Tản mạn về uống trà  

Ảnh: pexels-elina-sazonova
Share:
Văn Hóa - Văn Nghệ
Văn Hóa – Văn Nghệ
Tản mạn về uống trà
Loading
/

Sáng hôm nay, khi ánh bình minh của một ngày đầu Xuân ấm áp lan tỏa, vài ngọn gió cuối Đông hiu hiu lành lạnh còn sót lại vút qua cửa sổ, khép vội tà áo ấm, tôi tráng bộ ấm chén để pha trà, thứ đồ uống mà tôi ưa thích với hơn nửa cuộc đời này và chợt bật cười vì nhớ câu thơ của các cụ chế diễu mấy ông vô tích sự mọi việc đều ỷ lại vì có vợ lo hết:

Làm trai biết đánh tổ tôm

Uống trà Mạn Hảo ngâm nôm Thúy Kiều

Dạ thưa các cụ! Mạn Hảo là tên một địa danh thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đấy ạ! Ta gọi nôm na là chè Mạn. Đến bây giờ tôi cũng không hiểu vì sao là trà mà các cụ nhà ta cứ gọi là chè, chắc là khi còn ở trên những đồi chè mênh mông bát ngát thì gọi là chè, còn khi sao tẩm xong thì gọi là trà. À mà chè hay trà thì đã sao. Xin các cụ cho phép lan man chút về nghệ thuật thưởng trà của người xưa…

Nghệ thuật thưởng trà của người xưa rất điệu nghệ. Uống trà rất cầu kỳ tỉ mỉ. Trước kia chúa Trịnh Sâm nhà ta cũng vậy. Ông là người sành trà, thường tự hào gọi mình là “trà nô” – trà nô và tửu tướng, uống rượu thì ầm ỹ oai phong, phải có thắng trận ban sư, có quân hầu hò lệnh, có ca nhi chuốc rượu hiến tửu, ghê lắm; ngược lại khi ẩm trà thì phải tự coi mình là nô tỳ của thứ đồ uống thanh nhã này. Chẳng thế người ta còn gọi thưởng thức trà là Trà đạo.

Ảnh: pexels-nikolay-osmachko

Đồ pha trà phải đủ bộ, ấm đun nước để pha trà phải bằng đồng, bên trong có kim hỏa để tỏa nhiệt đều, lại còn trổ mấy chữ “ngư mục” cho nước chóng sôi (sau này các cụ cho rằng đồng là kim loại có vị tanh, khuyên ta nên dùng ấm đất). Ấm chén nhất thiết phải bằng đất tử sa. Người xưa với câu: Thứ nhất Thế Đức gan gà, thứ hai Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần, rất được nhiều người ưa chuộng. Nước pha phải đun bằng than, không đun bằng củi hay dầu, khói và hôi làm mất hương vị trà. Pha trà phải cân bằng tỷ lệ giữa trà và nước. Có ông sau khi uống một chén lại lẩm bẩm, thế này là uống nước trà chứ không phải uống trà. Trời ôi, ngày nay người ta quen rượu dốc cả be, trà một tợp, nói hỗn với các cụ: Nhâm với chả nhi, cứ vén quần ngồi xổm ngửa cổ làm một tợp là xong.

Ông Phạm Đình Hổ (1768-1839) là người sành trà nhận xét: Cái thú vị trong cách uống trà của người sành điệu là ở hương vị của trà. Uống trà phải thanh tao, nếu có điều kiện thì xa xỉ một chút. Các cụ cả ngày chỉ mò mẫm ra hiệu buôn mua cho được trà ngon, vị cho lạ. Người thì ưa thanh hương, kẻ thì thích hậu vị, kiếm những bộ đồ trà đắt tiền, kiểu phải mới, cứ có dịp là bày khay chén uống thử để thưởng giám xem trà nào khác trà nào, cách ủ trà thế nào để được trà đượm và ngon, mà đã uống trà thì chỉ được bàn về trà ẩm, cấm chỉ bàn thế sự thêm đau đầu tổn thọ, và cũng là dịp để ngâm nga:

Thong dong mỗi tách trà

Tâm bỗng rộng bao la

Uống trà trong nắng sớm

Vườn tâm đầy hương hoa

Đấy là thú uống trà của các vị cao nhân, còn với vợ chồng tôi thì khi tôi hỏi: Uống trà nhé! Vợ tôi gật đầu, tuy nhiên cũng lẩm bẩm: Trà với chả trủng. Từ đó cho có vẻ bụi đời, mỗi sáng rủ nhau uống trà, lại ra hiệu: Trủng chứ!

Nói thế chứ vợ tôi có tiếng là rành ướp trà sen, trong đời này dễ mấy ai được như tôi. Viết đến đây tôi lại hình dung bóng dáng vợ qua cánh cửa khép hờ, khoan thai bận rộn ướp trà. Nói tới sen, tôi xin thưa nhỏ với quý vị, hoa để ướp, bên ngoài cánh to, bên trong nhiều cánh nhỏ, đấy mới là hoa sen để ướp trà, còn búp hoa toàn cánh to đó là Quỳ, không phải sen để ướp trà…

Thế là hì hục đi pha trà. Chúng tôi quy ước, không ăn uống thì thôi mà đã ăn uống nhất thiết phải ngon, phải sạch sẽ, chứ đừng “thực bất tri kỳ vị”. Trà đã pha xong, hai ly trà đã sẵn sàng. Nhấp một ngụm, tôi thấy tựa như đang nuốt một cục than hồng rực đã sắp lụi. Vị thơm nồng của trà thoảng hương sen hoặc nhài vương vất. Chú ý hơn nữa, tôi thấy nó êm ái hơn, bề ngoài đắng đắng bùi bùi như che giấu bên trong cái sắc bén huyền ảo. Trong đời mình, tôi chưa bao giờ chú ý cho một ly trà như thế. Tôi không tự tin về những điều sâu lắng của một tách trà. Tôi cũng không dám chắc rằng mình đã nắm được những linh diệu về nó. Cái mà tôi biết được tôi chỉ cho là một khái niệm mờ nhạt về một trong những câu hỏi lớn về cuộc sống…

Ảnh: Sergey Norkov/Unsplash

Như một triết gia hâm hâm, mất nhiều thời gian để nghiên cứu những phức tạp trong cơ cấu huyền ảo, các giác quan sâu thẳm của con người, tôi quan tâm đến đồ uống mà mình ưa thích và những câu hỏi sâu sắc có thể ẩn náu ở đáy một tách trà. Phải chăng nó là ý tưởng cho triết lý thưởng thức trà của tôi ngày hôm nay.

Người Việt Nam uống trà trọng ở chữ Chân. Việc uống trà của ông cha ta đã nâng tới mức tinh tế trong nghệ thuật thưởng trà. Văn hóa trà Việt có nét riêng, đã hình thành những nguyên tắc thưởng thức với những ưu thế về các chủng loại chè cổ, để tạo ra các hương vị độc đáo. Từ đó người Việt cũng có cách uống trà phù hợp với bản sắc văn hóa của mình. Ông cha ta đã đúc kết: Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh. Khi đổ nước tráng trà phải: “Cao sơn trường thủy”. Tráng xong để pha trà thì “Hạ sơn nhập thủy”…

Những câu nói đó đã phần nào nói lên nghệ thuật thưởng trà của người Việt. Người Trung Hoa ngoài cái tinh tế của thú uống trà xem ra rất trọng về mỹ. Cứ xem những bộ đồ trà của họ là đủ biết. Người Nhật là Đạo, người Hàn là Lễ hay còn gọi là trà lễ.  Để có buổi uống trà ngon, trước tiên là nước phải tinh khiết và nhiệt độ thích ứng với từng loại trà:

-Trà mộc móc câu chỉ nên dùng nước sủi tăm (80 độ)

-Trà ướp sen, nhài, cúc (90 độ)

Không dùng sôi (100 độ) sẽ bị cháy hay còn gọi là chín nồng. Đâu có dễ dàng. Ấy là chưa nói cách dùng bôi (chén), bình (ấm), với các bộ độc ẩm hay quần ẩm, bình chuyên, tùy vào khách đối ẩm. Kiếm người cùng uống rượu thì dễ, còn tìm người uống trà sành điệu tâm đầu ý hợp thì thật là khó.

Ảnh: Pixabay

Thực ra uống trà hương chỉ để tạo ra hứng thú trong thưởng thức tùy mùa. Mùa Đông: Trà cúc; mùa Thu: Trà nhài; mùa Hè: Trà sen; mùa Xuân: Trà ngâu, trà mộc hoặc hoa sói. Nhưng trà hương lại mất đi cái vị riêng của trà, đồng thời làm tổn thương đến cái hương nguyên thủy của búp chè tỏa trong không gian. Hương thơm tinh khiết của trà là ở nơi đây, cái vị đắng ngọt ở trong miệng mới tạo được độ say của tâm hồn cũng là ở nơi đây, những người sành điệu biết cách ủ trà phải thu hoạch lá trà theo thời gian để nhận biết ở đầu lưỡi: Trà nhất hái vào Tháng Tư, Tháng Năm; trà nhì Tháng Sáu; trà tam Tháng Bảy.

Người uống tinh, nhất thiết phải uống trà nhất, không pha hương hoa, còn để ướp hương hoa thì dùng chè tam để làm giảm cảm giác chát (lấy hương cứu vị là thế). Người sành trà không uống trà hương, trừ phi để chữa bệnh.

Xin lan man một chút, còn một thứ trà, đó là trà Xuân. Ở vùng cao, sau dăm tháng mưa rét, cây chè trơ trụi rụng gần hết lá, khi Xuân về, khí trời ấm áp, nắng Xuân rực rỡ lan tỏa trên những đồi chè mênh mông khiến vạn vật bừng dậy đâm chồi nẩy lộc. Cây chè cũng vậy, những búp chè đầu tiên được thu hoạch, ơn trời đó là trà Xuân. Pha ấm trà đầu tiên bằng trà Xuân, chao ơi, nước trong xanh thơm lừng ngọt giọng. Vậy mới có thơ rằng:

Nhắp chén trà Xuân một tiếng khà

Đời như đọng lại với riêng ta

Hương thơm tỏa ngát cùng sông núi

Ngây ngất trời xanh đọng chén trà

Tóc bạc, chốn xưa hồn đâu tá

Ngược dòng hồ thỉ mộng la đà

Nhớ ai, chốn cũ ngày xưa ấy

Nửa tỉnh nửa mê một tiếng khà

Ảnh: pexels-nikolay-osmachko

À mà này, lại còn chỗ uống trà nữa chứ. Phải đủ bốn chữ: Hòa, Kính, Thanh, Tịnh. Quan trọng nhất phải tạo ra được cái không gian vô thường ở mức nhất định nào đó, ngõ hầu hòa nhập với thiên nhiên. Cả cái Thanh, cái Tịnh nó đòi hỏi người uống phải hiểu Kính khi uống trà là gì. Lại còn bày biện cây cảnh, cây thế (bon sai) ở quanh chỗ uống trà để tăng thêm chữ Tịnh. Chẳng thế người Nhật thường tắm gội trước khi uống trà. Vợ chồng xung khắc, để hòa giải, pha ấm trà đối ẩm và bộc bạch nỗi lòng của mình một cách chân thành… Thế mới hiểu sâu sắc hai chữ HòaKính

Trong một dịp du lịch qua Nhật, chúng tôi được mời tới thưởng lãm một nét văn hóa độc đáo của Nhật. Đó là trà đạo. Qua sự hướng dẫn của ban tổ chức, một hoạt cảnh nghi lễ thưởng trà của người Nhật diễn ra. Những người được mời đến thưởng trà đều phải tắm gội cho thanh tịnh, mặc kimono bước vào phòng trà sau khi bỏ dép bên ngoài và ngồi xuống một cái nệm như chiếc gối, hai tay để lên đùi, mặt hướng vào người hành trà. Trà pha xong, người pha trà lần lượt rót trà vào chén cho từng người. Khi uống trà, tay phải bưng chén hơi cong về phía trong, bàn tay trái đặt lên bàn tay phải, ngón cái chỉ thiên trong tư thế cung kính thần trà, và lần lượt cúi đầu mời mọi người. Sau đó nâng chén trà lên để hưởng cái hương của trà, cảm nhận cái linhảo của trà.

Chao ơi, nghề chơi cũng lắm công phu. Những tao nhân mặc khách đã vượt qua được sự tỉ mỉ của đời thường, uống trà theo tâm trạng. Uống một mình (độc ẩm) là lúc người đó lai láng thi thơ. Thấy trà như người bạn để tâm sự, hoặc suy ngẫm, về người, về mình, về nhân tình thế thái, về thăng trầm của những năm tháng đã qua…  Uống trà như một cách Thiền (chánh niệm) vậy. Song ẩm là cởi mở văn bài, tiêu dao, hưng phấn cầm kỳ thi họa. Để đối ẩm với bạn già từ xa đến chơi ngủ lại qua đêm. Nghĩ đến câu:

Bá Nha còn có Tử kỳ

Đời không tri kỷ lấy gì tri âm

Ảnh: Roméo Arnault/Unsplash

Tối hôm trước nhân sáng trăng, cụ chủ nhà với tấm lòng “tiếp khách kính trà” chèo thuyền thúng ra hồ sen để tìm những búp sen chưa nở, tẽ cánh hoa ra, bốc một nhúm trà bỏ vào trong nụ sen và buộc lại. Khoảng dăm ba túm như thế, để sáng hôm sau khi gà vừa gáy sáng, trời mới rạng đông, vừng ô đỏ ối cánh đồng, cụ lại chèo thuyền ra hồ cắt những nụ sen đêm qua đã ướp trà, đem về cũng là lúc ông khách vừa thức giấc. Sau khi lấy nước mưa ở cái cóng dưới thân cây cau, cụ quạt bếp lò đun nước pha trà, rồi khi chủ khách tề chỉnh đối ẩm mới mở nụ sen lấy trà ra pha, để mà:

Trong một chén trà thơm

Thấy hồ sen bát ngát

Trong một làn gió mát

Thấy muôn vạn trùng dương

Ông khách phe phẩy quạt, vuốt râu vịnh thêm:

Sắc màu lộng lẫy sen nồng

Hương bay ngan ngát cho lòng xôn xao

Trà sen cùng nhấp môi nào

Ngất ngây hương sắc trời trao cho đời

Tao nhã đến thế là cùng. Ôi! Những năm tháng xa xưa, ngồi đây mà trông ngày tháng dần qua, để mà thương, mà nhớ, để mới ngộ ra rằng, chúng ta đã thu lượm được bao nhiêu điều mới mẻ trong cái thế giới ồn ào, xô bồ giành giật của cuộc sống hiện đại ngày nay, mới tiếc ngơ tiếc ngẩn rằng ta cũng đã mất đi bao nhiêu những thứ cao đẹp trong sáng, huyền diệu mà Thượng đế ban cho, cái mà người đời ngày nay đôi khi không những đã quên mà còn hắt hủi nữa.

Thôi, cái câu an ủi nhiệm màu hiệu quả nhất là đổ luôn tại số. Trong cuộc đời dâu bể này, có cái gì trọn vẹn đâu. Có phải không hả các cụ… Dạ, mời các cụ nâng chén thưởng Trà ạ!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: