Ngày nay, các siêu anh hùng có mặt mọi lúc mọi nơi trên màn bạc, tạo ra những ảnh hưởng văn hóa trong đời thường. Họ đã thoát khỏi sự cầm tù trong những bộ truyện tranh như “chốn dung thân duy nhất” suốt một thời gian dài và chễm chệ đi vào các môi trường mới phong phú; từ quần áo, đồ chơi, trò chơi điện tử đến phim truyền hình; và tất nhiên, phim điện ảnh. Các siêu nhân luôn thống trị phòng vé, bất chấp xuất thân từ đâu, hình dáng thế nào, và thường xuyên kiếm được hàng tỷ đôla cho các chủ nhân của nó. Ai là người tạo ra các siêu anh hùng này?
Người sáng tạo ra các siêu anh hùng
Hàng trăm triệu người khắp thế giới theo dõi các siêu nhân hành động, đã làm cho các nhân vật xuất chúng này trở thành một trong những câu chuyện phổ biến nhất trong lịch sử đương đại của loài người.
Jack Kirby, một họa sĩ truyện tranh xuất sắc, có công rất lớn trong việc tạo ra các siêu nhân và được vinh danh như “hoạ sĩ quan trọng nhất từ trước đến nay”, xét cả dưới góc độ tạo phương tiện kinh doanh và làm giàu cho nhiều người. Bộ phim siêu nhân mới nhất của hãng Marvel Studios, Eternals, khởi chiếu từ ngày 5 Tháng Mười Một, có sự tham gia của dàn diễn viên nổi tiếng gồm Angelina Jolie, Salma Hayek, Kumail Nanjian được dựa trên bộ truyện tranh phát hành năm 1976 của Kirby, kể về Immortals, một chủng tộc người bất tử được tạo ra bởi những người ngoài hành tinh khổng lồ để bảo vệ nhân loại chống lại Deviants, một chủng tộc khác cũng do nó tạo ra.
Bộ phim là một lời nhắc nhở nữa rằng, dù Kirby không được nhiều người biết đến, nhưng ông là “một trong những nghệ sĩ có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20”. Kirby, qua đời năm 1994, có đóng góp rất lớn vào sự thành công của “Vũ trụ Điện ảnh Marvel” vẫn đang tiếp tục làm mưa làm gió. Ông là “kiến trúc sư” chính của nhiều truyện tranh được chuyển thể thành phim và các nhân vật được vẽ lên quần áo, làm thành đồ chơi, videogame. Không có họa sĩ truyện tranh nào có ảnh hưởng lớn như Kirby trong lĩnh vực chuyên môn của mình.
Di sản của ông vượt xa thế giới truyện tranh và các siêu anh hùng. Phong cách hội họa đặc trưng của Kirby là sự kết hợp giữa các trào lưu nghệ thuật chủ đạo gồm chủ nghĩa lập thể, chủ nghĩa biểu hiện, chủ nghĩa siêu thực, tiên phong, pop art, nghệ thuật bản địa Nam Mỹ, thương mại, và cả chủ nghĩa vị lai. Tất cả được pha trộn thành một ngôn ngữ hình ảnh của riêng. Sự cách tân phong cách sáng tác của Kirty và tính năng động trong thiết kế, vẫn có thể tìm thấy ở hầu hết các hình thức nghệ thuật và phương tiện truyền thông thị giác hiện nay, từ phim ảnh, quảng cáo đến nhiếp ảnh.
Thế giới siêu anh hùng của Jack Kirby (DC Entertainment) |
Bỏ học từ năm 14 tuổi
Kirby có tên khai sinh Jacob Kurtzberg, sinh năm 1917 trong gia đình người Do Thái nhập cư từ Áo đến khu dân cư Lower East Side của tiểu bang New York và kiếm sống nhờ một xưởng may. Bỏ học giữa chừng tại Viện Pratt (Pratt Institute) năm 14 tuổi, ông đã sớm thành công khi cùng người bạn studio Joe Simon tạo ra nhân vật siêu anh hùng Captain America cho nhà xuất bản truyện tranh Timely Comics vào năm 1941 với số bản in bán ra gần một triệu bản mỗi tháng. Một kỷ lục lúc đó! Nghệ thuật sáng tạo các nhân vật siêu động, siêu cách điệu, “siêu”… tất cả của ông hầu như không có trong các truyện tranh trước đó và đã tạo ra một thể loại nghệ thuật sơ khai đứng riêng một cõi, làm bàn đạp cho ngành công nghiệp truyện tranh siêu anh hùng phát triển.
Khi sự nổi tiếng của các siêu anh hùng suy yếu dần sau Thế chiến thứ hai, Kirby đa năng tiếp tục “ghi bàn” với nhiều thể loại truyện tranh khác, từ Viễn Tây, kinh dị, du hành không gian đến quái vật khổng lồ. Truyện tranh của ông tiến bước cùng với sự phổ thông của các sinh vật lạ như “Them!” ở Mỹ và các bộ phim kaiju như Godzilla ở Nhật Bản; và bền bỉ với thời gian. Nhưng chính sự lãng mạn tuổi teen mới là thứ ông ghi dấu ấn mạnh nhất khi cùng Simon tạo ra truyện tranh Young Romance cho nhà xuất bản Prize Comics vào năm 1947, một bản “hit” của thế giới xuất bản với hơn một triệu bản in bản hết mỗi tháng và truyền cảm hứng cho gần một trăm bộ truyện “ăn theo”!
Phá vỡ khuôn mẫu siêu nhân của Archie Comics, bộ truyện mới đã đưa không khí kịch hoành tráng theo phong cách Shakespeare (Shakespearean melodrama) vào truyện tranh dành cho giới trẻ, một cuộc cách mạng vẫn được sử dụng trong vô số bộ phim truyền hình dành cho thanh thiếu niên ngày hôm nay. Cũng giống như cách giúp định nghĩa truyện tranh siêu anh hùng trong thập niên 1940, Kirby đã giúp định nghĩa lại chúng vào thập niên 1960. Timely Comics lúc này đổi tên thành Marvel Comics, và Stan Lee, cựu trợ lý văn phòng của Timely, và Simon giữ cương vị tổng biên tập kiêm nhà văn trưởng của hãng. Lee khuyến khích Kirby tiếp tục tạo ra những gì chưa từng có tiền lệ, vượt qua cả thời kỳ hưng phấn trước đó.
Những siêu anh hùng trên màn bạc (MARVEL ENTERTAINMENT) |
Sự hợp tác ấn tượng
Hai người hợp tác tạo ra Fantastic Four (1961), Hulk (1962), Thor (1962), Ant-Man (1962), Iron Man (1963), Avengers (1963), X-Men (1963), Silver Surfer (1966), Black Panther (1966) và hàng trăm anh hùng, nhân vật phản diện, các nhân vật khác và cả các khái niệm. Kirby cũng có vai trò trong việc tạo ra các nhân vật Spider-Man vào năm 1962, Daredevil vào năm 1964 và thiết kế các truyện tranh đứng một mình như Eternals với các nhân vật không có trong các truyện tranh khác. Không chỉ sáng tạo ra một “chòm sao” nhân vật mới mà họ cũng nghĩ ra cách tiếp cận hoàn toàn mới. Ví dụ, tái hiện những con quái vật thành những anh hùng bị ruồng bỏ và chú ý đến tình cảm tuổi teen trong đời thực hơn với những bộ truyện tranh chiếm lĩnh được trái tim của các độc giả trung học và đại học.
Truyện tranh của hai người lúc này mang tính hiện thực cao hơn và sâu sắc hơn, trong đó nói về những anh hùng mắc lỗi, được lấy cảm hứng một phần từ trải nghiệm thời tuổi trẻ của Kirby trong một băng đảng đường phố và khi ông trở thành một trinh sát bộ binh chiến đấu ở Pháp được thưởng Ngôi sao Đồng. Trong khi Marvel được biết đến với biệt danh “Ngôi nhà của những ý tưởng” (The House of Ideas), Lee là “Stan the Man” thì Kirby là “Vua truyện tranh” (King of Comics).
Kirby cũng là cha đẻ của nhiều truyện thần thoại cho nhà xuất bản truyện tranh lớn khác. Truyện tranh Fourth World (Thế giới thứ tư) của ông (một tác phẩm kinh dị dựa vào Siêu nhân đã được chuyển thành bốn bộ phim nhiều tập từ năm 1970 đến năm 1973), được xem là “vở opera không gian vĩ đại về cuộc chiến giữa các vị thần ngoài hành tinh”. Truyện giới thiệu Darkseid (nhân vật bóng tối phản diện) dữ dằn, khét tiếng, kẻ chỉ huy cuộc chiến tranh sử dụng máy móc của hành tinh Apokolips trong cuộc chinh phục giải thiên hà. Đối đầu với Darkseid là con trai riêng Orion, được các vị thần cao quý nuôi dưỡng để trở thành nhà vô địch của họ trong khi bản thân anh phải đấu tranh chống lại di sản và bản chất đen tối của mình. Tôn giáo và nguồn sức mạnh của sức sống siêu hình được gọi đơn giản là “Nguồn” (the Source).
Star Wars và Fantastic Four
Bốn năm sau đó, loạt phim Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao) đầu tiên được phát hành cũng có các nhân vật tương tự hai cha con Darkseid. Đó là Darth Vader, Luke Skywalker và Dark Side, Death Star, Force (Mặt tối, Ngôi sao tử thần, Thần lực). Vader giống nhân vật phản diện do Kirby đóng và kẻ xấu Tiến sĩ Doom do Lee đóng (kẻ che giấu vết sẹo bỏng kinh hoàng của mình dưới bộ giáp công nghệ cao) trong Fantastic Four. Star Wars đã thay đổi điện ảnh và kinh doanh mãi mãi, và là nhượng quyền thương mại duy nhất giúp Marvel Comics kiếm nhiều tiền nhất trước khi hãng sáp nhập vào Disney (trong số mười phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại, ba phim thuộc Marvel, trong đó có Star Wars).
Mặc dù nhà sản xuất và đạo diễn George Lucas không bao giờ thừa nhận những điểm tương đồng giữa Fantastic Four và Star Wars, nhưng chúng được nhiều người thừa nhận, gồm cả Kirby. Một người có sáng tạo được nhượng quyền thương mại đánh giá các tác phẩm của Kirby rất có ảnh hưởng là tác giả George R. R. Martin của loạt truyện tranh được chuyển thành phim truyền hình ăn khách và đoạt nhiều giải thưởng Game of Thrones. Ông cho biết lúc còn bé, thư hâm mộ của ông còn được vinh dự đăng trong truyện Fantastic Four. Đạo diễn Guillermo del Toro thuộc số người rất hâm mộ những thiết kế quái vật của Kirby.
Tác giả Michael Chabon cũng là fan và là nhà sưu tập các tác phẩm nguyên bản của Kirby. Cuốn tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của Kavalier & Clay của ông có một phần dựa vào cuộc đời của Kirby và được tặng riêng cho họa sĩ trong lời bạt. Không chỉ là một người có ảnh hưởng, Kirby còn là trung tâm của phong trào nghệ thuật đại chúng (pop art), theo đúng nghĩa đen. Ảnh ghép pop art năm 1956 của Richard Hamilton có tựa “Đâu là điểm khiến những ngôi nhà ngày nay trở nên khác biệt, hấp dẫn đến vậy?” được xem là tác phẩm nghệ thuật đại chúng quan trọng đầu tiên, có trang bìa tập 26 của bộ truyện tranh Young Romance của Kirby. Còn họa sĩ Roy Lichtenstein có bức tranh ghép năm 1963 “Image Duplicator” với bức ảnh tập 1 truyện tranh Uncanny X-Men của Kirby.
Một trong những cha đẻ của văn hóa đại chúng
Từng xuất hiện với tư cách khách mời trong bộ phim sitcom Bob của đạo diễn Bob Newhart, năm 1979, Kirby được nhờ phụ trách phần “concept art” cho bộ phim điện ảnh chuyển thể từ tiểu thuyết khoa học viễn tưởng cùng tên Lord of Light (Chúa tể ánh sáng) do Roger Zelazny đạo diễn ăn theo thành công của Star Wars.
Cũng chính nhà sản xuất phim này thuê ông thiết kế toàn bộ công viên chuyên đề Science Fiction Land ở Colorado. Cả hai đều thất bại về doanh thu nhưng nghệ thuật của Kirby còn tìm thấy một nơi bất ngờ khác. CIA đã sử dụng nó để sản xuất mô phỏng bộ phim Argo làm bình phong trong một chiến dịch bí mật nổi tiếng giải cứu các nhân viên đại sứ quán Mỹ bị giam lỏng ở Tehran trong cuộc khủng hoảng con tin Iran 1979. Năm 2009, Disney mua lại Marvel (Ngôi nhà mà Jack góp tay xây dựng) với giá $4.2 tỷ USD. 10 năm tiếp theo, hãng đã phát hành 20 bộ phim rất thành công mà đỉnh cao là Avengers: Endgame (2019) mang về $2.8 tỷ.
Những sáng tạo của Kirby đã trở thành tài sản trí tuệ lớn nhất trong lịch sử, điều mà Kirby, người có tầm nhìn xa, đã tiên đoán từ những năm 1960. Vị trí của ông đối với truyện tranh cũng giống như Shakespeare đối với văn học. Họ đều là bậc thầy vĩ đại của hình thức, sự điêu luyện, đặt ra nhiều thành ngữ và điển tích với chuẩn mực cao nhất. Nhưng không phải là ai cũng biết tên Kirby như Shakespeare. Thực tế cho thấy, Kirby là một trong những cha đẻ của nền văn hóa đại chúng hiện đại và ảnh hưởng của “nhà vua truyện tranh” là… vĩnh cửu!