Phần Lan và nỗi ám ảnh quỷ dữ từ Nga

Ảnh: pexels-baptiste-valthier
Share:
Thời Sự
Thời Sự
Phần Lan và nỗi ám ảnh quỷ dữ từ Nga
Loading
/

Với nhiều người Phần Lan, cuộc tấn công của Nga vào Ukraine gợi lại cuộc xâm lược đẫm máu của Liên Xô năm 1939 trên quê hương họ. Nỗi sợ hãi về một cuộc tấn công khác đã đủ để phá bỏ chính sách bảy thập niên kiên trì không tham gia các liên minh quân sự của Helsinki.

Nhìn lại “Chiến tranh Mùa Đông”

Khi Tổng thống Vladimir Putin xâm lược Ukraine, một trong những mục tiêu của lãnh đạo Nga là gây chia rẽ và làm suy yếu NATO (North Atlantic Treaty Organization). Nhưng không nơi nào chiến lược đó lại tác dụng ngược như ở Phần Lan. Nếu quốc gia Bắc Âu này gia nhập NATO cùng với Thụy Điển trong vài tuần tới, Putin sẽ chứng kiến một thành viên NATO được quân sự hóa cao lại là nước láng giềng “sát nách” mình, và biên giới Nga-NATO sẽ tăng gấp đôi, thêm 830 dặm.

Ngày 12 Tháng Năm, tổng thống và thủ tướng Phần Lan cho biết Phần Lan sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO. Đây là một quyết định lịch sử. Trong bảy thập niên, Phần Lan đã duy trì một mô hình an ninh dựa trên một quân đội được trang bị mạnh và một xã hội luôn trong tư thế sẵn sàng đối phó với một cuộc xâm lược. Đi kèm theo đó là chính sách ngoại giao xoa dịu Nga và tránh xa NATO. Nhưng cuộc xâm lược vô cớ của Putin vào Ukraine, nơi người Nga từng cai trị giống như Phần Lan trước đây, đã làm phá sản những giả định đằng sau mô hình trung lập quân sự của Phần Lan.

Quân đội Phần Lan trong cuộc chiến đánh quân xâm lược Nga thập niên 1930 (ảnh: Hulton-Deutsch Collection/CORBIS/Corbis via Getty Images)

Muốn hiểu tại sao chính phủ và người dân Phần Lan bất ngờ chuyển từ lập trường đứng ngoài NATO sang ủng hộ việc gia nhập, hãy nhìn lại Chiến tranh Mùa đông (The Winter War) 1939-40, khi quốc gia này đẩy lùi cuộc xâm lược lớn từ nước láng giềng. Những cư dân sống tại vùng hoang dã Suomussalmi phía Đông Phần Lan khi chứng kiến ​​quân đội Nga xâm lược Ukraine vào Tháng Hai năm nay, họ nhớ lại lúc cha mẹ và ông bà họ phải đối mặt với một cuộc tấn công tàn ác tương tự.

Cụ ông Esko Matero, 85 tuổi, lúc đó hai tuổi, nói: “Ukraine làm chúng tôi nhớ đến Chiến tranh Mùa Đông”. Chỉ tay về cánh đồng bên ngoài ngôi nhà gỗ đỏ của mình, nơi ước tính 800 lính Liên Xô bỏ mạng trong trận “Raate Road” kéo dài một tuần (trận chiến quyết định trong cuộc xung đột kéo dài bốn tháng kết thúc cuộc xâm lược của 700,000 lính Liên Xô), ông nói: “Có quá nhiều xác chết đến nỗi phải dùng máy xúc tuyết gom lại. Chiến thắng Raate Road là niềm tự hào của chúng tôi. Nhưng đó cũng là một bi kịch”.

Chí nguyện binh Thụy Điển chiến đấu cùng quân đội Phần Lan trong cuộc chiến đánh Liên Xô, 1940 (ảnh: Keystone-France/Gamma-Keystone via Getty Images)
Lính Phần Lan tại biên giới Nga, Tháng Mười 1939 (ảnh: Hulton Archive/Getty Images)

Cuộc chiến Mùa Đông được xem là đặc trưng cho bản sắc dân tộc kiên cường Phần Lan. “Đó là một phần di sản của chúng tôi – Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Kaikkonen nói khi ngồi tại nơi làm việc bên dưới bức tranh tướng Carl Gustaf Emil Mannerheim, tổng tư lệnh trong Chiến tranh Mùa Đông và đặt ly Coke lên chiếc bàn từng được sử dụng trong cuộc chiến để nghiên cứu bản đồ và vạch chiến lược tác chiến.

Tướng Carl Gustaf Emil Mannerheim (1867-1951, trái) trên một mặt trận, 1939 (ảnh: Keystone/Hulton Archive/Getty Images)

Sự không liên kết quân sự của Phần Lan có nguồn gốc lịch sử sâu xa. Trên lâu đài Suomenlinna bên ngoài Helsinki có một dòng chữ từ thế kỷ 18 viết: “Posterity, hãy tự đứng vững trên đất mẹ của mình và đừng bao giờ dựa vào sự trợ giúp từ bên ngoài”.

Sau một thế kỷ nằm dưới ách cai trị của Nga, Phần Lan giành được độc lập vào năm 1917. Nhưng chính cuộc Chiến tranh Mùa Đông mới giúp thống nhất đất nước. Liên Xô mở cuộc xâm lược Phần Lan vào Tháng Mười Một 1939 sau khi Phần Lan từ chối nhượng lãnh thổ. Dự kiến ​​sẽ có ít phản kháng (giống như Ukraine trong ngày 24 Tháng Hai), nên Hồng quân đã lên kế hoạch duyệt binh tại Helsinki vào ngày sinh nhật nhà độc tài Stalin ba tuần sau đó (cũng như Putin dự định duyệt binh Ngày chiến thắng Đức Quốc Xã tại Kyiv với chính phủ bù nhìn).

Nhưng thay vì chiến thắng nhanh, lính Liên Xô đối mặt với hàng chục ngàn chiến binh Phần Lan kiên cường và thiện chiến lao vào đối phương trên những tấm ván trượt xuyên rừng, mặc đồ ngụy trang màu trắng (lính bắn tỉa khét tiếng nhất của Phần Lan có biệt danh là Cái chết trắng). Trong Trận chiến giành Raate Road, người Phần Lan đã cắt đứt các tuyến tiếp tế của Liên Xô, giống như những gì người Ukraine ngày nay đang làm. Khi quân Liên Xô, chủ yếu là người Ukraine, phải vật lộn với địa hình lạnh giá và khắc nghiệt, binh lính Phần Lan đã đặt dấu chấm hết cho họ. Vào thời điểm Hồng quân buộc phải rút lui, có 25,000 lính Phần Lan thiệt mạng cùng ít nhất 125,000 quân xâm lược. Nhà sử học Eero Schroderus, 78 tuổi sống gần Raate Road, tác giả một số vở kịch về Chiến tranh Mùa Đông nhận định: “Điều mà Stalin quên lúc đó, và Putin đang quên bây giờ, là nếu bạn chiến đấu vì quê hương, nhà của mình, thì bạn sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn”. Đó cũng là tinh thần của người Ukraine hiện nay.

Xác lính Liên Xô tại mặt trận Salla ở Phần Lan, Tháng Mười Hai 1939 (ảnh: Keystone-France/Gamma-Keystone via Getty Images)

Xây dựng nội lực quốc phòng

Phần Lan đứng ngoài NATO sau khi liên minh này thành lập năm 1949, phần lớn là để tránh khiêu khích Liên Xô. Để thể hiện sự trung lập, Phần Lan trung gian tổ chức Hội nghị về An ninh và Hợp tác ở châu Âu (Conference on Security and Cooperation in Europe) năm 1973, dẫn đến ký hết Hiệp định Helsinki, một hiệp ước ngoại giao giữa các nước châu Âu, Mỹ và Canada nhằm giảm căng thẳng giữa Liên Xô và phương Tây.

Nhưng Phần Lan không ảo tưởng chiến lược không liên kết sẽ mang lại sự đảm bảo an ninh. Vì vậy, trong khi các quốc gia châu Âu khác giảm chi tiêu quân sự và nới lỏng hoạt động phản gián sau Chiến tranh Lạnh, Phần Lan không làm như thế. Kể từ giữa thập niên 1990, Phần Lan đã đảm bảo quân đội có thể tương tác với NATO, nghĩa là có thể tiến hành các hoạt động cùng với NATO. Phần Lan không chỉ mua và tự sản xuất các thiết bị quân sự tương thích với các thành viên của liên minh mà còn đi xa hơn. Ngoài kho vũ khí gồm 1,500 khẩu pháo được xem là lớn nhất Tây Âu, Hà Lan mua các tên lửa đất đối không tiên tiến của Mỹ và có một trong những hệ thống phòng thủ mạng tốt nhất lục địa. Nghĩa vụ quân sự là bắt buộc.

Năm 1995, lần đầu tiên Phần Lan tìm cách thoát dần khỏi tình trạng trung lập khi quyết định xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU) cùng với Thụy Điển. Bộ trưởng Quốc phòng Kaikkonen nói: “Kể từ ngày gia nhập EU, chúng tôi không còn tự xem mình là quốc gia trung lập mà đã là một thành viên của gia đình phương Tây”. Dù vẫn không liên kết quân sự nhưng Phần Lan gần gũi hơn với NATO, đóng góp vào các sứ mệnh của liên minh ở Bosnia, Kosovo và Afghanistan.

Lính biên phòng Phần Lan tại làng Nuijamaa giáp giới Nga (ảnh: Giulio Paletta/UCG/Universal Images Group via Getty Images)

Tuy nhiên, bất chấp Nga đưa quân vào Gruzia năm 2008 và chiếm Crimea năm 2014, Phần Lan vẫn không thay đổi mức độ quan hệ với NATO mà chỉ cảnh giác và tăng cường củng cố an ninh. Alexander Stubb, cựu thủ tướng Phần Lan, nhận định: “Phản ứng quá nhẹ nhàng của người dân trước những cuộc xâm lược đó đã giết chết hy vọng của tôi là Phần Lan có thể gia nhập NATO khi tôi còn sống. Thậm chí, tôi gần như đã từ bỏ hy vọng!”.

Nhưng sau khi Nga xâm lược Ukraine, theo cuộc thăm dò của Đài truyền hình quốc gia Yle, sự ủng hộ của công chúng đối với tư cách thành viên NATO của Phần Lan đã tăng lên 53% vào cuối Tháng Hai từ khoảng 20% cách đó một tuần và vọt lên 76% vào ngày 9 Tháng Năm. “Những người luôn ủng hộ việc Phần Lan gia nhập NATO như tôi phải nói lời cảm ơn Putin, dù nghe hơi kỳ cục! – ông Stubb nói”.

Trước đó, Phần Lan đã phá vỡ chính sách không vận chuyển vũ khí vào các vùng chiến sự kéo dài hàng thập niên khi quyết định gửi vũ khí chống tăng, súng trường tấn công và lương thực cho Ukraine. Năm nay, Helsinki đã tăng chi tiêu quân sự lên 1.96% tổng sản phẩm quốc nội (mục tiêu của NATO cho năm 2024 là 2%), tăng từ 1.34% của năm 2020 và 1.85% của năm 2021 và đã hoàn tất hợp đồng mua 64 máy bay phản lực F-35 của Mỹ trị giá $9.4 tỷ. Thụy Điển, một đối tác thân thiết khác của NATO, năm ngoái đã cho phép tăng chi tiêu quân sự lớn nhất trong 70 năm và áp dụng phương pháp huy động toàn xã hội, mặc dù không ở mức độ bằng Phần Lan.

Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Kaikkonen (ảnh: Thierry Monasse/Getty Images)

Sẵn sàng cho chiến tranh

Với Phần Lan trong hàng ngũ mình, NATO sẽ có được một thành viên đã dành nhiều thập niên phát triển cái mà họ gọi là “an ninh toàn diện”, một chiến lược toàn xã hội nhằm đẩy lùi kiểu xâm lược như của Nga tại Ukraine. Mô hình an ninh toàn diện cho phép huy động đội quân thời chiến gồm 280,000 quân và 600,000 quân dự bị, một trong những lực lượng vũ trang bình quân đầu người lớn nhất Châu Âu.

Bản qui chuẩn xây dựng của Phần Lan có cả việc bắt buộc các khu chung cư và tòa nhà lớn phải xây dựng các hầm trú ẩn chịu được bom và các cuộc tấn công hóa học. Hiện các đường hầm và hầm trú ẩn dưới lòng đất trên khắp đất nước chứa được hơn bốn triệu người, tức 70% dân số. Ở Helsinki, những nơi trú ẩn rộng lớn gồm cả sân trượt băng và các cung thi đấu thể thao. Cơ quan Cung ứng Khẩn cấp Quốc gia chịu trách nhiệm xây dựng kho dự trữ hàng hóa và đảm bảo dịch vụ đã điều phối hơn 1,000 công ty để tạo ra các liên kết trực tiếp giữa khu vực tư nhân và nhà nước.

Phần Lan dự trữ lượng nhiên liệu nhập khẩu dùng đủ năm tháng và ngũ cốc sáu tháng. Cơ sở sản xuất thuốc phải dự trữ thuốc từ ba đến 10 tháng. Janne Känkänen, giám đốc điều hành của NESA cho biết, các giám đốc điều hành của công ty phải thành thạo mô phỏng diễn tập cho tình huống khẩn cấp quốc gia. Hơn 10,000 lãnh đạo xã hội dân sự và doanh nghiệp đã tham gia các khóa học quốc phòng kéo dài trên một tháng để nhận thức được nhiệm vụ của mình trong trường hợp khẩn cấp. Các khóa học bảo vệ quốc gia ở các vùng xa xôi gần biên giới Nga đào tạo 60,000 người. Các lãnh đạo doanh nghiệp và văn hóa được học cách bảo vệ chuỗi cung ứng và phục hồi tâm lý trong dân chúng. “Chúng tôi có được kiến ​​thức chuyên sâu về việc chuẩn bị cho khủng hoảng” – Gita Kadambi, tổng giám đốc Nhà hát Opera và Ballet Quốc gia Phần Lan, nói.

Nữ Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin và Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier (ảnh: Bernd von Jutrczenka/picture alliance via Getty Images)

Chiến dịch tấn công “phi quân sự” của Nga

Trong thập niên qua, Phần Lan đã trải qua các cuộc tấn công phi quân sự của Nga mà các nước phương Tây khác đang phải gánh chịu. Năm 2015 và 2016, Phần Lan cáo buộc Nga đưa hàng ngàn người di cư đến biên giới phía Bắc, thể hiện âm mưu sẵn sàng sử dụng di cư như một vũ khí. Nga phủ nhận cố ý đưa người di cư tới biên giới châu Âu, nhưng Sinikukka Saari, một chuyên gia hậu Xô Viết tại Viện Các vấn đề Quốc tế Phần Lan khẳng định: “Đây là một cuộc thử nghiệm, và người Nga hiện làm điều này một cách có hệ thống ở Belarus nhắm vào Ba Lan”.

Một cuộc tập trận của quân đội Phần Lan tại Santahamina, Tháng Tư 2022 (ảnh: Juho Kuva for The Washington Post via Getty Images)

Truyền thông thân Kremlin tố cáo Phần Lan thông tin sai lệch, và “dựng chuyện” về việc chính quyền Phần Lan ngược đãi hoặc phân biệt đối xử với những người gốc Nga, giống như ở Ukraine. Teija Tiilikainen, Giám đốc Trung tâm Châu Âu về Chống lại các Mối đe dọạ có trụ sở tại Helsinki, cho biết: “Chúng tôi là một quốc gia mục tiêu của Nga và họ cũng sẽ làm như Ukraine lấy cớ bảo vệ người gốc Nga”. Khi người Phần Lan ủng hộ mạnh mẽ tư cách thành viên NATO, đất nước họ đã phải hứng chịu các cuộc tấn công mạng từ chối dịch vụ nhằm vào nhóm ngân hàng Nordea cũng như các bộ ngoại giao và quốc phòng. Máy bay Nga đã vi phạm không phận Phần Lan vào đầu Tháng Tư khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trực tuyến trước Quốc hội Phần Lan và một lần nữa vào đầu Tháng Năm khi Phần Lan đang tập trận lớn với Mỹ và các quốc gia NATO khác.

Gần biên giới Nga, những cư dân như Väinö Kinnunen, 90 tuổi, nói: “Tất nhiên rồi!” – khi được hỏi liệu Phần Lan có nên gia nhập NATO hay không. “Chúng tôi là một quốc gia nhỏ. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác”. Ông kể, năm 1943, quân Liên Xô đã tìm thấy gia đình ông trong phòng tắm hơi của họ và dùng súng máy bắn chết 10 người, bao gồm cả cha mẹ, ông bà và hai anh chị em của ông. Kinnunen, lúc đó 11 tuổi, sống sót cùng một người chị. “Cuộc đổ máu ở Ukraine đã đánh thức nỗi đau thời thơ ấu của tôi. Chúng tôi đã trải qua những điều tương tự như người Ukraine đang chịu”.

___________

Bất chấp Nga đe dọa, Phần Lan quyết gia nhập NATO

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Động lực
Về cơ bản, có hai điểm định nghĩa động lực là một quá trình quan trọng và phức tạp nhằm đạt được các mục tiêu, kích thích mong muốn trong…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: