Đã từ lâu lắm rồi, mỗi lần xuân đến, tôi thường nghe bài hát xuân trong đó câu: “Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa”. Quả thật câu hát đó đến bây giờ vẫn còn hợp tình, hợp cảnh, vẫn còn làm bâng khuâng cả tấc lòng mỗi lần nghe.
Tôi nhớ lần tôi được du xuân ở khu Little Saigon, thật là một dịp hiếm hoi trong cuộc đời và đó là niềm ao ước thiết tha của tôi. Mấy năm trước, chợ Tết chỉ có ở khu Phước Lộc Thọ, nhưng nay chợ hoa Tết được mở ở nhiều nơi trong khu vực này; chợ Việt Nam phát triển nhanh không kém, lấn át cả chợ Mỹ, chợ Đại Hàn…
Thời tiết hôm ấy thật là lý tưởng, trời nắng ấm, mây trong xanh dù là mùa Đông. Chỉ gần cuối ngày trời mới bắt đầu se lạnh. Chúng tôi trực chỉ địa điểm quen thuộc nhất là khu Phước Lộc Thọ. Khu này thường rất đông đúc vào cuối tuần hay các dịp lễ vì người Việt ở xa thường về đây chơi, thậm chí có nhiều người nhớ quê hương muốn về thăm nhưng ngại xa xôi cách trở, lại nhiều tốn kém nên họ đã chọn về thăm Little Saigon; vì đó là một Saigon ở ngoài Việt Nam, một Việt Nam thu nhỏ kể từ khi miền Nam thất thủ. Phải chăng trong hoài niệm của mọi người đang tha hương muốn tìm lại một thoáng hương xưa!
Người đi ngắm cảnh và mua hoa khá đông. Nhiều loại hoa được trưng bày, nhiều nhất là thủy tiên. Loại này ngày xưa chỉ có những người nào có tay nghề biết tỉa thủy tiên mới dám chơi, còn dân thường ít ai dám đụng đến. Tỉa thủy tiên là thú chơi phong lưu của những nhà giàu có đất Bắc. Họ phải tỉa gọt khéo léo thế nào để thủy tiên nở đúng vào sáng Mồng Một Tết, thế là đại phước, báo hiệu một năm mới nhiều may mắn.
Đặc biệt những gian hàng trưng bày các loại hoa lan luôn được nhiều người chiếu cố vì đẹp và bền. Ngoài ra còn có nhiều gian hàng hoa cúc và nhiều loại hoa khác, loại nào cũng đẹp. Riêng hoa mai vàng thì rất ít. Tôi luôn luôn mang ấn tượng Tết phải có hoa mai vàng rực rỡ thì mới gọi là Tết. Mai đối với tôi là một hình ảnh thân quen và có lẽ đối với tất cả mọi người, không thể thiếu được mỗi độ Xuân về.
Nhớ lại hồi còn ở quê nhà, tôi rất thích đi thăm Hội Hoa Xuân ở vườn Tao Đàn, được nhìn ngắm lại những cây mai vàng rực rỡ màu vàng thắm, những cây mai bonsai uốn hình đủ kiểu với những hoa năm cánh khoe sắc thắm mỹ miều, tượng trưng cho nét đẹp của mùa Xuân. Bên cạnh đó cũng không biết bao nhiêu là kỳ hoa dị thảo từ khắp các miền đất nước mang về triển lãm.
Đặc biệt là cả rừng hoa đào khoe sắc hồng thắm. Hoa đào là loại hoa biểu tượng cho mùa Xuân và Tết đất Bắc và cũng chính trên đất Bắc thành Thăng Long cách đây 229 năm đã có một mùa Xuân huy hoàng đi vào lịch sử. Đó là sự kiện vua Quang Trung đại phá quân Thanh. Một trận đánh thần tốc oanh liệt của vua Quang Trung hạ hai đồn Ngọc Hồi và Khương Thượng (hay còn gọi là Đống Đa vì xác quân Thanh chết chất đống thành 12 gò cao có những cây đa mọc um tùm chung quanh) để tiến vào thành Thăng Long đuổi quân xâm lược vào Mồng 5, Mồng 6 Tết Kỷ Dậu 1789.
Và theo truyền thuyết ngay sau khi chiếm đóng Thăng Long, vua Quang Trung đã sai quân phi ngựa ngày đêm đem một cành bích đào trồng tại đất dinh Lẫm Hà Nội (loại hoa cánh dày, lâu héo tàn) mang về thành Phú Xuân tặng Ngọc Hân công chúa để thông báo tin đại thắng. Hoa đào đất Bắc đã đi vào huyền thoại lịch sử, dấu ấn khó quên cho niềm tự hào dân tộc đuổi quân xâm lăng ra khỏi cõi bờ.
Nhắc lại về hoa mai, hồi đó trong sân nhà, Ba tôi cũng có một cây, cứ khoảng hai tuần trước Tết, Ba tôi lo lặt hết lá. Nhìn cây mai trơ trụi khẳng khiu trông thật thương, nhưng chỉ độ vài hôm sau, những lá non bé tí bắt đầu nhú ra khắp nơi, những chiếc lá non màu xanh cốm trông thật đáng yêu làm sao. Nó tượng trưng cho sự đâm chồi nảy lộc, bắt đầu cuộc sống mới, đón nhận những gì vui tươi rực sáng của một năm sắp đến.
Sáng Mồng Một Tết, ra sân nhìn hoa vàng nở rực trên cành, lòng mình thấy vui lây, như mùa Xuân mới của hoa tươi, của thiên nhiên đang ngấm vào lòng. Hơn nữa tôi thường săm soi tìm cho bằng được đóa mai nào có sáu hoặc bảy cánh đặc biệt hơn thông thường chỉ năm cánh, và reo lên thích thú khi phát hiện. Người ta tin rằng cây mai nào có được những đóa mai nhiều cánh hơn sẽ mang lại tài lộc may mắn cho cả năm.
Đang ngẩn ngơ thả hồn về quá khứ, với những kỷ niệm đẹp đẽ về hoa Xuân, bỗng nhiên tiếng pháo nổ rộn rã vang lên, làm tôi giật mình trở về hiện tại. Đối với tôi, ngày Tết mà không có tiếng pháo nổ như thiếu cái hồn của ngày truyền thống này.
Nhớ lại những ngày ở quê nhà, 23 Tháng Chạp đưa ông Táo về trời, đã nghe pháo nổ rộn rã gần xa liên miên không dứt. Dù đi đâu hay ở bất cứ nơi nào, chỉ nghe tiếng pháo nổ không thôi, tôi cũng đủ cảm thấy lòng rộn ràng chờ Tết đến. Đêm Giao thừa không hiểu người ta có chia phiên nhau không mà pháo cứ nổ liên tục ròn rã từ chập tối cho đến cao điểm là phút Giao thừa, pháo nổ liên miên cho tới sáng Mồng Một.
Quả là không khí rộn ràng này chỉ ở quê hương mới có mà thôi vì nhà nhà đều đón Tết, nhà nhà đều đốt pháo. Ngoài ra còn có một hình ảnh đẹp khác là xác pháo hồng ngập đầy sân, đỏ đầy các lối đi nhỏ trong xóm. Sáng Mồng Một Tết đi đến đâu cũng đều bước trên những con đường nhỏ ngập đầy xác pháo hồng đỏ thắm, lòng rộn ràng tươi vui. Không ai quét xác pháo trong ngày Tết vì kiêng cữ là sẽ đuổi đi Thần tài mang tài lộc đến.
Ở đây còn được xem diễu hành Tết với những xe hoa rực rỡ. Đó là nét sinh hoạt văn hóa mới nhân dịp Tết của người Việt hải ngoại ở khu Little Saigon. Nhìn những xe hoa tưng bừng rực rỡ, tôi nhớ bên quê nhà những thuyền hoa tấp nập ra chợ Tết ở các tỉnh miền Tây, các xuồng ghe chở đầy các loại hoa từ các làng hoa nổi tiếng đổ xô từ trong vườn ra các chợ.
Những hình ảnh thuyền hoa chở đầy các loại hoa tươi với đủ sắc màu góp phần tô điểm sắc xuân khắp sông nước miền Nam, thật đẹp và sống động làm sao. Người bán hoa còn dùng xe đạp, đóng khung phía trước và sau rồi thồ hoa với đủ các loại đầy màu sắc chất trên xe. Họ di chuyển từ nơi này qua nơi khác để bán hoa cho khách dễ dàng. Đúng là những sáng kiến hay và độc đáo, góp phần làm phong phú thêm các chợ hoa ngày Tết.
Lang thang hết khu bán hoa trước Phúc Lộc Thọ, tôi men theo một lối nhỏ sang khu bên cạnh, thấy người ta bu đông nghẹt. Thì ra đó là sòng bầu cua cá cọp. Trước đây, khi còn ở quê nhà, mỗi lần Tết đến, tôi chỉ thích chơi bài tam cúc vì nó có vẻ giải trí nhiều hơn là tính chất ăn thua bài bạc.
Ở khu bên kia cũng có mấy người bán những cành hoa đào, bó lại từng bó to, nhỏ. Có vài người bán lẻ ở hè phố, có vẻ nghèo khổ, họ bán rau quả và trái cây. Có hai ông già ôm hai thùng pháo nhỏ ngồi co ro một góc, mời khách qua lại ghé mua giùm, nhưng ai cũng thờ ơ, coi bộ ế ẩm, trông thật tội nghiệp. Hình ảnh này khiến tôi liên tưởng đến Ông đồ trong bài thơ của Vũ Đình Liên:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
………..
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn bây giờ… ở đâu?
Điều đáng thương hơn, hẳn hai ông già trên không được con cái ngó ngàng, lại còn mang một nỗi buồn tha hương nhớ về những cái Tết êm đềm tại quê nhà thuở xưa!?
Nhiều người ở Việt Nam cứ tưởng nước Mỹ là thiên đường, ai ở Mỹ cũng kiếm được tiền dễ dàng, hầu bao lúc nào cũng rủng rỉnh, ai cũng mơ được ra đi. Thật tình ở đâu cũng có người giàu và những kẻ khốn cùng.
Trời đã về chiều và khá lạnh, ở Mỹ, Tết đến vào mùa Đông nên khí hậu lạnh lẽo, không ấm áp như mùa Xuân ở Việt Nam. Ở Nam Cali, khí hậu còn đỡ, chứ mấy tiểu bang miền Bắc thì tuyết trắng phủ ngập trời. Sau khi mua vài chậu hoa, chúng tôi ra về. Đâu đây vang vang lời hát bài Ly rượu mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương như một lời cầu chúc tốt đẹp đến mọi người: “Nhấc cao ly này, hãy chúc ngày mai, sáng trời tự do, nước non thanh bình, muôn nhà hạnh phúc chan hòa”…
Ngày mai ấy cho muôn nhà nơi nơi trên đất Việt đang mất dần chủ quyền trên từng mảnh đất mà Cha Ông đã đổ xương máu dựng xây thì nay bọn tay sai cộng sản đã và đang mưu toan bán nước cho ngoại bang, đưa đất nước lâm vào cảnh điêu linh. Ngày mai ấy, muôn nhà đang khấn nguyện khát khao chờ đợi một mùa Xuân thật đúng ý nghĩa, của tự do, thanh bình hạnh phúc thật sự. Ngày mai ấy sẽ phải chờ đợi đến bao giờ?!