Sách nấu ăn: Loạn ăn cắp bản quyền

Minh họa: Heather Ford/Unsplash
Share:

Mỹ là một trong những quốc gia kiểm soát nghiêm ngặt vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ nhưng sách nấu ăn là loại sách bị chôm bản quyền và bị “luộc” nhiều nhất. Chẳng có gì khó xử nhưng lại dễ gây tranh cãi bằng câu hỏi ai là người đầu tiên tạo ra một công thức nấu ăn… Trong thực tế, trong một số trường hợp, tìm ra được “cha đẻ” hoặc “mẹ đẻ” của cách gói và nấu bánh tét là chuyện có trời mới làm được. 

Năm 2011, người biên tập sách dạy nấu ăn Rux Martin nhận thấy điều gì đó không bình thường trên trang bìa một tạp chí phụ nữ: Thiết kế tạo hình một cái bánh cup trông y chang cái cupcake nhân bắp trong quyển Hello, Cupcake! – cuốn sách nấu ăn bán chạy nhất năm 2008 mà Rux Martin biên tập. Trong khi đó, công thức kèm theo của cái bánh in trên tạp chí lại không hề đề tên hai tác giả gốc – Alan Richardson và Karen Tack. Rux Martin viết thư cho tạp chí, phàn nàn việc chôm chỉa nhưng không được hồi đáp.

Minh họa: Heather Ford/Unsplash

Luật bản quyền Mỹ luôn tìm cách bảo vệ “các tác phẩm gốc có quyền tác giả” (“original works of authorship”) bằng cách cấm sao chép trái phép tất cả tài liệu sáng tạo: Bản nhạc, thơ, tác phẩm kiến ​​trúc, tranh và phần mềm máy tính. Tuy nhiên, một công thức nấu ăn, trong nhiều trường hợp, khó có thể chứng minh nó là sáng tạo độc quyền của một người. Một ít muối, hai thìa đường, ba gram tỏi băm…, ai có thể nói rằng chỉ một người mới nghĩ ra như thế. Và vậy là việc sao chép xảy ra như cơm bữa. Có khi người ta chôm “nguyên con” với việc “copy-paste” từng chữ, đăng trên blog riêng hoặc in trong sách dạy nấu ăn đề tên mình.

Theo New York Times 29-11-2021, một trong những vụ ồn ào gần đây là vào Tháng Mười, nhà xuất bản Bloomsbury, nơi phát hành quyển nấu ăn có tựa Makan (tác giả là đầu bếp nổi tiếng người Anh Elizabeth Haigh), phải thu hồi quyển này ra khỏi thị trường. Một tác giả sách nấu ăn nổi tiếng tên Sharon Wee cho rằng Makan chứa các công thức và những câu chuyện kể trong đó gần giống với nội dung quyển Growing Up in a Nonya Kitchen phát hành năm 2012 của mình. Tệ hơn, Elizabeth Haigh thậm chí “luộc” lại một số hồi ức cá nhân của Sharon Wee, với lối ngôn ngữ thể hiện y chang.

Minh họa: Chinh Le Duc/Unsplash

Trong giới xuất bản, lâu nay người ta ngầm chấp nhận các công thức nấu ăn không thể có bản quyền. Tuy nhiên, vụ Makan đã khơi dậy cuộc tranh luận về quyền sở hữu công thức (recipe ownership), khiến giới viết sách lẫn biên tập tự hỏi làm cách nào họ có thể (và nên) bảo vệ tác phẩm mình, trong một thể loại hoàn toàn dựa trên những gì đã có từ trước.

Bonnie Slotnick, chủ sở hữu Bonnie Slotnick Cookbooks, một cửa hàng sách cổ ở East Village, Manhattan, nói rằng: “Toàn bộ lịch sử xuất bản sách nấu ăn Mỹ đều dựa trên sự vay mượn và chia sẻ”. Cần nhắc lại, quyển American Cookery của Amelia Simmons, xuất bản năm 1796 và được coi là một trong những sách dạy nấu ăn đầu tiên của Mỹ, có đầy rẫy công thức nấu ăn được sao chép từ sách của Anh. Những năm sau đó, các tác giả da trắng đã thuổng công thức nấu ăn từ những đầu bếp da đen và “truyền lại đời sau” như thể là sáng tạo cá nhân. Ngay cả tác giả sách nấu ăn tiên phong người Mỹ James Beard cũng thường xuyên tung ra các công thức nấu ăn lấy từ đồng nghiệp mà không hề ghi tên họ.

Dù vậy, khi việc biên soạn sách dạy nấu ăn trở thành một công việc chuyên nghiệp kiếm được tiền thì người ta bắt đầu cãi nhau về chuyện chôm chỉa. Trong một vụ kiện năm 1996, Meredith Corporation cáo buộc Publications International Ltd việc xuất bản các công thức nấu ăn từ cuốn Discover Dannon: 50 Fabulous Recipes With Yogurt. Hai bên đưa nhau ra pháp đình. Cuối cùng tòa phán: Các công thức và cách thức hướng dẫn nấu ăn không thuộc phạm vi luật bản quyền! Mười hai năm sau, Missy Chase Lapine kiện Jessica Seinfeld, cho rằng quyển Decepcious Delicious của Seinfeld đã chôm ý tưởng từ quyển The Sneaky Chef của mình. Lại lôi nhau ra cửa quan. Tòa lại phán: Cái gọi là “ý tưởng” của Missy Chase Lapine cũng không được luật bản quyền bảo vệ.

Minh họa: Calum Lewis/Unsplash

Ở thời internet, việc “mượn nhau một chút” ngày càng phổ biến. Nó được thực hiện dễ dàng, tràn lan đến mức chẳng biết ai “luộc” ai. Sara Hawkins, luật sư quyền sở hữu trí tuệ, cho biết rằng, phần giới thiệu, ảnh và thiết kế đi kèm công thức nấu ăn có thể được bảo hộ bởi bản quyền. Và nếu quyển sách được viết với giọng văn và cách thể hiện ngôn ngữ riêng thì nó cũng có thể được bảo vệ bản quyền. Hawkins nói thêm rằng, vào thời điểm vấn đề bản quyền lần đầu tiên trở thành luật ở Mỹ vào năm 1790, nấu ăn được coi là trách nhiệm nội trợ của phụ nữ hơn là một hoạt động nghề nghiệp. Công thức nấu ăn được ghi lại cụ thể là điều tương đối mới. Lịch sử cho thấy nhiều nền văn hóa đã truyền miệng truyền thống ẩm thực và cách nấu nướng; cho nên, trong khi các lĩnh vực khác dễ tạo ra hàng rào bảo vệ bản quyền, thì công thức nấu ăn lại khó khăn.

Trang web của bà Andrea Nguyen

Một trong những cách bảo vệ bản quyền hiện nay được nhiều người áp dụng là tự “la lên” trước, rằng “cái này là của tôi”. Dĩ nhiên nếu đó thật sự là công thức riêng. Với Andrea Nguyen – người Mỹ gốc Việt, sinh năm 1969, sống tại San Francisco, một trong những chuyên gia ẩm thực nổi tiếng nhất Mỹ (viết bài thường xuyên trên New York Times, Wall Street Journal…) – bà ghi ngay trên web vietworldkitchen.com của mình lời “cảnh báo” nhẹ nhàng: “PERMISSION + CREDIT. All of the recipes and postings on Viet World Kitchen by Andrea Nguyen are the original creations and property of their author, Andrea Nguyen”. Bà Andrea Nguyen nói thêm, giới xuất bản phải chịu một phần trách nhiệm trong việc bảo đảm rằng sách mà họ phát hành là hoàn toàn nguyên bản.

Trong khi đó, một số người viết sách lại nói rằng họ không nghĩ đến việc bảo vệ bản quyền. Jenné Claiborne, tác giả Sweet Potato Soul, nói: “Mục đích của công thức là để người khác làm ra nó chứ không phải để cá nhân mình có “nhãn hiệu” gì riêng”. Tuy nhiên, cũng có những cố gắng thiết lập các tiêu chuẩn cho việc vay mượn công thức nấu ăn. Khi còn là sinh viên tại trường dạy nấu ăn Le Cordon Bleu ở Paris, Klancy Miller, tác giả Cooking Solo, được dạy rằng cần thay đổi sáu yếu tố của một công thức trước khi nó có thể được coi là công thức mới.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Lối sống con lắc
Việc liên tục theo đuổi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng rất khó khăn. May thay, có một quan điểm mới…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: