50 năm Hiệp định Paris: Sự phản bội của Henry Kissinger

Đại diện của bốn phe trong Chiến tranh Việt Nam gặp nhau tại Paris để ký Hiệp định Hòa bình Paris. Bên trái là đại diện của miền Nam Việt Nam do Phó Thủ tướng Nguyễn Lưu Viễn dẫn đầu. Bên phải là đại diện Việt Cộng do Tướng Nguyễn Văn Hiếu cầm đầu. Đi trước là đại diện của Bắc Việt Nam do Lê Đức Thọ cầm đầu. Phía sau là các đại diện đến từ Hoa Kỳ. (Ảnh: Bettmann/CORBIS/Bettmann Archive)
Share:
Thời Sự
Thời Sự
50 năm Hiệp định Paris: Sự phản bội của Henry Kissinger
Loading
/

Hôm nay tròn 50 năm ngày Hiệp định Paris được ký. Trên văn bản chính thức của Hiệp định Paris là sự tham gia của bốn bên. Nhưng thực tế, Hiệp định Paris là cuộc thương lượng được định đoạt trước giữa Hoa Kỳ và phe cộng sản, đại diện là Đảng Lao động, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN).

Sau 50 năm, nhiều bí mật đã được vén màn. Người được cho là đã đi nước cờ có tính quyết định vận mệnh của miền Nam là Cố vấn An ninh Quốc gia của tổng thống Richard Nixon, Henry Kissinger. 

Cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger. (Ảnh: James Andanson/Sygma via Getty Images)
Hiệp định phản bội đồng minh

Dưới thời chính quyền của Tổng thống Richard Nixon, cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger có ảnh hưởng chưa từng có. Phần lớn là do Kissinger là người đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ giữ chức vụ ngoại trưởng và cố vấn an ninh quốc gia cùng một lúc.

Henry Kissinger đến Việt Nam vào giữa thập niên 1960, khi mà nhiều nhà kỹ trị tin rằng cuộc chiến chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam đáng để chiến đấu và có thể giành chiến thắng. Tuy nhiên, chàng trai trẻ Kissinger lúc đó đã nghi ngờ nhận định này. Kissinger thậm chí đã tìm cách liên lạc trực tiếp với lãnh đạo ĐCSVN. Bằng cách liên lạc với hai người Pháp thân thiết với giới lãnh đạo Bắc Việt, Kissinger đã nhờ họ truyền tải ý định đàm phán.

Trong tài liệu bí mật hiện đã được công bố cho biết từ đầu Tháng Một năm 1971, Kissinger thông báo với Đại sứ Liên Xô, Anatoly Dobrynin “Hoa Kỳ cho phép cộng sản Bắc Việt đóng quân ở miền Nam và tiếp tục cuộc chiến sau khi Hiệp định Paris được ký,” mặc kệ số phận của miền Nam.

Tuy nhiên, Kissinger đã không hề đề cập đến tương lai mà ông đã vẽ ra cho Việt Nam Cộng Hòa khi báo cáo trực tiếp với Tổng Thống Nixon về cuộc gặp mặt với Đại sứ Liên Xô. Cuối Tháng Giêng năm 1971, Dobrynin đã gửi báo cáo nhắc nhở ĐCSVN rằng nếu Hoa Kỳ cam kết rút toàn bộ lực lượng thì họ phải cam kết ngừng bắn trong thời gian Hoa Kỳ rút quân và cuộc chiến Nam và Bắc sau đó sẽ không còn là vấn đề của Hoa Kỳ nữa.

Trước ngày gặp gỡ phái đoàn ngoại giao ĐCSVN ngày 28 Tháng Năm năm 1971, Kissinger đã gửi cho Nixon một văn bản tóm lược nội dung mà ông sẽ trình bày tại Paris. Tuy nhiên, trong văn bản ghi nhớ này, Kissinger đã không tiết lộ với Nixon rằng Đại sứ Mỹ tại VNCH, Ellsworth Bunker, đã đề nghị Hà Nội phải rút toàn bộ lực lượng ra khỏi miền Nam như một trong những điều kiện để chấm dứt chiến tranh.

Henry A. Kissinger (phải) ra hiệu khi nói chuyện với Tổng thống Nixon vào cuối ngày 25 Tháng Mười Một tại khách sạn Waldorf Astoria ở New York. Tổng thống Nixon đã cắt ngang kỳ nghỉ cuối tuần ở New York để có nói chuyện này với Kissinger, để hỏi ý kiến về những phản đối của miền Nam đang trở thành một trở ngại trong kế hoạch dàn xếp chính trị tại đây. (Ảnh: Getty Images)

Đáng lưu ý, trước đó Đại sứ Bunker đã thông báo cho Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, tất cả quân đội nước ngoài sẽ được yêu rút khỏi miền Nam, Lào, và Campuchia. Ông Thiệu không biết Kissinger đột nhiên “trở mặt”. Ngày 31 Tháng Năm năm 1971, trong cuộc gặp với phái đoàn ngoại giao Lê Đức Thọ tại Paris, Kissinger đã đơn phương cho phép cộng sản Bắc Việt không cần rút quân khỏi miền Nam sau khi hiệp định “Hòa bình” được ký.

Trong những năm thập niên 60 và 70, nhà nước Cộng sản Trung Quốc không được đánh giá cao. Tuy nhiên, Kissinger đã chủ động thiết lập ngoại giao với Trung Quốc để đối phó Liên Xô. Tháng Bảy năm 1971, Kissinger bí mật gặp Thủ tướng Cộng sản Trung Quốc, Chu Ân Lai, để sắp xếp chuyến gặp gỡ lịch sử giữa Nixon và Mao Trạch Đông. Trong lần gặp gỡ đó, Kissinger cũng đã nói với Chu Ân Lai điều ông đã nói với Đại sứ Liên Xô Dobrynin về tương lai của cuộc chiến Việt Nam.

Tổng Thống Richard Nixon phát biểu ngày 30 Tháng Bảy năm 1969. Phía sau ông là Cố vấn Henry A. Kissinger (mang kính), Phó tổng thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ellsworth Bunker. (Ảnh: Getty Images)

Tài liệu tóm tắt của chính Kissinger chuẩn bị cho cuộc gặp với Chu Ân Lai có đoạn: “Thay mặt Tổng thống Nixon, tôi muốn trịnh trọng cam kết với Thủ tướng rằng Hoa Kỳ sẵn sàng thực hiện một dàn xếp để chính trị Việt Nam cho người Việt Nam.

Chúng tôi sẵn sàng rút toàn bộ lực lượng của mình vào một ngày ấn định và để thực tế khách quan định hình tương lai chính trị.” Theo tài liệu được giải mật của chính phủ Hoa Kỳ, Kissinger đã không nói với Nixon về cam kết này với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Cả Nixon và chính quyền VNCH đã không biết cuộc “đi đêm bí mật” của Kissinger và ĐCSTQ sau hơn một năm.

Kể từ sau khi Hiệp định Paris được ký ngày 27 Tháng Giêng năm 1973, Hoa Kỳ bắt đầu rút quân khỏi miền Nam và cắt giảm viện trợ quân sự và tài chính cho chính phủ VNCH. Đối với nhiều nhà bình luận, hành động “đi đêm” của Kissinger là một trong những yếu tố quyết định thất bại của miền Nam.

Cuộc chiến “huynh đệ tương tàn” tiếp tục với đông đảo quân của phe cộng sản nhanh chóng đổ vào miền Nam, thiếu vắng sự hỗ trợ quan trọng của Hoa Kỳ. Thêm vào đó là tình trạng hỗn loạn và tham nhũng cấp cao, VNCH đã thất bại trước quân Bắc Việt. Đối với chính quyền VNCH, Hiệp định Paris thậm chí là sự phản bội của Kissinger và chính phủ Nixon đối với đồng minh.

Richard Nixon (1913-1994) trong cuộc gặp với Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu (1923-2001), thảo luận về việc rút binh lính Hoa Kỳ khỏi Việt Nam. Cuộc gặp diễn ra tại ‘Midway House’, Midwar Atoll ngày 8 Tháng Sáu năm 1969. Ở cuối bàn là cờ của Hoa Kỳ và Nam Việt Nam. Ngoại trưởng, Cố vấn An ninh Quốc gia Henry Kissinger ngồi ở vị trí thứ ba (từ cuối bàn bên trái). (Ảnh: David Turnley/Corbis/VCG qua Getty Images)

Hai ngày sau khi Hiệp định Paris được ký kết, cả Kissinger và Lê Đức Thọ được đề cử giải thưởng “Nobel Hòa Bình”. Lê Đức Thọ biết rõ mục đích thực sự của Hiệp định Paris không phải là mang đến hòa bình cho Việt Nam, nhưng là để tiếp tục cuộc chiến đẫm máu. Bởi thế Lê Đức Thọ đã từ chối nhận giải thưởng Nobel.

Theo điều tra mới nhất của Reuters, Ủy ban giải thưởng Nobel nhận thức “đầy đủ” rằng hiệp định Paris không có khả năng mang đến hòa bình. Stein Toennesson, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo, nói với Reuters: “Tôi giờ đây còn ngạc nhiên hơn lúc đó, khi ủy ban có thể đưa ra một quyết định tồi tệ như vậy.”

Cáo già và độc tài chuyên chế

Từ sau cuộc đi đêm với phe cộng sản thông qua Hiệp định Paris, dư luận đã nhìn thấy bộ mặt thật của Henry Kissinger: thỏa hiệp và cúi đầu trước các nhà nước độc tài.

Vào năm 2018, Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử của ĐCSTQ đã xuất bản một bài tiểu luận về quan điểm của Chu Ân Lai về các hoạt động gián điệp. Bài tiểu luận viết: “Chu Ân Lai ủng hộ việc kết bạn với nhiều người, sử dụng công việc của Mặt trận Thống nhất để thúc đẩy công việc tình báo và lồng công việc Mặt trận Thống nhất vào trong công tác tình báo.” Trước khi trở thành thủ tướng, Chu Ân Lai đã thành lập đơn vị tình báo và xây dựng các chi bộ gián điệp đầu tiên cho ĐCSTQ. Và theo định nghĩa ‘gián điệp’ này của Trung Quốc, Kissinger thực sự là tài sản có giá trị nhất của Trung Quốc.

Tờ Spectator đã nhận xét về mối quan hệ của Kissinger với Trung Quốc, “Những đặc vụ giỏi nhất là những người không biết mình là đặc vụ.” Cựu trợ lý ngoại trưởng Richard H. Solomon, trong một nghiên cứu về phương thức đàm phán của Trung Quốc, đã mô tả Kissinger trong khoảng thời gian đàm phán bí mật với Trung Quốc: “Tràn ngập những hồi ức kinh ngạc về những người hộ tống, những chuyến công du công phu, và những bữa tiệc xa hoa do người Trung Quốc sắp xếp tỉ mỉ.”

Vào năm 1982, Kissinger thành lập công ty tư vấn Kissinger Associates để vận động kinh doanh của các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc. Không dừng lại ở đó, Kissinger còn vận động các nhà ngoại giao và quan chức an ninh cao cấp Hoa Kỳ đánh bóng hình ảnh của ĐCSTQ.

Các thành viên của phái đoàn Hoa Kỳ và Bắc Việt trong cuộc trao đổi về Hiệp định Hòa bình Paris ở Saint-Nom-la-Breteche, Pháp, ngày 13 tháng 1 năm 1973. (Ảnh: White House via CNP/Getty Images)

Khi ĐCSTQ gây ra vụ thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn vào Tháng Sáu năm 1989, Kissinger đã cúi đầu trước Trung Quốc bằng bài viết trên tờ Washington Post: “Không chính phủ nào trên thế giới có thể dung thứ cho việc quảng trường chính của thủ đô bị chiếm đóng trong 8 tuần” và vì thế “một cuộc đàn áp là không thể tránh khỏi.”

Nghĩa là, Kissinger cho rằng nhà cầm quyền Trung Quốc đã có lý khi đàn áp phong trào dân chủ. Đằng sau hậu trường, Kissinger liên tục thúc giục cựu Tổng thống George H.W. Bush phải im lặng, không ban hành các biện pháp trừng phạt, và chấm dứt cô lập Trung Quốc. Sau đó, đầu tư của Hoa Kỳ tại Trung Quốc đã tiếp tục.

Dưới thời chính quyền Trump, Kissinger cũng đã thuyết phục Trump không gặp vị lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma. Quá rõ ràng, Kissinger đã tận dùng sức mạnh ảnh hưởng đáng kể của mình để làm suy yếu các chính sách tiêu cực nhắm tới Bắc Kinh.

Tháng Năm năm 2022, Kissinger cũng khiến dư luận bất bình, khi nói rằng Ukraine nên sẵn sàng nhượng lại một số lãnh thổ cho Nga để đạt được thỏa thuận hòa bình và chấm dứt chiến tranh. Kissinger phát biểu tại Davos rằng: “Lý tưởng nhất là đường phân chia nên trở lại hiện trạng trước đó. Theo đuổi cuộc chiến vượt quá thời điểm sẽ không phải vì tự do của Ukraine, mà là một cuộc chiến mới chống lại chính Nga.” Lời khuyên của Kissinger chẳng khác gì nói với Nga việc đơn phương xâm lược một quốc gia có chủ quyền là không sai và có thể mang lại lợi ích.

Cựu Đại tá Quân đội Nhân dân Bùi Tín đã từng tiết lộ rằng Bộ Chính trị ĐCSVN rất vui khi được đàm phán một mình với Kissinger mà không có bất kỳ ai của chính quyền VNCH ngồi cạnh ông ta trên bàn đàm phán. Sau 50 năm Hiệp định Paris được ký để quyết định tương lai của VNCH, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn rêu rao ca ngợi ‘đảng ta’ đã nỗ lực mang hòa bình đến Việt Nam.

Hiệp định Paris được cho là dấu chấm kết thúc sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), bật đèn xanh cho phe cộng sản giành chiến thắng. Được đặt cho danh từ mỹ miều “Hoà bình”, nhưng Hiệp định Paris thực tế là một cuộc trao đổi bí mật giữa Kissinger và phe cộng sản. Trong cuộc điện đàm với Nixon được công khai sau này, Kissinger đã thừa nhận rằng các điều khoản của Hiệp định Paris “không phải là một thỏa thuận cho hoà bình” mà là “cho chiến tranh vĩnh viễn ở miền Nam.”

Thực tế, hơn triệu người “máu đỏ da vàng” đã đổ máu ngay sau khi hiệp định Paris được ký. Cuộc chiến “huynh đệ tương tàn” đã tiếp tục trong máu lửa, tang tóc, và chia ly.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Tướng phu thê
Dân gian Việt Nam thường dùng từ “tướng phu thê” khi thấy các cặp vợ chồng có nét mặt giống nhau. Nhưng về khoa học, chuyện này cũng được minh…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: