Tuổi trẻ làm báo ‘free’ trên đất Mỹ, một thời đã qua… (2)

Bài 2: Nguyệt san Tuổi Ngọc
Share:
(ảnh: Hồ Văn Xuân Nhi)

Năm 1980, được sự động viên của nhiều bạn bè, tôi cùng giới trẻ văn nghệ cầm bút thích viết, đầy nhiệt huyết, có đam mê với thi văn, còn mộng mơ tình yêu tuổi mới lớn, quyết định chủ trương xuất bản tờ nguyệt san Tuổi Ngọc. Tờ báo của tuổi yêu thương, hướng đi bài vở là hoa tím cho cuộc đời.

Tuổi Ngọc Sài Gòn – Tuổi Ngọc Cali

Lý do lấy tên báo Tuổi Ngọc là tôi yêu tờ Tuổi Ngọc của nhà văn Duyên Anh trước 1975. Lúc này nhà văn vẫn còn trong nước. Tôi yêu nhà văn Duyên Anh với những tác phẩm viết về tuổi trẻ, tuổi mới lớn, và yêu luôn tờ báo Tuổi Ngọc. Tôi chọn tên tờ báo mình xuất bản là Tuổi Ngọc như một sự trân trọng vinh danh đối với nhà văn Duyên Anh và tờ Tuổi Ngọc năm xưa.

Lúc này tôi có sự cộng tác từ Nguyễn Việt, một họa sĩ trẻ đồng lứa tuổi tôi mới tỵ nạn định cư đến Mỹ, sinh viên trường Orange Coast. Việt nhận vai trò tổng thư ký tờ Tuổi Ngọc, chính yếu là “artwork, lay out” tờ báo, và chỉ làm bằng nhiệt huyết, tình cảm chứ không có thù lao tiền bạc gì. Một người bạn học cùng lớp từ lớp sáu trung học Tân Bình ở Nguyễn Thượng Hiền, Sài Gòn, mà tôi nhận bà con họ hàng để bảo lãnh đến Mỹ từ trại tỵ nạn Thái Lan năm 1979, là Lê Phước Vinh, giúp tôi công việc phụ tá chủ nhiệm.

Anh lo giúp việc phân phối báo, gửi đi cho độc giả, thân hữu, đại diện, đại lý phát hành, mỗi khi báo được in về. Trong tờ báo, anh phụ trách một tiết mục dễ thương nhất, vui nhất, được các cô thích đọc nhất là trang Ngọc Ơi. Lê Phước Vinh đóng vai “chị Ngọc”, trả lời những tâm tình, bỏ nhỏ rất dễ thương trong trắng tuổi hoa tím cho các độc giả gửi về. Ít ai biết “chị Ngọc” đó chính là “anh Vinh”. Nhưng độc giả yêu lắm những câu trả lời rất dí dỏm vui nhộn mà dễ thương, tính học trò.

Nguyệt san Tuổi Ngọc, số phát hành Tháng Ba 1981 (ảnh: Hồ Văn Xuân Nhi cung cấp)

Những ngày làm báo Tuổi Ngọc, vất vả cùng tôi nhiều nhất là Nguyễn Việt và Lê Phước Vinh. Họ thức khuya để giúp tờ báo phát hành đúng ngày, bởi vì chúng tôi chỉ làm báo sau giờ làm việc kiếm sống hay sau giờ đi học.

Tất cả anh em chúng tôi làm báo với tính cách văn nghệ, gọi là “amateur” chứ không phải công việc trọn thời gian như nghề mưu sinh. Không ai có đồng lương hay lợi nhuận nào dù báo phát hành suốt năm năm dài, định kỳ hằng tháng. Tòa soạn nằm tại nhà tôi, lúc đó ở thành phố Los Alamitos. Tôi mua lại một máy IBM cũ, loại đánh cho báo chí, nhưng thời đó chỉ có thể bỏ dấu tiếng Việt bằng viết mực tay. Chừng hai năm sau, tôi đành thuê đánh máy có tiếng Việt từ anh Dũng là con trai gia đình tuần báo Trắng Đen, đánh nhanh và đẹp chữ.

Tờ báo có giá bán tượng trưng thôi, để chi trả tiền cước phí. Báo khổ magazine 68 trang, bìa màu, bên trong cũng nhiều trang có màu. Tôi chơi sang, báo được gửi xa cho độc giả bằng first class mail, báo bỏ trong phong bì lớn để khỏi hư. Chúng tôi quý tờ báo lắm. Nhiều bạn trẻ thời đó ủng hộ, tiếp tay, nhận lời giúp phát hành bán ở nơi họ sống, trường họ học. Mạng lưới phát hành rộng rãi khắp thế giới chứ không riêng ở nước Mỹ.

Ở Pháp có các bạn Lương Anh Phương, Trang Thanh Trúc, Trần Thị Cát Minh (Thu Trang), bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn,… giúp phát hành, gửi đến cả cộng đồng Việt các xứ lân cận như Đức, Anh Quốc, Hòa Lan. Ở Sydney-Úc có Anh Thư. Ở Toronto-Canada, có Minh Hải. Ở Maryland, có vợ chồng anh Đặng Hữu Thọ-Dương Nguyệt Ánh (nhà khoa học gia quốc phòng Hoa Kỳ danh tiếng sau này), rồi Hoàng Thị Xuân Hồng, Bùi Vũ Phương Thảo, Hạ Vi (Phương Thảo), Lãng Du, Phiêu Lãng, Cao Thùy Hương và Cao Thiên Đài Trang. Hai người họ Cao là ái nữ của giáo sư Cao Thế Dung. Cao Thùy Hương và tôi từng được giáo sư Cao Thế Dung giao cho phụ trách biên tập trang giới trẻ của tờ Hành Trình mà ông xuất bản thập niên 1970 tại Washington DC.

Họp mặt Tuổi Ngọc tại San Jose, Bắc California (ảnh: Hồ Văn Xuân Nhi cung cấp)

Những khuôn mặt sinh viên hoạt động của vùng miền Đông Hoa Kỳ thời đầu thập niên 1980 đã giúp phân phối tờ báo toàn vùng, tạo được số lượng độc giả khá đông. Những người trẻ này là những cây viết chủ lực của Tuổi Ngọc suốt những năm dài. Kể cả nhiều bậc trưởng thượng phụ huynh cũng ủng hộ mua dài hạn để cho con cháu đọc. Ở Michigan có Trầm Luân, một cây viết nữ xuất sắc thời đó. Ở Louisiana có Lê Thị Thanh Yến.

Ở Kansas có cây viết nữ bút hiệu Áo Tím. Trên Seattle – Washington State thì có cây viết Mây Mùa Thu (Thanh Vân), Dương Thị Thanh Hoàng, và Nguyễn Hùng, lúc đó còn là sinh viên y khoa thích làm thơ, nay đã là bác sĩ danh tiếng ở Orange County, Nam California.

Hồ Văn Xuân Nhi (phải) và bác sĩ thi sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn (ảnh: Hồ Văn Xuân Nhi cung cấp)

Texas là một tiểu bang với mạng lưới độc giả và những người viết bài đông đảo, có nhiều bạn trẻ và bạn bè tôi, như Mạc Ly Hương (Mai Hương) là người bạn thân thiết từ thơ ấu luôn ủng hộ mạnh nhất cho tờ Tuổi Ngọc thời đó. Những cây viết sinh viên như Di Thảo, Lê Thị Vân Anh, Diên Vỹ, Suối Mơ, các bạn học thân thiết lớp tôi xưa cũng là những người thích làm thơ tình, văn nghệ lắm, như Nguyễn Hưng Quang, Trần Doãn Nhân,… giúp phát hành rộng rãi trong sân trường đại học UH và khu vực Houston, Dallas ở Texas.

Ở đây tờ Tuổi Ngọc còn được sự giúp đỡ đặc biệt của nhạc sĩ Việt Dzũng – người bạn cùng lứa tuổi quen nhau từ năm 1978. Việt Dzũng đã ủng hộ chúng tôi từ những ngày làm tuyển tập Hoài Cảm II, III, và khi tôi có ý tưởng xuất bản tờ Tuổi Ngọc. Chính nhạc sĩ đã giúp tờ Tuổi Ngọc tìm được những mạnh thường quân quảng cáo thường xuyên trên tờ báo suốt hơn năm năm dài.

Từ trái: Việt Dzũng, Hồ Văn Xuân Nhi, bác sĩ nhà thơ Đinh Xuân Anh Tuấn. (ảnh: Hồ Văn Xuân Nhi cung cấp)

California là nơi mà báo Tuổi Ngọc có ảnh hưởng mạnh nhất, từ các sân trường đại học miền Nam California như Long Beach State, Fullerton State, UC Irvine, UCLA, USC, đến Los Angeles Cal State, San Diego State. Những người ở tuổi đôi mươi thích văn nghệ văn chương, thích làm việc vô vụ lợi, là chủ lực tờ Tuổi Ngọc như Trần Hữu Hoàng, Nguyễn Văn Hưng, Thụy Vy, Hồng Tâm, Đinh Xuân Dương, Lê Thị Minh Trang, Luyện Chí Thiện, Trần Quốc Bảo, Trần Thị Kim Thoa, anh chị Lê Minh Khải, Lê Thị Phương Mai,…

Miền Bắc California, Tuổi Ngọc đi vào các khuôn viên đại học San Jose State, UC Berkeley, UC Davis, Fresno State, Cal State Sacramento,… với những người bạn sinh viên, những cây viết rất trẻ của thập niên 1980 như Vũ Anh Thư, Vũ Mai Trang (Hoài Vọng Quê Hương) – là hai ái nữ của nhà văn Giao Chỉ, tức Đại tá Vũ Văn Lộc; rồi Hoàng Đức Tuyên, Đỗ Thị Hiền Lương,… Họ giúp Tuổi Ngọc rất mạnh trong việc phổ biến tại các trường vùng San Jose, San Francisco.

Vũ Mai Trang, ái nữ của nhà văn Giao Chỉ, tức Đại tá Vũ Văn Lộc. (ảnh: Hồ Văn Xuân Nhi cung cấp)

Tuổi Ngọc được sự khuyến khích, ủng hộ tinh thần từ nhiều nhà giáo, nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ tên tuổi sự nghiệp lừng danh. Rất đông! Chỉ là sự bày tỏ khuyến khích tinh thần anh em trẻ chúng tôi làm báo ở một thời kỳ rất khó khăn cho những ai làm báo trên tinh thần văn nghệ, không chuyên nghiệp mà không có kế hoạch tài chính, nhưng chúng tôi ghi nhận sự hiện diện có tính cách tinh thần của các vị đàn anh, huynh trưởng trong làng báo văn học Việt.

Họ là những người đã có sự nghiệp lớn từ Việt Nam trước năm 1975. Những cái gật đầu hay bắt tay chúc chúng tôi làm Tuổi Ngọc may mắn cũng là niềm vui khích lệ rồi. Khắng khít với nhóm Tuổi Ngọc thời đó, nặng tình nhất là kỹ sư Bùi Bỉnh Bân, giáo sư Phạm Cao Dương, nhà văn Nhật Tiến, thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên…

Tờ báo Tuổi Ngọc hay nhóm trẻ Tuổi Ngọc chúng tôi không đơn giản chỉ là một tờ báo để giới trẻ đọc. Chúng tôi thực hiện nhiều sinh hoạt như trại họp mặt, hội thảo thanh niên, văn nghệ cộng đồng. Mỗi năm đều có những sinh hoạt lớn, nhỏ khắp nơi. Với sự cộng tác của những người bạn trẻ chúng tôi đại diện ở các địa phương, nơi khuôn viên đại học, hay với các đoàn thể giới trẻ.

Năm 1982, Tuổi Ngọc tổ chức trại họp mặt hè, hội thảo thanh niên, với sự tham dự của gần 100 bạn trẻ từ khắp nơi. Nhà văn Nhật Tiến, giáo sư Lưu Trung Khảo, giáo sư Phạm Cao Dương, giáo sư Nguyễn Trung Hiếu, nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, nhà văn Đỗ Tiến Đức, thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, kỹ sư Bùi Bỉnh Bân… đến sinh hoạt nói chuyện với các bạn trẻ trong những ngày trại ba ngày hai đêm tại vùng biển San Juan Capistrano, thuộc Orange County, California. Nhiều cây bút trẻ khắp nơi về dự. Cảm động nhất là bác sĩ kiêm thi sĩ Đinh Tuấn đến từ Pháp. Ông là bác sĩ trẻ đi theo các con tàu của Hội y sĩ không biên giới trên biển Đông để cứu vớt người vượt biển hồi thập niên 1980.

Họp mặt Tuổi Ngọc tại San Jose, Bắc California (ảnh: Hồ Văn Xuân Nhi cung cấp)

Một thời đã qua

Năm 1983, Tuổi Ngọc có cuộc picnic họp mặt tại Houston-Texas do thân hữu tổ chức. Cũng trong năm này, một buổi họp mặt Tuổi Ngọc tại San Jose, Bắc California do chị em hai cây viết trẻ Vũ Anh Thư, Vũ Mai Trang tổ chức, chuyến đi từ Nam California có chúng tôi – nhóm chủ trương Tuổi Ngọc. Tháp tùng chuyến đi có thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, nhạc sĩ Việt Dzũng, bác sĩ-nhà thơ Đinh Tuấn. Gần 50 người tham dự chương trình sinh hoạt này.

Nhiều buổi sinh hoạt văn nghệ khác tại miền Nam California cũng được nhóm chủ trương Tuổi Ngọc tổ chức. Nhóm Tuổi Ngọc giúp xuất bản tập nhạc Hát Trên Đường Lưu Vong của nhạc sĩ trẻ Trần Quốc Bảo năm 1981, khi đó anh vừa đến xứ Mỹ thời gian ngắn thôi, nhưng gắn bó với nhóm Tuổi Ngọc chúng tôi một cách thân tình. Từ những sinh hoạt Tuổi Ngọc, chúng tôi trở thành hai người bạn thân nhau suốt 40 năm qua, phần nhiều cũng qua những sinh hoạt báo chí văn nghệ mà Bảo thực hiện.

Nhạc sĩ Việt Dzũng tại buổi họp mặt Tuổi Ngọc tại San Jose, Bắc California (ảnh: Hồ Văn Xuân Nhi cung cấp)

Năm 1984, báo Tuổi Ngọc tổ chức cuộc thi viết truyện ngắn mà nhà văn Đỗ Tiến Đức, giáo sư Lưu Trung Khảo, nhà văn Nhật Tiến, thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên được mời vào ban giám khảo. Tuổi Ngọc cũng tổ chức buổi nói chuyện đầu tiên cho nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn tại Mỹ năm 1986. Ông Ngạn đến Mỹ lần đầu với lời mời của Tuổi Ngọc tham dự hội thảo với hơn 100 quan khách tại trung tâm cộng đồng của thành phố Cypress. Lúc đó, ông chưa là MC cho trung tâm Thúy Nga Paris nhưng đã là nhà văn thành công với hàng chục tác phẩm. Nhiều nhân sĩ trong cộng đồng có mặt ngày hội thảo với giới trẻ này. Tôi nhớ có anh chị Dương Hữu Chương lúc đó là chủ báo và ca sĩ Diễm Chi cũng đến tiếp đón nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn.

Tuổi Ngọc tổ chức đón nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn (thứ ba, từ trái) lần đầu tiên đến Mỹ nói chuyện với cộng đồng Việt và giới trẻ, tổ chức tại Trung tâm cộng đồng thành phố Cypress (ảnh: Hồ Văn Xuân Nhi cung cấp)

Cuối năm 1986, tôi giao quyền tờ báo Tuổi Ngọc cho cô em thân tín Thụy Vy vai trò chủ bút tờ báo. Tuổi Ngọc đổi hình thức, khổ báo nhỏ 5 ½ x 8 ½. Vẫn phong phú bài vở. Luyện Chí Thiện trở thành người dàn trang cho tờ báo, nhưng nhiều anh chị em khác trong nhóm chủ trương ngừng sinh hoạt. Tờ báo sau này có nội dung hướng nhiều như một tập truyện và thơ có tầm vóc văn học, hơn là tờ báo của giới trẻ như trước.

Riêng tôi, cuối cùng cũng “kiệt sức” sau năm năm gánh vác tài chính vì phải bù đắp nhiều tiền bạc cho mỗi số báo phát hành. Tuổi Ngọc ra được 58 số báo khi tôi giao lại cho Thụy Vy điều hành. Cô còn niềm đam mê văn chương và sự tự tin. Sau một hay hai năm gì đó, Thụy Vy cũng ngưng xuất bản Tuổi Ngọc. Tôi cũng ngưng liên lạc với mọi người trong nhóm kể từ năm 1987.

Nhóm chủ trương Tuổi Ngọc đón tiếp ông bà nhà văn Duyên Anh (thứ hai, ba, từ trái) lần đầu đến Mỹ có Hồ Văn Xuân Nhi, Trần Hữu Hoàng, Trần Quốc Bảo, Lê Phước Vinh, và nhà văn Nguyễn Ý Thuần (ảnh: Hồ Văn Xuân Nhi cung cấp)

Tuổi Ngọc những năm thập niên 1980 là một cái tên quen thuộc với giới trẻ yêu thích văn chương nhẹ nhàng, thích đọc tình cảm yêu thương tuổi mộng mơ. Sự đình bản của tờ báo là một biến cố, gây ra nhiều nỗi buồn. Nhưng hoàn cảnh của những tờ báo mang tính chất văn học nghệ thuật hay có lý tưởng như Tuổi Ngọc rất khó tồn tại dài lâu.

Cộng đồng Việt Nam lúc đó bắt đầu phát triển, nhưng những tờ báo nội dung như Tuổi Ngọc không thể trông dựa để sống còn. Nhà văn giáo sư Quyên Di cũng tái xuất bản tờ Tuổi Hoa sau Tuổi Ngọc, nhưng cũng không lâu được. Tạp chí Hành Động – tờ báo của thanh niên sinh viên có lý tưởng quốc gia do tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng xuất bản, và nhóm thanh niên trẻ vùng Hoa Thịnh Đốn thập niên 1980 – cũng không may mắn hơn.

Bìa Nguyệt san Tuổi Ngọc Số 4. (ảnh: Hồ Văn Xuân Nhi cung cấp)

Nhưng chúng tôi không bao giờ hối hận với những nỗ lực đã làm. Tôi cứ nói đùa với bạn bè lúc đó, thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt còn hơn buồn le lói cả trăm năm. Chúng tôi cũng đã làm được những điều mình thích và tự hào vì nỗ lực đóng góp của giới trẻ ở hải ngoại, những thập niên đầu của cộng đồng người Việt, phần nào “ghi điểm” vào lịch sử một cộng đồng xấp xỉ nửa thế kỷ hình thành.

Một thời tuổi trẻ làm báo, một thời đã qua!

________________

Tác giả gửi Saigon Nhỏ

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: