Đế chế thời trang Ý bắt đầu suy tàn?

Share:
Nhà thiết kế lừng danh Giorgio Armani trong chương trình ‘Milan Men’s Fashion Week Spring/Summer 2020’ (ảnh: Vittorio Zunino Celotto/Getty Images)

Ngoài Armani còn trụ lại tương đối vững, một danh sách dài các hãng thời trang nổi tiếng của Ý đang ở ngã tư đường. Nhiều nhà thiết kế của họ ngày càng lớn tuổi. Cặp vợ chồng đứng đầu hãng thời trang Prada – Miuccia Prada và Patrizio Bertelli – đều đã ở tuổi 70.

Diego Della Valle, chủ tịch thương hiệu giày cao cấp Tod’s, năm nay tròn 70 tuổi. Những người đồng sáng lập Dolce & Gabbana, Stefano Gabbana và Domenico Dolce, hiện đã ở tuổi 60. Và không chỉ vấn đề tuổi tác…

Với nhiều người quan sát, khi hoàng gia thời trang Ý già đi, thời đại của nhà thiết kế toàn năng sắp kết thúc. Armani là hiện thân của một thế hệ nhà thiết kế nắm giữ quyền lực rộng rãi đối với đế chế thời trang của họ, từ xưởng thiết kế đến cửa hàng thời trang. Trên hết, họ là chủ doanh nghiệp, nắm quyền quản trị doanh nghiệp cũng như thực hiện các chiến lược mở rộng toàn cầu. Mô hình kinh doanh đó đang bị bủa vây bởi những xu hướng thời đại.

Như phân tích của Wall Street Journal mới đây, các nhà thiết kế người Ý, không còn ở thời kỳ đỉnh cao sáng tạo, phải điều hướng khi bối cảnh thời trang bây giờ là địa bàn của các tập đoàn lớn. Bây giờ là thời của “siêu tập đoàn”. Tập đoàn Pháp LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton có giá trị thị trường lớn hơn 20 lần so với các đối thủ Ý.

Quy mô nhỏ hơn của các thương hiệu Ý khiến họ dễ dàng trở thành con mồi của các thương vụ sáp nhập. Tập đoàn Richemont của Thụy Sĩ, công ty sở hữu Cartier, gần đây đã mua lại thương hiệu giày Ý Gianvito Rossi. Mùa hè này, Kering, tập đoàn Pháp từ lâu sở hữu Gucci, đã mua 30% cổ phần của hãng thời trang cao cấp Valentino của Ý. Armani và Prada sở dĩ còn tồn tại một phần vì họ đã trở thành biểu tượng văn hóa của nước Ý.

Chương trình Dolce & Gabbana X Mytheresa tại Portofino, Ý, Tháng Năm 2023 (ảnh: Robino Salvatore/Getty Images)

Sự sang trọng và lịch lãm của thời trang Ý từ lâu đã được định hình bởi các gia đình doanh nhân, hoạt động độc lập và không bao giờ muốn hợp tác với nhau. Từ trụ sở của họ ở Milan, Rome và Florence, các gia tộc thời trang hùng mạnh coi nhau như đối thủ hơn là đối tác tiềm năng. Đó là một đặc tính bắt nguồn từ lịch sử của Ý với tư cách là một quốc gia có nhiều thành bang tham chiến.

Bây giờ người Ý nhận thấy họ bị áp đảo về mọi mặt. Đối thủ Pháp đang đổ tiền vào hoạt động thương mại điện tử và trí tuệ nhân tạo. Các cửa hàng thời trang lớn hơn và qui mô phức tạp hơn. LVMH gần đây đã chi hàng trăm triệu đôla để cải tạo cửa hàng siêu sang Tiffany ở New York, lấp đầy 10 tầng bằng những bức tranh sơn dầu của Jean-Michel Basquiat, một tác phẩm điêu khắc trên tường của Anish Kapoor và một trong những bức tranh sành sứ vỡ đặc trưng của Julian Schnabel. Hỏa lực của giới kinh doanh thời trang Pháp phải nói là cực mạnh. Một cách tổng quát, các thương hiệu thuộc sở hữu Pháp đang áp dụng chiến lược áp đảo người Ý trong cuộc chiến giành không gian bán lẻ.

Trái sang: Carla Bruni, Naomi Campbell, Gianni Versace, Nadege du Bospertus và Eva Evangelista, Paris Fashion Week, thập niên 1990 (ảnh: Foc Kan/WireImage)

Pháp còn chơi chiến thuật phô diễn tổng lực trên sàn catwalk. Tháng Sáu 2023, Louis Vuitton đã “chiếm” nguyên cây cầu Pont Neuf ở trung tâm Paris và biến nó thành sàn diễn. Pharrell Williams, giám đốc sáng tạo mới của thương hiệu Louis Vuitton chuyên về trang phục nam, không chỉ biến cây cầu huyền thoại thành sàn diễn cho bộ sưu tập đầu tiên của mình mà ông còn biểu diễn một bản song ca ấn tượng với Jay-Z.

Sự kiện này nhanh chóng thu hút hơn một tỷ lượt xem trên mạng xã hội. Pharrell Williams là một phần của “hệ thống ngôi sao” mà các tập đoàn như LVMH và Kering bắt đầu đầu tư xây dựng và phát triển cách đây hơn một thế hệ. Kể từ khi Christian Dior, Yves Saint Laurent và các nhà thiết kế lớn khác của Pháp rời khỏi sân khấu thời trang, những tập đoàn như LVMH và Kering liên tục làm mới thương hiệu của họ với các nhà thiết kế trẻ hơn.

Tài tử Richard Gere (giữa), diễn viên Lauren Hutton và nhà thiết kế Ý Giorgio Armani (phải), 2003 (ảnh: Dave Benett/Getty Images)

Để thấy thời trang Ý bắt đầu bị lép vế như thế nào, hãy xem lại thời hoàng kim của nó. Sự kết hợp của nhiều nguồn từng đưa các nhà thiết kế hàng đầu của Ý bước lên vũ đài thế giới những năm 1980 và 1990. Đất nước này có truyền thống lâu đời về sản xuất hàng dệt may và đồ da chất lượng cao – huyết mạch của ngành công nghiệp xa xỉ – tại các nhà sản xuất gia đình tương đối nhỏ.

Đồng lira yếu giúp giảm chi phí sản xuất; và tỷ suất lợi nhuận cao cho phép các công ty đầu tư vào thế hệ nhà thiết kế mới nổi, như Armani và Gianni Versace, những người bắt đầu cho ra mắt thương hiệu riêng. Để quảng bá toàn cầu, các nhà thiết kế này đã tìm đến Hollywood. “Diện đồ” cho ngôi sao điện ảnh là một trong những chiến thuật rất thành công. Armani đã đứng ra phụ trách phần trang phục cho tài tử bô trai Richard Gere trong phim “American Gigolo” (1980), bộ phim đưa cả hai quý ông Giorgio Armani và Richard Gere nổi tiếng một phát một lên toàn cầu. Các thiết kế của Giorgio Armani bắt đầu trở thành xu hướng chủ đạo trên “văn hóa thời trang thảm đỏ”, cùng với những thiết kế của Versace.

Versace FW23, West Hollywood, California Tháng Ba 2023 (ảnh: Arturo Holmes/Getty Images)
Tom Cruise trong bộ vest Brioni – một thương hiệu Ý nay thuộc về tập đoàn Kering (nơi sở hữu Gucci, Balenciaga, Bottega Veneta, Yves Saint Laurent, Creed, Puma và Alexander McQueen) – ảnh: Jeff Spicer/Getty Images
Minh tinh Jessica Chastain trong trang phục Gucci trên thảm đỏ LHP Venice 2023 (ảnh: Franco Origlia/Getty Images)
Siêu mẫu Gigi Hadid trong một chương trình thời trang của nhà Tod’s tại ‘Milan Fashion Week – Spring / Summer 2022’ (ảnh: Pietro D’Aprano/Getty Images)

Cuối thập niên 1990, Versace thành công đến mức thậm chí tính mua Gucci. Sự kết hợp của hai trong số đối thủ nặng ký nhất trong ngành dự kiến tạo ra một tập đoàn đủ sức cạnh tranh với người khổng lồ LVMH. Kế hoạch bất ngờ bị phá sản bởi vụ sát hại Gianni Versace tại biệt thự của ông ở Miami ở tuổi 50. Em gái của Versace, Donatella Versace, đảm nhận vị trí nhà thiết kế. Tuy nhiên, thương hiệu này gặp nhiều vất vả trong việc mở rộng sang các thị trường mới và cuối cùng được Michael Kors mua lại vào năm 2018 với giá $2.1 tỷ. Trong khi đó, Gucci rơi vào tay tập đoàn Pinault của Pháp.

Những năm sau đó, nhiều thương hiệu xa xỉ của Ý bắt đầu phát hành cổ phiếu nhằm vừa có thể huy động vốn vừa không từ bỏ quyền kiểm soát của gia đình. Tuy nhiên, họ gặp khó khăn trong bối cảnh các nhà đầu tư giám sát chặt chẽ; và những thay đổi trong bối cảnh địa chính trị. Prada đã chọn sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong để phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào năm 2011. Hong Kong lại là nơi bị giằng xé bởi căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây khi Bắc Kinh thọc tay sâu kiểm soát nền dân chủ và quyền tự trị trên Hương Cảng. Nhiều nhà đầu tư đã tẩy chay sàn giao dịch Hong Kong để phản ứng chống lại Bắc Kinh và dĩ nhiên điều này ảnh hưởng đến giá trị cổ phiếu của Prada.

Cửa hàng Louis Vuitton tại South Coast Plaza, Costa Mesa, California (ảnh: Allen J. Schaben / Los Angeles Times via Getty Images)

Nói chung, cách thức kiếm vốn bằng thị trường chứng khoán của các hãng thời trang Ý là thất bại. Cổ phiếu của Tod’s, hãng nổi tiếng với thương hiệu giày đế mềm Gommino hạng sang, đã được giao dịch gần mức giá mà nó được niêm yết cách đây hơn 20 năm. Cổ phiếu của Ferragamo, nhà sản xuất đồ da ở Florentine, đã giảm giá trong nhiều năm. Prada và Zegna gần đây cố gượng dậy thông qua quan hệ đối tác.

Tháng Sáu, cả hai thương hiệu Prada và Zegna đều đầu tư vào Luigi Fedeli e Figlio, một nhà sản xuất sợi mịn và hàng dệt kim lâu đời có trụ sở tại Monza, phía Bắc Milan. Năm 2021, Zegna và Prada cũng mua phần lớn cổ phần một nhà sản xuất cashmere của Ý. Tuy nhiên, danh sách các thương hiệu Ý từng là “niềm tự hào dân tộc” bây giờ thuộc sở hữu Pháp vẫn ngày càng tăng. LVMH hiện sở hữu Bulgari, Fendi và Loro Piana. Kering sở hữu Bottega Veneta, nhà may đồ vest Brioni và nhà kim hoàn Pomellato.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: