khu vực, trong đó có New York City, nhưng đều không nhận hồi âm. Năm tuần sau, cảnh báo thứ hai được tung từ một văn phòng FBI khu vực khác. FBI trung tâm vẫn không phản hồi. Báo cáo này cho biết, ngày 13-8-2001, người Pháp gốc Morocco Zacarias Moussaoui đã đến Viện bay quốc tế Pan Am tại Minnesota để học lái Boeing 747. Moussaoui có mặt tại Mỹ từ tháng 2-2001 và từng học lái máy bay tại một trường ở Norman (bang Oklahoma). John Rosengren (giám đốc Viện Pan Am cho đến tháng 2-2002) nói thêm rằng Moussaoui xin học lái Boeing 747 trong “bốn hay năm ngày”. Sau hai ngày học tại Pan Am, một giáo viên hướng dẫn bắt đầu nghi ngờ khi thấy Moussaoui cố tình không muốn tiết lộ lý lịch Hồi giáo.

Một nhân viên FBI liên lạc với FBI trung tâm “và hôm sau, văn phòng FBI tại Minneapolis thông báo rằng Moussaoui đã bị bắt tại khách sạn Residence Inn ở Eagan” – John Rosengren kể. Moussaoui đóng vai trò rất quan trọng trong vụ 11-9. Chính phủ Ðức cho biết Ramzi Binalshibh – một trong những người bạn ở Hamburg của Mohamed Atta và Marwan Al-Shehhi – đã chuyển tiền hai lần cho Moussaoui vào tháng 8-2001.

Binalshibh – bị khước từ visa vào Mỹ bốn lần trong năm 2000 – bị tình nghi là một trong những đường dây tuồn tiền cho nhóm khủng bố 11-9 (tuy nhiên, không cú điện thoại hay bằng chứng cụ thể nào liên kết trực tiếp nhóm khủng bố 11-9 với Moussaoui). Từ manh mối Moussaoui, Văn phòng FBI Minnesota liên tiếp yêu cầu chỉ huy sở FBI cấp lệnh khám xét nhằm tìm chiếc máy tính của hắn. Từ Washington, người ra cũng yêu cầu Pháp cung cấp thông tin chi tiết về nhân thân Moussaoui. Một viên chức an ninh Pháp trả lời báo Time rằng Mỹ đã nhận được “mọi thứ họ cần” để biết về Moussaoui nhưng FBI nói, cho đến trước vụ 11-9, người Pháp chỉ đưa một văn bản vỏn vẹn ba trang với thông tin chung chung.

Vấn đề không phải ở chỗ sự kém nhiệt tình của người Pháp mà là vụ Moussaoui chưa bao giờ gây chú ý cho các viên chức hàng đầu trong Nhà trắng. Không ai ở FBI cũng như CIA từng một lần báo cáo cho bất kỳ ai ở Nhà trắng về vụ bắt giam Moussaoui (và “điều này không thể tha thứ” – Michael Elliott viết). Phần mình, trùm chống khủng bố Richard Clarke và trùm CIA George Tenet tiếp tục chờ phiên họp Principals’ Committee.

Phần mình, trợ lý giám đốc FBI Barry Mawn lẫn chỉ huy trưởng Ban an ninh quốc gia thuộc FBI John O’Neill vẫn ngóng chờ việc cấp thêm chuyên gia ngôn ngữ và phân tích viên. Phần mình, quyền giám đốc FBI Tom Pickard vẫn khẩn nài Bộ tư pháp cấp khoảng 50 triệu USD cho chương trình chống khủng bố. Ngày 10-9-2001, Pickard nhận được thư khước từ của Bộ trưởng tư pháp John Ashcroft. Hơn một tuần trước, John O’Neill với tâm trạng chán ngán đã rút khỏi FBI và xin làm tại Trung tâm thương mại thế giới với chức chỉ huy lực lượng an ninh. Còn ở Afghanistan, ngày 9-9-2001, tướng Liên minh phương Bắc Ahmed Shah Massoud bị ám sát. Richard Clarke, với bản kế hoạch chống khủng bố, vẫn đợi chữ ký của Bush…

Và trả giá

Khoảng 50 tiếng sau khi Ahmed Shah Massoud bị giết, Mohamed Atta – ngồi trên chiếc Flight 11 của American Airlines ở Phi trường Logan tại Boston – gọi điện di động cho Marwan Al-Shehhi, trên chiếc Flight 175 của United Airlines. Sáng hôm đó, 11-9-2001, cựu viên chức FBI John O’Neill – người từng song hành Richard Clarke trong cuộc chiến chống Al-Qeada – có mặt tại nơi làm việc (Trung tâm thương mại thế giới). Sau khi Atta và Al-Shehhi đâm máy bay vào tòa tháp đôi, từ bên ngoài Trung tâm thương mại thế giới, O’Neill gọi con trai, báo rằng mình vẫn an toàn. Sau đó, ông lao vào bên trong. Thi thể ông được nhận biết vào 10 ngày sau…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: