Mùa Giáng sinh, nhấp champagne cùng James Bond

Minh họa: Storiès/Unsplash
Share:

Từ xưa đến nay, Anh quốc vẫn là thị trường hải ngoại tiêu thụ nhiều Champagne nhất thế giới (không tính Pháp, quốc gia có niềm kiêu hãnh sản xuất thứ vang sủi tăm, sparkling wine, duy nhất được mang nhãn Champagne) nên không ngạc nhiên khi thấy gã điệp viên James Bond 007 rất mê thức uống deluxe này. Vì cha đẻ ra anh ta, ông Ian Fleming, là một “gentleman” Ănglê thứ thiệt.

Minh họa: Maria Velniceriu/Unsplash

JAMES BOND VÀ CHAI “NO TIME TO DIE”

Ngày 9 Tháng Chín 2021, sau khi lịch chiếu No time to die, tức phim thứ 25 về James Bond, đã công bố rõ ràng sau mấy lần thất hẹn các cụm rạp chiếu phim trên thế giới, nhà Bollinger đã chính thức tung ra chai Champagne mới rất phù hợp. Đó là chai có hộp in hình tài tử Daniel Craig trong vai Bond cùng chiếc xe Aston Martin DB5 Junior mà trong No time to die trở thành một cỗ máy vũ trang hai khẩu đại liên sáu nòng Gatling! Để thu hút khách sành điệu mê Champagne và khách chuyên sưu tập các chai Champagne gắn liền với những phim James Bond, nhà Bollinger còn nhấn mạnh trong hình ảnh quảng cáo rằng chai sâm banh Bond 007 No time to die chỉ là hàng có giới hạn!

(Pixabay)

Đây không là lần đầu tiên có sự “hợp tác” Bond-Bollinger mà là chuyện làm ăn đã keo sơn hơn nửa thế kỷ. Đầu thập niên 1970, nhà Bollinger được điều hành bởi Laude d’Hautefeuille và Christian Bizot, hai người cháu trai của bà góa Lily Bollinger. Bà góa này chính là nhân vật đã có công lớn tiếp tục sự nghiệp của chồng sớm qua đời mà gầy dựng Bollinger trở thành một trong những nhà sản xuất Champagne hàng đầu. Qua đến những năm 2000, nhà Bollinger nhiều năm liền có mặt trong danh sách Top 30 nhãn Champagne được ngưỡng mộ nhất thế giới theo bình chọn của độc giả tạp chí chuyên vang Drinks International (Anh).

Minh họa: Colin Watts/Unsplash

Hai người cháu ấy muốn đẩy uy tín của nhãn Bollinger lên một tầng cao hơn dù vẫn giữ nguyên truyền thống sản xuất Champagne hoàn hảo mà gia đình bà góa giao phó. Khi ấy, ông Albert “Cubby” Broccoli, nhà sản xuất nắm quyền làm phim James Bond 007 cũng đang tìm kiếm một nhãn Champagne thật phù hợp với phong thái playboy sang lịch của gã điệp viên. Ông đã kiên nhẫn dọn đường để có cơ hội tiếp cận rồi kết bạn với Christian Bizot. Họ thành tri kỷ của nhau khá nhanh chóng vì cả hai cùng là những người mê vang, nên một cách thật dễ dàng, Champagne Bollinger được chọn làm Champagne mà Bond sẽ khui trong các phim thực hiện sau này.

Champagne Bollinger 007 Millésimé 2011 trong bộ sưu tập vang của tác giả (ảnh: P. Nguyễn Dũng)

Kể từ đó đến nay, nhãn Champagne này đã xuất hiện trong 13 phim Bond và từ phim Moonraker năm 1979 thì đã là “nhãn Champagne độc quyền được hiện diện trong các phim Bond!

Thế còn tác giả Ian Fleming có thích Bollinger không? Xin biết thêm rằng trong cuốn tiểu thuyết điệp báo Diamonds are forever, cô nàng Tiffany Case đã gửi một chai sâm banh Bollinger đến phòng của Bond trên du thuyền hạng đỉnh sang Queen Elizabeth! Còn trên màn ảnh lớn, chai Bollinger đầu tiên hiện rõ là trong phim Live and Let die trình chiếu năm 1973, khi Roger Moore thủ vai James Bond và yêu cầu được phục vụ đúng chai Champagne này.

BOND VÀ BOLLINGER THEO DÒNG PHIM NHỰA

* Năm 2012, kỷ niệm 50 năm James Bond lên màn ảnh lớn đồng thời ghi dấu ấn mối hợp tác tốt đẹp Bond-Bolli (tên ngắn gọn mà những người yêu Champagne dùng để gọi Bollinger), một chai sâm banh đỉnh (tạm dùng để gọi tête de cuvée, tức dòng Champagne hảo hạng nhất của từng nhà sản xuất) được tung ra trùng với sự tỏa sáng của phim Skyfall (Daniel Craig thủ vai Bond): Bollinger La Grande Année 2002.

Chai này có cái hộp riêng rất độc đáo, thiết kế như ống hãm thanh mà James Bond thường sử dụng gắn vào khẩu súng Walther PPK cố cựu của anh. Hộp màu đen có chạy chỉ bạc và có khóa mà ai muốn mở nó ra thì phải vặn đúng hàng số 007 nắp hộp mới bật lên. Nhà sản xuất chỉ có thể chào bán cho giới mộ điệu được 30,000 chai này vì nó là hàng quý hiếm với nho thu hoạch năm 2002 là năm mùa vụ tốt đẹp nhất tại vùng Champagne bên Pháp khai mở cho Thiên niên kỷ mới. Chai La Grande Année này được “disgorged” (tém đầu xả cặn) vào Tháng Sáu 2012.

Champagne Bollinger trong buổi chiếu giới thiệu (trước khi ra rạp) bộ phim James Bond 007 ‘Spectre’ tại New York City, Tháng Mười Một 2015 (ảnh: Jamie McCarthy/Getty Images)

* Đến Tháng Chín 2015, James Bond chuẩn bị ra rạp chiếu trong phim mới SPECTRE nên nhà Bollinger không vắng mặt. Đó là chai Bollinger SPECTRE với nho thu hoạch năm 2009, số lượng có hạn (lại vẫn là Limied Edition khi có hàng quý hiếm) cùng với chai SPECTRE Crystal Set khổ lớn Magnum (bằng hai chai dung tích 750ml bình thường) ở dạng R.D niên vụ 1998. Còn trên màn ảnh lớn phim SPECTRE, khán giả sành vang có lẽ đã thèm thòm khi thấy Bond-Daniel Craig uống chai Bollinger R.D 2002 (viết tắt của Récemment dégorgé/Recently disgorged, tức tém cổ sả cặn không lâu trước ngày được đưa lên kệ bán).

* Tháng Một năm 2020, tin vui loan truyền rằng phim James Bond thứ 25 No time to die sắp trình chiếu, nhà Bollinger giới thiệu 007 Limited Edition, một chai Blanc de Noirs (Champagne trắng làm hoàn toàn với nho Pinot Noir vỏ đen) đã được ủ trong thùng gỗ sồi, rồi thêm bảy năm bất động lên men lần hai trong chai trữ trong hầm sâu dưới lòng đất bên vùng Champagne. Chai Bolly này là “hoa thơm trái ngọt” của mùa thu hoạch năm 2011, dùng toàn nho Pinot Noir trồng ở những vườn nho chất lượng Grand Cru tại làng Ay. Nó cũng là một “của quý” được bảo quản trong cái hộp gỗ phía trên có nắp bằng thủy tinh dày, in đủ tên các phim James Bond đã ra mắt khán giả. Chủ nhân của chiếc hộp chỉ cần thò ngón tay ấn vào nút thì nắp từ từ mở ra và chai 007 Limited Edition trồi dần lên!

THƯƠNG VỤ HAI BÊN CÙNG CÓ LỢI BOND-BOLLY

Sau 40 năm gắn bó tốt đẹp, thương vụ Bond-Bolly đã thu hoạch được những kết quả nào? Ông Clément Ganier, Giám đốc tiếp thị của nhà Bollinger không khoe khoang mà chỉ thố lộ chút chút.

Trong lãnh vực hợp tác phim 007 và những sản phẩm hoặc dịch vụ có nhiều hình thức bắt tay khác nhau, từ mua quyền được xuất hiện trong phim qua quyền được sử dụng hình ảnh phim để quảng bá mà không được xuất hiện trong phim (thí dụ hãng Procter & Gamble đã tung ra loại nước hoa 007 mà chúng ta không hề thấy anh chàng Daniel Craig dùng đến trong các phim Bond). Ngoài ra còn có một dạng hợp tác rất ư là “đỉnh” gọi là “Gentlemen’s agreement” mà gia đình nhà sản xuất Broccoli đã cam kết lâu nay. Thứ nhất là cam kết hợp tác dài lâu với nhà Bollinger và thứ hai là cam kết hợp tác dài lâu với nhãn xe Aston Martin.

“Từ năm 1973 trở đi, cứ mỗi khi có dự án phim 007 là chúng tôi đều cung cấp Champagne cho bên sản xuất phim ấy mà không cần biết nhãn hàng của chúng tôi sẽ có xuất hiện trên các thước phim nhựa hay không, sẽ có được nhắc đến bởi các diễn viên viên trong phim hay không. Khi phim chiếu ra mắt lần đầu dành cho giới nghệ sĩ, khách mời tại London, chúng tôi tiếp tục cung cấp Champagne, ly flute chân dài có chữ Bollinger, nhân viên phục vụ mang tạp dề có chữ Bollinger. Đó là những hình thức đặt để sản phẩm rất hiệu quả (product placements)” – ông Ganier tiết lộ.

Tuy nhiên, mọi chuyện dù có diễn biến tốt đẹp đến đâu chăng nữa thì theo thời gian cũng cần có thêm những hình thức mới. Cho nên từ năm 2004, khi Daniel Craig lần thứ hai vào vai Bond trong Quantum of Solace, nhà Bollinger đã chấp nhận chi tiền để mua quyền sử dụng danh thơm 007. Nên rồi đã có những chai Bollinger “số lượng rất giới hạn” kể trên đi kèm với những đồ vật hữu dụng trong nghệ thuật thưởng thức vang như bình ướp lạnh Bollinger Spectre Crystal Set 007 tung ra bán năm 2015 cùng phim SPECTRE. Cái bình này, dùng ướp chai Bollinger R.D. 1988, là một tuyệt tác của nhà đồ dùng pha-lê deluxe Cristallerie Saint-Louis. Giá bán lẻ ư? Tầm 6,000 euro trở lên nhé!

Minh họa: Colin Watts/Unsplash

BOND TỪNG UỐNG CÁC CHAI BOLLY NÀO?

Trước khi “kết tình” với Bollinger thì James Bond 007 đã từng uống Champagne Dom Pérignon (khoảng bảy chai niên vụ khác nhau trong bảy phim buổi ban đầu, với diễn xuất của tài tử Scotland Sean Connery) và Taittinger (một lần trong phim From Russia with love năm 1963). Từ 1973 trở đi thì chỉ còn khui các chai Bolly.

1973: Live and let die (Bollinger)

1979: Moonraker (R.D 1969)

1983: Octopussy (R.D)

1985: A view to kill (R.D 1975)

1987: Living daylight (R.D 1975)

1989: Licence to kill (R.D 1979)

1995: Goldeneye (La Grande Année 1988)

1997: Tomorrow never dies (La Grande Année 1989)

1999: The world is not enough (La Grande Année 1990)

2002: Die another day (Bollinger 1961 và La Grande Année 1995)

2006: Casino Royale (La Grande Année 1990)

2008: Quantum of Solace (La Grande Année 1999)

2012: Skyfall (La Grande Année 2002)

2015: Spectre (R.D 2002)

2021: No time to die (Bollinger)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: