Cách nay 48 năm, vào cuối Tháng Ba, đầu Tháng Tư 1974, một nhóm bạn trẻ ngồi quanh bàn nhỏ có vài ly cà phê đá, miệng phì phèo thuốc President (vì nào còn thuốc lá Mỹ như Winston, Viceroy, Pall Mall, Salem tuồn ra từ các PX như trước) và tranh nhau giải thích nội dung bài ca thật hay Seasons in the Sun phát qua American Radio Service (ARS). Khi ấy, họ nào ngờ rằng chỉ một năm sau sẽ không còn được nghe nhạc Mỹ qua đài FM này.
Gần nửa thế kỷ về trước làm gì có internet để mà tìm hiểu nghệ sĩ, ban nhạc yêu thích. Hồi ấy, vốn liếng Anh ngữ còn rất khiêm tốn trong khi các chàng DJ Mỹ nào có giới thiệu ca khúc vào Top 40 cho thính giả Việt thưởng thức. Cho nên, chúng tôi nghe Seasons in the Sun hát bởi Terry Jacks thì rất thích nhưng cũng loáng thoáng cảm nhận được đó là một bài ca u sầu, nhắc lại kỷ niệm đẹp năm xưa với bạn học, bố và người yêu Michelle trước giờ ra đi vĩnh viễn…
“Goodbye to you my trusted friend… Goodbye papa please pray for me, I was the black sheep of the family… Goodbye Michelle my little one, you gave me love and helped me find the Sun! We had joy we had fun we had seasons in the Sun”.
Nội dung bài hát sao như đã dự báo chuyện chia tay trong nước mắt và máu mà bạn trẻ Sài Gòn sẽ phải kinh qua vào Tháng Tư năm sau.
Thực tế đã diễn ra như vậy, thời điểm Tháng Ba, Tháng Tư 1975, những bài ca nổi nhất của làng nhạc pop, rock, soul Mỹ vẫn vang đều vang cho đến sáng ngày 30 Tháng Tư nhưng hầu như chẳng còn bạn trẻ nào áp tai vào radio nữa. AFVN đã im ắng trước đó mấy năm và rồi ARS cũng “tắt đài”, một cụm từ chỉ xuất hiện sau này, khi cái radio không còn được gọi là radio mà gọi là “đài” và trở thành một vật dụng rất quý.
Bây giờ, khi tóc đã muối tiêu, thỉnh thoảng nhớ lại, mới thấy mình nghe và hiểu tiếng Anh cũng phần lớn nhờ có nhiều năm là thính giả trung thành của các chương trình ca nhạc phát đi trên AFVN. Đây là ký hiệu viết tắt của American Forces Vietnam Network, trước nhất là radio và sau đó có thêm truyền hình. Radio này cứ mỗi tiếng lại có năm phút thông tin thời sự nóng nhất về những gì vừa diễn ra ở chiến trường Việt Nam và ở quê nhà của lính Mỹ. AFVN nổi tiếng nên không chỉ có những binh lính Mỹ tham chiến tại Việt Nam mở nghe suốt ngày mà còn thu hút được thính giả tận bên Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Philippines, Singapore, Nhật, Hong Kong, Đài Loan, Úc…
Buổi ban đầu mới hình thành vào Tháng Tám 1962, AFVN chưa là một hệ thống lớn với nhiều trạm tiếp sóng rải dọc theo chiều dài miền Nam Việt Nam mà chỉ là một tiểu ban gồm năm kỹ sư với đài phát thanh đặt trong một phức hợp tại Phú Thọ. Tên gọi khi ấy là Armed Forces Radio Service Saigon (AFRS) và chỉ phát thanh từ 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm.
Đầu năm 1965, AFRS có thêm băng tần FM phát sóng buổi trưa và buổi chiều tối (trong khi đài AM thì phát 24/24). Sau khi Thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ lên Đà Nẵng, radio hoạt động mạnh hơn và đến Tháng Bảy 1967 thì AFRS đã trở thành AFVN, rồi qua đến năm 1968-1969 thì gồm chín trạm phát sóng – ngoài Sài Gòn, còn có ở Quy Nhơn, Đà Nẵng, Pleiku, Nha Trang/Cam Ranh, Huế/Quảng Trị, Tuy Hòa, Chu Lai, Cần Thơ.
Lúc ấy, cứ mở radio AFVN (nay vẫn còn nhớ câu chào thính giả mà các DJ hét to: ÂY-ÉP-VI-ÈN) là nghe đủ những bài Pop và Rock&Roll hay nhất trên Top 40, từ nhạc của The Aninals, The Beatles, Procol Harum, Simon & Garfunkel, Tom Jones đến Rolling Stones, Elton John, The Carpenters. Đó cũng là dịp tập cảm nhận cái hay của Rhythm & Blues và Soul (không chỉ là Aretha Franklin, Diana Ross mà còn là vô số nhóm soul tài hoa như Chi Lites, Four Tops, Three Degrees, Temptations, Stylistics…) và cả Country nữa (thời ấy những Johnny Cash, Glen Campbell, Tammy Wynnette… nổi lắm). Nửa đêm cuối tuần thì ráng thức với cuốn sổ tay để ghi lại đầy đủ Top 40 Countdown rồi tính xem bài nào đứng nhất bao nhiêu tuần!
Những năm 1980, khi đề cập đến Chiến tranh Việt Nam, báo chí phương Tây thường nhắc đến những bài phản chiến của những Bob Dylan, Joan Baez, Neil Young… và cả những bài rock đầm lầy (Swamp Rock) của nhóm Creedence Clearwater Revival. Nhưng thực tế khi Sài Gòn thời bom đạn còn ì ầm hằng đêm, một trong những ca khúc mà lính Mỹ và giới trẻ Việt nghe nhiều nhất lại là We Gotta Get Out of this Place do nhóm The Animals trình bày năm 1965. Bài này không leo lên hạng cao ở Mỹ nhưng nó ngự trị trong trái tim rất nhiều lính Mỹ tham chiến tại Nam Việt Nam. Nội dung ca khúc của nhóm The Animals thật ra không phải viết về những người lính mà về cuộc sống khốn khó của người lao động kiệt sức trong các xưởng làm việc.
Từ sau mùa Hè đỏ lửa 1972, lính Mỹ rút dần, giai đoạn Việt Nam hóa chiến tranh tăng tốc; qua năm 1973 thì Armed Forces Vietnam Network bắt đầu im tiếng, thay vào đó là American Radio Service, mà cũng chỉ còn đài FM phát đi từ khu vực Sài Gòn. Cuối Tháng Tư 1975, ê-kíp năm phát thanh viên dân sự của ARS lên máy bay di tản. Chỉ còn lại Sound of Silence như Paul Simon và Art Garfunkel từng vang vọng trên AFVN từ năm 1965…
____________________
NHỮNG BÀI CA HẠNG NHẤT TẠI MỸ NĂM 1974 NAY CÒN NHỚ
1.Time In A Bottle (Jim Croce)
2.You’re Sixteen (Ringo Starr)
3.The Way We Were (Barbra Streisand)
4.Seasons In The Sun (Terry Jacks)
5.Dark Lady (Cher)
6.Hooked On A Feeling (Blue Swede)
7.Bennie And The Jets (Elton John)
8.Band On The Run (Paul Mccartney & Wings)
9.Billy Don’t Be A Hero (Bo Donaldson & The Heywoods)
10.The Night Chicago Died (Paper Lace)
11.I Shot The Sheriff (Eric Clapton)
12.Sundown (Gordon Lightfoot)
__________________
NHỮNG BÀI CA HAY 4 THÁNG ĐẦU NĂM 1975
1.Please Mr. Postman (The Carpenters)
2.Best Of My Love (Eagles)
3.Lucy In The Sky With Diamonds (Elton John)
4.You’re No Good (Linda Rondstadt)
5.(Hey Won’t You Play) Another Somebody Done Somebody Wrong Song (B.J. Thomas)
Bài này xếp hạng nhất Hot 100 Billboard tuần lễ 26 Tháng Tư 1975, và là bài cuối cùng nghe qua American Radio Service.